Thứ Tư, Tháng Năm 1, 2024

Thành Lộc và nhạc, Đức Trí và kịch

Nói chuyện Thành Lộc và nhạc hay Đức Trí và kịch cứ tưởng như nhầm chuyện. Vì Thành Lộc được mệnh danh là phù thủy của sân khấu kịch, còn Đức Trí đã khẳng định tên tuổi của anh trong lĩnh vực sáng tác, đào tạo và tổ chức biểu diễn âm nhạc. Ấy vậy mà hai con người tài hoa này đã phối hợp nhuần nhị để tạo nên các vở nhạc kịch dài, mỗi vở hơn ba giờ đồng hồ và đã công diễn hàng trăm suất.

Như chúng ta đã biết, nhạc kịch là thể loại khó biểu diễn và còn hiếm hoi ở Việt Nam. Tuy nhiên, những nghệ sĩ làm kịch vẫn khao khát dựng nhạc kịch. Từ sau vở nhạc kịch đầu tiên Cô Sao (1965, Kịch bản: Đỗ Nhuận, Đạo diễn: Võ Bài), gia tài nhạc kịch của Việt Nam có hơn mươi vở: Dế Mèn phiêu lưu ký (Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TPHCM); Tuyết Sài Gòn, Tấm Cám, Thủy Tinh – Đứa con thứ 101 (nhóm kịch Buffalo, TPHCM); Hà Nội xưa và nay, Tôi đọc báo sáng nay (Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long); Trại hoa vàng, Sóng (Nhà hát Tuổi Trẻ)… Dự án “Hope” của đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh với ba vở nhạc kịch Góc phố danh vọng, Đêm hè sau cuối, Mộng ước không xa vời (diễn tại L’Espace – Hà Nội) và vở nhạc kịch Những người khốn khổ của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam là những sản phẩm gần đây nhất của nhạc kịch Việt Nam.

Một cảnh trong vở diễn Ngàn năm tình sử.

Ở TPHCM, Idecaf là một trong các sân khấu tiên phong về thể loại nhạc kịch. Bên cạnh các vở thiếu nhi thuộc chuỗi Ngày xửa ngày xưa có khuynh hướng nhạc kịch, Idecaf có ít nhất bốn vở nhạc kịch gây tiếng vang: Tin ở hoa hồng (1998, Kịch bản: Lưu Quang Vũ, Đạo diễn: Thành Lộc, Âm nhạc: Nguyễn Đức Trung), Ngàn năm tình sử (2009, Kịch bản: Nguyễn Quang Lập, Đạo diễn: Thành Lộc, Âm nhạc: Đức Trí), Tiên Nga (2017, Năm Châu – Nguyễn Thị Minh Ngọc – Nguyễn Hồng Nhung hợp soạn từ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, Biên kịch và Đạo diễn: Thành Lộc; Âm nhạc: Đức Trí), A lô! Lộ hàng! (2022, Kịch bản: Lê Hoàng, Đạo diễn: Thành Lộc; Âm nhạc: Đức Trí). Sắp tới, sân khấu Idecaf sẽ dựng một vở nhạc kịch kết hợp cải lương lấy cảm hứng từ tác phẩm điện ảnh Song Lang (2018, Đạo diễn: Leon Lê, Biên kịch: Nguyễn Thị Minh Ngọc).

Và bây giờ, chúng ta sẽ nói về mối duyên của Đức Trí với kịch và Thành Lộc với nhạc.

1. Ngàn năm tình sử là một vở kịch pha trộn các yếu tố dã sử – chính sử – cổ trang. Vở khai thác một đề tài khá mới về anh hùng Lý Thường Kiệt: tình yêu đôi lứa.

Xưa nay, chúng ta chỉ quen nghĩ về Lý Thường Kiệt với các chiến công hiển hách như bình định vùng Thanh Nghệ, chinh phạt Chiêm Thành, lãnh đạo quân dân kháng chiến chống giặc Tống hoặc bài thơ thần Nam Quốc Sơn Hà. Vở cải lương Câu thơ yên ngựa (1982, Kịch bản và Đạo diễn: Thanh Tòng) cũng khai thác các mâu thuẫn giằng xé tình nhà nợ nước giữa các nhân vật Lý Đạo Thành, Lý Thường Kiệt, Ỷ Lan, Thượng Dương… Khác với khuynh hướng tô đậm con người cộng đồng trong các tác phẩm nghệ thuật đi trước, Ngàn năm tình sử chọn trần thuật câu chuyện tình yêu sắt son giữa Ngô Tuấn (tên thật của Lý Thường Kiệt) và Thuận Khanh. Hai người yêu nhau từ buổi đầu xanh, chưa được bao lâu thì lâm cảnh biệt ly. Nàng bị tiến cung làm cung nữ, chàng tình nguyện tịnh thân để được ở gần cấm thành, gửi tiếng sáo vào chốn ở của nàng suốt 24 năm ròng. Chinh chiến qua đi, tuổi xuân phai lạt, Thuận Khanh vào chùa quy y, Lý Thường Kiệt ẩn thân rừng thẳm.

Có lẽ, điều khiến nhiều khán giả băn khoăn trước buổi biểu diễn là liệu nhạc của Đức Trí có phù hợp với một vở kịch lịch sử cổ trang? Vào thời điểm 2009, Đức Trí đã thành danh với các bản pop ballad như Có quên được đâu, Ta chẳng còn ai, Đêm nghe tiếng mưa, Khi giấc mơ về, Và em đã yêu, Lúc mới yêu, Katy Katy… Các ca khúc của Đức Trí gắn liền với các tên tuổi “ca sĩ thị trường” như Lam Trường, Thanh Thảo, Phương Thanh, Hồ Ngọc Hà, Phương Vy Idol, Quốc Thiên… Tuy nhiên, khi gắn với một vở kịch đậm chất tình như Ngàn năm tình sử, âm nhạc Đức Trí bỗng trở nên hợp lý đến kỳ lạ, thậm chí còn sang trọng.

Buổi ban đầu hẹn hò mê say rộn rã của Ngô Tuấn và Thuận Khanh tràn ngập thanh âm của Nắng có còn xuân:

“Mùa xuân ơi, ta nghe mùa xuân hát bên kia trời

Đồi núi xanh ngời

Đâu đây tiếng đàn cầm buông lả lơi

Đâu đây tiếng lòng tôi nghe tí tơi.

Và đoạn điệp khúc quá sát sườn cho một dự cảm chia cắt:

“Như xuân chờ đông tình ta còn xa quá

Nên anh chờ em chẳng biết đến bao giờ?…”

Rồi thì, khi nàng và chàng gặp lại nhau trong tình cảnh kẻ quy y người đầu bạc, ca khúc Có một chút của Đức Trí khiến cả khán phòng nhà hát Bến Thành nín lặng:

“… Con đường vẫn đơn sơ

Ta mãi hoài thương nhớ

Đêm buồn những câu thơ

Gửi cho người tình hờ…”

Ngoài tài năng của Đức Trí thì phải kể đến công chọn bài và ý tưởng chuyển hóa vũ đạo tuồng cổ thành múa hiện đại ở một số phân đoạn của đạo diễn Thành Lộc. Nhờ sự “nhẹ hóa” đó mà âm nhạc của Đức Trí trở nên mượt mà và hòa quyện với mạch kịch đến không ngờ. Tám năm sau, Đức Trí một lần nữa khẳng định mối duyên với nhạc kịch khi đảm trách phần âm nhạc của Tiên Nga. Một trong những ca khúc nổi bật do Đức Trí sáng tác riêng cho vở này là Tôi, một người mù.

2. Sau thành công của Ngàn năm tình sử, Tiên Nga, khán giả lại có dịp thưởng lãm cuộc hội ngộ giữa Đức Trí và Thành Lộc qua một vở nhạc kịch có cái tên khá trần trụi A lô! Lộ hàng! (2022).

A lô! Lộ hàng! kể những mẩu chuyện khá cũ nhưng vẫn tồn tại đầy rẫy trong showbiz hôm nay: chuyện lộ clip nóng, chuyện phi công lái máy bay, chuyện tài năng có hạn thủ đoạn vô biên, chuyện fan cuồng… Kịch còn động chạm đến sự suy đồi của nhiều tầng lớp xã hội đương thời. Xét về phương diện này, A lô! Lộ hàng! là một vở hài đen (Black Comedy). Song, mạch kịch lại có chút hơi hướm của dòng kịch phi lý (Theatre of The Absurd) khi liên tiếp đưa ra những tình huống ngớ ngẩn, phi thực tế, chẳng hạn một nữ tướng cướp U70 uy hiếp một nghệ sĩ trẻ trong khách sạn nhiều giờ liền vì bà ta có trong tay clip nóng của anh này hay một tiến sĩ đi ăn cướp điện thoại để tiếp cận người mình yêu…

Nói không ngoa, có thể xem A lô! Lộ hàng! là một vở Off-Broadway (hình thức nhạc kịch có quy mô khán phòng khiêm tốn dưới 500 chỗ ngồi) với các đặc trưng: hài kịch hiện thực; kịch phi lý; ca vũ kịch; các phần chuyển cảnh công khai, nhanh gọn và nhịp nhàng; sự ra vào hợp lý không thừa không thiếu và thay vai linh hoạt của dàn diễn viên phụ; cả tính chất thương mại của vở diễn (vở luôn trong tình trạng cháy vé và khán giả phải mua vé chợ đen). Các loại mặt nạ, các bộ pijama và váy vóc đồng phục được dàn diễn viên sử dụng đúng lúc, đồng bộ tạo nên tính biểu tượng và trường liên tưởng mạnh. Những thủ pháp trên không mới so với kịch phương Tây nhưng là cú đột phá đáng ghi nhận của đạo diễn Thành Lộc và sân khấu Idecaf, khi phần lớn các vở kịch Sài Gòn đang tập trung vào câu chuyện (stories) hơn là cách kể chuyện (narrative techniques). Vở tập trung nhiều câu thoại đời và đắt.

Với một kịch bản hài-phi lý-đen tối như A lô! Lộ hàng!, âm nhạc Đức Trí có tác dụng đưa đẩy người xem qua lại giữa hai bờ mơ – thực, tốt – xấu, trắng – đen, tạo chất thơ cho vở kịch thừa chất hiện thực. Nhạc của Đức Trí giúp khai mở cái lõi “nhân chi sơ tính bản thiện” của các nhân vật thay vì chỉ đặc tả phần nhân cách lấm lem bề ngoài của họ. Tiếng cười chua chát và u ám được lắng dịu và thanh lọc bằng một loạt các bản tình ca từng làm nên thương hiệu Đức Trí như Muộn màng là từ lúc, Vội vàng, Ai khóc nỗi đau này, Giờ em đã biết, Tôi tìm thấy tôi, Cho em một lần yêu, Nụ hôn đánh rơi, Đêm nghe tiếng mưa, Bóng mây đời tôi… Mặc dù A lô! Lộ hàng! không có được dàn nhạc sống như Ngàn năm tình sử nhưng cách hòa âm phối khí mới mẻ của Đức Trí đã khiến các bản nhạc của chính anh trở nên lạ lẫm và hiện đại so với các phiên bản trước đó. Không dùng các bài bản sẵn có mà thực hiện hẳn một quy trình sáng tác mới nhằm phù hợp với đặc thù giọng hát của nghệ sĩ và khí quyển kịch, A lô! Lộ hàng! xứng đáng được đánh giá là có sự đầu tư nghiêm túc về âm nhạc cũng như các thủ pháp nhạc kịch phương Tây.

Sau cuộc chia tay với Idecaf, Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc thông báo có sân khấu mới, sẽ thực hiện các phong cách kịch mới, trong đó có Off-Broadway. Mối duyên đẹp “kịch Đức Trí – nhạc Thành Lộc” vẫn có thể tiếp diễn. Hy vọng Thiên Đăng của anh cùng các sân khấu kịch Sài Gòn luôn sáng đèn và mãi dồi dào sinh khí.

Diễm Trang

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nỗi niềm và hy vọng từ sân khấu kịch mùa Tết

0
(KTSG Online) - Nếu diễn viên được xem là linh hồn của các vở diễn thì khán giả chính là người nuôi dưỡng nên...

Sân khấu nghệ thuật cho thiếu nhi ‘mở màn’ mùa hè...

0
Ba tháng hè là thời điểm nhiều sân khấu nghệ thuật tại TPHCM tận dụng cơ hội sáng đèn phục vụ cho trẻ em....

Sân khấu biểu diễn nghệ thuật thu hút khán giả nhí...

0
Trong kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày của năm nay, nhiều gia đình chọn cách ở lại thành phố và tham gia một...

Hấp dẫn thế hệ khán giả trẻ để giữ lửa cho...

0
Các sân khấu kịch ở TPHCM, dù sinh sau đẻ muộn hay có thâm niên hoạt động từ lâu, đang nỗ lực sáng đèn...

TPHCM: nhiều sân khấu kịch hoạt động trở lại với đa...

0
(SGTT) - Sau gần một tháng tạm ngưng biểu diễn để bảo đảm công tác phòng chống dịch, mới đây, một số sân khấu...

Hotboy, hotgirl có làm nóng sân khấu kịch?

0
NGUYỄN HUY - Các sân khấu ở TPHCM đang muốn tạo nên một sắc thái mới lạ bằng cách mời các chân dài nữ...

Kết nối