Chủ Nhật, Tháng Năm 5, 2024

Chọn con đường ít người đi

Trần Bình Minh –

Vài năm trở lại đây cụm từ “thực phẩm hữu cơ” trở thành từ khóa mới của ngành thực phẩm tại Việt Nam khi được nhắc đến liên tục trên các phương tiện truyền thông, các diễn đàn và trong suy nghĩ của người nội trợ. Mất niềm tin vào thực phẩm thường, nhiều người tiêu dùng chọn thực phẩm hữu cơ nhằm bảo vệ bản thân và gia đình trước hiểm họa hóa chất bủa vây.

Từ sự tình cờ

thay-hinh-bai-1_chonconduongitnguoidiKhi thực phẩm bẩn tràn lan, người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến thực phẩm sạch, đó cũng là cơ hội kinh doanh cho nhà sản xuất.

Một ngày đầu tháng 12-2016, chúng tôi có mặt tại trang trại hữu cơ của hệ thống phân phối thực phẩm hữu cơ Organica tại Long Thành (Đồng Nai). Cơn mưa cuối mùa vừa dứt chiều hôm trước, để lại nền đất ẩm ướt và thấm đẫm hơi ẩm. Những công nhân tại trang trại đã dậy từ 4 giờ sáng để thu hoạch những luống rau đến ngày để đưa vào khu vực sơ chế, đóng gói và đưa lên xe lạnh để vận chuyển về thành phố. Tại đây, rau được đưa đến bốn cửa hàng thuộc hệ thống Organica để bán cho khách hàng ngay trong đầu buổi sáng. “Không hóa chất” là khẩu hiệu được trang trại gắn ngay tại cửa ra vào, đó cũng là tiêu chí quan trọng nhất của canh tác nông nghiệp hữu cơ.

Organica là trang trại rau nhiệt đới đầu tiên tại Việt Nam nhận được chứng nhận hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Liên minh châu Âu (EU) và là trang trại thứ hai về rau tại Việt Nam nhận được hai chứng nhận này. Đến nay, Việt Nam cũng chỉ có năm trang trại được cấp chứng nhận hữu cơ còn nếu tính tất cả các nông sản khác, và cũng chỉ có 41 đơn vị được chứng nhận này. Gần như toàn bộ sản phẩm được chứng nhận hữu cơ của Việt Nam (trừ rau xanh) là dành cho xuất khẩu vào các thị trường cao cấp như Mỹ, EU với giá bán cao hơn nhiều so với thực phẩm thông thường.

Phạm Phương Thảo, người phụ nữ 36 tuổi, Giám đốc hệ thống phân phối thực phẩm hữu cơ Organica, cho biết việc kinh doanh trong lĩnh vực này khá tình cờ. Năm 2011 khi biết mình mang thai đứa con đầu lòng, mọi thứ xung quanh cô thay đổi hẳn so với trước. “Tôi làm gì, ăn gì, nghĩ gì cũng đều xung quanh con mình với mong muốn làm sao bảo vệ con tốt nhất, giữ cho con khỏe mạnh nhất dù vẫn đang trong bụng mẹ”, Thảo cho hay.

Việc lựa chọn thực phẩm của Thảo bỗng trở nên khó khăn và đầy thách thức, khác hẳn với trước kia. Trong bối cảnh thông tin về mất vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng hóa chất tràn lan, việc tìm được nguồn thực phẩm sạch là điều khó khăn. “Khi có con rồi, bạn sẽ nhận ra rằng sức khỏe của mình, của con là quan trọng nhất”, Thảo nói. Từ nhu cầu của mình, Thảo cho rằng nhiều người mang thai như cô cũng sẽ mong muốn có nguồn thực phẩm sạch như thế, và nhiều người khác cũng muốn có thực phẩm thực sự sạch để cho gia đình họ. Ý tưởng kinh doanh một cửa hàng thực phẩm hữu cơ ra đời như thế.

Tuy nhiên khi công việc kinh doanh phát triển Thảo nhận ra rằng nguồn rau hiện tại không đủ và không đảm bảo. Việc hợp tác với nông dân cũng không hiệu quả vì họ chưa thực sự hiểu về làm nông nghiệp hữu cơ. Vì vậy, Thảo quyết định đầu tư vào trang trại tại Long Thành (Đồng Nai) theo tiêu chuẩn hữu cơ toàn cầu.

Khi mà thực phẩm bẩn tràn lan thì người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn. Đó cũng là cơ hội kinh doanh cho những người như Thảo, những người muốn đem đến cho khách hàng những loại thực phẩm sạch thực sự. Để đối lập với thực phẩm không an toàn, không rõ ràng thì người bán sẽ gọi sản phẩm của mình là “rau an toàn”, “rau sạch” hay “rau hữu cơ” tùy thuộc vào tiêu chí trồng trọt và kinh doanh của mình.

Ông Võ Minh Khải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Viễn Phú, một trong những người tiên phong trong nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam, cho biết có sự khác nhau rất lớn giữa rau an toàn, rau sạch với rau hữu cơ. Rau sạch là khái niệm khá chung chung và rất khó định nghĩa. Đó có thể chỉ là bó rau được nhặt sạch hay rửa sạch, hoặc có thể là bó rau được kiểm soát chặt chẽ quy trình trồng trọt.

Một loại rau được coi là không sạch, không an toàn nếu như nó còn tồn dư các hóa chất trong quá trình canh tác, hàm lượng vi sinh vượt ngưỡng cho phép hay có lẫn các tạp chất. Hóa chất này đến từ phân bón hóa học, từ thuốc trừ sâu, trừ cỏ, từ chất kích thích tăng trưởng hay bảo quản. Hóa chất cũng có thể đến từ nguồn đất, nguồn nước nơi rau được trồng bị ô nhiễm.

Như vậy, rau an toàn tức là rau được trồng theo quy trình nhất định, ví dụ như tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP. Trong quá trình trồng rau được sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, trừ cỏ… nhưng có kiểm soát, trong giới hạn cho phép và được cách ly trước khi thu hoạch. Tức là nếu còn dư lượng hóa chất trong rau thì ở ngưỡng an toàn.

Trong khi đó, rau hữu cơ lại đi theo một hướng khác, đó là hướng không có hóa chất đầu vào. Tức là trong quá trình trồng rau hữu cơ sẽ không được dùng phân bón hóa học như phân đạm, NPK… không được dùng thuốc trừ sâu hóa học, không thuốc trừ cỏ, không sử dụng giống biến đổi gen… Không có hóa chất đầu vào tức là sẽ không có hóa chất trong sản phẩm.

Vì những lý do trên nên để trồng được lúa hữu cơ, Viễn Phú đã phải tìm đến tận khu vực gần rừng U Minh còn hoang sơ để làm trang trại. Ông Khải cho hay để có được diện tích trên 320 ha trồng lúa tại xã Khánh An, huyện U Minh như ngày nay, công ty đã đầu tư trên 30 tỉ đồng và mất hơn ba năm để biến vùng lau sậy hoang vu thành vùng đất bằng phẳng, lúa rau xanh tốt.

Ông Khải kể ngày mới nhận đất lau sậy nơi đây cao hơn cả xe ủi, rắn rết, ong muỗi nhiều vô kể, còn đất đai bị nhiễm phèn nặng. Khi đó nhiều công nhân lái máy ủi phải trùm mền kín từ đầu tới chân trên khoang lái mới dám đưa xe vào đầm lầy. Bản thân ông Richard de Boer, Giám đốc Control Union Vietnam, cho biết cách đây ba năm khi đến thăm nông trại Viễn Phú, ông cảm thấy quá nhiều khó khăn vì xa xôi, cách trở.

Nhưng san lấp mặt bằng, đào hệ thống kênh mương thủy lợi khử phèn mới chỉ là bước đầu, canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ mới là việc khó khăn phức tạp. Để trồng lúa theo quy trình canh tác hữu cơ phải tuân thủ các yêu cầu không được sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ hay kích thích tăng trưởng mà chỉ dùng các chế phẩm sinh học. Đây chính là lý do mà Công ty Viễn Phú phải vào tận vùng U Minh Hạ để triển khai dự án. Bởi những vùng đất canh tác từ trước đã bị tồn dư các loại phân bón và hóa chất trừ sâu, diệt cỏ, tăng trưởng, không dễ gì xử lý hết trong một vài năm. Do không sử dụng hóa chất nên việc chuẩn bị đất và chọn thời điểm gieo hạt để cây lúa có thể cạnh tranh với cây cỏ là cả một vấn đề. Những vụ lúa đầu tiên tại Nông trại Viễn Phú có những thửa ruộng chỉ cho năng suất chưa đầy 1 tấn/ha. “Nhưng đổi lại giá bán gạo hữu cơ cũng cao hơn gạo thường 2-3 lần”, ông Khải cho biết.

[box] Nhu cầu thực phẩm hữu cơ tăng nhanh trên quy mô toàn cầu

Theo Liên đoàn các phong trào nông nghiệp hữu cơ thế giới (IFOAM), năm 2016 có 172 quốc gia trên toàn thế giới ghi nhận có các mô hình canh tác nông nghiệp hữu cơ với 43,7 triệu ha đất. Tuy nhiên, diện tích canh tác hữu cơ chỉ chiếm 1% tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp toàn cầu. Thế giới có trên 2,3 triệu tổ chức, cá nhân tham gia canh tác hữu cơ, 3/4 trong số đó ở các quốc gia đang phát triển.

Ước tính doanh số thực phẩm hữu cơ toàn cầu ở mức trên 80 tỉ đô la Mỹ, trong đó Mỹ chiếm khoảng một nửa (43,3 tỉ đô la năm 2015). Nghiên cứu của TechSci Research cho biết tốc độ tăng trưởng ngành thực phẩm hữu cơ toàn cầu giai đoạn 2015-2020 là 16%.[/box]

Chiến lược dài hơi

Nói về bước khởi nghiệp của mình, Thảo của Organica cho biết sản xuất nông nghiệp đi theo hai hướng chính. Một là ứng dụng công nghệ cao, có sử dụng hóa chất đầu vào nhưng có kiểm soát để nâng cao năng suất, tạo ra những sản phẩm có chất lượng, an toàn cung cấp cho đại bộ phận dân chúng. Hướng còn lại đi theo con đường không có hóa chất, gian khổ hơn nhưng tạo ra những sản phẩm thực sự sạch. Không chỉ vậy, làm thực phẩm hữu cơ còn góp phần cải tạo môi trường đất, môi trường nước…

Khi Thảo có ý tưởng kinh doanh thì các cụm từ như rau sạch, rau an toàn đã khá phổ biến nhưng lại không có gì để xác định rõ. Do đó, cô quyết định chọn hướng mà ít người làm nhưng tự hứa với mình là làm bài bản và làm thật. “Đó là lý do vì sao tôi chọn thương hiệu bán lẻ thực phẩm hữu cơ là Organica, gồm Organic là thực phẩm hữu cơ và chữ A có nghĩa là phẩm chất, chất lượng hạng A. Đó cũng chính là tôn chỉ mục đích kinh doanh của công ty tôi”, Thảo nói.

TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, nhận định nông nghiệp hữu cơ nói riêng và thực phẩm hữu cơ nói chung sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới vì nhu cầu của tiêu dùng. “Hóa chất tràn lan mất kiểm soát, ăn uống hàng ngày mà cứ như ăn chất độc hỏi sao ung thư không tăng lên chóng mặt như vậy. Để bảo vệ mình người dân sẽ chọn những loại thực phẩm thực sự an toàn như hữu cơ để sử dụng”, ông Nghĩa nói.

Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng, làm hữu cơ không hề đơn giản nên cần phải có những bước đi thận trọng. Yêu cầu để có được tiêu chuẩn hữu cơ khắt khe ngay từ khi chọn đất. Nơi đó phải không có dư lượng hóa chất, kim loại nặng trong đất và nước tưới, phải cách xa các khu vực canh tác thông thường khác để tránh bị lây nhiễm chéo. “Khó khăn nữa là giá bán của các loại thực phẩm hữu cơ vẫn còn cao hơn thực phẩm thường 1,5-3 lần. Tất nhiên tiền nào của đó nhưng không phải ai cũng hiểu thực phẩm hữu cơ để mua và cũng không phải ai cũng có đủ tiền để dùng thực phẩm hữu cơ hàng ngày”, ông Nghĩa nói.

Còn GS. Nguyễn Quốc Vọng (Đại học RMIT Úc) cho biết, thực phẩm hữu cơ là trào lưu của thế giới, nhưng cũng cần phải thận trọng khi đầu tư hay kinh doanh. Phần lớn người tiêu dùng vẫn cần các loại thực phẩm có kiểm soát, an toàn với giá cả phải chăng. Chỉ một bộ phận nhỏ có nhu cầu và khả năng tiếp cận thực phẩm hữu cơ. Làm nông nghiệp hữu cơ cũng có nhiều khó khăn trong kiểm soát sâu bệnh, năng suất thấp và thị trường còn nhỏ. Vì vậy, các nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi bắt đầu bởi cuối cùng yếu tố kinh tế vẫn là quan trọng nhất.

[box type=”info”] Việt Nam có trên 43.000 ha đất canh tác nông nghiệp hữu cơ. Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), VN đã có 41 chứng nhận hữu cơ của tổ chức này, chủ yếu là các sản phẩm xuất khẩu như dầu dừa, khoai mì, tiêu, hạt điều, lúa gạo.[/box]

Ông Khải của Công ty Viễn Phú cho rằng, phong trào sản xuất và kinh doanh thực phẩm hữu cơ đang bùng nổ tại Việt Nam là một điều tốt nhưng cũng chứa đựng những rủi ro cho sự phát triển lành mạnh của ngành. “Tôi có khảo sát thì đa số người bán thực phẩm hữu cơ đều tự phong chứ không có tổ chức nào chứng nhận cho sản phẩm của họ. Nhà nước cũng chưa có một quy định cụ thể nào về thực phẩm hữu cơ nên mạnh ai nấy bán. Điều này rất nguy hiểm như các phong trào rau sạch trước đây khi người bán trộn rau không rõ nguồn gốc bán với giá cao dẫn tới mất niềm tin ở người tiêu dùng”, ông Khải cảnh báo.

Còn Thảo của Organica cho rằng, thị trường thực phẩm hữu cơ của Việt Nam mới ở trong giai đoạn bắt đầu. Khi sự quan tâm của cộng đồng với thực phẩm này tăng lên thì sẽ có nhiều đơn vị tham gia kinh doanh, đó là điều bình thường. Trong giai đoạn này, càng nhiều đơn vị tham gia thì công sức và nỗ lực của mỗi doanh nghiệp trong việc tiếp cận thị trường sẽ đỡ vất vả hơn là làm một mình. Nhiều doanh nghiệp tham gia cũng có nghĩa là nhiều người tiêu dùng hơn biết và hiểu về thực phẩm hữu cơ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Gợi ý 4 kiểu trang điểm nhẹ nhàng đi chơi cuối...

0
(SGTT) - Cuối tuần là dịp mà nhiều cô nàng dành thời gian cho những cuộc hẹn hay xuống phố dạo chơi. Một chút...

Nhiều người ngại sinh con: ‘báo động đỏ’ cho nguồn cung...

0
(SGTT) - Tỷ lệ sinh bắt đầu giảm trong bối cảnh dân số ngày một già đi khiến các nhà lãnh đạo lo ngại...

Ghé ‘xứ Tiên’ thăm làng cổ Lộc Yên

0
(SGTT) - Làng cổ Lộc Yên thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, gây ấn tượng với du khách bởi những...

Trưa cuối tuần thử lẩu vịt om măng

0
(SGTT) – Với vị chua thanh đặc trưng từ măng, hòa quyện cùng vị ngọt thịt vịt, lẩu vịt om măng hứa hẹn mang...

Đến Gia Lai ngắm những ‘ô màu’ vàng xanh trên ruộng...

0
(SGTT) – Ngoài miền Bắc, thì ít ai nghĩ rằng đại ngàn Tây Nguyên cũng được “điểm xuyết” bởi những thửa ruộng bậc thang...

Bữa sáng Sài Gòn: Quán bún riêu 50 năm giữ vị...

0
(SGTT) - Từ gánh bún bán dạo ở khu vực chợ Bến Thành hơn 50 năm trước, bà Mai Thị Liên duy trì hương...

Kết nối