Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch do dịch Covid-19: Nhìn từ các quốc gia trên thế giới

(SGTT) – Một số quốc gia trên thế giới cũng đã đưa ra chính sách hỗ trợ dành cho nhóm đối tượng lao động, hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 với điều kiện chỉ cần cung cấp thẻ hành nghề là đủ.

Các quốc gia trên thế giới đang thực hiện các gói hỗ trợ khác nhau cho lực lượng hướng dẫn viên tùy theo điều kiện của đất nước họ. Tuy nhiên, nhìn chung thì chính sách hỗ trợ cho người lao động là hướng dẫn viên du lịch với điều kiện “dễ thở” hơn.

Theo thông tin trên website của Tổng cục du lịch Scotland, Chính phủ nước này đã chi 3 triệu bảng Anh cho việc hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch của họ.

Trong khi đó tại Anh, theo thông tin trên trang website của Hội đồng Du Lịch thế giới, quốc gia này đã chi hỗ trợ số tiền 2.500 bảng/tháng/người, tương đương 75 triệu đồng/tháng, cho nhóm đối tượng là hướng dẫn viên du lịch.

Điều đặc biệt, cả ở Anh và Scotland, hướng dẫn viên du lịch được liệt kê vào nhóm ngành bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cùng với các nhóm đối tượng thuộc ngành khác như khách sạn, hàng không nên những người lao động trong lĩnh vực này đều được hỗ trợ như nhau và thủ tục vô cùng đơn giản, họ (hướng dẫn viên) chỉ cần cung cấp thẻ hướng dẫn viên cho cơ quan nhà nước là được nhận hỗ trợ.

Chị Nari cùng khách du lịch đi trượt tuyết. Ảnh: NVCC

Qua trao đổi với người viết, chị Hwang Nari, một hướng dẫn viên tại Hàn Quốc cho biết: “Chính phủ Hàn Quốc đã có hành động rất kịp thời khi có gói hỗ trợ cho lực lượng hướng dẫn viên có thẻ làm việc còn thời hạn và hợp pháp. Cụ thể, mỗi hướng dẫn viên đã được nhận 1,5 triệu Won, tương đương với 30 triệu đồng. Số tiền này được nhận làm 3 đợt và đã xong”.

Chị Nari cũng cho biết thêm, thủ tục nhận tiền khá đơn giản. “Hướng dẫn viên chỉ cần cung cấp thẻ hành nghề cộng với bất cứ minh chứng nào thể hiện họ có hành nghề hướng dẫn viên như xác nhận của công ty, biên bản nhận tour, hình ảnh khi đi tour hay thậm chí là sao kê ngân hàng thể hiện họ có nhận thu nhập từ công ty du lịch, nơi mà họ hợp tác đi tour”, chị Nari nói.

Anh Dominic trong một lần đi tour. Ảnh: NVCC

Đối với Pháp, một quốc gia có nền du lịch rất phát triển và lực lượng hướng dẫn viên của họ rất hùng hậu, nhưng họ lại có gói hỗ trợ rất tốt dành cho hướng dẫn viên. Theo đó, nếu là hướng dẫn viên chính thức của một công ty thì họ sẽ nhận được đầy đủ lương như bình thường. Trong đó, Chính phủ hỗ trợ thanh toán 70%, 30% còn lại sẽ do công ty chủ quản thanh toán cho hướng dẫn. Còn trường hợp hướng dẫn viên hoạt động tư do thì sẽ nhận được 1.500 euro/tháng, tương đương 39 triệu đồng, kéo dài từ tháng 3-2020 đến tháng 7-2021.

“Chúng tôi chỉ cần cung cấp thẻ hành nghề cho cơ quan nhà nước là sẽ nhận được khoản hỗ trợ. Hàng tháng, số tiền này sẽ được chuyển vào tài khoản ngân hàng của chúng tôi. Tuy không nhiều, nhưng nó đủ để giúp chúng tôi duy trì cuộc sống, vượt qua đại dịch”, anh Dominic, một hướng dẫn viên gốc Việt tại Pháp cho biết.

Anh Dominic cho biết thêm hướng dẫn viên chỉ cần cung cấp thẻ hành nghề và giấy xác nhận có hợp tác tour với một công ty du lịch bất kỳ là sẽ nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ.

Ngoài hình thức hỗ trợ trực tiếp bằng tài chính, một số quốc gia khác lại có cách tiếp cận cũng khá hay. Ví dụ như Bồ Đào Nha, Chính phủ nước này cung cấp các khóa học trực tuyến miễn phí cho lực lượng hướng dẫn viên liên quan đến du lịch hay các mảng khác.

Các khóa học này kéo dài 80 giờ và tính từ tháng 4-2020 đến nay, đã có hơn 150.000 người theo học. Các khóa học này tương đương với trình độ nghề nghiệp cấp 5 và họ hoàn toàn có thể chuyển sang làm một công việc khác trong lúc này và quay lại nghề hướng dẫn viên sau này nếu muốn.

“Để đăng ký khóa học, hướng dẫn viên chỉ cần vào trang web được nhà nước gửi đến, cung cấp một số thông tin cá nhân và thẻ hướng dẫn là được chấp nhận”, anh Nuno, một người bạn của tôi là hướng dẫn viên tại Lisbon, Bồ Đào Nha xác nhận.

Anh Nuno và khách du lịch. Ảnh: NVCC

Tại Singapore lại có phương án mà tôi nhận thấy cũng rất hoàn hảo. Bên cạnh việc hướng dẫn viên được hỗ trợ số tiền lên đến 9.000 đô la Singapore (đô la Sing), tương đương 144 triệu đồng, chia làm nhiều lần, họ còn được cho học một nghề khác hoàn toàn miễn phí và tặng thêm học phí.

“Chồng tôi cũng là hướng dẫn viên, trong mùa dịch này, anh ấy học thêm khóa spa do nhà nước tổ chức, được miễn học phí khóa học này là 3.000 đô la Sing. Ngoài ra, nhà nước còn hỗ trợ một số tiền bằng với học phí đó nữa. Tức là tổng cộng, chồng tôi nhận được 12.000 đô la Sing từ Chính phủ. Còn bản thân tôi thì đi làm tình nguyện cho một trung tâm y tế, và cũng được trả 15 đô la/giờ. Việc hỗ trợ này là vô cùng quan trọng với gia đình chúng tôi so với cuộc sống đắt đỏ ở Singapore”, bạn tôi – chị Anne, một hướng dẫn viên gốc Việt tại Singapore cho biết.

Ngoài ra, chị Anne cũng cho biết thêm, lúc làm thủ tục nhận hỗ trợ, chị không gặp bất cứ trở ngại nào. Hướng dẫn viên chỉ cần cung cấp thẻ hành nghề cộng với biên bản giao nhận tour từ công ty (job order) mà không cần hợp đồng lao động vì hầu hết hướng dẫn viên tại Singapore là theo dạng tự do.

Theo Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 7-7-2021, hướng dẫn viên du lịch ở Việt Nam sẽ được hỗ trợ một lần với số tiền là 3.710.000 đồng.

Tuy nhiên, qua hơn hai tháng triển khai, con số hướng dẫn viên du lịch tại Việt Nam được hỗ trợ còn quá ít bởi gặp phải nhiều vướng mắc trong yêu cầu thủ tục. Nguyên do chính là do đa phần hướng dẫn viên (khoảng 90%) hoạt động tự do, chưa là hội viên của Hiệp hội/chi hội hướng dẫn viên nên không đủ điều kiện nhận hỗ trợ.

Thiết nghĩ, việc hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động theo tinh thần Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ mang ý nghĩa nhân văn nhằm hỗ trợ nhóm đối tượng này phần nào vượt qua khó khăn do dịch Covid-19.

Vì thế, mong rằng Nhà nước nên có giải pháp để “gỡ vướng” nhằm hỗ trợ được cho hướng dẫn viên để họ sớm vượt qua khó khăn.

Nguyễn Đại Lưỡng

Mời đón xem tọa đàm: Bàn cách gỡ vướng để HDV du lịch nhận hỗ trợ do Covid-19

Vào lúc 9:30 Chủ nhật, ngày 12-9-2021, Sài Gòn Tiếp Thị cùng Sáng kiến Điểm đến an toàn sẽ tổ chức chương trình Chat với doanh nhân du lịch xoay quanh chủ đề: Bàn cách gỡ vướng để hướng dẫn viên du lịch nhận hỗ trợ do Covid-19. Chương trình được phát livestream trực tiếp trên fanpage Sài Gòn Tiếp Thị.

Chương trình do Sài Gòn Tiếp Thị cùng Sáng kiến Điểm đến an toàn thực hiện và nằm trong loạt nội dung “Họ sống thế nào trong đại dịch” của Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, có sự đồng hành phát trên kênh fanpage VTC News và fanpage Đài Truyền hình Hậu Giang.

Khách mời lần này của chương trình là anh Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế; anh Phan Bửu Toàn, Chi hội trưởng Chi hội HDV, Hiệp hội Du lịch TPHCM và anh Nguyễn Đức Chí, chuyên gia du lịch, nguyên Phó phòng Lữ hành, Sở du lịch TPHCM. Anh Nguyễn Đại Lưỡng, cựu hướng dẫn viên du lịch của BenThanh Tourist, sẽ là người dẫn chuyện cùng với các khách mời.

2 BÌNH LUẬN

  1. Hy vọng những điều này sẽ được các cấp lãnh đạo ghi nhận và thực hiện việc đơn giản hoa thủ tục hành chính để ACE HDV DL nhanh chóng nhận được Tiền Hỗ trợ của CP. Rất mong tinh thần của bài viết sẽ đồng hành với tác giả trong buổi Tọa đàm . Trân trọng cảm ơn anh

  2. Về cơ bản, gói hỗ trợ là dành cho HDV đã lao động bằng nghề Hướng dẫn trong thời gian trước dịch bệnh xảy ra. Vậy nên yêu cầu cung cấp HĐLĐ thì đúng, còn không có HĐLĐ thì cung cấp thẻ Hội/chi hội Du lịch là viển vông. Bởi người sở hữu thẻ Hội/chi hội chưa chắc đã tham gia đi tour, đây là một thực tế.
    Vậy nên nếu yêu cầu chặt chẽ thì HDV phải cung cấp HHĐLĐ. Còn không thì bỏ luôn yêu cầu này, bởi thực tế HDV tự do khi hết tour, nhiều công ty Du lịch yêu cầu HDV phải nộp lại giấy tờ đi tour và HĐ tour, nên họ không còn được nắm giữ HĐ tour /HĐLĐ để chứng minh.
    Từ khi luật Du Lịch cho các địa phương thành lập Hiệp/chi hội Du Lịch, tổ chức này ở nhiều địa phương chỉ thành lập trên danh nghĩa mà có rất ít hoặc chưa có các hoạt động thiết thực nào như: trợ giúp công việc hay đào tạo nâng cao trình độ, cập nhật thông tin kinh tế, thời sự xã hội, văn hóa, tôn giáo…hay là các hoạt động thăm hỏi động viên sức khỏe, động viên hoàn cảnh HDV có gia cảnh khó khăn, hoạt động giao lưu thể thao… trong tổ chức của họ. Nên không có nhiều HDV hào hứng tham gia.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Lượng hàng tồn trên thế giới tăng gần 30% so với...

0
(SGTT) - Lượng hàng tồn trên toàn cầu đạt 2.200 tỉ đô la vào tháng 3-2023, mức cao nhất trong 10 năm. Đến tháng...

Chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B

0
Trong phiên họp thứ 20 diễn ra chiều 3-6, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất chuyển bệnh Covid-19 từ...

Các loại vaccine phòng Covid-19 “made in Vietnam” giờ ra sao?

0
(SGTT) - Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020, các công ty trong nước tham gia quá trình nghiên cứu và phát...

Đà Nẵng: Chợ Hàn hút du khách trở lại sau hai...

0
Chợ Hàn – ngôi chợ truyền thống tại Đà Nẵng được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến – bắt đầu thu...

Khi nào đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc?

0
Hôm 5-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với đại...

Đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y...

0
Tối ngày 5-5 (giờ Việt Nam), Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus chính thức tuyên bố đại...

Kết nối