Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Hàng loạt vướng mắc làm hướng dẫn viên khó nhận hỗ trợ, Sở Du lịch tìm cách ‘gỡ’

Có rất nhiều vướng mắc trong yêu cầu thủ tục khiến hướng dẫn viên (HDV) du lịch bị mất việc do dịch Covid-19 không thể nhận hỗ trợ từ gói an sinh xã hội.

Trong đó, hai khó khăn lớn hiện nay khiến nhiều HDV chưa thể nhận hỗ trợ là người lao động không thể công chứng hợp đồng lao động trong giai đoạn giãn cách và có nhiều yêu cầu quá chi tiết trong hợp đồng.

Theo Sở Du lịch TPHCM, cơ quan này đã đề xuất với Tổng cục Du lịch các biện pháp để tháo gỡ khó khăn, giúp hướng dẫn viên sớm nhận được hỗ trợ để vượt dịch.

Hướng dẫn viên hướng dẫn khách tham quan tại TPHCM trước dịch Covid-19. Ảnh: Đào Loan

Hàng ngàn hồ sơ xin hỗ trợ, nhiều hồ sơ “vướng”

Trao đổi với KTSG Online về việc nhận hỗ trợ của hướng dẫn viên du lịch, đại diện Sở Du lịch TPHCM cho biết, cơ quan này đã thẩm định và phê duyệt 7 đợt, với 530 hồ sơ.

Trong đó, hồ sơ của 385 hướng dẫn viên đã được phê duyệt với tổng kinh phí hỗ trợ là 1.430.560.000 đồng, 114 hồ sơ đã thẩm định đạt và đang trình phê duyệt.

Ngoài ra, Sở này còn hỗ trợ giải đáp hồ sơ qua email, form trên hệ thống và đã tiếp nhận gần 1.800 hồ sơ. Trong đó có 1.229 hồ sơ đủ điều kiện, 264 trong số này đã được gửi về Sở và cũng đã được phê duyệt kinh phí hỗ trợ.

Theo Sở Du lịch TPHCM, nguyên nhân khiến nhiều hồ sơ không được phê duyệt hỗ trợ là do chưa đảm bảo các điều kiện nhận hỗ trợ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, có những người không có hợp đồng lao động với doanh nghiệp lữ hành, hợp đồng lao động không đúng quy định hoặc không có thẻ hội viên của tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch.

Tuy nhiên, trên thực tế, trong nhiều trường hợp, hướng dẫn viên du lịch không thể cung cấp đủ các thủ tục để được nhận hỗ trợ là do điều kiện khách quan.

Nhiều người không thể có hợp đồng lao động vì hầu hết công ty du lịch đã tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể.

Thêm vào đó, đa số hướng dẫn viên đi tour ngắn hạn, hợp đồng theo tour nộp lại ngay cho công ty sau khi quyết toán tour. Trong trường hợp không nộp lại, người đó cũng không giữ lại hợp đồng theo năm nên đến thời điểm này hợp đồng đã hết hạn.

Một số người đã đề nghị công ty cấp lại hợp đồng nhưng được thông báo “chờ qua dịch tính”, có trường hợp trụ sở chính của công ty đặt ở địa phương khác nên không có con dấu tại TPHCM, có nơi con dấu của công ty do kế toán giữ và không biết phải cấp hợp đồng như thế nào trong giai đoạn giãn cách hiện tại…

Hướng dẫn viên cũng gặp khó khăn trong việc trong việc gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ đến Sở Du lịch qua đường bưu điện hoặc trực tiếp hay phải thực hiện sao y chứng thực tại địa phương hoặc văn phòng công chứng theo quy định vì TPHCM đang trong giai đoạn giãn cách.

Đề xuất gỡ khó

Theo Sở Du lịch TPHCM, theo quy định để được nhận trợ cấp của Chính phủ, hướng dẫn viên chỉ cần có giấy đề nghị và hợp đồng lao động hoặc giấy đề nghị và thẻ hội viên của tổ chức xã hội nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch.

Vì vậy, với hướng dẫn viên có hợp đồng lao động trong thời gian có hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-2020 đến thời điểm nộp hồ sơ là hợp lệ.

Tuy nhiên, với những người không thể đáp ứng yêu cầu về hồ sơ do điều kiện khách quan thì cơ quan quản lý cấp trên cần phải tháo gỡ vướng mắc về thủ tục.

Sở Du lịch TPHCM đã đề xuất với Tổng cục Du lịch một số biện pháp tháo gỡ. Trong đó, đề nghị cho doanh nghiệp lữ hành tự đối chiếu bản chính hợp đồng lao động, chứng thực sao y bằng dấu mộc của công ty.

Điều này sẽ giúp hướng dẫn viên giải quyết khó khăn về việc phải công chứng sao y hợp đồng lao động trong thời gian giãn cách.

Liên quan đến hợp đồng lao động giữa hướng dẫn viên và doanh nghiệp lữ hành, Sở Du lịch TPHCM đề nghị đơn giản hóa nhiều nội dung, chỉ yêu cầu ghi đầy đủ 7 thông tin, gồm:

  • Thông tin về tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động.
  • Thông tin về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động.
  • Công việc và địa điểm làm việc.
  • Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.
  • Thời hạn của hợp đồng lao động.
  • Mức lương theo công việc.
  • Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

Những nội dung về chế độ nâng bậc, nâng lương; trang bị bảo hộ lao động cho người lao động và đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề thì không nên yêu cầu phải ghi.

Quy trình thủ tục

Dưới đây là quy trình được Sở Du lịch TPHCM hướng dẫn cho hướng dẫn viên du lịch thực hiện để nhận hỗ trợ như sau:

Bước 1: Gửi trước hồ sơ đề nghị hỗ trợ gửi bằng hình thức trực tuyến qua cổng thông tin tiếp nhận hỗ trợ: https://forms.gle/dk2fd2e8yrJmns8D9 (với hướng dẫn viên tự do), qua email: huongdanvientphcm@gmail.com (với các đơn vị: doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, Chi hội Hướng dẫn viên du lịch).

Mục đích của bước này là để thẩm định trước các điều kiện nhận hỗ trợ và có hướng dẫn điều chỉnh, bổ sung (nếu có) về thành phần hồ sơ đúng theo quy định.

Sở Du lịch sẽ có thông báo trả lời cho các đơn vị, hướng dẫn viên qua email khi tiếp nhận được hồ sơ từ các đơn vị, hướng dẫn viên du lịch.

Bước 2: Sau khi nhận được thông báo của Sở Du lịch, các đơn vị, hướng dẫn viên nộp lại 01 bộ hồ sơ giấy qua đường bưu điện đến Sở Du lịch để hoàn chỉnh hồ sơ:

+ Tên bì thư ghi rõ: Hồ sơ đề nghị hỗ trợ hướng dẫn viên – tên đơn vị nộp hoặc tên hướng dẫn viên.

– Địa chỉ tiếp nhận: Sở Du lịch TPHCM, địa chỉ: 140 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM.

Trong trường hợp hướng dẫn viên đảm bảo đủ các điều kiện và có đủ hồ sơ theo quy định thì có thể nộp bưu điện đến Sở Du lịch TPHCM, không nhất thiết phải gửi hồ sơ để thẩm định trước qua cổng thông tin hỗ trợ online hoặc e-mail.

Theo cơ quan này, hướng dẫn viên nên gửi hồ sơ trực tuyến trước để Sở Du lịch TPHCM tư vấn nhằm giúp hoàn thiện hồ sơ, tránh những sai sót không đáng có, giúp hướng dẫn viên không phải đi lại nhiều mà chỉ cần gửi hồ sơ gốc một lần là được duyệt.

Đào Loan

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Buýt vi vu: Khám phá những mảng xanh ở TPHCM cùng...

0
(SGTT) - Trên hành trình vi vu từ quận 1 đến bến xe An Sương (huyện Hóc Môn) cùng xe buýt số 65, du...

Dấu xưa – Hồn phố: Tìm về ngôi chùa cổ xưa...

0
(SGTT) - Tọa lạc trên đường Đặng Văn Bi, thành phố Thủ Đức, chùa Huê Nghiêm (còn gọi là Huê Nghiêm cổ tự) là...

Đi bộ tìm hiểu cộng đồng người Minh Hương khu vực...

0
(SGTT) – Đi bộ tìm hiểu về cuộc sống của cộng đồng người Minh Hương tại khu vực chợ Lớn là hành trình mới...

Buýt vi vu: Khám phá những khu chợ lâu đời ở...

0
(SGTT) - Tuyến xe buýt số 8 có lộ trình từ bến xe quận 8 đến bến xe Đại học quốc gia. Dọc theo...

Về Củ Chi, sống lại không khí đêm ở chiến khu...

0
(SGTT) - Tái hiện khung cảnh người dân Củ Chi đào địa đạo, xay lúa, đan lát… trong thời kháng chiến chống Mỹ là...

Kèn hồng bắt đầu khoe sắc ở trung tâm TPHCM

0
(SGTT) – Thời điểm này, một số cây kèn hồng trên tuyến đường Hàm Nghi (quận 1, TPHCM) bắt đầu khoe sắc hoa. Con...

Kết nối