Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Bộ tiêu chí xanh hướng tới du lịch bền vững của Quảng Nam sẽ gồm những gì?

(SGTTO) – Hiệp hội Du lịch Quảng Nam dự kiến công bố bộ tiêu chí du lịch xanh, bền vững vào tháng 9 tới. Hiện nay, lãnh đạo hiệp hội đang làm việc với các đơn vị tư vấn cũng như hướng dẫn các doanh nghiệp thành viên để xây dựng một bộ tiêu chí phù hợp.

Theo thông tin từ Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, bộ tiêu chí du lịch xanh là quan trọng trong bước đi tái cơ cấu du lịch, đẩy mạnh sản phẩm du lịch xanh đã được Quảng Nam manh nha thực hiện trong thời gian qua.

Quảng Nam là địa phương đang hướng đến phát triển du lịch xanh.
Những ví dụ “xanh”

Trong những năm qua, nhà hàng The Field tại thành phố Hội An được vận hành theo mô hình kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững.

Những quy trình phân loại rác, đo lường khối lượng chất thải hàng ngày, sử dụng rác phát sinh từ bếp như rau củ được ủ tại chỗ thành phân hữu cơ để bón vườn rau và hệ thống cây xanh trong nhà hàng. Nhà hàng dùng vỏ trái cây làm chất tẩy sinh học trong việc làm sạch khu vực vệ sinh, bếp. Dầu ăn qua sử dụng được thu gom làm xà phòng tái chế để sử dụng lại trong nhà vệ sinh, bếp và bar.

Đội ngũ The Field đã từ chối được 100% rác thải nhựa dùng một lần, giảm thiểu được 90% bao bì dùng một lần từ các nhà cung ứng và 50% từ bếp phát sinh ra môi trường. Ảnh: The Field

Nhà hàng The Field cũng đã xây dựng được một hệ thống xử lý nước thải với những thiết bị tách mỡ tại chỗ trong bếp. Nước thải sẽ tiếp tục được làm sạch qua hệ thống bể lọc trước khi được tái sử dụng vào mục đích chắm sóc cây cối của nhà hàng.

Đến nay The Field đã từ chối được 100% rác thải nhựa dùng một lần, giảm thiểu được 90% bao bì dùng một lần từ các nhà cung ứng và 50% từ bếp phát sinh ra môi trường.

Anh Phan Xuân Thanh, chủ nhà hàng, cho biết những quy trình này anh áp dụng sau khi đi “tu nghiệp” ở Nhật về.

Cũng từng tham gia chuyến đi Nhật để học hỏi những mô hình kinh tế du lịch bền vững, anh Phạm Vũ Dũng, chủ khách sạn Hoi An Chic, đã xây dựng một khách sạn nằm giữa cánh đồng với tiêu chí không rác thải bên cạnh một nhà hàng “xanh”.

Hàng ngày, rác thải tại khu vực nhà hàng và bếp đều được phân loại: rác hữu cơ cho trùn quế và rác hữu cơ nuôi gia súc. Riêng những loại rác khó phân hủy được để riêng.

Sau khi phân loại, rác hữu cơ cho trùn quế được đem đến vườn KyBiMơ – thuộc hệ thống Hội An Chic – để ủ làm thức ăn cho trùn quế. Quá trình này tạo ra loại phân trùn quế dùng để bón trở lại cho vườn rau và cây ăn trái. Chính các loại rau củ quả từ khu vườn này sẽ là nguyên liệu để chế biến món ăn phục vụ khách hàng của Hội An Chic.

“Sau khi đạt được những hiệu quả kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng cách áp dụng các tiêu chí của kinh tế tuần hoàn là từ chối, giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế trong mô hình kinh doanh của mình, chúng tôi mong muốn đóng góp nhiều hơn trong việc bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, môi trường sống bằng cách chia sẻ những kinh nghiệm thực tế và lan toả rộng rãi trong cộng đồng tại Hội An và toàn quốc”, anh Thanh tâm sự.

Còn anh Dũng cho biết sẵn sàng chia sẻ quy trình này tại Hoi An Chic và KyBiMơ cho những doanh nghiệp quan tâm đến đầu tư du lịch xanh.

Một bộ tiêu chí du lịch xanh phù hợp

Tại buổi hội thảo bàn cách kích cầu du lịch diễn ra ở Hội An vừa qua, anh Thanh, với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, chia sẻ rằng hậu Covid-19 là cơ hội tốt để du lịch Quảng Nam tái cơ cấu, đẩy mạnh sản phẩm du lịch xanh đã được manh nha thực hiện trong thời gian qua.

Một quy trình trong xử lý rác thải, tạo vòng tuần hoàn giá trị ở Hoi An Chic.

Anh Thanh nói: “Việc xây dựng thương hiệu du lịch xanh, bền vững cho Quảng Nam là hết sức cấp thiết. Chúng ta xây dựng sản phẩm xanh đặc thù cho Quảng Nam. Chúng ta có những hành động cụ thể trong đầu tư và kinh doanh như bảo vệ môi trường, thực hành nhân văn trong du lịch, sử dụng hiệu quả và tái tạo tài nguyên, năng lượng tái tạo, tuần hoàn chất thải, xu hướng hữu cơ, thân thiện tự nhiên, đàn hồi, giảm áp lực đến di sản và tuân thủ quy luật tự nhiên”. Những điều trên giúp du lịch Quảng Nam hướng đến mục tiêu kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.

Để làm được điều này, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đưa ra một số giải pháp:

-Xây dựng dữ liệu thông tin, phân tích thị trường dựa vào dữ liệu lớn.

-Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu theo một vòng tròn khép kín, khởi đầu từ thông điệp Quảng Nam điểm đến xanh, hình ảnh thương hiệu, thiết kế ứng dụng, tặng phẩm, quà tặng khuyến mãi và kết thúc với thương hiệu nhánh.

-Xây dựng dòng sản phẩm xanh, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

-Nhà nước và doanh nghiệp cùng đồng hành để xây dựng cơ chế quản lý điểm đến xanh.

-Thay đổi nhận thức, tạo đồng thuận cộng đồng trong hành động. 

“Chúng tôi đang được tư vấn từ Chương trình Thụy sĩ về phát triển du lịch bền vững (SSTP) để xây dựng bộ tiêu chí này”, anh Thanh nói.

Ông Hà Thanh Hải, chuyên gia của SSTP, cho biết có 6 bộ tiêu chí phát triển du lịch bền vững, dành cho du lịch cộng đồng, khách sạn vừa và nhỏ, nhà nghỉ sinh thái, lữ hành, lưu trú nhà dân (homestay) và điểm tham quan.

Mỗi loại hình hoạt động sẽ có chủ đề, tiêu chí và chỉ dẫn riêng. Ví dụ, lĩnh vực khách sạn vừa và nhỏ có 8 chủ đề cần quan tâm, bao gồm tiết kiệm điện, tiết kiệm nước, quản lý và xử lý chất thải rắn, quản lý và xử lý nước thải, quản lý và xử lý hóa chất, chất độc hại, kiểm soát và quản lý ô nhiễm tiếng ồn và ô nhiễm không khí, các hoạt động bảo vệ môi trường khác và phát triển nguồn nhân lực.

“Chúng tôi sẵn sàng giúp các doanh nghiệp tại Quảng Nam tiếp cận bộ tiêu chí này và giúp doanh nghiệp được SSTP công nhận là doanh nghiệp du lịch bền vững”, ông Hải cho biết.

Trước những vấn đề môi trường, việc phát triển kinh tế tuần hoàn hướng đến du lịch xanh, bền vững là cần thiết, trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Việc vinh danh và đề cao những mô hình du lịch xanh, thân thiện với môi trường là mục đích trọng tâm trong dự án “Hành trình nối những miền xanh” của Sài Gòn Tiếp Thị với mong muốn chung tay với các cá nhân, doanh nghiệp hiện thực hóa khái niệm “du lịch xanh” ở Việt Nam.

Nhân Tâm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Đến Huế xem triển lãm ảnh lịch sử Việt Nam của...

0
(SGTT) – Triển lãm ảnh của nhiếp ảnh gia (NAG) người Đức Thomas Billhardt (sinh năm 1937) mang tên “Tái ngộ Việt Nam” khai...

Tổng giám đốc HSBC: Năm 2022 GDP Việt Nam có thể...

0
(SGTT) – Ông Tim Evans, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, vừa đưa ra một số dự báo về kinh tế và...

Việt Nam có thể sẽ thiếu hụt khoảng 45.900 trẻ sơ...

0
(SGTTO) - Việt Nam có tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh cao thứ ba trên thế giới và ước tính dựa trên...
thánh địa mỹ sơn

Thành lập khu bảo tồn Di sản Văn hóa thế giới...

0
(SGTTO) - Khu bảo vệ cảnh quan Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn vừa được thành lập nhằm bảo vệ, phục hồi...

Công nhận Mũi Né là khu du lịch quốc gia

0
(SGTTO) - Khu du lịch Mũi Né, tỉnh Bình Thuận vừa được công nhận là khu du lịch quốc gia. Đây chính là đòn...

Lên đỉnh Hòn Yàng nghe truyền thuyết “vàng hời”

1
(SGTTO) - Với du khách và người dân Quảng Ngãi, có lẽ Hòn Yàng là địa danh mà không nhiều người muốn đến, bởi...

Kết nối