Thứ Năm, Tháng Năm 2, 2024

Bàn cách tăng thu nhập cho nông dân

TRUNG CHÁNH –

Câu chuyện thu nhập của người nông dân lại một lần nữa được các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp đem ra bàn luận. Trong đó, cánh đồng lớn được xem là hướng đi mang tính đột phá, giúp giải quyết vấn đề, mặc dù hiện tại vẫn còn nhiều câu hỏi lớn về khả năng mở rộng mô hình này.

Thu nhập chưa tương xứng

Tại diễn đàn về tiêu thụ hàng nông sản trong bối cảnh hội nhập được tổ chức tại Cần Thơ cuối tuần qua, các chuyên gia tiếp tục nêu vấn đề nâng cao thu nhập cho người nông dân. Trong ngành nông nghiệp, nông dân là lực lượng chính tạo ra sản phẩm xuất khẩu, đem về cho đất nước hàng tỉ đô la Mỹ mỗi năm, thế nhưng họ chưa thể sống được với sản phẩm mình làm ra.

Chuyên gia Nguyễn Đình Bích cho biết hiện nay sản lượng lúa cả nước đạt khoảng 45 triệu tấn/năm, trong đó chỉ riêng khu vực ĐBSCL chiếm gần 60% và đóng góp khoảng 90% lượng xuất khẩu hàng năm của cả nước. Xuất khẩu gạo tăng trưởng liên tục trong những năm qua, từ mức 1,99 triệu tấn năm 1995 đã tăng lên mức 3,48 triệu tấn vào năm 2000 và đạt đến 8 triệu tấn vào năm 2012. Tương ứng với đó là một lượng ngoại tệ khá lớn thu về mỗi năm, chẳng hạn năm 2012 đạt 3,67 tỉ đô la Mỹ.

Nông dân Tiền Giang đang thu hoạch lúa.
Nông dân Tiền Giang đang thu hoạch lúa.

GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ, nói rằng dù có mức tăng ấn tượng về giá trị xuất khẩu nhưng lợi nhuận nông dân được hưởng thật sự hầu như không tăng, bởi chi phí đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) tăng quá lớn. Trong khi đó, chất lượng sản phẩm thấp nên khó cạnh tranh, buộc nông dân phải bán giá thấp.

Giải thích vấn đề này, ông Bích cho rằng Việt Nam là quốc gia có chuỗi giá trị ngành lúa gạo dài nhất trên thế giới. Hiện nay, đường đi của hạt gạo ở ĐBSCL phải qua nhiều khâu trung gian, từ nông dân qua cò lúa (môi giới), thương lái đến các nhà máy xay xát, rồi qua môi giới bán gạo, thương nhân phân phối đến các nhà xuất khẩu. Điều đó dẫn đến hai hệ quả. Thứ nhất, chuỗi giá trị ngành gạo càng dài thì lợi nhuận phân phối cho hai chủ thể chính là nông dân sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu gạo càng ít hơn. Thứ hai, khâu trung gian nhiều dẫn đến tình trạng không kiểm soát được độ thuần, dư lượng thuốc kháng sinh, cũng như khó truy xuất được nguồn gốc.

Tương tự, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP) cũng chỉ ra một nghịch lý trong chuỗi sản xuất lúa gạo tại Việt Nam. Theo VERP, người nông dân phải đầu tư đến 70% tổng chi phí sản xuất ra hạt lúa, nhưng lợi nhuận thu được chưa đến 30%. Các thành phần còn lại, gồm thương lái, doanh nghiệp phân phối và xuất khẩu lại nắm đến 70% lợi nhuận.

Kỳ vọng cánh đồng lớn

Tại diễn đàn, các đại biểu tham dự đều nhất trí phải tổ chức lại sản xuất thông qua mô hình cánh đồng lớn, qua đó hy vọng sẽ giải quyết bài toán lợi nhuận cho nông dân. Một số người cho rằng lợi ích của mô hình này đem lại là sẽ làm gọn được chuỗi giá trị của ngành lúa gạo so với cách làm hiện nay. Hơn nữa, với cách này, nông dân sẽ tiếp cận được giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật với giá cạnh tranh hơn. Chi phí đầu vào giảm giúp thu nhập của nông dân tăng lên.

Thế nhưng, vẫn có ý kiến cho rằng cần đánh giá lại một cách khách quan hơn, xem liệu nông dân có thật sự tiếp cận được phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với giá cạnh tranh hay không. Bởi hiện tại có thông tin cho biết nông dân trong mô hình cánh đồng lớn đang mua sản phẩm này với giá cao hơn hẳn so với bên ngoài.

Hơn nữa, nếu bỏ qua những băn khoăn về chi phí đầu tư cho phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thì mô hình này hiện vẫn đang đứng trước rất nhiều thách thức trong việc mở rộng diện tích thực hiện.

Theo ông Bích, thách thức thứ nhất là quy mô diện tích sản xuất của hộ nông dân quá nhỏ. Theo số liệu tổng điều tra năm 2011, số hộ nông dân có diện tích sản xuất dưới 0,2 ha là 116.000 hộ, số hộ có 2 ha trở lên là 183.000 hộ, giảm 19.000 hộ so với năm 2006. Thách thức thứ hai là nông dân ĐBSCL gieo lúa đồng loạt theo lịch xuống giống, cho nên doanh nghiệp không thể cùng một lúc liên kết với hàng ngàn hộ nông dân ở cùng một khu vực để làm cánh đồng lớn, bởi thực tế năng lực sấy lúa của doanh nghiệp còn hạn chế.

Một tồn tại trong cánh đồng lớn hiện nay là liên kết nhiều nhưng kết quả thực hiện bao tiêu lúa cho nông dân chẳng bao nhiêu. Chẳng hạn, tại tỉnh An Giang có đến một phần tư số hợp đồng đăng ký nhưng không thực hiện ở khâu mua lúa cho nông dân.

Trao đổi bên lề diễn đàn, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng doanh nghiệp có thể chọn hướng đi bằng cách thuê đất của nông dân trong một thời gian, còn nông dân sẽ làm công nhân nông nghiệp trong những mô hình này.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng cách làm này đòi hỏi doanh nghiệp phải có vốn đầu tư rất lớn, trong khi thực tế vốn của doanh nghiệp ngành lúa gạo lại rất hạn chế. Do vậy, cần tính toán kỹ tính khả thi của phương án này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Người dân trở lại TPHCM sau dịp lễ: cửa ngõ đông...

0
(SGTT) – Chiều 1-5, người dân ở các địa phương bắt đầu trở lại TPHCM sau kỳ nghỉ lễ. Theo ghi nhận của Sài...

Startup Việt ‘không thể khởi nghiệp trên ti vi’

0
(SGTT) - Dòng vốn dành cho startup Việt Nam cạn dần trong năm ngoái với chỉ 541 triệu đô la, giảm mạnh so với...

Xe điện hết nóng

0
(SGTT) - Tesla được xem là "hàn thử biểu" đo lường độ nóng của thị trường xe điện; và khác với những năm trước,...

Gói tín dụng nhà ở xã hội 125.000 tỉ đồng mới...

0
(SGTT) - Sau đúng một năm triển khai, gói tín dụng 125.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội,...

Váy búp bê – xu hướng hot trong thời trang hè...

0
(SGTT) - Váy búp bê hay babydoll là một trong những xu hướng thời trang được ưa chuộng trong mùa hè năm 2024. Kiểu...

Du lịch lễ 30-4: Lượng khách tăng cao tại nhiều địa...

0
(SGTT) - Trong 5 ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay, mặc dù thời tiết nóng bức, nhưng một số địa phương như...

Kết nối