Thứ Bảy, Tháng Năm 4, 2024

Chống ngập trông chờ vào dự án lớn

Lê Anh – 

Những cơn mưa đầu mùa đang là phép thử cho hệ thống chống ngập tại TPHCM. Những gì diễn ra trong mấy ngày qua cho thấy tình hình ngập nước chưa được cải thiện nhiều. Một khi các dự án chống ngập đang thi công còn chậm tiến độ, người dân thành phố sẽ chưa thể thoát cảnh lội bì bõm mỗi khi trời đổ mưa hoặc khi nước triều dâng lên.

Không được làm ban ngày

ngapnuocVới nhiều dự án chống ngập đang được triển khai, người dân thành phố hy vọng một ngày nào đó sẽ không còn cảnh lội bì bõm như thế này.  Ảnh: Anh Quân

Cơn mưa lớn kéo dài hơn hai giờ hôm 15-5 lại một lần nữa nhấn chìm nhiều tuyến đường, khiến việc đi lại của nhiều người vào thời điểm đó thêm khó khăn. Điều đáng chú ý là, tình hình ngập nước không chỉ diễn ra ở khu trung tâm mà đã lan ra cả các quận ngoại thành như Thủ Đức, quận 12.

Theo thống kê của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, gọi tắt là trung tâm chống ngập, tính đến đầu năm 2017, trên địa bàn thành phố còn 171 điểm ngập ở tuyến đường nhỏ do quận, huyện quản lý và 40 điểm ngập do mưa ở những tuyến đường lớn.

Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý thoát nước của trung tâm chống ngập, cho biết trong năm 2017, thành phố đặt mục tiêu xóa 13 điểm ngập. Trong đó, trung tâm này làm chủ đầu tư bảy dự án ở các tuyến đường Gò Dầu, An Dương Vương (từ cầu Mỹ Thuận đến bến Phú Định), Tân Hương, Trương Vĩnh Ký, Ba Vân (góc đường Âu Cơ). Theo kế hoạch, các dự án này được thi công đến tháng 10-2017 mới xong.

Bên cạnh bảy dự án này, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TPHCM làm chủ đầu tư năm dự án ở các tuyến đường Hồng Bàng, Hậu Giang, Cao Văn Lầu, Mai Xuân Thưởng và Lê Quang Sung. Riêng dự án thoát nước ở đường Hồ Học Lãm hiện đang vướng dự án đường Vành đai 2 nên chưa thể đầu tư.

Về kết quả xóa 13 điểm ngập được đặt ra trong năm 2017, trong ba tháng đầu năm, thành phố chỉ xóa được hai điểm ngập trên đường Lương Văn Can và An Dương Vương đoạn từ Tân Hòa Đông đến mũi tàu Phú Lâm.

Nói về nguyên nhân chậm tiến độ của các dự án khi mùa mưa đã đến mà dự án chưa hoàn thành, ông Long cho biết các công trình chống ngập bị chậm tiến độ do quy định chỉ được phép thi công vào ban đêm, từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau. Để đẩy nhanh tiến độ, trung tâm chống ngập đã kiến nghị cho phép đơn vị thi công cả ngày, tuy nhiên kiến nghị này chưa được cấp trên đồng ý.

Chờ các dự án lớn

Trong báo cáo cập nhật hồi tháng 4-2017, trung tâm chống ngập đã chỉ rõ trong số 40 điểm ngập do mưa, ở các tuyến đường lớn thì 23 điểm ngập sẽ giải quyết được bằng biện pháp cấp bách tạm thời như đầu tư xây dựng các cống nhỏ để mở hướng thoát về các cống lớn hơn hoặc ra kênh, rạch, sửa chữa các cống đã bị sụp. Để xử lý hết ngập hoàn toàn cần phải xây dựng dự án hoàn chỉnh mới giải quyết ngập khi có mưa lớn. Đối với 17 điểm ngập nặng, trung tâm đang xây dựng phương án giải quyết, trong đó có khả năng phải chờ các dự án lớn hoàn thành mới phát huy tác dụng.

Báo cáo này cũng nêu rõ, năm 2017 trung tâm chống ngập nước đang thi công tổng cộng 35 dự án chống ngập, trong đó có chín dự án chống ngập hoàn thành trong sáu tháng đầu năm 2017. Các dự án này sẽ giảm ngập cho một số tuyến đường như An Dương Vương (quận Bình Tân, Đỗ Xuân Hợp (quận 9), và một số tuyến đường ở quận Thủ Đức, Bình Thạnh và Hóc Môn. Trong sáu tháng cuối năm nay sẽ có 11 dự án hoàn thành, các dự án còn lại sẽ hoàn thành sau năm 2017.

Trong khi các dự án sử dụng vốn ngân sách đang thi công chậm tiến độ thì dự án chống ngập gần 10.000 tỉ đồng do Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư đang đảm bảo được tiến độ đề ra. Theo tiến độ cập nhật từ tập đoàn này, dự án đã thi công được khoảng 40% và sẽ hoàn thành vào tháng 4-2018 (sớm hơn một năm so với kế hoạch). Sau khi hoàn thành sáu cống ngăn triều, ba trạm bơm và một tuyến đê ven sông Sài Gòn – đoạn từ Vàm Thuật đến sông Kinh, dài gần 8 km – dự án này sẽ giải quyết ngập cho khu vực rộng khoảng 570 km2 với khoảng 6,5 triệu người dân.

Những người trong ngành cho rằng, để giải quyết các điểm ngập trên địa bàn TPHCM, thành phố cần đầu tư thêm các dự án cống ngăn triều và đê bao xung quanh sông Sài Gòn. Nhiều dự án đã đưa vào quy hoạch, tuy nhiên khó khăn hiện nay là chưa tìm được vốn ngân sách để thực hiện.

Ở khu vực quận 12, dự án cống ngăn triều Vàm Thuật đã có hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán được phê duyệt, và ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 12 đang hoàn thiện hồ sơ để giải phóng mặt bằng. Còn cống ngăn triều Nước Lên đang hoàn thiện các thủ tục để ký hợp đồng vay vốn và trình duyệt các thủ tục.

Dự án xây dựng tuyến đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến sông Kinh đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và chưa được bố trí đủ vốn để triển khai. Chính quyền TPHCM đang xem xét vận động nguồn vốn đầu tư theo hình thức PPP.

Còn dự án bờ tả sông Sài Gòn (đoạn còn lại) từ rạch Cầu Ngang đến khu đô thị Thủ Thiêm, trung tâm chống ngập đang lựa chọn nhà thầu và phối hợp với các đơn vị tư vấn đo vẽ bản đồ vị trí, cắm ranh mốc công trình, đồng thời phối hợp UBND quận 2, quận Thủ Đức thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án. Đối với dự án nạo vét trục tiêu thoát nước chính như rạch Bà Lớn, rạch Xóm Củi, rạch Ông Bé, rạch Tra-kênh Xáng-An Hạ-kênh Xáng Lớn đều đã có chủ trương đầu tư song chưa bố trí được vốn.

Đối với dự án chống ngập sân bay Tân Sơn Nhất, hiện nay quận Tân Bình đang khảo sát, đo đạc, thống kê các trường hợp lấn chiếm kênh A41 để xây dựng phương án sử dụng đất trong năm 2017 và dự kiến quí 1-2018 sẽ thi công. Trước mắt, Trung tâm Chống ngập sẽ nạo vét suốt chiều dài tuyến kênh để giảm bớt ngập trong mùa mưa năm nay.

Một dự án quan trọng nữa để chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất là hồ điều hòa đến nay vẫn chưa thể thi công. Dự án này đã được các cơ quan chức năng phê duyệt, tuy nhiên theo một nguồn tin, do khó khăn trong việc thu hồi đất nên dự án vẫn chưa thể thực hiện.

Như vậy, với tình hình thực hiện các dự án hiện nay, việc giải quyết 17 điểm còn ngập nặng vẫn phải chờ các dự án lớn hoàn thành ít nhất là đến năm 2018 thì mới có thể giảm ngập cho thành phố.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Trưa cuối tuần thử lẩu vịt om măng

0
(SGTT) – Với vị chua thanh đặc trưng từ măng, hòa quyện cùng vị ngọt thịt vịt, lẩu vịt om măng hứa hẹn mang...

Đến Gia Lai ngắm những ‘ô màu’ vàng xanh trên ruộng...

0
(SGTT) – Ngoài miền Bắc, thì ít ai nghĩ rằng đại ngàn Tây Nguyên cũng được “điểm xuyết” bởi những thửa ruộng bậc thang...

Bữa sáng Sài Gòn: Quán bún riêu 50 năm giữ vị...

0
(SGTT) - Từ gánh bún bán dạo ở khu vực chợ Bến Thành hơn 50 năm trước, bà Mai Thị Liên duy trì hương...

Những bệnh nghề nghiệp nào được đề xuất hưởng bảo hiểm...

0
(SGTT) - Bộ Y tế đang dự thảo thông tư quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội. Theo đó,...

Chỉ sử dụng tài khoản VNeID khi thực hiện dịch vụ...

0
(SGTT) - Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị để thống nhất sử dụng...

Giải golf Lương Văn Can vun đắp ước mơ cho người...

0
(SGTT) - Ngày 3-5, Giải Golf Lương Văn Can do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức tại sân golf Tân Sơn Nhất...

Kết nối