Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Xuân về cùng bánh tét mặt trăng nơi dải đất Quảng Trị

(SGTT) - Trong những ngày tết rộn ràng khắp chốn, nếu như bánh chưng, bánh tét hiện diện trên mâm cỗ của nhiều gia đình Việt thì ở thôn Đại An Khê (xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) lại náo nức với bánh tét mặt trăng.

Không ai biết bánh tét mặt trăng có nguồn gốc ở đâu và khi nào, nhưng từ nhiều đời nay, người dân Đại An Khê luôn tự hào với loại bánh truyền thống đặc biệt quê mình. Cũng được gói từ nếp, đậu xanh, thịt heo như bánh chưng hay bánh tét nhưng bánh tét mặt trăng khác hẳn về hình dạng.

Cụ thể, bánh có hình bán nguyệt như vầng trăng xẻ đôi nên được gọi là bánh tét mặt trăng. Bánh gói xong đem buộc hai chiếc thành một cặp. Người dân ở đây nói rằng có đôi có cặp để tượng trưng cho sự hòa hợp, hạnh phúc, đủ đầy của gia đình.

Ghép hai miếng bánh lại thì sẽ được một khuôn trăng tròn viên mãn, như một lời cầu chúc cho hạnh phúc lứa đôi, gia đình. Ảnh: Việt An

Độc đáo hơn, bánh tét mặt trăng cuốn hút ánh nhìn ở lớp nếp xanh màu ngọc bích. Thông thường, bánh chưng, bánh tét có màu xanh từ lá dong, lá chuối gói ngoài. Với bánh tét mặt trăng, màu sắc đặc biệt này được tạo thành từ lá rau ngót tươi xay nhuyễn, lọc nước. Nước lá phải trộn chung với nếp ngay sau khi lọc thì mới giữ màu xanh như ngọc.

Rau ngót vốn dĩ giàu chất dinh dưỡng và làm mềm bánh hơn nên nếp được ướp màu xanh của lá vừa đẹp mắt, vừa giúp bánh dẻo thơm. Chính bởi bí quyết gia truyền này nên hầu như nhà nào có gói bánh thì cũng trồng một vườn rau ngót để dành. Chỉ khi nào đến mùa tết, lượng bánh quá nhiều thì họ mới đi thu mua rau ngót ở các nơi khác.

Nhờ có nước lá ngót nên bánh tét mặt trăng luôn giữ màu xanh đậm đà. Ảnh: Việt An

Để định hình bánh cho đẹp, đậu xanh được đồ lên hoặc luộc chín, đánh mịn rồi nặn thành từng nắm to, ép thịt vào chung thành một khối sao cho vừa với kích thước bánh. Chuẩn bị hết mọi nguyên liệu thì gói như bánh tét thông thường, miễn sao bánh thành hình bán nguyệt là đạt. Nấu khoảng 10 giờ cho bánh chín, vớt ra để ráo ở nơi thoáng mát. Có như vậy bánh mới để lâu và không bị lại gạo, nghĩa là nếp bị sượng, khô cứng dù đã chín.

Sự khéo léo của người thợ là ở chỗ vừa gói vừa nắn cho bánh có hình nửa vòng tròn và nhân nằm trọn chính giữa bánh. Ảnh: Việt An

Nói về ý nghĩa của bánh tét mặt trăng, bà con thôn Đại An Khê lý giải “Màu xanh lá ngót tượng trưng cho những cánh đồng bát ngát, no đủ của làng quê. Khi cắt ra, lát bánh hình bán nguyệt với màu xanh của nếp, màu vàng của đậu gợi nhớ đến khung cảnh yên bình nơi thôn xóm có mảnh trăng đung đưa trên lũy tre làng”. Bức tranh đầy trữ tình đó khiến bánh tét mặt trăng trở thành một điểm độc đáo trong ẩm thực của dải đất miền Trung này.

Năm 2021, xã chọn bánh tét mặt trăng tham gia chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm). Sau đó, UBND tỉnh Quảng Trị đánh giá, xếp loại đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao.

Một mùa xuân nữa lại về, người dân Đại An Khê thêm mùa hy vọng bánh tét mặt trăng được nhiều thực khách biết đến hơn, để hương vị miền quê Quảng Trị ngày càng lan tỏa đến mọi miền đất nước.

Việt An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối