Thứ Bảy, Tháng Năm 4, 2024

Xe điện đẩy nhanh hồi kết của kỷ nguyên dầu mỏ ra sao?

(SGTT) – Tại Hội nghị lần thứ 28 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) đang diễn ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), nhiều tiếng nói không hài lòng về tốc độ giảm tiêu thụ dầu mỏ chậm chạp để chống biến đổi khí hậu. Nhưng có một điều tích cực mà các đại biểu có thể chỉ ra là số lượng xe điện ngày càng tăng trên toàn thế giới làm sứt mẻ lớn nhu cầu nhiên liệu hóa thạch này.
Sự trỗi dậy của xe điện đang làm giảm đáng kể nhu cầu dầu mỏ. Ảnh: CBC

Theo các chuyên gia, doanh số bán xe điện tăng trong những năm gần đây khiến các tổ chức trong ngành đẩy nhanh dự đoán về thời điểm mức tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ đạt đỉnh khi trợ cấp của nhà nước và công nghệ cải tiến giúp người tiêu dùng vượt qua trở ngại liên quan đến mức giá đắt đỏ của ô tô chạy bằng pin.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo, mức tiêu thụ dầu thế giới sẽ đạt đỉnh điểm vào cuối thập niên này ở mức 103 triệu thùng/ngày, nhanh hơn so với mức dự báo đạt đỉnh 105 triệu thùng/ngày vào năm 2040 mà tổ chức đưa ra vào năm 2017.

“Điều làm thay đổi cuộc chơi là chính sách hỗ trợ cho việc chuyển sang xe điện, làm giảm đáng kể nhu cầu dầu từ lĩnh vực vận tải, vốn là động lực chính cho tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu”, Apostolos Petropoulos, chuyên gia dự báo của IEA, bình luận.

Tập đoàn dầu mỏ BP (Anh) cũng nhận định nhu cầu dầu đạt đỉnh trên toàn cầu sớm hơn so với dự kiến trước đó, trong khi chính phủ Mỹ và Trung Quốc, hai nước sử dụng dầu lớn nhất thế giới, điều chỉnh lại dự báo tiêu thụ dầu trong nước.

Lĩnh vực vận tải chiếm khoảng 60% nhu cầu dầu thế giới, trong đó riêng Mỹ chiếm khoảng 10%. Tỷ trọng đó sẽ giảm vì IEA dự đoán xe điện sẽ làm giảm nhu cầu dầu thế giới khoảng 5 triệu thùng vào năm 2030.

Theo IEA, doanh số xe điện toàn cầu hiện chiếm khoảng 13% tổng doanh số bán xe và có khả năng tăng lên khoảng 40-45% vào cuối thập niên này. Đó là nhờ sự kết hợp giữa các tiêu chuẩn kiểm soát khí thải càng nghiêm ngặt đối với các hãng xe và các khoản trợ cấp xe điện mà nhiều chính phủ trên thế giới triển khai kể từ Thỏa thuận Paris ký kết năm 2015 nhằm hạn chế nhiệt độ toàn cầu không tăng qua mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Các biện pháp trợ cấp mới nhất bao gồm khoản tín dụng thuế trị giá 7.500 đô la của Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ dành cho người tiêu dùng khi họ mua xe điện mới. Dù con số trợ cấp đó rất lớn nhưng IEA cho rằng doanh số bán xe điện sẽ cần tăng cao hơn nữa, chiếm khoảng 70% thị trường vào năm 2030 để duy trì mục tiêu hạn chế nhiệt độ nóng lên của Thỏa thuận Paris.

Vẫn chưa rõ liệu doanh số bán hàng có thể mở rộng nhanh chóng để đạt được đỉnh cao đó hay không. Trong những tuần gần đây, các hãng xe gồm General Motors, Ford, Stellantis đã trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch đẩy nhanh sản xuất xe điện trong bối cảnh chi phí lao động tăng cao và có dấu hiệu cho thấy lãi suất cao đang làm chậm tốc độ tăng trưởng ở Mỹ.

Tuy nhiên, về lâu dài, chi phí pin xe điện sẽ giảm đáng kể. Theo các chuyên gia trong ngành, tốc độ phổ cập xe điện trong tương lai sẽ phụ thuộc nhiều vào giá xe điện và sự sẵn có của các trạm sạc. Trung Quốc có lợi thế về cả hai mặt này. Theo hãng nghiên cứu JATO Dynamics của Anh, một chiếc xe điện ở Trung Quốc có giá trung bình 31.165 euro (33.964 đô la) vào giữa năm 2023. JATO nhận thấy ở Trung Quốc, mẫu xe điện giá thấp nhất rẻ hơn 8% so với mẫu xe chạy xăng giá thấp nhất. Điều này là nhờ khoản trợ cấp lớn của chính phủ và nguồn khoáng sản đất hiếm có sẵn để sản xuất pin xe điện. Xe điện chiếm khoảng 25% thị trường ở Trung Quốc và nước này dự kiến dẫn đầu tăng trưởng toàn cầu về xe điện.

Ngược lại, tại Mỹ, giá trung bình cho một chiếc xe điện là hơn 53.000 đô la, theo hãng nghiên cứu ô tô Kelley Blue Book. Mức này cao hơn khoảng 5.000 đô la so với xe chạy bằng xăng.

Mỹ cũng kém xa Trung Quốc về tổng số trạm sạc pin công cộng. Mỹ có khoảng 52.000 trạm sạc công cộng và con số này lên đến 1,2 triệu ở Trung Quốc.

Dù vậy, theo IEA, xe điện dự kiến tăng tới 50% số lượng đăng ký ô tô mới ở Mỹ vào năm 2030, công nghệ cải tiến, giá giảm thu hút người tiêu dùng.

“Sự thay đổi về mặt chính trị có thể trì hoãn quá trình chuyển đổi sang xe điện, nhưng cuối cùng, quá trình này vẫn sẽ diễn ra”, Petropoulos nói khi đề cập đến mối lo ngại của một số nhà sản xuất xe điện rằng cuộc bầu cử ở Mỹ năm tới có thể mở ra một loạt chính sách mới ảnh hưởng đến ngành công nghiệp xe điện.

Khánh Lan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Xe điện hết nóng

0
(SGTT) - Tesla được xem là "hàn thử biểu" đo lường độ nóng của thị trường xe điện; và khác với những năm trước,...

Buông dự án xe điện, Apple dồn lực cho AI tạo...

0
(SGTT) - Hãng Apple, nhà sản xuất iPhone, từ bỏ dự án xe điện để dồn nguồn lực phát triển trí tuệ nhân tạo...

Cuối tháng 2-2024, TPHCM sẽ có 70 xe điện chở khách...

0
(SGTT ) - UBND TPHCM vừa phê duyệt đề án thí điểm sử dụng xe bốn bánh chạy bằng năng lượng điện vận chuyển...

Ngành công nghiệp xe điện cảm nhận nỗi đau khi nhu...

0
(SGTT) - Phá sản, hủy bỏ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), cắt giảm sản xuất, sa thải nhân viên...

Hiện trạng u ám của kinh tế Trung Quốc nhìn từ...

0
(SGTT) - Thành phố Hợp Phì ở tỉnh An Huy của Trung Quốc dẫn đầu cả nước về sản xuất xe điện và các...

TPHCM dự kiến thí điểm 200 xe điện chở du khách

0
(SGTT) - Đề án thí điểm xe điện chở du khách tại TPHCM sẽ triển khai từ quí 1-2024 đến hết năm 2025. Xe...

Kết nối