(SGTT) – Nhắc đến giò heo trong các món nước, mọi người chỉ nghĩ đến bún giò heo mà quên mất “người anh em” hủ tiếu giò heo cũng đậm vị thanh ngọt. Trưa nay ăn gì ngày thứ Năm chọn giới thiệu hủ tiếu giò heo như một gợi nhắc về món ăn dân dã miền Tây sông nước.
- Trưa nay ăn gì: Bữa trưa văn phòng với cơm trắng dùng kèm tôm sốt dầu hào
- Trưa nay ăn gì: Thanh mát vị biển món salad cá trích ép trứng thêm rong biển giòn tan
- Trưa nay ăn gì: Mì quảng vịt cho bữa trưa đầu tuần nhiều năng lượng
Sở dĩ, hủ tiếu và giò heo gắn liền với bà con nơi đây bởi do tại Sa Đéc (Đồng Tháp) và Mỹ Tho (Tiền Giang) có đến hai làng nghề chỉ để sản xuất ra sợi hủ tiếu Sa Đéc và hủ tiếu My Tho. Rồi theo ẩm thực vùng miền, mỗi địa phương lại có cách kết hợp nguyên liệu và thực phẩm chung với sợi hủ tiếu.
Cầu kỳ trong những món hủ tiếu phải kể đến món hủ tiếu Nam Vang hay thập cẩm thường gồm thịt heo, tôm, lòng heo. Nhưng thực khách sành ăn khi thưởng thức món hủ tiếu lại thích sự đơn giản, đó có thể là hủ tiếu nước có vài lát thịt ba rọi, ít thịt bằm, xương heo hay chỉ là giò heo giới thiệu ngày hôm nay.
Về cách chế biến, hủ tiếu giò heo có hai cách thưởng thức là khô và nước. Theo đó, món nước được phục vụ gồm sợi hủ tiếu trụng sơ cho vào tô, thêm giò heo, ít hành lá, tỏi phi và chan nước dùng ngập mặt bánh. Còn cách dùng khô là sợi hủ tiếu sau trụng đem trộn với ít sốt pha chế riêng biệt, thêm ít tóp mỡ và hành phi rồi dọn lên kèm chén nước lèo có 1, 2 cục giò heo. Dù là khô hay nước thì rau ăn kèm như xà lách, hẹ, giá sống cũng không thể thiếu cho hủ tiếu giò heo.
Thực ra, gọi tên chung là giò heo nhưng tùy vào mỗi quán ăn chọn mua giò heo phần nào mà cắt khoanh và bán theo phần đó. Cụ thể, giò heo được phân loại như giò mỡ (da và mỡ nhiều), giò nạc (chủ yếu thịt nạc), giò gân (gân trong nhiều) và giò móng (phần móng heo). Dù không nặng mùi như thịt bò nhưng giò heo vẫn cần sơ chế và khử mùi đúng cách, nhất là phải cạo sạch phần lông bởi nó làm lợn cợn khi thưởng thức, mất đi sự ngon miệng.
Có một lưu ý cho hủ tiếu giò heo nói riêng và các món hủ tiếu nói chung là có đến hai loại sợi bánh dai (nhỏ) và mềm (to) tùy vào khẩu vị thực khách. Qua đó, hủ tiếu dai phù hợp cho người dùng thích độ dai, giòn trong tổng thể món ăn; còn hủ tiếu mềm phù hợp với người ưa thích sự “mềm mại” khi thưởng thức.
Nếu đã từng quen thuộc món bún giò heo, mời bạn đọc thử một lần trải nghiệm phiên bản “người anh em” là hủ tiếu giò heo để cảm nhận sự tinh tế khi đầu bếp chọn kết hợp hai nguyên liệu này.