Thứ Sáu, Tháng Năm 3, 2024

Thụy Điển – một điểm đến giáo dục thân thiện

Ngọc Trân –

Thụy Điển, đất nước của giải Nobel, của những thương hiệu toàn cầu như H&M, IKEA, Spotify …, đang là địa điểm du học được yêu thích của không ít người Việt. Một xã hội với môi trường sống, giáo dục và làm việc tốt, thân thiện chính là những lý do hàng đầu.

Cô Lê Thị Đông, sống tại TPHCM. Cô nhận được học bổng thạc sĩ chuyên ngành luật tại trường Đại học Lund của Thụy Điển vào năm 2012. Cô cho biết: “Được lựa chọn đi học tại Thụy Điển thực sự là một điều rất may mắn”

Cởi mở, thân thiện

Cô Đông nói rằng ấn tượng đầu tiên của cô những ngày đầu tiên tại đất nước Bắc Âu xa lạ này chính là sự thân thiện. Cô từng đi du lịch một số nước châu Á; khi học ở Thụy Điển, cũng đã đi thăm thú một số quốc gia châu Âu. Cuối cùng cô rút ra kết luận: con người Thụy Điển thực sự cởi mở.

So với nhiều nước châu Âu khác, xã hội Thụy Điển khá yên bình, không quá ồn ào và con người ít bị áp lực. Ở đây hiếm khi có những cảnh tượng đông đúc lộn xộn, trừ giờ cao điểm. Người Thụy Điển không thích bon chen, chỉ cần “vừa đủ”, không thừa thãi. Triết lý này được áp dụng cả trong những thiết kế tối giản của các hãng H&M hoặc IKEA. Hơn nữa, đây là một đất nước đa dạng về chủng tộc và luôn thúc đẩy sự đa dạng này. Thụy Điển là một trong những quốc gia đi đầu về bình đẳng: bình đẳng giới và cho người đồng tính. Bởi thế nhiều người nước ngoài cho rằng người Thụy Điển dễ dãi trong tình dục.

“Sau một thời gian sống tại Thụy Điển tôi thấy vẫn có nhiều cặp sống với nhau không kết hôn, dù đã có con. Nhưng đây không phải là chuyện hiếm gặp ở các quốc gia phương Tây. Còn chuyện sống thử và tự do tình dục đến mức dễ dãi trong giới sinh viên thì tôi không thấy”, cô Đông cho biết. Ông Eric Freid, Giám đốc về phát triển của trường Đại học Jonkoping, cũng cho rằng thông tin nói trên chỉ là lời đồn thổi. Theo ông, sự bình đẳng nam nữ giúp phụ nữ ở Thụy Điển có tiếng nói mạnh mẽ hơn so với phụ nữ ở những quốc gia khác chứ không khiến họ trở nên dễ dãi về tình dục.

Cô Lê Thị Đông: “Giáo dục Thụy Điển luôn có sự kết hợp giữa học tập với đi thực tế, sự hợp tác chặt chẽ giữa trường học với doanh nghiệp”.

Đề cao tự do, sáng tạo

Thụy Điển được đánh giá là một trong những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến. Theo cô Đặng Phương Lan, cố vấn thương mại, kinh tế và giáo dục của Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội, trường học Thụy Điển dạy cách tư duy độc lập và sáng tạo. Sinh viên được khuyến khích đặt những câu hỏi không nhất thiết có liên quan đến học thuật. Điều này giúp người học có khả năng để nhìn cả thế giới một cách khác đi và thay đổi suy nghĩ.

Phương pháp giảng dạy này là lý do chính khiến Thụy Điển có được thứ hạng vững chắc trong số những quốc gia có nhiều sáng kiến nhất thế giới. Cô Lê Thị Đông cho biết giảng viên không chỉ dạy lý thuyết mà còn chỉ cho sinh viên thấy lý thuyết đó đã được áp dụng vào thực tế như thế nào. Nếu sinh viên cảm thấy có sự vướng mắc thì cứ hỏi lại, người dạy sẵn sàng lắng nghe và giải đáp.

[box type=”bio”] Muốn du học Thụy Điển, bạn có thể nộp đơn trực tuyến tại www.universityadmissions.se. Thời hạn nộp đơn là từ tháng 10 đến ngày 15-1 năm sau. Học phí trung bình khoảng 10.000 đô la mỗi năm, chi phí sinh hoạt khoảng 8.000 đô la mỗi năm. Sau khi tốt nghiệp, bạn có thể tìm hiểu thông tin tuyển dụng qua trang web của Sở di trú Thụy Điển – Swedish Migration Board.

Chương trình đại học Thụy Điển kéo dài ba năm; thạc sĩ từ một đến hai năm. Một số trường đại học lớn của nước này là Đại học Lund, Đại học Uppsala, Viện Công nghệ Hoàng gia KTH (đều thuộc nhóm 100 trường đại học thế giới).[/box]

Cô Anna- Klara Linderborg, người đại diện cho trường Đại học Uppsala tại Việt Nam, chia sẻ: “Mối quan hệ giữa thầy và trò ở Thụy Điển rất cởi mở, gần gũi. Họ có thể thoải mái tranh luận với nhau”.

Một ưu điểm nữa của giáo dục Thụy Điển được cô Đông nhắc đến chính là luôn có sự kết hợp giữa học tập với đi thực tế, sự hợp tác chặt chẽ giữa trường học với doanh nghiệp. Những năm gần đây, ở Thụy Điển có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) thành công vì sinh viên, khi học tập tại trường, có nhiều cơ hội để phát triển ý tưởng, được cọ xát trong môi trường doanh nghiệp. Cô Đông cho biết, khi du học, cô được đi thực tế nhiều lần. Cô cũng đến dự những phiên tòa xét xử tại tòa án và trực tiếp gặp thẩm phán. Tuy không thể áp dụng được khi về làm việc tại Việt Nam vì hệ thống luật pháp hai nước khác nhau, nhưng, theo cô, cái cô học được chính là cách tiếp cận vấn đề theo nhiều hướng.

Có cơ hội việc làm

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên đã có thể đi làm thêm. Theo quy định, số giờ làm thêm không bị giới hạn nghiêm ngặt. Nhưng sinh viên được yêu cầu, mỗi tuần, dành ra tối thiểu tổng số thời gian tương đương 40 giờ tự đọc tài liệu và tự nghiên cứu.

Thụy Điển là một quốc gia với nhiều công ty khởi nghiệp như đã nói. Mặt khác, xu thế quốc tế hóa và toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ tại Thụy Điển nên nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của nước này đang ngày càng lớn dần. Cô Đông chia sẻ: “Người Thụy Điển ít kỳ thị người nước ngoài và môi trường công sở cũng rất công bằng. Họ đánh giá nhân viên dựa trên sự cống hiến, không dựa vào quốc tịch. Bằng cấp cũng được coi trọng nhưng mức lương bao nhiêu còn dựa trên sự đóng góp. Vì vậy nên có trường hợp lương y tá cao hơn lương bác sĩ nội trú”.

Nếu bạn muốn du học Thụy Điển, tất nhiên có rất nhiều thứ phải chuẩn bị. Vì các trường đại học có giảng dạy bằng tiếng Anh nên không quá khó để làm quen. Chính phủ Thụy Điển cũng cung cấp hàng năm khoảng 60 suất học bổng thạc sĩ toàn phần cho các nước nhóm 2 (gồm Việt Nam, Ai Cập, Brazil, Colombia, Indonesia và Iran). Cô Đặng Phương Lan cho biết điều đáng mừng là những người xét duyệt học bổng đánh giá sinh viên Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao hơn các quốc gia trong cùng một nhóm. Và “số lượng sinh viên Việt Nam nhận được học bổng ngày càng cao, gần đây khoảng 8-10 em”.

Đối với du học sinh chọn trở về Việt Nam làm việc như cô Lê Thị Đông, những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được của những tháng ngày học tập và nghiên cứu tại Thụy Điển là tài sản đáng giá. Cô cũng cho biết mình đã áp dụng phương pháp giảng dạy của trường Đại học Lund vào những giờ dạy thêm của cô ở TPHCM. Và cô nói rất vui “vì sinh viên đã phản hồi tích cực về phương pháp giảng dạy đó”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

TPHCM: chuyển dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng từ...

0
(SGTT) - Sau nhiều năm đình trệ, UBND TPHCM quyết định chuyển dự án xây dựng Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình...

Khai trương đoàn tàu hàng liên vận quốc tế từ ga...

0
(SGTT) - Với việc tổ chức vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt, từ ga Cao Xá, tỉnh Hải Dương, hàng hóa...

Vượt 600 bậc thang chiêm bái tượng Phật khổng lồ ở...

0
(SGTT) - Chùa Ông Núi hay Linh Phong Sơn tự là địa điểm văn hóa, tâm linh ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định,...

Về Phú Yên, thăm làng nghề đan thúng chai ở Tuy...

0
(SGTT) - Làng Phú Mỹ, xã An Dân, huyện Tuy An là một trong những nơi còn giữ nghề đan thúng chai truyền thống...

Buýt vi vu: Ghé thăm những nhà thờ cùng tuyến buýt...

0
(SGTT) - Trên tuyến xe buýt 30, du khách sẽ có dịp tìm về những công trình tôn giáo như nhà thờ Martino, nhà...

Giải nhiệt ngày hè với 5 thức uống mát lạnh, mới...

0
(SGTT) - Xoài hồng dừa non, trà quýt bạc hà hay nước dừa matcha... là những loại thức uống mới lạ, giúp bạn giải...

Kết nối