Thứ Bảy, Tháng Năm 4, 2024

Thời trang của tương lai

THÁI HÀ –   

Hơn 100 chiếc máy in 3D trong Công ty Feetz kêu vo ve cả ngày, mục đích duy nhất của chúng là làm ra những đôi giày. “Khi tôi nhìn thấy chiếc máy trên cuốn tạp chí, tôi nghĩ cơ hội kinh doanh đến rồi”, Lucy Beard, tổng giám đốc công ty hai năm tuổi đóng tại thành phố San Diego (Mỹ) kể lại.

feetz-has-a-50-percent-profit-margin-on-every-pair-of-shoesMỗi chiếc máy in 3D có giá 5.000 đô la Mỹ (USD), mất 12 giờ đồng hồ để làm ra một đôi giày.

Mỗi chiếc máy in 3D có giá 5.000 đô la Mỹ (USD), mất 12 giờ đồng hồ để làm ra một đôi giày. Công ty chỉ có 15 nhân viên. Bà Beard, 38 tuổi, một cựu nhân viên thống kê, mường tượng một ngày nào đó, công nghệ máy in 3D cho phép làm ra đôi giày mất chưa đầy một giờ đồng hồ.

Khách hàng tải ứng dụng điện thoại của Feetz về, chụp hình đôi chân họ theo các góc chụp được hướng dẫn, chọn mẫu giày rồi đặt hàng sản xuất trực tuyến. Một đôi giày giá 199 USD, làm từ các vật liệu tái chế. Với nhân công giới hạn, không mất tiền kho bãi, Feetz có 50% lợi nhuận qua mỗi đôi giày, theo bà Beard.

Một số người như Lucy Beard không có nhiều nền tảng về thời trang, họ dùng công nghệ để sản xuất ra sản phẩm “độc đáo” để đối lại với hàng trên kệ và hàng sản xuất theo khối lượng lớn mà người sinh sau năm 2000 đang tìm cách lẩn tránh. Với những khách hàng có bàn chân to hoặc có dị tật, việc có một đôi giày trở nên dễ dàng hơn.

Với hàng truyền thống, chế tạo là công đoạn đắt nhất. Làm sản phẩm với số lượng nhỏ càng khó và đắt hơn. Nhiều mặt hàng đặt cơ sở sản xuất ở những nước châu Á có giá nhân công rẻ, vận chuyển mất thêm nhiều thời gian và chi phí nữa. Ngay cả “thời trang nhanh” thì cũng phải mất sáu tuần để lên kệ hàng. Còn với những dịch vụ làm thời trang tùy biến như Feetz, giá cả tốt và thời gian nhanh hơn nhiều, sản phẩm còn có được tính cá nhân hóa của từng khách hàng.

Tuy nhiên, công nghệ chế tạo sản phẩm in 3D vẫn trong buổi bình minh phát triển, theo ông Uli Becker, cựu Tổng giám đốc hãng Reebok, một nhà đầu tư vào Feetz. Mẫu mã chưa được đa dạng trong khi chưa in 3D được vải. Nhưng Becker tin ngành này có triển vọng tốt bởi công nghệ tiến bộ từng ngày. “Ngày trước điện thoại to như cục gạch, sắp tới chúng ta có thể vào cửa hàng, chọn mẫu rồi chờ in 3D ra một cái điện thoại dùng luôn”, ông nói.

Triển vọng này khiến các công ty như Feetz được Thung lũng Silicon chú ý đến, công ty đầu tư mạo hiểm Khosla Ventures đã bỏ tiền vào Feetz. “Những công ty này có thể thay đổi trải nghiệm của chúng ta trong cách mua sắm”, Vijit Sabnis, quản lý của Khosla Ventures, nhận xét, “Hàng hóa tiêu dùng dần dần sẽ được làm bởi robot và máy in 3D, và chúng sẽ được làm ở trung tâm mua sắm, thay vì ở các nhà máy lớn, chúng ta sẽ tống khứ được chi phí vận chuyển”.

Khosla cũng đầu tư vào một số công ty thời trang mới, sử dụng công nghệ như Shoes of Prey, MTailor. Shoes of Prey cho phép khách hàng tự chọn màu sắc, kiểu dáng, chất liệu trên trang web của họ rồi đặt hàng, sau khi sản xuất họ sẽ chuyển đến tay khách hàng, với giá dưới 200 USD mỗi đôi.

Teespring, hãng sản xuất áo thun thành lập năm 2011 đã bán hơn 20 triệu chiếc áo vào năm ngoái. Ai cũng có thể tự thiết kế chiếc áo cho mình trên Teespring với thông điệp theo các chủ đề như cà phê, yoga, bóng đá… Khách hàng kênh B2B của Teespring cũng rất lớn. Teespring xây dựng hệ thống chế tạo trong một nhà máy cũ từng sản xuất máy bay trực thăng ở phía bắc bang Kentucky. Họ có 400 nhân viên, trong đó có 40 kỹ sư.

“Chúng tôi là công ty công nghệ, không phải công ty thời trang. Tôi nghĩ tương lai của thời trang nằm ở những nhãn hiệu nhỏ nhưng có một mối liên hệ mật thiết với từng khách hàng”, Walker Williams, 27 tuổi, Tổng giám đốc Teespring nhận xét. Các nhà đầu tư Andreessen Horowitz, Khosla Ventures và Y Combinator đã đổ 56 triệu USD vào Teespring.

Công nghệ giúp các công ty mới sử dụng các thuật toán làm khách hàng tiện lợi hơn. Công ty Stantt chỉ cần khách hàng nam tự đo vòng ngực, vòng eo và cánh tay, gửi ba thông số đó đến họ là họ biết khách hàng đó thuộc về cỡ áo sơ mi nào trong số 75 cỡ áo của công ty. Những chiếc áo chỉ cần sản xuất trong một ngày là xong, không trung gian, không kho bãi, chuyển miễn phí tận tay khách, giá bán của họ tốt hơn của người khác. “Chúng tôi không phải nhãn hiệu thời trang, chúng tôi còn là thứ gì đó thân thiết hơn thế nữa”, đồng sáng lập Matt Hornbuckle nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Những bệnh nghề nghiệp nào được đề xuất hưởng bảo hiểm...

0
(SGTT) - Bộ Y tế đang dự thảo thông tư quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội. Theo đó,...

Chỉ sử dụng tài khoản VNeID khi thực hiện dịch vụ...

0
(SGTT) - Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị để thống nhất sử dụng...

Giải golf Lương Văn Can vun đắp ước mơ cho người...

0
(SGTT) - Ngày 3-5, Giải Golf Lương Văn Can do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức tại sân golf Tân Sơn Nhất...

Bộ GTVT đề nghị kiểm tra giá vé máy bay tăng...

0
(SGTT) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản yêu cầu Cục hàng không Việt Nam, vụ Vận tải rà soát,...

Đề nghị mở rộng cao tốc TPHCM – Long Thành lên...

0
(SGTT) - Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND TPHCM và UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất cần tính đến phương án đầu tư...

Ngắm Bãi Cạn ở đảo Phú Quý từ trên cao

0
(SGTT) – Bên cạnh những điểm đến quen thuộc như đỉnh Cao Cát, vịnh Triều Dương, gành Hang… thì Bãi Cạn là điểm đến...

Kết nối