Chủ Nhật, Tháng Một 19, 2025

Nhọc nhằn nghề làm muối ‘trắng như tuyết’ gần 150 năm tuổi ở Phú Yên

(SGTT) - Nghề làm muối Tuyết Diêm thuộc xã Xuân Bình và Lệ Uyên, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên có truyền thống gần 150 năm tuổi. Để làm ra được hạt muối là cả một quá trình kỳ công, nhọc nhằn với mồ hôi của diêm dân. 

Nghề này nắng ưa nhưng mưa không chịu, mà nắng phải là nắng lửa, nghĩa là nắng trong trời, nước biển mau sắc lại thành muối. Khi làm muối, diêm dân phơi mình trên cánh đồng nắng chói chang, để có chỗ nghỉ mệt, diêm dân cất chòi tránh nắng rang mình trên những cánh đồng muối trắng.

Cánh đồng Tuyết Diêm tại xã Xuân Bình. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Cánh đồng muối nắng cháy

Vùng sản xuất muối từ xưa đã nổi danh với cái tên Tuyết Diêm là muối 'trắng như tuyết'. Để muối 'trắng như tuyết' đòi hỏi muối phải trải qua công đoạn phơi nước biển dưới nắng gay gắt, vì vậy diêm dân vùng này nhọc nhằn trên những cánh đồng muối nắng cháy.

Bà Trần Thị Hoa, làm muối trên cánh đồng Tuyết Diêm kể về công đoạn làm muối truyền thống, ban đầu diêm dân lấy nước biển vào chứa trong đám (khu vực ruộng muối) đầu tiên gọi là chứa nước biển, sau đó chuyến qua đám thứ hai gọi là nuôi mặn.

Từ đám nuôi mặn, có mương nước dẫn qua 'đám chịu', tức là lắng cho nước biển sắc lại. Khi 'đám chịu' đội muối tức là nước kết tủa thì tháo nước sớt qua 'đám ăn', còn gọi kết tinh muối. Công đoạn làm muối truyền thống như vậy diêm dân gọi là dây ruộng.

Cũng theo bà Hoa, vùng này có người làm tám dây ruộng, tức là tám 'đám ăn', mấy năm trước trời yếu nắng phải mất năm đến sáu ngày mới kết tinh muối, còn năm nay nắng gắt chỉ ba ngày cào lứa muối.

Với tám đám ăn, một người làm muối 'quay như chong chóng' mới kịp các công đoạn, lấy nước biển, sớt qua đám ăn, gạn muối… Vì vậy dù trưa nắng, diêm dân cũng phải chịu đựng đứng dưới cái nắng 'nhá lửa nhá khói' để làm muối.

Đó là khi bắt đầu làm muối, còn bước vào vụ muối mới, diêm dân cuốc xới ruộng rồi dùng chồ dồ, đó là một khúc gỗ dẹp tra cán vào, người làm muối đầm mạnh tay cho dẽ (nén) đất. Để đầm bằng mặt ruộng, người làm muối phải nhấc chồ dồ đầm hàng ngàn lần.

Khi đầm ruộng muối thì mang dép trên - loại dép dùng miếng xốp hoặc miếng cao su to bằng tấm thớt luồn quai bằng vải ôm sát bàn chân, để khi lội ruộng đầm mặt ruộng muối không bị lún. Nghề này ai cũng phải mang dép trên, nếu không mang thì bàn chân lún sâu, để đầm lấp dấu chân phải đầm đi đầm lại rất lâu. Còn mang dép trên ruộng không bị lún thì đầm lướt qua, ruộng bằng mặt, sau đó cho nước vào công đoạn kết tinh thành muối.

Trưa nắng, người làm muối ở thôn Lệ Uyên tại xã Xuân Phương dùng bàn cào gạn muối. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Nghề muối khác với những nghề còn lại, bởi vì trời càng nắng càng tốt, như thế sẽ tạo ra những hạt muối tinh trắng với chất lượng, độ mặn cao hơn so với bình thường.

Năm nay được mùa nắng, ruộng bắt muối nhanh, chưa năm nào diêm dân làm muối sản lượng cao như năm nay.

Bà Bùi Thị Mai, một người làm muối thôn Lệ Uyên, phân trần 'Mấy năm trước trời nắng nhưng thường hay xốc nồm, tức là gió từ biển thổi vào nên đám kết tinh ăn mực nước nửa mắc ngón tay, còn năm nay nắng mạnh nên đám kết tinh ăn mực nước một mắc ngón tay, vì vậy khi muối kết tinh cao gấp hai lần mấy năm trước'.

'Nhà tôi có tám 'đám ăn', đầu vụ nắng gắt nên mỗi lần cào 40 bao, mỗi bao 50kg, tương đương hai tấn, mỗi tháng cào ít nhất tám lần là 16 tấn. Cuối vụ có mưa nên sản lượng muối giảm, còn 8 đến 10 tấn là cùng. Thế nhưng giá muối năm nay giá muối tăng 50.000 đồng, còn mấy năm trước chỉ 30.000 đồng/bao”, bà Mai nói.

Toàn bộ các công đoạn làm muối cho đến thu hoạch đều phơi mình dưới trời nắng gắt nên nước da của diêm dân lúc nào cũng đen bóng vì cháy nắng.

Giữa trưa nắng gắt, ông Phan Văn Phước, người làm muối ở thôn Lệ Uyên, xã Xuân Phương dùng bàn cào gạn muối.

Ông Phước lí giải, sở dĩ phải đứng giữa trưa gạn muối là vì khi ruộng bắt đầu kết tinh muối, trên mặt ruộng đội lớp muối, vì vậy dùng bàn cào gạn, tức là đè lớp muối chìm xuống để cho nước biển phía dưới ruộng trồi lên tiếp tục bắt muối nhanh. Còn không gạn thì lớp muối trên mặt ruộng hàn kín mặt, nước biển phía dưới không kết tinh, lứa muối cào đạt sản lượng thấp.

Thời gian qua, diêm dân làm chủ ruộng muối nhưng vấn đề đầu ra cho hạt muối luôn bất ổn, có năm muối ế những đống muối to bằng cáo nhà tủ bạt dọc Quốc 1. Có người chở trên những chiếc xe tải nhỏ, xe công nông về các vùng nông thôn rao bán tận nhà.

Tiếng rao "Muối hôn" vang lên khắp làng khắp xóm. Thế nhưng một ngày bán không quá năm bao muối. Những người trẻ không còn mặn mà với nghề làm muối vì làm muối vất vả, nặng nhọc, trong khi giá muối thấp nên họ lần lượt rời làng quê tìm đường mưu sinh.

Tình người và muối

Hiện nay, muối Tuyết Diêm được xuất sang Campuchia để muối cá, làm nước mắm, làm khô. Điều đó cho thấy, muối Tuyết Diêm đã khẳng định được thương hiệu và có một vị trí nhất định trên thị trường trong và ngoài nước.

Diêm dân Bùi Văn Đệ, 70 tuổi, ở xã Xuân Bình, cho biết nhà ông đã ba đời gắn bó với hạt muối. “Dù nghề muối vất vả, có lúc thăng, lúc trầm nhưng tôi chưa từng nghĩ đến chuyện bỏ nghề. Bởi vì thương cái vị mặn mà của muối, năm nào thời tiết bất lợi vào vụ chậm là tôi nhớ”, người diêm dân có thâm niên hơn 50 năm làm muối chia sẻ.

Trưa nắng, bà Phan Thị Hiền, đi trên bờ ruộng muối Lệ Uyên đến đám chứa nước biển sắc lại ở phía trong cùng dây ruộng, bà nhìn xuống, chỗ góc ruộng vừa kết tủa. Bà Hiền lại chỗ góc ruộng lấy gàu tát nước ra mương thúc cho ruộng muối khô nhanh. Lát sau bà chui vào chòi tránh nắng.

Người làm muối ở thôn Lệ Uyên tại xã Xuân Phương cất chòi trú tránh nắng. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

“Đám ruộng này của người bà con tróng xóm, hôm qua nắng quá bà mệt, giờ tôi giúp giùm, tình người làm muối mà”, bà Hiền nói.

Cánh đồng muối là nơi biển ăn sâu vào đất liền, xóm nhà nằm rải rác chạy dọc theo con đường ôm theo ruộng muối. Cánh đồng muối trống trải mênh mông, diêm dân dựng chòi để có chỗ chui ra chui vào tránh nắng.

Gần đó ông Nguyễn Văn Diện, vào chòi tránh nắng chói chang. Ông Diện giới thiệu về cơ ngơi của mình 'Chòi muối dựng trên góc ruộng, đào lỗ trồng bốn cột chôn, xung quanh dừng mấy tấm bao tải, phía trên lợp mấy tàu lá dừa che nắng. Năm nào người làm muối cũng phải dựng lại chòi vì đất nhiễm mặn, cột chôn xuống giáp năm đều bị mục gãy'.

Theo Phòng Kinh tế Thị xã Sông Cầu, vùng làm muối toàn thị xã có 183,8ha, trong đó có 13,5ha sản xuất muối sạch áp dụng phương pháp trải bạt. Tổng số hộ tham gia sản xuất muối là 570 hộ. Sản lượng muối hằng năm trung bình đạt 150 tấn. Ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Phú Yên, cho biết 'Hiện nay, hệ thống thủy lợi, giao thông, công trình đê bao xuống cấp, đến mùa mưa lũ bị sạt lở bồi lấp ruộng muối. Hệ thống giao thông nội vùng hẹp, toàn bộ bằng đường đất rất khó khăn trong khâu vận chuyển muối. Địa phương đang đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi. Sở NN-PTNT đang xây dựng đề án tập trung quy hoạch diện tích các cánh đồng sản xuất muối lớn, đầu tư cải tạo hạ tầng khôi phục sản xuất, nhằm nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối'.

Mạnh Hoài Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối