Thứ Năm, Tháng Tư 18, 2024

Phú Yên chuẩn bị hồ sơ nộp UNESCO để được công nhận Công viên địa chất toàn cầu

(SGTT) – Vừa qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên đã phối hợp với Viện Nghiên cứu châu Âu (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Quỹ FNF (Đức) tổ chức Hội nghị hợp tác quốc tế phát huy giá trị di sản Công viên địa chất toàn cầu (CVĐC TC) và du lịch bền vững tỉnh Phú Yên.

Đây là hoạt động nối tiếp trong quá trình Phú Yên xây dựng hồ sơ để được UNESCO công nhận danh hiệu nói trên, góp phần phát triển nhanh và bền vững.

Toàn cảnh Hội nghị hợp tác quốc tế phát huy giá trị di sản Công viên địa chất toàn cầu. Ảnh: Phạm Cường

Ông Guy Martini, Tổng Thư ký Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu, cùng các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ Viện Nghiên cứu quy hoạch nông nghiệp nông thôn, Bảo tàng Địa chất, Công viên Địa chất toàn cầu… đều có chung nhận định Phú Yên có tiềm năng to lớn về di sản địa chất – tự nhiên, di sản văn hóa để xây dựng đề án Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Khai thác lợi thế riêng về địa di sản để xây dựng hình ảnh, thương hiệu trong phát triển kinh tế xã hội với mô hình CVĐC TC là hướng đi một số địa phương đã lựa chọn, như Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang (năm 2010); Công viên Địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng (năm 2018) và Công viên Địa chất toàn cầu Đắk Nông (năm 2020).

Theo PGS.TS Trần Tân Văn, Viện Địa chất khoáng sản, Bộ Khoa học và Công nghệ, người đã tham gia bốn đợt khảo sát địa chất Phú Yên từ 2016 đến nay, thì danh hiệu CVĐC Quốc gia và Toàn cầu là mô hình phát triển kinh tế, xã hội linh hoạt.

Mô hình này vừa bảo tồn vừa phát triển với trọng tâm là du lịch địa chất và các hoạt động, dịch vụ đi kèm, sẽ khả thi và phù hợp hơn với Phú Yên.

Bởi đó là hướng phát triển kinh tế xã hội theo một mô hình mới, bền vững hơn, đặc biệt là trên cơ sở một số danh hiệu quốc gia, quốc tế mà nhiều địa phương khác đã làm và khá thành công như Di sản thế giới, Khu dự trữ sinh quyển thế giới…

Từ năm 2016-2019, bốn đoàn công tác hỗn hợp gồm Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và Viện Địa chất khoáng sản, Bộ Khoa học và Công nghệ, Mạng lưới CVĐC TC, CVĐC Đắk Nông, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, trong đó có ông Guy Martini, Tổng Thư ký Mạng lưới CVĐC TC, Chủ tịch Hội đồng CVĐC TC UNESCO, đều cho rằng Phú Yên có lợi thế về danh hiệu CVĐC TC.

Hòn Yến với rặn san hô độc đáo. Ảnh: Hồ Văn Trung

Các đoàn công tác đã khảo sát 28 địa điểm. Ngoài các danh thắng Phú Yên, các đoàn còn khảo sát một số địa điểm như đập Đồng Cam, nước khoáng Phú Sen, di chỉ khảo cổ Thành Hồ, Tháp Nhạn, lăng cá Ông Hòa Lợi, chùa Từ Quang, thành An Thổ, nhà thờ Mằng Lăng, làng gốm Quảng Đức, mỏ diatomite An Xuân… với những phát hiện mang nhiều giá trị khoa học, giáo dục…

Xúc tiến các thủ tục xây dựng CVĐC Quốc gia, tiến đến đề nghị UNESCO công nhận CVĐC TC còn góp phần nâng cao trách nhiệm của cộng đồng, hạn chế những tác động tiêu cực vào khoáng sản, hệ sinh thái, môi trường ven biển…

Phú Yên là vùng đất đã được người tiền sử cư trú từ lâu đời, ít nhất là từ văn hóa Hòa Bình, cách ngày nay 16.000 năm, là nơi giao thoa giữa các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa, và đặc biệt kể từ hơn 411 năm trở lại đây (1611-2022), với nền văn hóa Đại Việt.

Những nét đặc sắc này được thể hiện khá phong phú, minh định qua hiện vật tại Bảo tàng Phú Yên và các di tích, thắng cảnh cấp quốc gia, cấp tỉnh như: chùa Đá Trắng, Tháp Nhạn, hải đăng Đại Lãnh, Vũng Rô, gành Đá Dĩa, gành Ông, gành Bà, Bãi Xép…

Thác Vực Song ở Phú Yên có cấu trúc dựng đứng gồm những trụ đá bazan ken sát vào nhau giống hệt kết cấu đá ở Gành Đá dĩa – một danh thắng nổi tiếng. Ảnh: Đặng Lê

Đặc biệt ấn tượng với các nhà khoa học chính là tiền nhân Phú Yên đã biết sử dụng chất liệu đá, đất làm công cụ lao động, tạo dựng công trình làm nhạc cụ (đàn đá, kèn đá Tuy An…).

Lịch sử cận đại và hiện đại Phú Yên còn có những điểm nhấn đặc biệt với các di tích thành An Thổ, nơi sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú, nhà thờ Mằng Lăng với các dấu ấn của Alexandre de Rhodes và thầy giảng Andre Phú Yên, những người có công lao to lớn với chữ quốc ngữ Việt Nam, hay công trình thủy lợi đập Đồng Cam…

Các di sản văn hóa phi vật thể khác ở Phú Yên cũng khá phong phú, độc đáo như nghệ thuật bài chòi (Phú Yên là một trong số 11 tỉnh Trung Bộ có nghệ thuật này, đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại), hò bả trạo của cư dân ven biển, nghề gốm cổ Quảng Đức, nghề làm thuyền thúng, làm muối…

Về phương diện địa chất, đứt gãy sâu sông Ba là một nét đặc sắc của địa chất Phú Yên, đã từng hoạt động rất tích cực, gây ra các sự kiện biến chất khu vực lớn, ít nhất trong giai đoạn khoảng 250 triệu năm trước.

Ảnh: Dương Thanh Xuân

Có nhiều dấu hiệu chứng tỏ rằng con sông Ba trước kia đã từng chảy qua huyện Đồng Xuân để đổ ra vịnh Xuân Đài, nay đã chuyển dòng tới vị trí hiện tại. Nơi con sông chuyển dời vị trí đã hình thành các hồ nước để trầm tích tạo thành diatomit cùng các sản phẩm núi lửa bazan vô cùng phong phú mà gành Đá Dĩa là đại diện tiêu biểu.

Trên phương diện địa mạo và quá trình địa chất ngoại sinh, bờ biển Phú Yên là đại diện khá điển hình của dải bờ biển Nam Trung Bộ, nhất là khu vực ba tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, nơi chứng kiến sự tương tác mạnh mẽ giữa lục địa và biển Đông sau khi biển được hình thành.

Các đợt biển tiến, biển thoái tiếp theo đã để lại nhiều bậc thềm biển rộng lớn và khá bằng phẳng. Quá trình tách giãn biển Đông cũng như hoạt động đứt gãy tiếp theo đã kéo một bộ phận ven rìa tách ra khỏi lục địa để trở thành các đảo đá khi biển tiến vào.

Ảnh: Ngô Hòa Nam

Nhưng đặc sắc hơn, các dòng hải lưu ven bờ đã vận chuyển bùn cát tấp vào khoảng giữa đất liền với các đảo, lâu dần hình thành các doi cát nối đảo, rất nổi tiếng trên thế giới dưới tên gọi “địa hình tombolo”. Phía sau các doi cát này hình thành các vùng biển hoặc đầm phá kín, như vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan… Quá trình hình thành các doi cát nối đảo hiện nay vẫn đang tiếp tục, để nối liền các đảo như Nhất Tự Sơn hoặc lấp đầy cửa sông Đà Rằng…

Đa dạng sinh học ven biển Phú Yên còn độc đáo hơn, với các hệ sinh thái cát ven biển, đầm, vịnh, các rạn san hô quanh hệ thống các đảo, phong phú các giống loài hải sinh còn đang chờ được nghiên cứu chi tiết thêm.

Tuy nhiên, Phú Yên cũng như một số địa phương đã và đang xây dựng hồ sơ cũng rất cân nhắc những vấn đề liên quan như: Phạm vi rộng lớn của công viên với kế hoạch phát triển của tỉnh, vấn đề khai thác tài nguyên khoáng sản trong khu vực công viên sau công nhận, việc thực hiện các cam kết quốc tế…

Ông Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết lợi thế là Phú Yên đang xây dựng quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2050, nên tỉnh sẽ cân nhắc để khai thác tốt nhất các giá trị di sản trong phát triển bền vững, bên cạnh đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để lan tỏa nhanh các giá trị này, nhất là những “giá trị mềm”…

Với các đặc điểm và giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa, cả vật thể lẫn phi vật thể, và đa dạng sinh học như vậy, tỉnh Phú Yên rất có tiềm năng và triển vọng hình thành CVĐC Quốc gia để trong tương lai gần hướng đến danh hiệu CVĐC TC do UNESCO công nhận.

Lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã giao các ngành chức năng tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp lý, kế hoạch tài chính, nội dung đề án, thực hiện các bước tiếp theo để trình hồ sơ cho UNESCO công nhận CVĐC TC Phú Yên trong thời gian sớm nhất.

Năm 2000, các nước châu Âu hình thành mạng lưới CVĐC châu Âu với bốn thành viên ban đầu. Năm 2004, UNESCO hình thành Mạng lưới CVĐC Toàn cầu và đến năm 2008 thì hình thành Mạng lưới CVĐC Toàn cầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tại Việt Nam, UNESCO đã vinh danh 3 Công viên Địa chất toàn cầu, đó là: Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang (năm 2010); Công viên Địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng (năm 2018) và Công viên Địa chất toàn cầu Đắk Nông (năm 2020).

Phong Điền

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Ngắm cầu gỗ dài nhất Việt Nam từ trên cao

0
(SGTT) – Với độ dài khoảng 800m, cầu gỗ ông Cọp là điểm check-in được nhiều du khách tìm đến khi ghé thăm xứ...

Tắm biển, chèo sup tại ‘đảo khủng long’ Hòn Nưa

0
(SGTT) - Nếu có dịp đi qua đèo Cả, du khách có thể nhìn thấy Hòn Nưa – một đảo nhỏ cách bờ chưa...

Khi rau xanh không chỉ để ăn

0
(SGTT) - Không chỉ cung cấp thực phẩm hữu cơ, an toàn, những vườn rau xanh mướt tại các khu nghỉ dưỡng đang dần...

Các tour du lịch định hướng ‘xanh’ ngày càng được ưa...

0
(SGTT) - Những năm gần đây, du lịch xanh tại TPHCM đang phát triển mạnh và được nhiều du khách ủng hộ, đặc biệt...

Sáng kiến Điểm đến An toàn: Đồng hành cùng doanh nghiệp...

0
(SGTT) - Ngày 5-4, tại TP Châu Đốc, An Giang, chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn của Tạp chí Kinh tế Sài...

Nhà hàng tại Quảng Nam nỗ lực làm du lịch xanh

0
(SGTT) - Tại Quảng Nam, một số doanh nghiệp đang hướng đến việc đầu tư cho du lịch xanh, bền vững, trong đó có...

Kết nối