Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Phú Yên bảo tồn cấp thiết loài cây đặc hữu chai lá cong

(SGTT) – Chai lá cong (tên khoa học: Shorea falcata) là một loài cây đặc hữu của Việt Nam. Loài cây này hiện chỉ còn sống rất ít, trong đó tại khu vực thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) có bảy cây cổ thụ.

Chai lá cong không chỉ là loài đặc hữu của Việt Nam mà theo danh mục sách đỏ của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên thế giới, giống cây này cần phải bảo vệ nghiêm ngặt.

Cây chai lá cong ở Phú Yên được xem là “cây mẹ” có đường kính trên 1m. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Theo thống kê của các nhà khoa học ở Viện Tài nguyên và Môi trường (thuộc Đại học Huế), tại Việt Nam chỉ còn 13 cây chai lá cong cổ thụ. Riêng thị xã Sông Cầu là nơi còn lại nhiều cây chai lá cong nhất với bảy cây.

Những cây còn lại hiện hữu ở khu vực ven biển Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Chai lá cong thuộc loại thực vật có tốc độ sinh trưởng rất chậm, vì thế phải cần đến hàng trăm năm mới có được cây cổ thụ.

Theo tiến sĩ Hồ Đắc Thái Hoàng, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Huế, chai lá cong là loài đặc biệt được đưa vào trong danh mục sách đỏ. Đây là loài cây bắt buộc phải bảo vệ. Ở Việt Nam cây còn nhiều nhất ở Phú Yên, các địa phương khác thì nằm rải rác.

Tại vùng biển thị xã Sông Cầu, những cây chai lá cong cổ thụ có đường kính hơn 1m sống ngay ven đường giao thông nông thôn. Cây cao khoảng 30-40m, tán xòe rộng. Hàng năm, cây vẫn cho ra hoa và kết trái nhưng khu vực xung quanh thì không có cây con phát triển.

Một số gốc cây chai lá cong cổ thụ đã xuất hiện tình trạng bị sâu ăn rỗng. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Xung quanh vị trí cây chai lá cong hiện hữu không hề có một biển báo hay dấu hiệu gì để biết rằng chúng cần được bảo vệ. Một số gốc cây chai lá cong cổ thụ đã xuất hiện tình trạng bị sâu ăn rỗng, lớp vỏ cây bị mối ăn nên có thể dùng tay để bẻ vỡ… Để loài cây này tiếp tục phát triển góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao đa dạng sinh học vùng ven biển cần sớm có những giải pháp bảo tồn.

Ông Tôn Thất Thịnh, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, cho biết trước đây có nhiều đề tài khoa học và dự án để bảo tồn loài cây này. Tuy nhiên đến nay do nguồn vốn từ bên ngoài hỗ trợ đã hết nên hiệu quả chưa như mong muốn.

“Chúng ta cần phải có kế hoạch dài hạn để bảo tồn loài cây quý này. Việc đầu tiên phải làm là điều tra hiện trạng phân bố và tìm những loài cây tái sinh còn lại rồi mới thực hiện bảo tồn. Cây chai lá cong phải được bảo tồn nguồn gen và nhân giống để trồng ở những vùng có điều kiện lập địa phù hợp…”, ông Thịnh nói.

Việc bảo tồn, phát triển đang là cấp thiết đối với loài cây đặc hữu chai lá cong. Điều này có ý nghĩa rất lớn về giá trị kinh tế, cảnh quan môi trường. Đây cũng là sự lựa chọn phù hợp để tỉnh Phú Yên có thể phát triển, đa dạng loài cây ở các khu vực rừng phòng hộ ven biển.

Mạnh Hoài Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bước chạy nhỏ, thông điệp lớn qua giải ‘Chạy vì rùa’

0
(SGTT) - Giải “Chạy vì rùa” được tổ chức ngày 3-12 vừa qua đã thu hút gần 500 cá nhân, tổ chức từ 27...

Xem rùa mẹ ‘vượt cạn’ ở Côn Đảo

0
(SGTT) - Cứ vào tháng 4 đến tháng 11 hằng năm, những “mẹ rùa” từ biển cả lại tìm về bãi biển ở Vườn...

Bảo tồn động vật hoang dã, nền tảng cho du lịch...

0
SGTT) – “Không tiêu thụ, mua bán, biếu tặng các loài động vật hoang dã trái pháp luật, đặc biệt là thịt thú rừng...

Du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn động vật...

0
(SGTT) - Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) sẽ phối hợp với Vườn Quốc gia Cát Tiên (thành viên mạng lưới Sáng...

Đến Hội An, xem triển lãm chim trên cánh đồng

0
(SGTT) – Từ ngày 15-9 đến 23-9, tại Chic Chillax – nhà hàng nằm giữa cánh đồng tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng...

Cùng trẻ trồng cây để xây dựng công viên xanh cho...

0
(SGTT) - Tại Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, trên diện tích gần 1 héc-ta, khoảng 200 cây xanh như...

Kết nối