Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024

Nhà thư pháp Nguyễn Hiếu Tín: Người góp phần làm ‘lung linh hồn con chữ’

(SGTT) – Năm 2007, mới tròn 27 tuổi, nhà thư pháp Nguyễn Hiếu Tín đã cho ra mắt quyển sách “Thư pháp là gì?”. Tác phẩm được đông đảo độc giả trong và ngoài nước đón nhận, nhất là các bạn trẻ yêu mến nghệ thuật thư pháp. 

15 năm sau, Nguyễn Hiếu Tín “đủ duyên” để tái bản quyển sách cùng tên này, bởi anh luôn tâm niệm viết sách cũng là dịp để mình tự hoàn thiện kiến thức cho chính mình, nhất là những vấn đề còn mới mẻ như thư pháp.

15 năm tìm câu trả lời Thư pháp là gì?

Như học giả đáng kính Nguyễn Hiến Lê đã từng chia sẻ “Viết sách và dịch sách cũng là một cách tự học” và “Viết cuốn sách là học cách tự đào tạo mình, nghĩa là tự tìm hiểu mình” (Eavelle).

Đúng như tâm niệm của Nguyễn Hiếu Tín, trong bản in lần này, bên cạnh những nội dung vẫn còn bổ ích như bản in lần đầu, anh còn bổ sung một số vấn đề khá phong phú như ở Chương 1: Chữ viết và nghệ thuật viết chữ, phần 2.4 về văn phòng tứ bảo, Nguyễn Hiếu Tín bổ sung nội dung Ấn chương, để làm rõ hơn vai trò ấn triện/con dấu trong một tác phẩm thư pháp hoàn chỉnh.

Chương 2: Sơ lược thư pháp Đông – Tây, Nguyễn Hiếu Tín bổ sung mục giới thiệu về Thư pháp Tây Tạng, nhằm làm phong phú thêm nghệ thuật thư pháp một số nước trên thế giới.

Chương 3: Thư pháp Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại, anh bổ sung một số ý và lược đồ hóa về sự phát triển của thư pháp chữ Việt sau khi sử dụng chữ Quốc ngữ, để giúp độc giả dễ hiểu và mang tính hệ thống hơn.

Nguyễn Hiếu Tín và tập sách “Thư pháp là gì?” vừa xuất bản.

Ngoài ra, Nguyễn Hiếu Tín còn thay đổi tên các chương mục theo hướng nêu bật nét đặc trưng thư pháp ở mỗi quốc gia; cải tiến thêm hình thức, nhằm bày tỏ sự trân trọng với tấm lòng chân thành, đáp lại sự mong mỏi của quý bạn đọc.

Theo sư thầy Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Viện chủ Tu viện Huyền Không Sơn Thượng, Thừa Thiên Huế, “Thư pháp”, ban đầu trong từ nguyên hay trong bất kỳ quyển từ điển nào cũng đều giải nghĩa là “phương pháp hoặc cách thức viết chữ”; về sau, trải qua thời gian, mỗi nhà mỗi phong cách, mỗi ý khí, mỗi thần thái biểu đạt khác nhau đã tạo nên “cái đẹp” rất đa dạng và rất phong phú từ các con chữ. Thế là “nghệ thuật thư pháp” ra đời.

Tác phẩm “Thư pháp là gì?” của Nguyễn Hiếu Tín dường như đã đáp ứng đúng lúc, đúng thời cho phong trào “thư pháp Việt” đang thịnh hành và đang rất nóng hổi hiện nay. Thư pháp, như vậy, từ truyền thống đến hiện đại – tự thân – nó đã nội hàm tính nghệ thuật của một loại hình văn hóa đặc thù. Nó là linh hồn, là sự sống của các con chữ, không giới hạn khu biệt trong thư pháp chữ Hán.

“Lung linh hồn con chữ
Tùng trúc bút gieo văn
Tình thơm thư pháp Việt
Tiêu sái ẩm chung trăng.”

(Sư thầy Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Viện chủ Tu viện Huyền Không Sơn Thượng)

Đâu là bản sắc của Thư pháp Việt?

Theo nhà thư pháp Nguyễn Hiếu Tín, thư pháp chữ Việt phản ánh những đặc trưng của văn hóa người Việt, như tính linh hoạt, tính biểu cảm và tính tổng hợp. Đặc biệt là khả năng tích hợp văn hóa Đông Tây của nghệ thuật này.

Sự ra đời của nghệ thuật thư pháp chữ Việt một lần nữa minh chứng cho tính dung hợp mạnh mẽ của văn hóa Việt – đó là sự kết hợp cái thần của chữ Hán vào nét chữ quốc ngữ. Với ngọn bút lông “kỳ diệu” (sản phẩm của văn hóa phương Đông) được vận dụng một cách thuần phục, tế nhị vào mẫu tự Latinh (sản phẩm của văn hóa phương Tây).

Thư pháp chữ Việt chính là sự giao hòa văn hóa Đông – Tây. Nền văn hóa Việt vốn là nền văn hóa mở. Trong quá trình giao lưu, tiếp xúc các nền văn hóa khác đã biết tiếp thu những yếu tố mới và Việt hóa dần các yếu tố ấy để biến thành cái của mình.

Tác giả Nguyễn Hiếu Tín vừa “trình làng” tác phẩm “Thư pháp là gì?” trong diện mạo mới, thể hiện sự tìm tòi, khám phá thư pháp bằng tất cả niềm say mê của chàng trai quê An Giang.

Sau nhiều năm xuất hiện, thư pháp chữ Việt đã phần nào chinh phục được người thưởng lãm và làm say mê những người yêu thích môn thư pháp. Bộ môn thư pháp chữ Việt đến nay đã thực sự đi vào mọi ngõ ngách trong đời sống văn hoá thị dân, đặc biệt tại TPHCM. Tuy không ồn ào, nhưng bộ môn này như một ngọn lửa nhỏ âm ỉ, luôn cháy sáng ở những dịp lễ hội.

Đáng chú ý là vào dịp tết cổ truyền hàng năm, ngoài những cuộc triển lãm chào mừng năm mới, thư pháp chữ Việt còn thu hút nhiều người bởi phong tục xin chữ – tặng chữ đầu năm, nhất là ở các phố “Ông Đồ” xuất hiện ngày càng nhiều trên cả nước. Thư pháp chữ Việt thật sự trở thành văn hóa quà tặng rất lịch thiệp và hiệu quả, từng bước trở thành nghề nghiệp chính. Không ít bạn trẻ đã thu nhập khá ổn định từ nghề viết thư pháp.

Chưa bàn đến việc tốt – xấu, đúng – sai trong nghệ thuật này, chỉ biết đó là một hiện tượng văn hóa rất đáng quan tâm. Sự xuất hiện của thư pháp chữ Việt đã đáp ứng được nhu cầu của đời sống tinh thần của người dân và thật sự đã đem lại nhiều lợi ích trong cộng đồng xã hội. Giờ đây, có thể nói thú chơi thư pháp chữ Việt trở thành món ăn tinh thần, một phong thái tiêu khiển vừa tao nhã, vừa bổ ích, nhất là trong xã hội công nghiệp hiện nay.

Nhà thư pháp Nguyễn Hiếu Tín hiện là Trưởng Bộ môn Du Lịch, Trường đại học Tôn Đức Thắng. Ba năm liền anh đạt danh hiệu “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” do Thành Đoàn TPHCM tổ chức. Anh cũng là chủ nhiệm đầu tiên CLB Thư pháp Nét việt của Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM. Anh còn được biết đến là nhà sưu tập tem với nhiều giải thưởng lớn trong và ngoài nước, là chiếc cầu nối đưa bạn trẻ tìm đến nghệ thuật thư pháp Việt và văn hóa Việt. Anh cũng là cây bút được ưa thích trên nhiều tờ báo và là người sở hữu nhiều bộ sưu tập lạ, hay, đầy trí tuệ như: ấm tử sa, gốm Biên Hòa, lũa gỗ nghệ thuật… Sau lần ra mắt đầu tiên năm 2007, anh vừa cho ra mắt bạn đọc quyển sách “Thư pháp là gì?” với nhiều nội dung bổ sung, được giới nghiên cứu và các bạn yêu thư pháp nồng nhiệt chào đón.

Trần Thanh Hưng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Họa sĩ dành 30 năm quảng bá du lịch Nha Trang

0
(SGTT) - Họa sĩ Phạm Minh Hồng, 54 tuổi, đã dành gần 30 năm để vẽ lại các danh lam, thắng cảnh nổi tiếng...

Mới lạ tranh sơn dầu trên vải mùng

0
(SGTT) - Trong nghệ thuật đương đại, tranh sơn dầu thường được gắn liền với hình ảnh người họa sĩ vẽ màu lên vải...

Giám tuyển nghệ thuật: Hấp dẫn, mới mẻ và đầy thách...

0
(SGTT) - Việc nhà đấu giá nổi tiếng Sotheby’s tổ chức 2 cuộc triển lãm trong 2 năm liên tiếp tại TPHCM, với sự...

Trong khó khăn, ngành xuất bản đẩy mạnh chuyển đổi số

0
Những khó khăn của nền kinh tế đã ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề và lĩnh vực. Hoạt động xuất bản sách từ đầu...

Triển lãm tranh giấy tre tại Đà Nẵng

0
(SGTT) - Triển lãm nghệ thuật trúc chỉ mang tên “Năng” diễn ra từ ngày 14-7 đến 23-7 tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà...

Sân khấu xiếc, múa rối: vẫn loay hoay bài toán nguồn...

0
Ba tháng hè luôn là mùa cao điểm doanh thu của nhà hát với loại hình biểu diễn xiếc, múa rối tại Việt Nam....

Kết nối