Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Nhà bán lẻ ngoại nhộn nhịp mở chuỗi giữa ‘mùa đông’ tiêu dùng

Giữa muôn vàn khó khăn của thị trường tiêu thụ do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, các nhà bán lẻ nước ngoài vẫn tiếp tục rót nhiều vốn mở thêm điểm kinh doanh và thậm chí đưa cả mô hình kinh doanh mới đến Việt Nam ở thời điểm này.

Điều này cho thấy tiềm lực rất mạnh của nhà phân phối nước ngoài cũng như sự kỳ vọng lớn của họ ở thị trường tiêu dùng trong nước với gần 100 triệu dân mà các nhà phân phối nội địa cần phải tiếp tục cải tiến, thay đổi để cạnh tranh và phát triển.

Các nhà bán lẻ nước ngoài đang mở rộng điểm kinh doanh ngay ở thời điểm người tiêu dùng trong nước thắt chặt chi tiêu do lạm phát tăng và thu nhập sụt giảm. Trong ảnh là điểm bán lẻ với mô hình kinh doanh mới tại Bình Dương của AEON Việt Nam: Hùng Lê

Bành trướng thị trường cho mục tiêu 5-10 năm tới

AEON Việt Nam vừa cho khai trương siêu thị tinh gọn đầu tiên ở miền Nam của nhà bán lẻ này tại Trung tâm mua sắm SORA Gardens SC, thành phố mới Bình Dương. Với diện tích 5.000m2, AEON Bình Dương New City mang những trải nghiệm mua sắm chuẩn của tập đoàn bán lẻ Nhật Bản này đến gần hơn với khách hàng địa phương.

Đây cũng là một trong những chiến lược đầu tư chọn lọc của AEON Việt Nam, đa dạng mô hình bán lẻ để tăng tốc mở rộng đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Trước đó vào năm 2022, mô hình siêu thị tinh gọn lần đầu tiên đã được AEON Việt Nam ra mắt tại Hà Nội.

Tuy nhiên với những nhà kinh doanh và đầu tư thì hiệu quả đầu tư cho kinh doanh thương mại, đa tại khu vực này à dân cư còn khá thưa thớt, khó có thể thành công khi mở kinh doanh. Tuy nhiên, nhà bán lẻ xứ hoa anh đào này cho biết đầu tư lúc này là có tầm nhìn dài hạn, đón đầu thị trường tương lại.

“Chúng tôi chọn thành phố mới Bình Dương vì nhận thấy khu vực này có tiềm năng kinh tế, và dân cư sẽ phát triển đông đúc trong thời gian tới”, ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc AEON Việt Nam chia sẻ, và nói: “AEON Việt Nam quyết định đầu tư ở thời điểm này, cho tầm nhìn 5-10 năm sau nữa chứ không chỉ hiện tại. Song song đó, AEON Việt Nam vẫn tiếp tục tìm kiếm vị trí phù hợp tại các tỉnh thành khác để mở thêm các địa điểm kinh doanh mới”.

Cùng với AEON, hàng loạt thương hiệu bán lẻ Nhật Bản khác cũng nối bước đi đến tỉnh Bình Dương mở cửa hàng kinh doanh gồm thương hiệu đồ gia dụng Kohnan Japan; hệ thống cửa hàng giày chính hãng Nhật Bản ABC-Mart; cửa hàng Gacha, Figure chính hãng MomoTarou…

Ngay cả nhà bán lẻ quần áo Uniqlo cũng cho khai trương cửa hàng đầu tiên ở Bình Dương gần đây cũng muốn mở thêm cửa hàng thứ hai tại địa phương phát triển mạnh công nghiệp này.

Tuy nhiên đáng chú ý là nhà bán lẻ đến từ Thái Lan Central Retail vừa đưa vào hoạt động siêu thị mini Go! Điện Bàn tại tỉnh Quảng Nam vào hoạt động hồi trung tuần tháng 7 vừa qua thì tiếp tục đưa thương hiệu Come Home vào hoạt động tại quận 7, TPHCM chỉ sau đó 1 tuần.

Cửa hàng dưới thương hiệu Come Home đầu tiên ở Việt Nam này có diện tích rộng 3.000 m2 tại Trung tâm thương mại SC VivoCity cũng đánh dấu chính thức thương hiệu nội thất trực thuộc tập đoàn bán lẻ xứ chùa vàng này có mặt tại thị trường gần 100 triệu dân ở Việt Nam.

Gia nhập “đường đua” về trang trí nội thất tại Việt Nam khá trễ, nhưng đại diện Come Home vẫn tự tin về con đường chinh phục người tiêu dùng trong nước. Bởi theo doanh nghiệp này, đây là mô hình cửa hàng “Một điểm đến – One Stop Shopping”: Come Home là mô hình cửa hàng cung cấp giải pháp toàn diện về trang trí nội thất “Một điểm đến” (One Stop Shopping) đầu tiên tại Việt Nam.

Central Retail của Thái Lan lần đầy đưa thương hiệu nội thất Come Home vào Việt Nam.

Come Home được xem là một trong những dự án kinh doanh phi thực phẩm trọng điểm của Tập đoàn Central Retail trong năm 2023. Khoản đầu tư mới này cho thấy nhà bán lẻ xứ chùa vàng này đặt kỳ vọng nhiều ở thị trường trong nước ngay cả tình hình tiêu thụ đang rất khó khăn do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu vì thu nhập sụt giảm, tình trạng thất nghiệp tăng cao do nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sụt giảm sâu đơn hàng sản xuất…

Trên thực tế Central Retail phát triển khá nhanh ở thị trường Việt Nam, nhất là sau khi thâu tóm được chuỗi siêu thị Big C với khoản đầu tư tương đương 1,05 tỉ đô la Mỹ nhiều năm trước đó. Bắt đầu với Trung tâm bách hóa Robins chuyên cung cấp các sản phẩm thời trang và thể thao, sau hơn 10 năm hoạt động, Central Retail tại Việt Nam đã trở thành nhà bán lẻ đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu tại Việt Nam.

Sức ép với các nhà phân phối nội địa…

Hiện nhà bán lẻ đến từ xứ xở chùa vàng Central Retail ở Việt Nam sở hữu mạng lưới hơn 340 trung tâm thương mại và cửa hàng, hiện diện trên 40 tỉnh và thành phố lớn, tổng diện tích bán lẻ lên đến hơn 1,2 triệu mét vuông, và kế hoạch mở rộng đầu tư của Central Retail vấn đang tiếp tục được đẩy mạnh.

Hồi tháng 2-2023, Central Retail cũng công bố sẽ rót thêm 1,45 tỉ đô la Mỹ vào Việt Nam cho mục tiêu tăng gần gấp đôi số lượng cửa hàng lên 600 vào năm 2027, tham vọng trở thành nhà bán lẻ đa kênh dẫn đầu ngành thực phẩm và số 2 mảng bất động sản trung tâm thương mại tại Việt Nam vào năm 2027.

Đến năm 2027, Central Retail sẽ phát triển gần gấp đôi số lượng cửa hàng so với hiện nay. Ảnh minh họa: L.H

Giám đốc điều hành Central Retail Corporation (CRC), ông Yol Phokasub, khi đó cho biết 5 năm tới đây (2023-2027), CRC sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh, có mặt trên 57 trên 63 tỉnh thành của Việt Nam.

Mục tiêu đầy tham vọng của tập đoàn bán lẻ Thái Lan này từ kết quả kinh doanh cũng như triển vọng dài hạn thị trường gần 100 triệu dân trong nước. Công ty đã đạt được mức tăng trưởng nhảy vọt từ 8,7 triệu đô la vào năm 2014 lên 1,12 tỉ đô la vào năm 2021.

Đáng chú ý vào năm 2022, công ty đã thành công đạt được doanh số bán hàng đóng góp đến 25% tổng doanh thu của Central Retail, trở thành nhà bán lẻ quốc tế lớn nhất tại Việt Nam, dẫn đầu thị phần mảng đại siêu thị.

Giải thích cho việc “bơm” thêm vốn vào thị trường Việt Nam, lãnh đạo Central Retail Việt Nam cho rằng nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng bất chấp những bất ổn. Dân số tiếp tục tăng bên cạnh sự phát triển của các kênh phân phối bán hàng hiện đại và lượng du khách quốc tế ngày càng tăng cũng mang đến cho Central Retail những dấu hiệu tích cực để tiếp tục mở rộng kinh doanh trên 3 ngành hàng, phục vụ phong cách sống của người tiêu dùng Việt Nam.

Cụ thể, danh mục kinh doanh bao gồm thực phẩm, bao gồm 38 chi nhánh của đại siêu thị GO!, 10 chi nhánh Tops Market, 4 chi nhánh mini go! và 24 chi nhánh của Lanchi Mart. Hạng mục bất động sản bao gồm 39 chi nhánh của Trung tâm thương mại GO! và ngành hàng Phi thực phẩm bao gồm Nguyễn Kim, Supersports, Kubo và ROBINS.

Dù sức mua đang giảm sút ở thời điểm hiện tại do các khó khăn về tài chính của người tiêu dùng, nhưng bán lẻ vẫn là lĩnh vực được đánh giá có nhiều tiềm năng tăng trưởng dài hạn để đẩy mạnh tiếp tục rót vốn đầu tư.

Theo lãnh đạo AEON Việt Nam, nền kinh tế gần 100 triệu dân trong nước được nhận định sở hữu đầy đủ các yếu tố thuận lợi để tăng trưởng trong dài hạn và phát triển vượt bậc hơn một số nước khác ở châu Á, điển hình như sự ổn định về chính trị, mức lạm phát thấp, lực lượng lao động dồi dào với chi phí nhân công cạnh tranh, môi trường đầu tư thân thiện, …

Do đó, Tập đoàn AEON xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ 2 bên cạnh Nhật Bản trong chiến lược dài hạn. AEON Việt Nam đã lên chiến lược đầu tư chọn lọc các hoạt động kinh doanh, nhằm chuẩn bị cho sự phát triển trong tương lai thông qua việc phát triển sản phẩm nhãn hàng riêng và kênh thương mại điện tử.

Nhằm tối đa tính tiện lợi là ưu tiên và thay đổi trong xu hướng mua sắm sau dịch của khách hàng, AEON Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng đa dạng mô hình bán lẻ, linh hoạt về quy mô, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của từng địa phương.

“AEON vẫn sẽ tiếp tục tập trung vào việc tăng số lượng các trung tâm mua sắm lớn. Tuy nhiên, để đáp ứng sự thay đổi trong nhu cầu của khách hàng, chúng tôi sẽ thử nghiệm các mô hình mới như siêu thị quy mô vừa, các siêu thị quy mô nhỏ với thương hiệu MaxValu”, ông Furusawa Yasuyuki, chia sẻ.

Trước đó, khi khảo sát về tình hình đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam, Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (Jetro), cho biết các nhà đầu tư nước này xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm. Đáng chú ý, khoảng 60% nhà bán lẻ Nhật Bản tại Việt Nam sẽ mở rộng kinh doanh trong 1 – 2 năm tới. Đặc biệt, các nhà đầu tư Nhật Bản đang cho thấy xu hướng hoàn thiện chuỗi cung ứng, tối ưu kinh doanh khi không ít đơn vị đầu tư cả vào mảng sản xuất và phân phối. Điều này giải thích lý do, hàng loạt tên tuổi bán lẻ Nhật vẫn theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng tại Việt Nam trong bối cảnh thị trường gặp khó khăn về sức mua.

Hàng loạt nhà bán lẻ ngoại khác với tiềm lực tài chính mạnh, thương hiệu quốc tế và kinh nghiệm phát triển thị trường cũng có chiến lược mở rộng kinh doanh ở thị trường trong nước được giới phân tích cho là gây sức ép rất lớn với các nhà bán lẻ nội địa.

… lẫn áp lực cho nhà sản xuất trong nước

Chuyên gia bán lẻ và thương mại Vũ Vinh Phú cũng nhìn nhận các nhà bán lẻ ngoại đang mở nhanh điểm kinh doanh mới ở thị trường trong nước trong khi các chuỗi bán lẻ nội địa thì có vẻ trầm lắng hơn.

Điều này cho thấy nhà phân phân phối ngoại đánh giá thị trường Việt Nam rất tiềm năng để đầu tư, bởi kênh bán lẻ hiện đại của Việt Nam hiện mới chiếm khoảng 25%, còn dư địa rất rộng lớn để phát triển.

Việc phát triển nhanh và rộng khắp của chuỗi bán lẻ ngoại cũng được cho là thách thức với nhà sản xuất hàng hóa trong nước. Ảnh minh họa: L.H

Trên thực tế với thị trường gần 100 triệu dân, trong đó 50% là dân số trẻ và GDP bình quân đầu người đang tăng, ổn định…, Việt Nam được đánh giá khá tiềm năng cho các nhà bán lẻ hiện đại đầu tư kinh doanh.

Tuy nhiên, mở rộng điểm kinh doanh trong bối cảnh thị trường tiêu thụ sụt giảm, dòng tiền khó khăn, lãi suất vay tín dụng trong nước còn cao thì rất khó cho các doanh nghiệp bán lẻ nội địa đẩy mạnh đầu tư lúc này.

Trong khi đó theo ông Vũ Vinh Phú, bên cạnh có thế mạnh về tiềm lực tài chính, các nhà đầu tư ngoại còn vay được vốn đầu tư với lãi suất thấp hơn ở Việt Nam khá nhiều nên họ có thể phát triển điểm kinh doanh mới thuận lợi hơn.

Mặt khác, theo quan sát của chuyên gia bán lẻ này, tại một số địa phương, các nhà đầu tư nước ngoài còn có thể mở điểm kinh doanh mới trong thời gian ngắn chỉ trong vài tháng, trong khi một số nhà bán lẻ nội địa phản ánh rằng họ phải mất từ 2-3 năm.

Trước sức ép tốc độ mở nhanh điểm bán mới của chuỗi bán lẻ ngoại trong khi chuỗi nội địa còn chậm hơn, ông Phú lo lắng rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất trong nước.

Bởi theo ông Phú, khi hệ thống phân phối nước ngoài phát triển rộng khắp thì chủ các hệ thống đó sẽ ưu tiên hàng hóa doanh nghiệp nước họ vào kinh doanh nhiều hơn. Khi đó, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam sản xuất sẽ gặp khó khăn.

Hoặc để đưa hàng hóa vào kinh doanh được các chuỗi này, họ sẽ đặt điều kiện chiết khấu cao, dẫn đến sản phẩm của doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh hơn với hàng hóa cùng loại nhập khẩu. Hoặc hàng hóa trưng bày, họ sẽ ưu tiên hàng nhập khẩu ở những vị trí đẹp, dễ nhìn tháy, còn hàng Việt đứng ở vị trí khó thấy hơn…

“Tôi xin lưu ý rằng mất hệ thống phân phối là mất sản xuất. Bởi doanh nghiệp sản xuất sẽ không có chỗ nào bấu víu để đưa sản phẩm vào kinh doanh”, chuyên gia bán lẻ Vinh Phú nói.

Trước những thách thức này, ông Phú cho rằng các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cần vừa cạnh tranh, vừa hơp tác với doanh nghiệp nước ngoài để học tâp kinh nghiệm, công nghệ bán lẻ tiên tiến. Đồng thời đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất trong nước và hệ thống phân phối Việt, tạo thành sức mạnh của doanh nghiệp Việt Nam. Ở phía cơ quan quản lý bán lẻ và thu hút đầu tư, ông Phú kiến nghị chính sách cần minh bạch và công bằng cho cả doanh nghiệp nội – ngoại…

Hùng Lê

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối