Chí Thịnh -
Tính đến chiều 15-1-2018 đã có khoảng 2.400 người đăng ký tham gia vụ kiện hãng Apple thông qua trang web http://batterydown.vn, với lý do nhà sản xuất này đã cố tình làm chậm tốc độ sản phẩm iPhone.
Gây ra “khuyết tật” sản phẩm
Đại diện Văn phòng luật sư Kết nối (Connect Law) khi trả lời phỏng vấn báo chí (đăng tải trực tuyến trên trang Facebook của văn phòng này) cho rằng, Apple khi phát hành phiên bản hệ điều hành khiến cho tốc độ xử lý iPhone bị chậm là đã gây ra “khuyết tật” cho sản phẩm.
Luật sư Trần Mạnh Tùng trong đoạn video phát trực tuyến trên fanpage của Văn phòng luật sư Kết nối cho rằng khuyết tật sản phẩm đã ảnh hưởng tới việc sử dụng của người tiêu dùng, từ đó dẫn tới việc người dùng buộc lòng phải thay pin mới hoặc phải đổi máy mới. Đồng thời, Apple khi phát hành phiên bản hệ điều hành mới cho các phiên bản iPhone cũng không hề thông báo những hậu quả sẽ xảy ra cho chiếc điện thoại này (giảm hiệu năng, xử lý chậm).
“Chúng tôi không nghĩ tới việc thu phí đối với người tiêu dùng đăng ký tham gia vụ kiện Apple. Vụ kiện này chủ yếu nhằm bảo vệ quyền lợi của những người dùng iPhone. Do đó, việc đeo đuổi vụ kiện cũng chưa thể nói trước được”, Văn phòng luật sư Kết nối cho biết.
Vụ kiện Apple được căn cứ theo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể là theo khoản 3, điều 12 về việc cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và các biện pháp phòng ngừa. Nhà sản xuất phải có thông tin cảnh báo tới khách hàng nếu như phiên bản hệ điều hành có khả năng làm chậm sản phẩm (ở đây là iPhone).
Trước đó, vào ngày 28-12-2017, hãng Apple đã chính thức đăng một lá thư xin lỗi lên trang web công ty về việc làm chậm iPhone cũ, đồng thời cũng giải thích lý do làm việc đó. Apple cho biết họ đã nghe phản hồi từ khách hàng về cách thức xử lý đối với các iPhone sử dụng pin cũ. Họ xin lỗi vì đã không thông báo điều đó cho khách hàng biết, và cho biết sẽ giảm giá thay pin mới đối với một số phiên bản iPhone (từ 79 xuống 29 đô la Mỹ) từ tháng 1-2018 cho tới hết tháng 12-2018.
Cuối năm 2017, Apple cũng đã thông báo việc thay pin với giá ưu đãi tại Việt Nam cho những dòng sản phẩm như iPhone 6/6 Plus, iPhone 6s/6s Plus, iPhone SE, iPhone 7/7 Plus… Người tiêu dùng sẽ liên hệ với trung tâm chăm sóc khách hàng (Apple Care) của hãng Apple tại Việt Nam để tìm hiểu về quy trình thay pin, giá cả, cách thức thay pin.
[box] Văn phòng luật sư Kết nối thuộc Đoàn luật sư Hà Nội đã gửi đơn khởi kiện và hồ sơ đi kèm tới Tòa án nhân dân TPHCM. Toà án nhân dân TPHCM cũng đã tiếp nhận đơn kiện (ngày 10-1-2018) và đang xử lý, dự kiến sẽ có thông báo kết quả xử lý đơn kiện vào ngày 20-1-2018 (sau 8 ngày làm việc). TPHCM cũng là nơi có văn phòng đại diện chính thức của hãng Apple tại Việt Nam. Đó là Công ty TNHH Apple Việt Nam. Đối với hãng Apple, Văn phòng luật sư Kết nối cũng đang chuẩn bị hồ sơ để thông báo với Apple về việc tiến hành vụ kiện tại Việt Nam.[/box]
“Con kiến kiện củ khoai”?
Một số nhà bán lẻ sản phẩm công nghệ cho biết, đây là lần đầu tiên có vụ kiện thương hiệu Apple tại Việt Nam. Cho tới thời điểm này, không biết có thể kiện Apple một cách chính thức hay không nhưng sự kiện đã gây tiếng vang nhất định cho Văn phòng luật sư Kết nối.
Trước đây cũng từng có một số diễn đàn rủ nhau kiện các hãng điện thoại di động về lỗi sản phẩm, chăm sóc khách hàng… nhưng hầu hết đều không thành công. Các vụ kiện tập thể thường thất bại do không có luật sư tư vấn, hướng dẫn cách thức khởi kiện.
Lần này, vụ kiện bắt đầu từ hai luật sư, cũng là người dùng sản phẩm iPhone. Đó là điểm khác biệt và có cơ sở để vụ kiện được nhiều người chú ý so với các vụ lùm xùm trước đây.
Ở vụ kiện này, mục tiêu của đơn kiện là yêu cầu Apple phải có trách nhiệm sửa phần mềm, hệ điều hành để điện thoại của người dùng trở về đúng hiệu năng ban đầu, hoặc phải thay pin miễn phí để điện thoại có hiệu năng như trước khi bị lỗi kỹ thuật do Apple gây ra. Đơn kiện không đưa ra mức bồi thường về tiền bạc như một số đơn kiện ở một số quốc gia trên thế giới.
Hiện nay, trên thế giới cũng đã có khoảng 20 vụ kiện Apple về vấn đề này (làm chậm iPhone) tại tòa án các bang NewYork, Illinos và California của Mỹ, và ở một số nơi khác trên thế giới như Hàn Quốc, Pháp và Isarel.
Cho tới nay, chưa có phán quyết cụ thể của các toà án trên thế giới về việc Apple phải bồi thường hoặc giải quyết vấn đề cố tình làm chậm sản phẩm. Do đó, vẫn chưa có hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc văn phòng luật sư nào có thể đưa ra tuyên bố về khả năng người tiêu dùng có kiện thành công hay không.