Thứ Ba, Tháng Tư 30, 2024

Mùa lạnh cuối năm: Coi chừng “quỵ” vì suyễn

Khánh Ngân –  

Cuối năm, không khí lạnh tràn về cũng là thời điểm vào đỉnh của bệnh suyễn. Trung bình, mỗi tháng gần đây tại TPHCM có khoảng 3.000 trẻ đến khám suyễn tại Bệnh viện Nhi đồng 2, trong đó có hơn 200 bệnh nhi điều trị nội trú. Còn ở Bệnh viện Đại học Y Dược, theo BS. Nguyễn Như Vinh – Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp, mỗi ngày khoa tiếp nhận 60-70 lượt bệnh nhân đến khám suyễn, trong đó có cả trẻ em và người già.

Ngất xỉu vì suyễn

bs-dang-kham-suyenBác sĩ đang khám bệnh cho một bệnh nhi bị suyễn.

Đang đi làm, bỗng dưng chị Lê Thanh Tuyền ở quận Bình Thạnh nhận được điện thoại của cô giáo chủ nhiệm thông báo Như – con chị, học lớp 4 đang lên cơn suyễn và yêu cầu chị đến đón về. Cô giáo cho biết, sáng nay vào lớp bé vẫn học, vui vẻ như bình thường. Nhưng vào giờ giải lao, Như cùng các bạn khác ra sân chơi trò đuổi bắt. Như mới đuổi theo 2 bạn, đã thở hổn hển, ho và lên cơn khó thở nặng. Chị Tuyền nhanh chân chạy đến trường, khi đó, bé Như nằm im, mắt nhắm nghiền và thở khó nhọc nên chị đưa con vào Bệnh viện Nhi đồng 2 cấp cứu. Chị Tuyền kể, bé Như bị suyễn từ lúc 3 tuổi nhưng mỗi sáng trước khi đi học và tối trước khi ngủ, gia đình luôn dùng thuốc xịt dự phòng nên gia đình chủ quan, không nghĩ bé lên cơn suyễn… giữa chừng.

Không chỉ những người đang bị suyễn mới dễ lên cơn, mà ngay cả những trường hợp suyễn đã ngủ yên 10, 20 năm, bỗng dưng đến mùa lạnh cũng dễ bị lên cơn và theo cảnh báo của các chuyên gia hô hấp, những trường hợp này rất nguy hiểm, vì người bệnh chủ quan, nghĩ mình đã hết bệnh nên không có thuốc cắt cơn trữ trong nhà. Anh Nguyễn Thanh Nam, 49 tuổi ở quận Bình Tân là điển hình. Anh bị suyễn từ bé và đến năm 16 tuổi thì không còn lên cơn suyễn nữa nên anh cũng quên mất việc mình từng bị suyễn, dù bác sĩ đã dặn 6 tháng phải tái khám 1 lần. Mới đây, vào ngày 14-11, anh đi phụ người quen sơn sửa nhà, vừa mới bật nắp thùng nước sơn tường lên, anh ho sặc sụa, than mệt rồi ngã lăn đùng ngất xỉu. Mọi người đưa anh đi cấp cứu. Anh được chẩn đoán: lên cơn suyễn cấp và tác nhân được xác định là mùi nước sơn tường.

Sai lầm của bệnh nhân

Theo BS. Đặng Kim Huyên, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, thuốc trị ho trong cơn hen suyễn là điều phải chú ý nhiều nhất. Khi bé đang lên cơn hen thì việc dùng thuốc ho là không cần thiết, bởi điều quan trọng nhất là phải giúp trẻ dãn phế quản nhằm mở đường thở ra, từ đó sẽ giúp trẻ vượt qua được cơn hen cấp tính. Vì nguyên nhân gây ho trong bệnh suyễn là do sự co thắt của đường thở trong lồng ngực. Mỗi khi co thắt lại thì biểu hiện ra ngoài bằng triệu chứng ho khò khè, khó thở, nặng ngực. Do đó, thay vì giúp người bị suyễn làm dãn phế quản – hiệu quả nhất là bình xịt cắt cơn suyễn. Thế nhưng, nhiều người lại chữa bằng các biện pháp dân gian như vắt chanh vào miệng khi lên cơn suyễn, dán cao dán dưới lòng bàn chân, uống thằn lằn, rắn mối nướng, thậm chí ăn sống bằng cách há miệng rồi bấm đuôi thằn lằn cho chui vào miệng, bệnh thì không hết, nhưng chết thì có.

Ngày 9-11 mới đây, một bé gái chưa tròn 1 tháng ở huyện Thoại Sơn, An Giang vừa tử vong tại Bệnh viện sản- nhi An Giang do bị ho, khò khè và được người nhà cho uống thằn lằn đốt thành than tán nhuyễn và thuốc tàu.

Ngoài ra, còn một số sai lầm thường gặp của bệnh nhân suyễn như không chấp nhận chẩn đoán bệnh của bác sĩ, quá lo sợ các tác dụng phụ của thuốc mà không tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ dẫn đến tình trạng bệnh diễn tiến nặng hơn. Mặt khác khi trẻ vào cơn hen cấp, cha mẹ không có đủ khả năng xử lý đúng tình huống như vừa thấy con khó thở là nửa đêm cũng đưa đến bệnh viện ngay, trong khi đó vẫn có thể xử lý tại nhà bằng thuốc xịt cắt cơn. Ngược lại có phụ huynh chủ quan, con bị ho, khó thở, khò khè kéo dài vẫn để ở nhà, đến khi bé bị suy hô hấp nặng mới đưa đến bệnh viện thì rất nguy hiểm.

Phòng ngừa và xử lý khi lên cơn suyễn

BS. Nguyễn Như Vinh cho biết, cuối năm là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết lạnh hơn nên các bệnh về hô hấp như suyễn, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi… đều tăng cao. Ngoài ra, cuối năm cũng là mùa dọn dẹp, sơn sửa nhà cửa nên bụi bặm, mùi sơn là những tác nhân rất dễ kích ứng cơn suyễn. Bên cạnh đó còn nhiều yếu tố khởi phát khác như khói thuốc, lông thú, phấn hoa, thuốc aspirine, stress, thức ăn lên men (trừ yaourt)…

Do đó, việc phòng bệnh hiệu quả nhất là phải tránh được các yếu tố khởi phát. Theo đó, các dấu hiệu bệnh suyễn cần được theo dõi kỹ, nhất là với trẻ em, không nên xem thường các triệu chứng đơn giản như ho, khò khè. Đặc biệt trong 2-3 năm đầu đời, nếu trẻ ho, khò khè, khó thở lặp lại nhiều lần vào thời tiết chuyển mùa thì các bậc phụ huynh không nên thờ ơ, mà nên đưa đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để xác định trẻ có mắc bệnh suyễn hay không. Hoặc khi bị lên cơn suyễn thì điều cần làm ngay là cách ly với những tác nhân làm kích ứng cơn suyễn như hóa chất có mùi nồng gắt, lông thú… Cho người bệnh ngồi nơi thông thoáng, người hơi cuối đầu về phía trước để dễ thở.  Và điều cần làm ngay là dùng thuốc xịt cắt cơn, xịt vào họng hai nhát.

Nếu 15-20 phút sau bệnh nhân vẫn không giảm, xịt tiếp 2 nhát và chưa giảm nữa thì xịt tiếp lần thứ ba sau 15 phút. Sau 1 giờ, kể từ lúc lên cơn suyễn, nếu bệnh nhân không ổn, vẫn khó thở thì phải đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu và trên đường đi, vẫn tiếp tục xịt thuốc cắt cơn, mỗi 15 phút (sai lầm của nhiều người là sợ quá liều nên không dám xịt, làm đường thở bị co thắt nhiều hơn, có thể dẫn đến tử vong).

Một điều cần lưu ý, bệnh suyễn có thể lên cơn bất cứ lúc nào, vì vậy, người từng mắc bệnh suyễn, dù đã lui bệnh 10-20 năm vẫn phải luôn trữ thuốc xịt cắt cơn trong nhà hay mang theo khi đi xa để tránh trường hợp xa bệnh viện, không cấp cứu kịp. Ngoài ra, với bệnh nhân suyễn, không được dừng thuốc giữa chừng mà phải tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ và tái khám đúng hẹn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Trưa nay ăn gì: Bữa trưa ngày lễ với cầu gai,...

0
(SGTT) – Do vẫn còn trong kỳ nghỉ lễ với những đêm tiệc tùng, nên buổi trưa của mọi người chỉ cần chọn món...

Về Phú Yên thăm hải đăng Gành Đèn

0
(SGTT) – Hải đăng Gành Đèn nằm ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách danh thắng Gành Đá Đĩa...

Cấm ô tô, xe máy rẽ trái từ Mai Chí Thọ...

0
(SGTT) - Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông) cho biết,...

Ngắm đồng cỏ tranh trắng xoá ở khu Đại học Quốc...

0
(SGTT) - Cánh đồng cỏ tranh ở làng đại học (khu đô thị ĐH Quốc gia TPHCM) đang bung nở trắng xóa, thu hút...

Caravan 2030 lần 32 “Kon Tum ơi! Ta về” xuất phát

0
Hành trình trao quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn và khám phá những cung đường hùng vĩ của đoàn doanh nhân...

Bỏ túi những ý tưởng phối đồ vi vu dịp lễ...

0
(SGTT) - Lễ 30-4 và 1-5 năm nay có nắng nóng gay gắt và oi bức, đôi khi sẽ khiến chúng ta khó chịu,...

Kết nối