(SGTT) – Qua vụ việc một số công ty đã đi gom rau ở chợ, dán nhãn VietGAP để bán cho các hệ thống phân phối, hiện nhiều người hoài nghi liệu rằng còn bao nhiêu nhà cung cấp đã và đang tự dán nhãn sản phẩm VietGAP để bán vào siêu thị. Đại diện cơ quan chức năng cho biết đang phối hợp kiểm tra.
- Mối nguy hại lớn cho sức khỏe khi ăn phải thịt heo “bẩn”
- Thí điểm cho chợ truyền thống đã ngưng hoạt động được bán rau củ quả
Về vấn đề này, theo một đại diện của Ban quản lý an toàn thực phẩm TPHCM, hiện đơn vị vẫn đang phối hợp với các ban ngành để tiến hành kiểm tra các cơ sở chế biến rau được nêu trong sự việc này; đồng thời sớm yêu cầu các hệ thống phân phối như siêu thị cung cấp thông tin về quy trình nhập hàng và lấy mẫu hàng hóa đi xét nghiệm.
Vừa qua, thông tin về việc một số công ty đã đi gom rau ở chợ, dán nhãn VietGAP để bán cho các hệ thống phân phối đã tạo sự quan tâm lớn của dư luận. Đặc biệt, với giá khá rẻ, thậm chí chỉ bằng một nửa so với hàng Việt cùng chủng loại, nguồn cung lại dồi dào, nhiều mặt hàng nông sản Trung Quốc được các nhà cung cấp cho thay tên đổi họ, “hô biến” thành nông sản Việt để đưa vào bán tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi với giá cao như hàng Việt.
Đối với việc một số mặt hàng được dán nhãn VietGAP để chuyển vào siêu thị bán với giá cao gấp nhiều, trao đổi với SGTT, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TPHCM, cho biết việc lưu thông hàng hoá, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm… là thuộc trách nhiệm của Ban quản lý an toàn thực phẩm TPHCM. Tuy nhiên, ông Hiệp cho biết Ban quản lý an toàn thực phẩm TPHCM chỉ kiểm tra về an toàn thực phẩm, chứ không kiểm tra các sản phẩm trên thị trường có chuẩn VietGAP hay không. Hiện một số người cũng có sự nhầm lẫn giữa rau VietGAP là an toàn và rau không chuẩn VietGAP là không an toàn. Hai vấn đề này là hoàn toàn khác nhau, vị này nói.
Về giấy chứng nhận VietGAP cho các mặt hàng, đây như một dạng kiểm định chất lượng do các đơn vị có trách nhiệm cấp. Hiện có rất nhiều đơn vị liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng. Khi cấp, các đơn vị này cũng chịu trách nhiệm giám sát định kỳ đối với chuẩn VietGAP. Vì vậy, đây không phải là vấn đề đơn vị vi phạm xử lý như thế nào, mà việc “trà trộn” mặt hàng khi bị phát hiện thì cơ sở sản xuất này phải chịu trách nhiệm với việc làm của họ.
Theo ông Hiệp, mỗi siêu thị sẽ có những quy trình kiểm soát chất lượng, hệ thống kiểm tra, lấy mẫu khác nhau… Ngoài ra, siêu thị sẽ buộc doanh nghiệp đưa hàng vào trong siêu thị phải chịu trách nhiệm. Về mặt quản lý, một số đơn vị Nhà nước cũng phải thường xuyên đi lấy mẫu kiểm tra. Tuy nhiên, không thể nào đi kiểm tra hết các cơ sở nhập hàng.
Vụ việc phát hiện rau sạch dỏm tuồn vào siêu thị trong những ngày gần đây, dù một số đơn vị như chuỗi siêu thị 3Sạch, chuỗi bán lẻ WinMart/WinMart+… thông báo đã ngừng nhập và rút toàn bộ hàng hoá của nhà cung cấp Trình Nhi (Công ty TNHH nông sản Trình Nhi hay còn gọi là Trình Nhi Foods, TNFoods) ra khỏi quầy kệ bán hàng.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn đặt câu hỏi rằng còn bao nhiêu nhà cung cấp đã và đang tự dán nhãn sản phẩm VietGAP để bán vào siêu thị; còn bao nhiêu đơn vị, hệ thống siêu thị, chuỗi bán lẻ đã và đang là nạn nhân của các nhà cung cấp nông sản ấy; đồng thời cũng là kênh trung gian chuyển hàng không đúng chất lượng như quảng cáo đến tay người tiêu dùng.
Minh Thảo