Mi Vũ -
Hai chàng trai, mỗi người mỗi mảng miếng khác nhau, gặp nhau ở khát khao muốn góp sức làm thay đổi nền nông nghiệp đất nước vốn đang mắc kẹt trong vấn đề nhiễm hóa chất, chiến dịch giải cứu cà chua, dưa hấu... liên miên. Họ đã xây dựng nên những cộng đồng về nông nghiệp khác nhau với cùng một hướng đi: chia sẻ kiến thức về nông nghiệp sạch, bền vững.
Giấc mơ nông nghiệp công nghệ cao
Chương trình trao đổi về chủ đề nông nghiệp lần thứ 4 của nhóm Hiện thực hóa nông nghiệp Israel ở Việt Nam được tổ chức tại một trường mầm non trên địa bàn quận 2, TPHCM. Chủ đề lần này là về trồng trọt thủy canh trên giá thể - một hình thức canh tác nông nghiệp công nghệ cao đang dần trở nên thịnh hành. Gần một giờ chiều chương trình mới bắt đầu nhưng từ sáng sớm anh Nguyễn Đức Dũng (30 tuổi, quê Quảng Nam) và gần 20 thành viên khác trong nhóm đã có mặt để sắp xếp triển lãm các mô hình thủy canh, đón những người khởi nghiệp trẻ trong mảng trồng trọt theo mô hình này.
Diễn giả là sáng lập viên của một công ty khởi nghiệp về cung cấp rau thủy canh. Cử tọa ngồi dưới có người là nông dân trẻ trồng rau ở huyện Hóc Môn muốn áp dụng trồng rau thủy canh trên giá thể, có người là bác nông dân già gần 60 tuổi đi xe máy hai tiếng từ Long An lên để học hỏi cái mới…
“Làm vườn hơn 30 năm nay rồi nhưng hổm rày thấy người ta nói thủy canh trồng rau sạch, muốn tham dự coi người ta làm thế nào rồi học hỏi làm theo. Xem mấy cái dàn thủy canh trưng bày ở đây thấy mê quá”, ông Nguyễn Văn Giàu (52 tuổi), nông dân ở Long An nói.
Ba diễn giả lần lượt nói về hệ thống thủy canh, về cây giống thích hợp với thủy canh, về tối ưu dinh dưỡng, về ưu khuyết của phương pháp thủy canh... Đến gần 6 giờ chiều, trời đã nhá nhem tối nhưng gần 400 người tham dự vẫn mê mải đến phút cuối.
Ngồi dưới, nghe 1001 thắc mắc của những người tham gia về thủy canh, anh Dũng không giấu vẻ hào hứng trên gương mặt. Đang là kỹ sư phụ trách nhà kính của một trong những trang trại hiện đại ở Việt Nam, tranh thủ những ngày cuối tuần, anh từ Long Thành (Đồng Nai) lên Sài Gòn họp mặt với cả nhóm tổ chức những chương trình cộng đồng. Những chương trình trao đổi của anh và cả nhóm luôn là những chủ đề thu hút: công nghệ tưới nhỏ giọt, Internet kết nối vạn vật (Internet of Things - IoT) – kiểm soát, quản trị bệnh dịch, tưới nước, thu hoạch qua mạng bằng các thiết bị thông minh trong nông nghiệp công nghệ cao, canh tác thủy canh trên giá thể... Mỗi chương trình đều là diễn đàn mở, không thu phí mà ở đó nhóm đã mời những diễn giả là những chuyên gia đến từ Israel, những công ty, những cá nhân tiên phong trong mỗi lĩnh vực chia sẻ công việc mà họ đang làm, thách thức họ đang gặp phải.
Anh Dũng cho biết nhóm Hiện thực hóa nông nghiệp Israel tại Việt Nam hiện đã có hơn 8.000 thành viên hoạt động với tinh thần chia sẻ, đồng hành và phát triển. Bên cạnh những hội thảo chia sẻ về những xu hướng canh tác nông nghiệp hiện đại để mọi người cùng tiếp cận, nhóm cũng hướng đến việc kết nối, đồng hành với nông dân thông qua chương trình Hành trình nông sản Việt – tổ chức tour miễn phí đến các mô hình trang trại nông nghiệp cao, những hợp tác xã của nông dân...
Nói về cái tên Israel trong tên nhóm, anh Dũng cho biết ban đầu nhóm là tập hợp những tu nghiệp sinh trở về sau chương trình tu nghiệp nông nghiệp trong các moshav, kibbutz (cách gọi mô hình hợp tác xã) tại Israel để cùng nhau chia sẻ, kết nối làm những dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bản thân anh cũng đã trải qua 11 tháng làm nông dân thực thụ với đủ nắng nóng, lạnh giá khắc nghiệt trong những trang trại giữa sa mạc mênh mông ở miền Nam của quốc gia vốn không được thiên nhiên ưu đãi này.
“11 tháng ở Israel, 5 ngày mỗi tuần làm việc trong nhà màng, nhà lưới hiện đại, cuối tuần đến trường học lý thuyết về quản trị, kinh doanh, về giống, dinh dưỡng… chúng tôi học hỏi về kỹ thuật, học cung cách làm nông nghiệp của nông dân Israel. Nhưng điều lớn nhất có được từ chuyến đi đó là nó khơi dậy trong mỗi người khao khát làm nên kỳ tích nông nghiệp cho chính đất nước mình khi trở về”, anh Dũng nói.
Ngoài những hội thảo, hành trình nông sản, trang fanpage của nhóm cũng là nơi người trẻ chia sẻ, khảo sát ý kiến, tìm “đồng minh”, tìm đối tác thực hiện những dự án nông nghiệp công nghệ cao. Nhóm cũng đang ấp ủ rất nhiều dự án cộng đồng lớn từ cẩm nang tu nghiệp Israel, xe bảo quản nông sản lưu động cho nông dân, nông thị ven đô hay hệ thống thu sương cho những vùng khô hạn…
[box] Nông nghiệp cần liên kết, sẻ chia
“Nông nghiệp bền vững đòi hỏi nhiều yếu tố và chúng ta không thể làm nông nghiệp một mình. Cần có sự liên kết, kết nối của một hệ thống người cung cấp máy móc, thiết bị tưới, thi công nhà màng, nhà kính, nông dân sản xuất, người thu mua phân phối, tiêu thụ, xuất khẩu… Thiếu sự liên kết sẽ không thể có một nền nông nghiệp phát triển bền vững”, anh Nguyễn Đức Dũng – trưởng nhóm Hiện thực hóa nông nghiệp Israel tại Việt Nam chia sẻ.
Anh Dũng cho biết, ở Israel, đằng sau nông dân có cả một hệ thống liên kết hỗ trợ chặt chẽ, từ công ty cung cấp giống đến công ty cung cấp phân bón, đơn vị xử lý dịch bệnh… Lĩnh hội được tầm quan trọng của sự liên kết, chia sẻ trong việc xây dựng một nền nông nghiệp bền vững nên nhóm cộng đồng của anh cũng đóng vai trò như một kênh kết nối, chia sẻ.[/box]
Hãy là một “thế hệ ưu tú”
Không học nông nghiệp, không tu nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, Lê Minh Vương (25 tuổi) và nhóm Thế hệ ưu tú do anh điều hành theo đuổi một lĩnh vực mà không mấy bạn trẻ mặn mà: phân hữu cơ từ trùn quế.
Học ngành môi trường, tốt nghiệp ra trường đi làm ở một công ty xử lý nước thải nhưng tình cờ biết về trùn quế, Vương và một nhóm bạn trẻ đam mê nông nghiệp sạch đã nuôi kỳ vọng về một sự thay thế hoàn hảo cho phân hóa học của con trùn quế. Loài giun bé nhỏ này có thể tiêu hóa chất thải như bùn thải ao nuôi tôm, phân heo, phân bò, gà hay phế phẩm trồng trọt… để biến đổi thành phân trùn quế giàu chất dinh dưỡng cho cây trồng. Tùy vào nguồn gốc thức ăn, người ta cũng có thể sử dụng thịt trùn quế để làm thuốc, mỹ phẩm, thức ăn chăn nuôi…
Lặn lội xuống Củ Chi (TPHCM) đi làm cho một công ty chuyên nghiên cứu, sản xuất các loại sản phẩm từ trùn quế phục vụ nông nghiệp, công việc của Vương là loanh quanh trong những trại trùn rải rác khắp nơi, hỗ trợ người dân về kỹ thuật xử lý đất với phân trùn, nghiên cứu các chế phẩm mới từ trùn quế như dịch trùn, trà trùn… cho trồng trọt và chăn nuôi. Ăn, ngủ với trùn nên Vương tích lũy cả kho kiến thức lẫn kinh nghiệm thực tế về con trùn.
Bên cạnh đó, anh Vương cùng nhóm còn viết những cuốn cẩm nang nhỏ giới thiệu về trùn quế, kỹ thuật nuôi trùn quế, kỹ thuật trồng cà chua, dưa leo… bằng phân trùn quế, nuôi tôm bằng thịt trùn… Mong muốn của anh và nhóm Thế hệ ưu tú là muốn con trùn được biết đến nhiều hơn, được sử dụng nhiều hơn để nông dân dần thay thế việc sử dụng phân bón hóa học vốn đang làm thoái hóa đất, tồn dư trong nông sản… hướng đến xây dựng nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường.
Vừa làm, vừa đúc kết tài liệu, nhóm “quảng bá” cho con trùn quế bằng những sự kiện offline chia sẻ thông tin, tổ chức tour miễn phí (chỉ thu phí di chuyển) tham quan các mô hình nuôi trùn quế dưới mái tôn, nuôi trùn dưới tán cao su, tham quan các mô hình trồng cà tím, trồng dưa leo hữu cơ của nông dân trồng theo đơn đặt hàng của Nhật Bản sử dụng phân trùn quế kết hợp tưới nhỏ giọt, phát cẩm nang tự soạn cho mọi người như một món quà nhỏ...
Sau gần ba năm kể từ khi thành lập, đến nay, nhóm đã có tới 13 chương trình offline, tour nông nghiệp. “Cái tên Thế hệ ưu tú không phải là tự nhận mình xuất chúng hay tài giỏi mà chỉ đơn giản là những người trẻ sáng tạo, muốn tìm tòi, thử nghiệm cái mới. Những gì có được chúng tôi muốn chia sẻ với tinh thần mọi người cùng biết, mọi người cùng làm để cùng thực hiện giấc mơ nông nghiệp sạch, bền vững”, Vương nói.