Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Cái đẹp hạn hẹp

Lưu Thị Lương –

Mấy chục năm trước, có nhà kia, hai lầu đúc ở mặt tiền, năm nào cũng nhờ người quen tới xông nhà sáng mùng một. Mấy ngày trước tết, chủ nhà cứ dặn đi, dặn lại, nhớ tới sớm, đóng cửa chờ ông đó. Người quen được chọn là người đầu tiên bước vào ngôi nhà bề thế đó chỉ vì lý do hiền lành, vui tánh, bất kể nhà ổng ở trong hẻm mà lại là nhà trệt, trẹt lét, không có một tầng lầu nào hết. Lạ không?

Mấy chục năm sau, sáng mùng một, nhà nọ bị ông hàng xóm “mắng vốn” vì có thằng nhóc năm tuổi từ chối cái bao lì xì đỏ chói. “Không lấy đâu” – nó nói với người nhà – “Tự nhiên cho tiền người ta!”. Thì tại ở nhà không còn giữ tục lệ mừng tuổi nữa, nên nó không biết. Người lớn phải giả lả xin lỗi ông hàng xóm cổ truyền hào phóng. Nói như vầy: “Nhưng mà phải công nhận cháu có tinh thần cảnh giác cao đấy chứ. Nó không nhận bất cứ thứ gì của người lạ”. Không biết chuyện này có được xếp vào loại lạ chăng?

Nói chuyện con nít lại nhớ hồi nhỏ. Có lần chơi năm mười hay nhảy cò cò gì đó, mình cãi nhau với đám bạn hàng xóm. Mới cãi được hai ba câu và sắp bị thua thì bị má kêu về, bắt nằm sấp trên giường quất cho một roi để nhớ, từ rày trở đi không được cãi lộn, cãi lạo. Hễ cãi cọ thì tất phải sinh ra sự ăn nói thô bạo, thô thiển, thô tục. Đứa nhỏ bảy tuổi vừa xoa mông lia lịa, vừa khóc hu hu tức tưởi oan ức. Tại chị em nó ỷ đông chơi ăn gian, ăn hiếp mình rồi tự nó gây sự cãi trước chứ có phải mình đâu, tại sao mình bị đánh chứ!

Nhưng trận đòn đó làm mình nhũn ý, cứng hàm cứng họng trước mỗi vô số cuộc xung đột do người khác quăng vào cuộc đời mình, từ đó mãi về sau cho tới tận bây giờ. Cũng tại không quên được lời má mình nói, không cãi lộn, đánh nhau mới là người hiền lành đàng hoàng tử tế, trời mới thương.

Nghĩ lại đúng là má mình hiền thiệt. Có lần bán cá, người mua hỏi cá gì, má hồn nhiên nói là cá sạo thì bị chửi tới tấp là bán hàng mà bày đặt xạo xự, xiên xỏ người ta, không muốn bán thì thôi. Khách chửi xong, te tái bỏ đi. Mỗi lần nghĩ tới, má thấy mắc cười. Thì nó là con cá sạo thiệt chứ má có ý gì đâu. Sao có người dữ tánh quá vậy không biết.

Nói chuyện chợ thì cách nhà mình chừng trăm thước, có một cái chợ nhỏ, có tên đàng hoàng, tài xế tắc xi cũng biết. Mình đi chợ này từ hồi học lớp sáu tới giờ, đã nhìn thấy những đứa nhỏ bán hàng lấy chồng, lấy vợ, có con, lên ông, lên bà. Đi chợ miết sẽ biết vài chuyện rất hay. Ví dụ, nếu không đem đủ tiền thì cho thiếu lại, mai trả. Ví dụ, sẽ bị người bán ép uổng, năn nỉ mua dùm vì còn có chút xíu, bán rẻ cho họ dọn về, trời đã quá trưa rồi. Ví dụ, mua xong trả tiền xong gởi lại đó, lát nữa ghé lấy. Ví dụ, có khi vì lỉnh kỉnh nhiều bọc, nhiều bị quá nên để quên ở hàng, về tới nhà mới nhớ, hớt hải chạy ra vẫn còn y nguyên chỗ cũ. Ở chợ không hiền nhưng không tham đồ, tham của người ta. Ở chợ là nơi tích cực ăn chay hàng tháng, cúng bái nhiều nhất. Mấy năm nay có chị bán cá hấp trong cái giỏ tre nhỏ nhỏ giống như cái rế lót nồi. Giỏ nào cũng đẹp, cá cứng, xanh tươi, có mùi cá chín (không biết có hấp với hóa chất?). Mỗi tháng, chị nghỉ bán mấy ngày, hỏi đi đâu thì nói là đi từ thiện, cũng hơi xa, dưới miền Tây, trên miền Đông, tuốt ở ngoài ngoải.

Rành chuyện chợ vì mấy năm nay ngày nào mình cũng đi chợ. Cách đây chừng hai mươi năm thì chỉ toàn đi dạy. Buổi chiều những tiết cuối, đứng trong lớp nhìn ra khoảnh xanh tiểu cảnh sân trường thấy từng đám cào cào bay lên bay xuống, những ngày có nắng, có mây thấy cả bầy chuồn chuồn lượn lờ không thấp, không cao, nhân tiện được dịp đố học trò đọc câu tục ngữ “dự báo” trời mưa thời xưa xửa xừa xưa. Có đứa đọc trôi chảy rào rào, có đứa ngắc ngứ, có đứa gật gù câu này nghe cũng hay hay. Cả lớp tình cờ được chút phút giây thư giãn vui vẻ, có lẽ do được hưởng không khí thơ ca chăng?

Giờ mình hưu rồi, không biết tụi học trò lứa tuổi mười mấy còn đọc được mấy câu vần vè bất hủ đó không? Trong sách trung học phổ thông ít có, người lớn chung quanh hiếm nói, trên những mạng miếc mà chúng vào ra rần rộ thì không đếm xỉa, không cập nhật. Mà bây giờ ở công viên cỏ cây hoa lá xanh đỏ tốt tươi còn không thấy bóng dáng cào cào, châu chấu, chuồn chuồn, bươm bướm thì trường học thị thành chớ mong thấy chi cho thêm tủi.

Mấy chuyện mình dám gọi là đẹp đẹp kể trên đó chỉ tìm thấy ở mấy chỗ hẹp hẹp vậy thôi. Trong nhà riêng, trong xóm nhỏ, trong chợ, trong lớp học. Ngoài đường thì khó kiếm lắm. Ngoài đường xe chạy rần rần không dứt. Ai nấy tranh thủ chạy cho nhanh cho lẹ, không ai nhường ai, giờ đâu mà ngắm ngó tìm tòi cho ra cái đẹp. Người đi bộ rụt rè băng qua đường trên vạch trắng sờ sờ mà cũng bị đủ các loại xe to nhỏ ép cho chùn bước phải đứng dừng lại mới thôi. Nên mình cứ cảm động và hoan hỉ nhớ hoài một lần đang ngần ngại băng qua đường ở khu trung tâm, tự nhiên thấy xe bốn bánh, hai bánh tự động dừng lại hết trơn, mà chỗ vạch trắng đó chẳng có cái cột đèn xanh đèn đỏ gì hết. Hú hồn, ngẩn ngơ tới hai cái chớp mắt mới định thần lại mà ba chân bốn cẳng bước tiếp. Nghĩ thầm, chắc tại mình lâu lắm rồi mới ra chốn phồn hoa đô hội này, nên lạc hậu quá xá quà xa.

Cũng may là mấy chỗ hẹp hẹp như vậy thì ai cũng phải góp mặt, góp phần, không nhiều thì ít, không dày thì thưa. Chỉ có điều phải hết sức để ý nhìn kỹ mới thấy, mới nghe, mới ngẫm ngợi nọ kia rồi tự vui, tự cười, tự nhủ này khác. Còn nếu không thì cứ phải thở than tiếc nuối, hồi xưa như thế như kia, hồi nay tệ chẳng còn chi để buồn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cao tốc từ TPHCM ra Nha Trang có 5 trạm dừng...

0
(SGTT) - Gần 400km cao tốc từ TPHCM đến Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà đã được bố trí 5 trạm dừng nghỉ tạm. Các...

Du khách đổ về bán đảo Sơn Trà ‘săn’ hoa tím...

0
(SGTT) - Những ngày cuối tháng 4, cây thàn mát mọc tự nhiên trên bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng lại nở...

Nha khoa thực hiện 120.000 ca cấy ghép implant nay đã...

0
Là tập đoàn y tế với nhiều chi nhánh tại Hàn Quốc, nha khoa Plan vừa qua đã khai trương phòng khám tại TP....

Chiêm ngưỡng bảo vật hơn 300 tuổi ở làng nghề Thổ...

0
(SGTT) - Bức cửa võng đình làng nghề Thổ Hà, xã Vân Hà (thị xã Việt Yên, Bắc Giang) có tuổi đời hơn 300...

Check-in núi đá giữa ruộng lúa ở Đồng Nai

0
(SGTT) – Toạ lạc tại huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, núi đá Chữ Thập là điểm check-in quen thuộc của nhiều người trong...

Góc văn hóa Chăm tại Hội An thu hút khách quốc...

0
(SGTT) – Sau khi khám phá Thánh địa Mỹ Sơn, nhiều du khách quốc tế đã ghé thăm một không gian văn hoá Chăm...

Kết nối