Trúc Diễm -
Mỗi năm, lượng kiều hối do người lao động ra nước ngoài làm việc gửi về quê nhà khoảng 2 tỉ đô la Mỹ, chiếm 25% tổng lượng kiều hối của cả nước. Đây là nguồn ngoại tệ lớn, đóng góp tăng trưởng kinh tế. Nhưng đằng sau con số đó là nỗi vất vả và cả những thiếu thốn tình cảm đối với người lao động xa xứ.
Nhớ gia đình
Xuất thân từ vùng quê nghèo Thái Bình thuần nông, chị Nguyễn Thị Bích Hồng, 34 tuổi, sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp Y tế Hòa Bình, với mong muốn đổi đời, đã đăng ký đi làm điều dưỡng viên ở Đài Loan thông qua một công ty trong nước.
Sang Đài Loan, chị Hồng làm việc ở một viện dưỡng lão. Dù đã được chuẩn bị về ngoại ngữ cũng như chuyên môn nhưng phải mất thêm một thời gian nữa chị mới có thể giao tiếp tối thiểu cũng như bắt nhịp được công việc. Hàng ngày, chị làm việc từ 7 giờ sáng tới 7 giờ tối, chân tay mỏi nhừ, đầu óc căng thẳng. “Nhiều lúc tôi chỉ muốn bỏ cuộc”, chị nói. Nói là vậy, nhưng để đi xuất khẩu lao động như thế, tối thiểu phải lao động cật lực hai năm mới có thể trang trải hết khoản nợ đã vay mượn từ họ hàng, người thân.
Nhưng đó chưa phải là vấn đề lớn nhất đối với những người đi lao động ngoài nước. Có người làm lụng vất vả, chắt bóp gửi tiền về quê, nhưng ở quê nhà thì người chồng lại sa vào cờ bạc, rượu chè. Đến khi về nước thì bao nhiêu tiền tích cóp chẳng còn. “Đi để vun vén cho gia đình, nhưng nhiều người khi về thì gia đình tan nát”, chị kể.
Nói về chuyện tết nhứt sắp đến, chị Hồng cười buồn: “Bọn tôi thì làm gì có tết!”. Nhóm của chị Hồng thường hẹn nhau làm một bữa cơm tất niên tươm tất. Câu chuyện rồi cũng xoay quanh việc lo chồng con ở nhà thế nào. Đang cười nói rôm rả đấy nhưng rồi mấy chị em lại ôm nhau khóc. “Nhớ nhà mà!”, chị kể lại bữa cơm tất niên năm ngoái.
Công việc chủ yếu của người lao động sang Đài Loan là giúp việc gia đình, một số làm điều dưỡng viên, công nhân… Đài Loan là thị trường lớn, cộng đồng người Việt nhiều, ngược lại với thị trường Arab Saudi không có nhiều lao động sang đây làm việc. Những người đi lao động làm điều dưỡng viên như chị Hồng dù buồn, vất vả, nhưng ít ra còn có một nhóm nhỏ đồng nghiệp để chia sẻ. Còn những người như chị Nguyễn Thị Thắm (Cổ Nhuế, Hà Nội) mới thấm thía nỗi cô đơn khi xa xứ. Sang Arab Saudi tới nay đã được gần hai năm nên chị cũng đã quen với sự cô đơn và nỗi nhớ nhà.
Hồi đầu mới sang chưa đầy ba tháng, chị Thắm đã gọi điện về công ty môi giới xin được về nước. Nhưng sau khi nghe số tiền phải đền bù hợp đồng và vé máy bay chiều về lên tới gần 60 triệu đồng, chị từ bỏ ý định.
Nhớ lại những ngày đầu làm việc tại xứ người, vốn liếng ngoại ngữ ít ỏi khiến chị gặp không ít những chuyện dở khóc, dở cười. Chủ nhà yêu cầu một đàng, nhưng vì không hiểu hết ý bởi không rành ngôn ngữ, chị lại làm một nẻo, khiến lắm lúc chủ nhà muốn cho chị nghỉ việc.
Nhưng dần dần chị cũng tạo được niềm tin nơi gia chủ với bản tính chất phác và chăm chỉ của mình. Tết năm ngoái, ông chủ còn thưởng cho chị thêm một khoản tính ra gần 5 triệu đồng. Tối đó chị gọi điện về cho chồng dặn anh mua cho hai con mỗi đứa một bộ quần áo mới. “Nhìn thấy các con trong bộ quần áo mới qua cuộc gọi video Facebook, lại thấy nhà cửa ngăn nắp, có cả cây đào bên cạnh, tôi không cầm được nước mắt", chị Thắm kể về đêm giao thừa năm ngoái.
Đối với lao động xuất khẩu đến các nước có thu nhập cao, đời sống của họ đỡ hơn. Anh Nguyễn Văn Khánh, người quê Bình Giang, Hải Dương, đang làm công nhân trong nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô tại Incheon, Hàn Quốc với thu nhập mỗi tháng khoảng 2.500 đô la. Tết năm ngoái anh được nghỉ ba ngày. Cả nhóm của anh rủ nhau gói bánh chưng đón tết. Người cắt lá, người gói, người chuẩn bị bếp... “Háo hức như trẻ con ngóng tết”, anh nói.
Vài năm trở lại đây, hạ tầng công nghệ thông tin phát triển giúp người lao động xa xứ dễ dàng liên lạc được với gia đình. Giao thừa năm ngoái, con gái lớn lên 8 tuổi live stream với anh nói: “Con chúc bố mạnh khỏe. Con nhớ bố…”. Thế là nước mắt anh cứ chảy ra. Ba năm rồi anh chưa được ôm nó vào lòng. “Chính xác là 3 năm 3 tháng 18 ngày”, anh kể.
Nhớ quê da diết
Tại các nước thuộc châu Âu, việc hòa nhập và thích nghi với cuộc sống tại đó của những người đi lao động xuất khẩu là khá khó khăn. Anh Lê Quốc Cường (35 tuổi, sống ở Hà Nội) sang Đức theo diện du học tự túc và may mắn xin được việc làm sau khi tốt nghiệp. Anh Cường hiện là kỹ sư thiết kế hệ thống làm mát động cơ ô tô.
Anh cho biết tiếng Đức là một trở ngại lớn cho những người muốn xin được việc làm tốt tại đây. Nhiều người đọc, hiểu khá tốt nhưng giao tiếp và khả năng thảo luận kém thì tới 90% là không vượt qua vòng phỏng vấn xin việc, hoặc có được nhận thì lương cũng không cao.
Anh Cường là một trong số ít những người hòa nhập tốt với lối sống và văn hóa tại Đức. Trong khi đó, anh Đinh Văn Chính (37 tuổi, người quê Bắc Giang) sống ở thành phố Hannover được 8 năm nhưng không thể giao tiếp tốt bằng tiếng Đức. Bình thường anh chỉ làm việc với những người Việt khác nên khi có việc xảy ra cần trao đổi thông tin thì lắm chuyện cười ra nước mắt. Anh nhớ lần đưa một đồng nghiệp vào bệnh viện khám bệnh. Anh đã phải dùng “tay chân” để “nói” với bác sĩ bạn anh bị vấn đề gì.
Con lớn của anh Chính năm nay sẽ bắt đầu đi học. Vợ chồng anh hy vọng bọn trẻ sẽ thông thạo tiếng Đức và sẽ hòa nhập tốt với cuộc sống sau này, chứ không phải vất vả, thiếu thốn tình cảm như vợ chồng anh.
Tết này, nhà anh sẽ về Việt Nam vì cũng ba năm rồi ông bà không được gặp cháu. Vé máy bay anh đã đặt mua từ bốn tháng trước, quà bánh biếu họ hàng anh chị cũng đã chuẩn bị. Còn gần một tháng nữa mới bay về Việt Nam nhưng cả nhà anh đã đếm từng ngày. Anh nói, ở xứ người, có thể môi trường sống tốt hơn, có lương cao hơn, nhưng tết đến, ai ai cũng có tâm trạng chung, nhớ quê hương da diết.