Thứ hai, Tháng mười hai 16, 2024

Tập sống thảnh thơi

Đức Tâm -

Bạn kể, bây giờ ngoài đường nhiều người điên quá. Kỳ lạ!? Người điên thì ở nhà thương chứ ai lại đi ngoài đường. Không những vậy, còn nhiều người điên mới ghê chứ! Thế rồi nghe bạn giải thích mới thấy, à, hóa ra không phải vô lý và xem chừng chính bản thân ta cũng là một trong số đó.

Thế này, ta chạy xe mà đầu suy nghĩ đâu đâu; ngồi ăn cơm mà chỉ có cái miệng nhai như máy được lập trình, thức ăn ngon dở không biết, còn tâm thì hướng về những công việc đầu giờ chiều; thân xác về đến nhà rồi mà trí óc vẫn vương vấn nơi công sở… Ta để tâm mình rong ruổi từ quá khứ đến tương lai mà quên đi cuộc sống hiện tại. Như vậy, không điên là gì?

Nếu bạn vẫn thấy vô lý, xin thử làm theo cách sau. Ngồi một mình, rồi suy nghĩ gì nổi lên trong đầu thì viết hết ra giấy. Sau 5-10 phút, đọc lại, bạn sẽ thấy, ồ đây là câu chuyện thời sinh viên xa lơ xa lắc, đây là hình ảnh trận đấu tối qua giữa Man đỏ và Man xanh, kế đến là công việc phải làm ngày mai, rồi tiếp theo là câu nói mình lỡ làm người yêu nổi giận… Câu chữ hiện lên đứt quãng, phân mảnh từ không gian đến thời gian. Cũng những câu chữ này, đọc to lên, có lẽ khi nghe sẽ không khác những người tâm trí không bình thường mà ta gặp đâu đó ngoài đường, vừa đi vừa nói những câu không đầu không đuôi, chuyện nọ xọ chuyện kia.

Có thể bạn vẫn cho rằng chúng ta không hề điên. Đa phần mọi người đều như vậy mà. Chuyện bất đồng suy nghĩ là điều bình thường. Thế nhưng đến đây hẳn bạn sẽ đồng ý với tôi rằng tâm trí con người ta luôn “lăng xăng”. Nó hiếm khi đứng yên một chỗ mà như con khỉ chuyền từ cành này sang cành kia. Nó làm cuộc sống chúng ta bận rộn và dễ sinh ra stress. Ta mất đi sự thảnh thơi, một yếu tố quan trọng để có cuộc sống an lạc.

Vậy làm sao để thảnh thơi? Đáp, bớt bận rộn đi thì cuộc sống sẽ thảnh thơi. Nghe đến đây, có thể bạn sẽ bị sốc. Làm sao mà bớt bận rộn trong xã hội ngày nay nơi bận rộn là một phần tất yếu của cuộc sống. Chẳng phải như doanh nhân – businessman cũng là một người bận rộn hay sao?

Nói vui vậy thôi chứ may mắn là chúng ta vẫn có một giải pháp khác giúp cuộc sống thảnh thơi. Đó chính là tập thiền – hít vào thở ra và dõi theo hơi thở của mình; khi hít vào thì biết hơi thở vào, thở ra thì biết hơi thở ra, hơi thở nhanh thì biết nhanh, chậm thì biết chậm, nông thì biết nông, sâu thì biết sâu…

Về mặt sinh học, cơ thể ta không thể nghĩ hai việc cùng một lúc. Khi ta dõi theo hơi thở, ta sống với chính mình ngay ở hiện tại. Những suy nghĩ về quá khứ, hy vọng về tương lai đều biến mất. Thật ra, nghĩ về quá khứ cũng vô ích vì chuyện đã qua, sao có thể thay đổi được. Tương lai thì chưa đến, có lo cũng chẳng làm sao để giải quyết. Như ai đó từng ví von, đại ý, quá khứ là cơm thiêu, tương lai là gạo sống. Chỉ có hiện tại là chén cơm nóng hổi, thơm ngon đáng thưởng thức dành cho ta. Thiền giúp ta sống với hiện tại, chú tâm ngay vào công việc đang làm; cảm xúc đang phát sinh. Và nhờ chú tâm như thế, ta có thể giải quyết công việc một cách hiệu quả nhất; ta không bị cảm xúc kéo đi hoặc nhấn chìm.

Lý thuyết là vậy nhưng thực hành không dễ. Với những người mới thực hành thiền, chuyện tâm trí đi lang thang là điều rất bình thường. Xin đừng quá lo lắng. Miễn ta nhận biết và kéo nó trở lại chú ý vào hơi thở. Trong lúc ngồi thiền, khi tâm trí đi lang thang, ta kéo về. Khi ta tập thiền thường xuyên, sự an tĩnh và sáng suốt trong tâm trí trở nên sâu sắc hơn. Khi tâm trí ta trở nên an tĩnh và sáng suốt hơn, cả công việc và cuộc sống của ta trở nên tốt hơn..

Xin được chia sẻ một chút trải nghiệm cá nhân về cách tập thiền. Tốt nhất vẫn là dành một khoảng thời gian cố định từ 10-30 phút mỗi ngày, có thể vào buổi sáng sớm, hoặc buổi tối – trước khi ngủ để ngồi thiền. Ngoài ra, trong cuộc sống thường nhật, vẫn có rất nhiều cơ hội cho ta thực tập mỗi ngày.

Xin hãy bắt đầu từ chính bữa cơm của mình. Khi ăn, biết rằng mình đang ăn. Đây là chén cơm trắng, kia là khứa cá kho, và chỗ này là đĩa rau xanh luộc cùng chén mắm nhỉ thơm ngon. Ta nhai một miếng, biết rằng mình nhai một miếng. Lắng nghe hai hàm răng chạm vào nhau, cảm nhận nước bọt tiết ra, hòa lẫn vào cơm, và vị ngọt đến khi tinh bột glucid được chuyển thành đường glucose… Khi chú tâm như vậy, ăn từ tốn như vậy, thì dù đơn sơ như cơm với muối mè, ta vẫn thấy ngon, dễ chịu, thoải mái, và rồi tự nhiên sự thảnh thơi đến.

Bạn thấy đó, mình có thể tập để thảnh thơi ngay ở những việc thường nhật. Đâu ai cấm chúng ta đâu. Thế nhưng, đến đây, rất có thể bạn sẽ đặt thêm một câu hỏi khác, rằng “tôi trăm công ngàn việc, sao mà thảnh thơi được như anh?” Câu hỏi này rất hợp lý và tôi tin rất nhiều người cũng có cùng suy nghĩ như vậy.

Vậy xin trả lời câu hỏi nêu trên bằng một câu hỏi khác. Bạn có chắc rằng khi trăm công ngàn việc kết thúc, bạn sẽ có được sự thảnh thơi, hay lúc đó một núi những công việc mới lại ập đến và cướp mất sự thảnh thơi của bạn?

Khi đạp xe, để giữ thăng bằng, không nhất thiết phải dừng lại. Tương tự như vậy, chúng ta vẫn có thể tập để sống thảnh thơi trong công việc. Sự thảnh thơi không phụ thuộc vào số công việc mình làm. Nó đến từ thái độ chúng ta đặt vào công việc.

Trong bộ phim khoa học viễn tưởng Trở về trái đất, có một câu thoại rất nổi tiếng được tướng Cypher nói với con trai mình – “Sợ hãi chỉ là một sản phẩm của trí tưởng tượng. Nguy hiểm là điều rất thực, nhưng sợ hãi là một sự lựa chọn của chúng ta” (Danger is very real, but Fear is a choice). Xin mượn câu này và viết lại “Công việc có thể rất nhiều. Đó là sự thật, nhưng thảnh thơi là sự lựa chọn”.

Chúng ta có thể chọn để sống thảnh thơi bây giờ hoặc không bao giờ. Một khi bạn chọn sống thảnh thời, đừng quên thiền tập. Thiền là để tập chứ không phải để đọc cho biết. Nếu chỉ để đọc cho biết thì cũng giống như bạn có thuốc quý, chữa được bách bệnh, nhưng không chịu uống thì cũng vô dụng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối