(SGTTO) – Họ phải mắc mùng để ăn cơm giữa ban ngày để né ruồi muỗi; ngăn suối lấy nước giữa rừng hay trồng thêm rau xanh, nuôi đàn gà để cải thiện bữa ăn ngay tại điểm chốt biên giới… Đó là những vất vả của người lính biên phòng phòng chống dịch ở tỉnh Bình Phước, nơi có đường biên dài giáp với 3 tỉnh nước bạn Campuchia.

Tiếp đoàn công tác Nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn đến tặng quà là vật tư phòng chống dịch Covid-19 cho Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước hôm 20-8 trong chương trình “Saigon Times – Nối vòng tay lớn – Chiến thắng Covid-19”, Đại tá Hoàng Văn Thành, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước cho biết tỉnh có đường biên giới giáp với Camphuchia trên bộ dài nhất ở phía Nam với 260km.

Ngăn suối để lấy nước phục vụ sinh hoạt cho CBCS tại điểm chốt phòng dịch. Ảnh: Hồng Ánh

Từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, biên phòng tỉnh đã bố trí 62 chốt kiểm soát cố định và 11 tổ tuần tra lưu động với tổng cộng hơn 300 cán bộ chiến sĩ làm công tác kiểm soát, chống dịch trên đường biên.

BĐBP phối hợp các lực lượng tổ chức tuần tra, phát quang cột mốc. Ảnh: Hồng Ánh

Điều kiện làm việc của các chiến sĩ hiện khá khó khăn khi mùa hè thì thiếu nước, mùa mưa thì lại thiếu nước sạch và đối mặt với các nguy cơ từ côn trùng, rắn rết trong rừng và đặc biệt là các vật phẩm hỗ trợ chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn luôn trong tình trạng thiếu thốn.

“Như khẩu trang, nếu chỉ cho cán bộ chiến sĩ biên phòng thì không đến mức thiếu thốn nhưng người lính chúng tôi ở biên giới còn san sẻ khẩu trang cho người dân ven đường biên, khách qua lại khi họ không có khẩu trang mà tiếp xúc với anh em chiến sĩ”, ông nói.

Hàng ngày những người lính “quân hàm xanh” không chỉ tuần tra canh gác 24/24 ở đường biên mà người lính làm như một nhân viên phòng chống dịch như lấy lời khai y tế của người dân tại điểm chốt chống dịch, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cho nhân dân trên địa bàn các đơn vị đứng chân, hướng dẫn người dân vùng biên đeo khẩu trang, đến trường học vận động học sinh vệ sinh phòng dịch.

Tuần tra bảo vệ chủ quyền biên giới.

Hiện nay, các chốt biên phòng đa số là lán trại tạm bợ nhưng cuộc chiến chống dịch Covid-19 không biết khi nào kết thúc, những người lính vùng biên xác định họ sẽ phải cắm chốt lâu dài, do vậy, anh em cán bộ chiến sĩ phải cố gắng xây dựng, sửa chữa lán trại chốt của mình tinh tươm, bán kiên cố; tăng gia sản xuất tự túc tại chỗ phần nào thực phẩm cho nhu cầu hàng ngày.

Phòng Chính trị thuộc Bộ chỉ huy Biên phòng Bình Phước cho biết hiện nay chính quyền địa phương và các cơ quan đoàn thể đang hỗ trợ để người lính biên phòng cắm chốt lâu dài bằng cách làm lán trại bán kiên cố như khung thép, mái tôn, có bể trữ nước, pin điện mặt trời…

“Người lính biên phòng chúng tôi trong những ngày này rất cần sự hỗ trợ, động viên về tinh thần của hậu phương”, Đại tá Hoàng Văn Thành nói và cho rằng chương trình chương trình “Saigon Times – Nối vòng tay lớn – Chiến thắng Covid-19” đến với người lính biên phòng có ý nghĩa không chỉ là vật phẩm phòng chống dịch, mà là sự quan tâm, động viên tinh thần của hậu phương cho người lính nơi tuyến đầu.

Sau đây là một số hình ảnh của người lính biên phòng Bình Phước do Cộng tác viên Hồng Ánh, Phòng chính trị Bộ đội Biên phòng Bình Phước cung cấp.

Nhân dịp này, Nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn kêu gọi bạn đọc là doanh nghiệp, cá nhân tham gia chương trình Saigon Times – Nối vòng tay lớn – Chiến thắng Covid-19 để ủng hộ các cán bộ chiến sĩ nơi tuyến biên giới vừa làm nhiệm vụ vừa thực hiện công tác chống dịch Covid-19.

Mọi chi tiết xin liên hệ:

  • Anh Nguyễn Tiền Giang, Trưởng Ban tổ chức. Điện thoại: 0983003737. E-mail: tiengiang@kinhtesaigon.vn
  • Bạn đọc muốn ủng hộ có thể chuyển khoản đến Tài khoản: THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN.

– Số tài khoản: 1007 1485 1003318, Ngân hàng Thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), chi nhánh Hòa Bình. Nội dung chuyển khoản: Tên các nhân, đơn vị + ủng hộ chương trình Saigon Times – Nối vòng tay lớn.

Hồng Ngọc

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây