Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Học làm cha làm mẹ

DIỆU THUẦN -

Làm thế nào để em bé khỏe mạnh trong suốt thai kỳ và thời kỳ sơ sinh? Người mẹ cần phải tập luyện, hít thở và rặn sinh như thế nào? Chồng hỗ trợ gì cho vợ trong quá trình mang thai, lúc lâm bồn và lúc em bé chào đời...? Những điều này đều được các y bác sĩ truyền đạt ở lớp học làm cha, làm mẹ trước khi sinh (do Bệnh viện Quốc tế tổ chức) diễn ra vào thứ Bảy hàng tuần.

Lớp học hoàn toàn miễn phí, gồm 16 bài học, chia làm bốn buổi, được tổ chức vào sáng thứ Bảy hàng tuần. Mỗi buổi là một chủ đề khác nhau về các dấu hiệu bất thường khi mang thai, theo dõi quá trình chuyển dạ, chọn tư thế sinh đúng, kiểm soát đau trong chuyển dạ, các bài tâp hít thở trong chuyển dạ. Cũng có thể đó là những bài tập thể dục cho bà mẹ mang thai, chế độ dinh dưỡng trong thai kỳ, kỹ năng cho con bú; hoặc lợi ích của sữa mẹ, chăm sóc hậu sản, massage cho bé, cách tắm bé; và các bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, chăm sóc trẻ 0-24 tháng, lịch tiêm chủng và thể dục sau sinh…

Học viên là những cặp vợ chồng đang chờ đón thiên thần của mình chào đời. Cũng có học viên là những cô gái trẻ, chuẩn bị lập gia đình và đang lên kế hoạch sinh em bé…

Theo dõi con khi ở bào thai

Bác sĩ Trần Thị Kim Xuyến, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Quốc tế, cho biết thời kỳ mang thai là rất quan trọng, cần phải có chế độ chăm sóc đặc biệt và khoa học. Thời kỳ này, có rất nhiều điều người mẹ cần phải lưu ý như ốm nghén, đau bụng, đi tiểu, huyết áp, răng lợi, âm đạo, cổ tử cung… diễn biến ra sao. Nếu có những dấu hiệu bất thường như ốm nghén nặng, chảy máu âm đạo, đau bụng, tiểu buốt, tiểu rắt, tăng huyết áp và phù nề, thai nhi cử động bất thường hay không tăng cân… thì cần phải có sự hỗ trợ của bác sĩ.

Bác sĩ của Bệnh viện Quốc tế đang hướng dẫn về kỹ thuật lâm bồn.
Bác sĩ của Bệnh viện Quốc tế đang hướng dẫn về kỹ thuật lâm bồn.

Trong thời kỳ đầu mang thai, người mẹ cần phải đi siêu âm tại các cơ sở y tế để kiểm tra xem các dấu hiệu bất thường, như thai có ngoài tử cung, dọa xảy thai hay thai trứng hay không để theo dõi và chăm sóc hợp lý. Trong ba tháng cuối thai kỳ, nếu phát hiện các triệu chứng, như nhau thai bong non, nhau tiền đạo cần kịp thời đến bệnh viện để kiểm tra nhịp tim thai nhi. Nếu nhịp tim em bé yếu hơn rất có khả năng phải can thiệp bằng phẫu thuật để đảm bảo an toàn cho người mẹ.

Thông thường, ở tuần thứ 18, thai nhi bắt đầu phát triển ổn định. Mỗi ngày, vào buổi sáng, trưa, tối đều vận động trong khoảng 1 giờ. Hay thai đạp từ bốn lần trở lên trong một giờ hoặc 30 lần trong 12 giờ là bình thường. Nếu chưa đạt được con số trên, có thể thai nhi đang thiếu ô xy, người mẹ cần phải đến bệnh viện ngay. Và trong thời kỳ này, người mẹ cần phải chú ý đến chế độ dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân, tâm lý thoải mái. Cho thai nhi tiếp xúc với thế giới bên ngoài bằng cách trò chuyện, cho nghe nhạc, cười vui…

Kỹ thuật sinh con

Ở giai đoạn em bé chào đời, người mẹ phải học cách quên đi những cơn đau, cơn co thắt dữ dội. Người chồng phải luôn ở bên cạnh để động viện, vận dụng kỹ thuật xoa bóp giúp vợ vượt cạn. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Lan, Trưởng phòng sanh, Bệnh viện Quốc tế, để người mẹ vượt cạn thành công thì phải có những bài tập thể dục hợp lý ngay từ lúc bắt đầu mang thai cho đến cuối thai kỳ. Đó là, tập để căng cơ hông, tập tay, lườn để làm tăng sự dẻo dai vùng cơ liên sườn, bài tập với xương chậu, bài tập với lưng… Những bài tập này giúp người mẹ trải qua những căng thẳng về tâm lý trong quá trình mang thai, để sinh và nhanh chóng lấy lại vóc dáng sau sinh.

Khi vượt cạn, để nhanh chóng quên đi những cơn đau, cần phải chú ý đến kỹ thuật thở và hít thở.

Một là thở sạch. Khi đó, người mẹ phải hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng hoặc hít thở đều bằng miệng. Nhịp hít và thở diễn ra nhẹ nhàng và từ từ.

Hai là thở ngực chậm sâu. Bài tập này áp dụng khi cổ tử dụng mở ra được hơn 3 cm, các cơn co diễn ra liên tục, hãy thở ngực chậm để giữ sức và lấy nhiều ô xy cho hai mẹ con.

Ba là, khi cổ tử cung mở 4-7 cm, các cơn co diễn ra nhanh hơn, những cơn đau cũng tăng lên. Để quên đi cơn đau, người mẹ cần phải hít thở một hơi thật sau qua mũi rồi thở ra bằng miệng. Sau đó, thở ngắn qua miệng, nhịp thở ngắn dần theo mức tăng của cơn đau. Kiểu thở này gọi là cân bằng khí.

Bốn là thở thổi nến. Bài tập này áp dụng khi cổ tử cung đã mở được 8-10 cm, đầu thai nhi tụt xuống chèn ép vào bàng quang và trực tràng nên làm cho người mẹ muốn rặn. Những cơn đau dồn dập kéo đến, vì thế người mẹ phải bình tĩnh, thở để tránh rặn sớm có thể phù nề cổ tử cung làm khó khăn cho việc đẻ. Hay việc thở khi rặn đẻ. Kiểu thở này áp dụng khi cổ tử cung mở trọn và người mẹ muốn rặn. Người mẹ phải cong người theo hình chữ C để giúp em bé sổ ra dễ dàng. Để làm được điều này, người mẹ cần phải hít một hơi dài, giữ hơi và bắt đầu rặn xuống. Cằm phải tỳ xuống ngực để dồn ép không khí xuống dưới, giúp đẩy thai nhi ra ngoài dễ dàng hơn. Hết cơn rặn, tiếp tục hít một hơi thở khác, giữ hơi và tiếp tục rặn cho đến khi cơn co chấm dứt.

Tự tin làm cha mẹ

Đã có kinh nghiệm một lần trong việc sinh em bé nhưng khi nghe thông tin về lớp học, chị Nguyễn Thị Thùy Dung, giáo viên tiểu học vẫn đến tham gia. Chị cho biết: “Lớp học giúp tôi nâng cao kỹ năng nuôi dạy con, chăm sóc và tập luyện những bài tập cho mình. Lần sinh trước, tôi hay bị căng thẳng và mệt mỏi. Học được những bài tập hít thở, xoa bóp và tập luyện tôi đã tự tin khi làm mẹ”.

Vợ đang mang thai ở tháng thứ tư, Thái Nam Long – kỹ sư xây dựng cũng đến tham gia lớp học để nghe kinh nghiệm, cũng như học các kỹ thuật chăm sóc vợ trong quá trình mang thai và sẵn sàng tâm lý đón con chào đời. “Lần đầu làm cha, tôi chẳng có kiến thức nào về chăm sóc vợ mang thai, lúc cô ấy lâm bồn hay chăm sóc em bé mới sinh. Hễ cứ nhắc đến những việc ấy tôi lại thấy ngại. Từ khi tham gia lớp học, nghe các bác sĩ truyền kinh nghiệm, đọc tài liệu, giúp vợ tập những bài tập, tôi thấy tự tin, có trách nhiệm hơn”.

Bác sĩ Xuyến cho biết, các lớp học làm cha mẹ cung cấp cơ hội để các bạn trẻ học hỏi và nâng cao kỹ năng nuôi dạy con cái, đồng thời là nơi gặp gỡ và chia sẻ kinh nghiệm giữa các bậc phụ huynh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối