Thứ Tư, Tháng Năm 1, 2024

Giá gà ở trại giảm, giá thị trường vẫn cao

Vũ Yến –

Khoảng một tuần trở lại đây giá gà lông trắng tại các trại gà ở Đồng Nai đã nhích dần lên sau kỳ rớt giá thê thảm trước đó tính từ ngày 13-2; riêng giá gà tam hoàng vẫn giữ mức giảm. Trong lúc đó, giá gà trên thị trường vẫn ở mức cao.

Giá tại trại chỉ mới phục hồi

DSC_1798Tình trạng giá gà tại trại giảm mạnh nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua sản phẩm với giá cao là một thực trạng lâu nay. Trong ảnh, một trang trại gà tại Đồng Nai.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị ngày 6-3, ông Nguyễn Thanh Phi Long, Giám đốc kỹ thuật của Công ty TNHH Chăn nuôi Long Bình ở Đồng Nai (có trụ sở tại Đỗ Quang Đẩu, quận 1, TPHCM), cho biết khoảng một tuần trở lại đây giá gà lông trắng tại trại đã phục hồi, nhích dần từ 19.000 đồng lên tới 25.000 đồng/kg, bằng với chi phí sản xuất hiện là 24.000-25.000 đồng/kg. Trước đó, trong khoảng ngày 13-2 tới ngày 28-2 giá chỉ ở mức 15.000-19.000 đồng/kg.

Đợt giảm giá này theo ông Long là do bị tác động bởi thông tin dịch cúm gia cầm ở Trung Quốc, do nguồn cung dồi dào mà sức tiêu thụ lại giảm sau tết, đồng thời cũng do nguyên nhân kéo dài nhiều năm nay là giá gà nhập khẩu rẻ.

Đại diện một công ty nuôi gà khác ở Đồng Nai cho biết, giá gà lông trắng ở trại hiện đã tương đương giá bán trên thị trường, tức 25.000 đồng/kg. Riêng giá gà tam hoàng vẫn thấp, 15.000-17.000 đồng/kg, trong khi giá sản xuất loại này là 32.000-34.000 đồng/kg. Vì vậy, với mỗi ký gà tam hoàng người chăn nuôi vẫn lỗ 17.000 đồng.

Giá gà lông trắng tăng trở lại được các đại diện này cho biết là do nguồn cung đang thiếu hụt, bởi thời điểm tết các trang trại đều không chăn nuôi, đến sau tết mới nuôi lại và thời gian xuất chuồng phải mất 35-40 ngày. Ông Long dự đoán mức giá 25.000 đồng nói trên chỉ giữ được khoảng 10-15 ngày, khi nguồn cung tăng trở lại thì giá sẽ tụt giảm.

Ông Long cho biết, hiện tại trung bình mỗi ngày Công ty TNHH chăn nuôi Long Bình cung cấp 4.000-5.000 con gà cho các cửa hàng, một số công ty giết mổ, các chợ truyền thống.

Về giá trứng gà, anh Sang, chủ một trang trại chăn nuôi tại Long Khánh, Đồng Nai, cho biết bắt đầu từ sau tết tới nay, giá giảm còn 1.100-1.300 đồng/quả so với giá 1.400-1.500 đồng/quả ở thời điểm trước tết. Vì vậy, với 40.000 quả trứng/ngày cung ứng ra thị trường, trang trại của anh lỗ 12 triệu đồng.

Thị trường neo giá

Mặc dù giá gà tại các trang trại ở Đồng Nai – nơi nguồn cung chủ yếu cho thị trường TPHCM – giảm mạnh thời gian qua nhưng theo ghi nhận thì giá gà trên thị trường TPHCM vẫn ở mức cao.

Đơn cử, theo bản báo cáo giá hàng ngày với Sở Công Thương TPHCM của chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, TPHCM giá gà công nghiệp làm sẵn từ ngày 13-2 cho tới ngày 3-3 dao động ở mức 37.000 đồng/kg, có thời điểm lên tới 40.000 đồng/kg; gà tam hoàng có giá 60.000 đồng/kg, có ngày tăng lên mức 70.000 đồng/kg.

Đại diện ban quản lý một chợ khác ở quận Tân Bình cũng cho biết, từ sau tết tới nay giá gà tại chợ ở mức ổn định, tức gà công nghiệp làm sẵn ở mức 37.000-39.000 đồng/kg; gà tam hoàng làm sẵn 40.000-70.000 đồng/kg.

Còn ông Lâm Tuấn Hùng, quản lý thu mua ngành hàng thực phẩm hệ thống Lotte Mart Việt Nam, cho biết mặc dù có thông tin gà mắc cúm gia cầm tại Trung Quốc nhưng lượng tiêu thụ tại đây không giảm. Cụ thể, ngày thường tiêu thụ 1,8-2 tấn, ngày thứ Bảy và Chủ nhật 3,3-3,5 tấn. Về giá, có ba mức; hiện thấp nhất là 22.000-35.000 đồng/kg, mức trung bình từ trên 35.000 đồng/kg đến 83.000 đồng/kg, và mức giá cao từ trên 83.000 đồng đến 130.000 đồng/kg.

Ông N., chủ một trang trại chăn nuôi gà tại Đồng Nai, cho biết tình trạng giá gà tại trại giảm mạnh nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua sản phẩm với giá cao là một thực trạng diễn ra nhiều năm nay. Theo ông, câu trả lời nằm ở vai trò điều phối giá của cơ quan nhà nước.

Còn theo một đại diện của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, thực tế diễn ra lâu nay là giá mua sản phẩm của người chăn nuôi, giá bán cho người tiêu dùng nằm trong tay các đơn vị giết mổ lớn. Các cơ sở giết mổ hiện nay cho người trực tiếp xuống trang trại để thu mua trực tiếp. Sản phẩm mang về được giết mổ, sơ chế, đóng gói và bán ra cho người tiêu dùng theo định giá của các công ty này.

“Cơ sở chăn nuôi thì nhiều mà cơ sở giết mổ thì ít nên trong nhiều trường hợp người mua định giá sao thì người chăn nuôi phải bán vậy, không bán thì biết bán đi đâu?”, vị đại diện này nói thêm.

Trao đổi qua điện thoại, ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, cho biết việc người chăn nuôi lỗ vốn trong khi người tiêu dùng vẫn phải chịu giá cao là một thực trạng hiện nay.

Theo ông Vinh, việc quản lý giá thực tế không thuộc ngành nông nghiệp, vì thế trong phạm vi của ngành, ngành nông nghiệp Đồng Nai đang cố gắng giải quyết vấn đề trên bằng việc đi vào hướng chuyên sâu, tức tổ chức, khuyến khích, hỗ trợ người chăn nuôi sản xuất theo chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm. Với phương thức sản xuất này, giá thành sẽ giảm hơn so với chăn nuôi tự phát, không an toàn, từ đó lợi nhuận sẽ cao hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Người dân trở lại TPHCM sau dịp lễ: cửa ngõ đông...

0
(SGTT) – Chiều 1-5, người dân ở các địa phương bắt đầu trở lại TPHCM sau kỳ nghỉ lễ. Theo ghi nhận của Sài...

Startup Việt ‘không thể khởi nghiệp trên ti vi’

0
(SGTT) - Dòng vốn dành cho startup Việt Nam cạn dần trong năm ngoái với chỉ 541 triệu đô la, giảm mạnh so với...

Xe điện hết nóng

0
(SGTT) - Tesla được xem là "hàn thử biểu" đo lường độ nóng của thị trường xe điện; và khác với những năm trước,...

Gói tín dụng nhà ở xã hội 125.000 tỉ đồng mới...

0
(SGTT) - Sau đúng một năm triển khai, gói tín dụng 125.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội,...

Váy búp bê – xu hướng hot trong thời trang hè...

0
(SGTT) - Váy búp bê hay babydoll là một trong những xu hướng thời trang được ưa chuộng trong mùa hè năm 2024. Kiểu...

Du lịch lễ 30-4: Lượng khách tăng cao tại nhiều địa...

0
(SGTT) - Trong 5 ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay, mặc dù thời tiết nóng bức, nhưng một số địa phương như...

Kết nối