Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Gánh nặng chi phí chuyển đổi xanh đặt lên vai người tiêu dùng

(SGTT) - Các chính phủ ở phương Tây đang vấp phải sự phản đối khi họ tìm cách chuyển chi phí chuyển đổi năng lượng sang người tiêu dùng. Nhưng họ không còn giải pháp nào khác do nguồn lực ngân sách thu hẹp trong bối cảnh giá năng lượng và lạm phát ở mức cao.
Nông dân lái xe kéo chặn một tuyến đường cao tốc gần thủ đô Paris hồi cuối tháng 1-2024 để phản đối kế hoạch loại bỏ trợ cấp nhiên liệu diesel cũng như siết chặt các quy định bảo vệ môi trường ngành nông nghiệp. Ảnh: Bloomberg

Khi rao bán căn hộ ở Paris (Pháp) trong năm nay, José Belloso cần một kiểm định viên đánh giá mức tiết kiệm năng lượng của ngôi nhà theo các quy định được thiết kế để chống biến đổi khí hậu.

Căn hộ của Belloso được xây dựng vào đầu thập niên 1900 bằng đá cối xay (millstone), một loại đá trầm tích xốp. Căn hộ của ông đã không “đủ điểm” để vượt qua cuộc đánh giá hiệu quả năng lượng. Theo một quy định bảo vệ khí hậu có hiệu lực gần đây, tài sản này bị cấm cho thuê cho đến khi cải tạo để nâng cấp tính hiệu quả năng lượng với chi phí tốn kém.

Căn hộ của Belloso kín gió, nên ông rất ngạc nhiên khi kiểm định viên đánh giá là “rây nhiệt”, loại xếp hạng dành cho những căn hộ không giữ đủ nhiệt. Nhưng lý do thực sự khiến căn hộ của ông không vượt qua cuộc kiểm tra là hệ thống sưởi và cửa sổ lỗi thời và những bức tường làm bằng đá cối xay.

Belloso cuối cùng phải giảm giá căn hộ 50.000 euro so với giá chào bán ban đầu để tìm được người mua. Câu chuyện của Belloso cho thấy người tiêu dùng đang bắt đầu trả tiền cho quá trình chuyển đổi năng lượng và họ không hài lòng về điều đó.

Những chính phủ áp dụng luật về khí hậu sớm nhất ở phương Tây đã cố gắng giảm bớt khó khăn tài chính cho người tiêu dùng trong quá trình chuyển đổi năng lượng bằng các khoản trợ cấp. Tuy nhiên, hiện nay, với ngân sách trợ cấp đang cạn kiệt, họ buộc phải chuyển bớt chi phí chuyển đổi xanh sang người tiêu dùng. Trong khi đó, các khoản thuế liên quan phát thải carbon đang được áp dụng theo từng giai đoạn và các quy định yêu cầu cải tạo nhà cửa tốn kém đang bắt đầu có hiệu lực.

Nhưng người dân châu Âu chưa sẵn sàng trả chi phí chuyển đổi xanh. Trong năm nay, nông dân đã xuống đường ở Paris và các thủ đô khác ở châu Âu để phản đối kế hoạch loại bỏ trợ cấp nhiên liệu diesel cũng như siết chặt các quy định bảo vệ môi trường trong ngành nông nghiệp. Các hộ gia đình ở Đức cũng phản đối yêu cầu thay thế các nồi hơi khí đốt sưởi ấm gây ô nhiễm.

Ở bang California của Mỹ, theo một quy định có hiệu lực vào cuối năm 2022, mức giá mà các công ty điện lực trả để mua điện dư thừa từ hệ thống điện mặt trời áp mái mới của các chủ nhà và doanh nghiệp sẽ giảm tới 75%. Ủy ban tiện ích công cộng bang California giải thích, quy định này nhằm tạo ra sự công bằng cho những hộ gia đình thu nhập thấp, không đủ điều kiện lắp đặt điện mặt trời áp mái nhưng phải trả hóa đơn tiền điện cao hơn.

Trước đây, để khuyến khích lắp đặt điện mặt trời áp mái, bang này cho phép các chủ nhà bán lại điện dư thừa ngang bằng với giá bán lẻ (thường cao gấp 2-3 lần so với giá bán sỉ).

Nhiều năm trước, các chính phủ ở châu Âu đưa ra hàng loạt biện pháp chống biến đổi khí hậu khi lãi suất còn thấp và nguồn cung năng lượng còn dồi dào. Nhưng hiện tại, họ đang đối mặt với bài toán mới về ngân sách khi cuộc chiến ở Ukraine và Trung Đông khiến chi tiêu quốc phòng tăng lên giữa lúc chi phí năng lượng và lạm phát cao hơn.

Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron đã gợi ý rằng châu Âu có thể cần tạm dừng thực thi các biện pháp quản lý khí hậu để nền kinh tế khu vực có thể hấp thụ tác động của chiến tranh. Tuy nhiên, theo hãng nghiên cứu năng lượng Wood Mackenzie, việc trì hoãn quá trình chuyển đổi năng lượng trong ít nhất là 5 năm có thể dẫn đến sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu thêm 3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Con số này cao hơn ngưỡng cho phép tăng thêm tối đa là 1,5 độ C trong Thỏa thuận khí hậu Paris.

Hiện tại, người tiêu dùng trên toàn cầu đang có dấu hiệu “mệt mỏi” vì cuộc chuyển đổi năng lượng. Theo một cuộc khảo sát với 100.000 người tiêu dùng năng lượng ở 20 nước do hãng kiểm toán Ernst & Young thực hiện, 75% cho biết họ không sẵn sàng trả thêm tiền cho các biện pháp bảo vệ sự bền vững trong ngành năng lượng.

Theo Fatih Birol, Giám đốc Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), chi phí chuyển đổi năng lượng đang “đặt lên vai những người có thu nhập thấp và trung bình một cách không cân xứng”.

“Điều tồi tệ nhất đối với quá trình chuyển đổi năng lượng là nỗ lực này được xem là do giới tinh hoa thực hiện”, ông nói.

Các hộ gia đình đang gánh chịu chi phí ngày càng tăng khi các chính phủ xây dựng hoặc nâng cấp lưới điện và các hạ tầng quan trọng khác để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng. Giá bán điện của Công ty dịch vụ tiện ích PG&E ở California tăng 127% trong thập niên qua khi chi phí phòng chống cháy rừng và nâng cấp lưới điện tăng cao. Gần 25% khách hàng của công ty này đang trễ hạn thanh toán hóa đơn.

Hồi tháng 12 năm ngoái, cơ quan quản lý điện lực ở bang Illinois, nơi đặt mục tiêu 50% nguồn phát điện đến từ năng lượng tái tạo vào năm 2030, đã bác bỏ kế hoạch nâng cấp lưới điện của hai công ty điện lực. Lý do đưa ra là kế hoạch này khiến giá điện tăng lên và các hộ gia đình không nên “phải gánh chịu những chi phí bất công liên quan đến quá trình chuyển đổi năng lượng của bang”.

Theo WSJ

Lê Linh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối