Thứ tư, Tháng mười hai 11, 2024

Làm nông nghiệp phát thải thấp, nông dân chờ tiếp cận với tín chỉ carbon

(SGTT) - Trong thời gian tới, 8.000 hộ nông dân trồng mía cho Lasuco sẽ có thêm một nguồn thu nhờ bán tín chỉ carbon. Đây là tín hiệu vui và qua đó cho thấy tiềm năng của việc bán tín chỉ carbon trong ngành nông nghiệp, không chỉ đối với nông dân trồng mía mà còn mở ra cơ hội cho những cây trồng khác.

Mía và lúa phát thải thấp bắt đầu tiếp cận với tín chỉ carbon

Trao đổi với KTSG Online, ông Lê Văn Phương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco) cho biết, doanh nghiệp đã ký biên bản ghi nhớ với một tập đoàn công nghiệp lớn của Nhật Bản để bán tín chỉ carbon từ cây mía cho họ. Hợp đồng có thời hạn 15 năm. Điều này đồng nghĩa là trong vòng 15 năm tới, nông dân sẽ có thêm một nguồn thu đáng kể từ bán tín chỉ carbon của cây mía. Hiện tại Lasuco đang làm việc với bên công ty tư vấn để tiến hành những bước cuối cùng và nếu mọi thứ thuận tiện thì vài tháng nữa là xong.

Hiện Lasuco đang liên kết với 8.000 hộ nông dân trồng mía và họ sẽ canh tác mía theo hướng giảm phát thải. Chỉ cần tuân thủ thì họ sẽ được nhận thêm tiền nhờ sử dụng phân bón đúng cách, vừa tiết kiệm chi phí đầu vào lại vừa có tiền. Ngoài nông dân, doanh nghiệp cũng có những lợi ích là những tấn đường được sản xuất ra có thể đạt tiêu chí xanh để xuất khẩu, đặc biệt là khi xuất qua thị trường châu Âu.

Theo Viện nghiên cứu Mía Đường, hiện có khoảng 50% diện tích trồng mía của Việt Nam đủ điều kiện có thể bán được tín chỉ carbon ngay. Ảnh: TL.

Theo ông Phương, trồng mía theo hướng giảm phát thải để bán tín chỉ carbon là có lợi cho các bên. Về triển vọng thị trường bán tín chỉ carbon trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Phương cho rằng, nhu cầu mua tín chỉ carbon trên thị trường là rất lớn, vấn đề còn lại là các bên có gặp được nhau để thoả thuận mua bán hay không.

Lý do để Lasuco có thể nhanh chóng tìm được bên mua tín chỉ carbon và triển khai nhanh là một phần do từ nhiều năm trước, công ty đã số hóa đồng ruộng. Vì thế, chỉ cần một thao tác nhỏ trên máy tính, bộ phận kỹ thuật có thể biết chính xác một nông dân có bao nhiêu hecta trồng mía, loại đất trồng mía là đất nào, tình trạng bón phân như thế nào….

Nhờ số hoá đồng ruộng nên đây chính là một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp có thể ký hợp đồng mua bán tín chỉ carbon một cách nhanh chóng vì chỉ cần vài tháng chuẩn bị là có thể bán cho đối tác.

Theo tính toán, quá trình trồng mía gồm xăng dầu chạy máy cày, chăm sóc, tưới tiêu, phun thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, đốt cháy sinh khối…. đang chiếm 76% phát thải nhà kính. Tuy nhiên, đổi lại dự trữ carbon trong trên cánh đồng mía lên đến 60 tấn/hecta (kể cả carbon hữu cơ trên và dưới mặt đất).

Vì vậy, nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp về giảm phát thải khí nhà kính từ khâu trồng và canh tác mía đến khâu sản xuất chế biến đường mía sẽ đem lại lợi ích không nhỏ cho ngành sản xuất đường mía. Giảm phát thải khí nhà kính thông qua canh tác nông nghiệp bền vững, được hiểu là ở đó người nông dân sử dụng máy móc, phân bón đúng cách, đúng thời điểm nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao.

Trao đổi với KTSG Online, ông Cao Văn Đương, Viện trưởng Viện nghiên cứu Mía Đường cho biết, Việt Nam có khoảng 170.000 hecta trồng mía và trong số này có khoảng 50% diện tích có thể bán được tín chỉ carbon ngay cho bên có nhu cầu vì nhiều công ty cũng đã số hoá đồng ruộng. Vấn đề còn lại là chờ cơ chế mua bán được hoàn thiện trong thời gian tới.

Hiện tại, ở Việt Nam nông dân của 12 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL tham gia Đề án phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có thoả thuận với Ngân hàng Thế giới (WB), từ Quỹ tài chính carbon chuyển đổi (TCAF), trong vụ hè thu 2025 hoặc đông xuân 2025-2026 sẽ chi trả thí điểm khoảng 20 triệu đô la Mỹ. Bộ đã thỏa thuận với TCAF của WB và đang hoàn chỉnh các thủ tục, từ đó Bộ mới xây dựng cơ chế để trình Chính phủ chi trả thí điểm tín chỉ carbon.

Lúa phát thải thấp đang được thỏa thuận để chi trả thí điểm tín chỉ carbon từ WB. Ảnh: Trung Chánh

Hay niên vụ 2023, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức mô hình thí nghiệm 4,2 hecta lúa phát thải thấp của gia đình ông Lê Như Hùng tại xã Bình Hòa, huyện Krông Ana (Đắk Lắk). Mô hình được thực hiện từ tháng 1 đến 4-2024, nghiên cứu tập trung vào giống lúa ST24.

Trong 3 tháng trồng lúa theo phương thức này, ruộng lúa của ông Hùng giảm được một nửa lượng nước tưới, 15% chi phí sản xuất, trong khi năng suất lúa tăng 2 tấn so với canh tác kiểu cũ.

Với hơn 4 hecta lúa trồng theo hướng giảm phát thải, gia đình ông vừa thu hoạch được gần 45 tấn thóc. Đáng nói, một doanh nghiệp ở Thái Lan đã trả thêm hơn 8 triệu đồng cho diện tích lúa này, nhờ bán tổng cộng giảm được 16,91 tấn carbon.

Ông Trần Minh Tiến – tổng giám đốc Công ty cổ phần Net Zero Carbon Việt Nam – cho biết khi áp dụng phương pháp canh tác này, mỗi 1ha lúa sẽ tạo ra 3 tín chỉ carbon. Đơn vị thu mua tín chỉ carbon lúa ở Đắk Lắk là thành viên của Công ty Netzero Carbon Thái Lan đã quyết định chi trả 20 đô la cho 1 tín chỉ. Như vậy, với 1ha giảm phát thải, nông dân thu thêm được 1,5 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, nhìn một cách tổng thể Việt Nam không chỉ có cây lúa, cây mía mà tất cả cây trồng đều có thể sản xuất theo hướng giảm phát thải nhà kính thông qua canh tác bền vững.

Cây cà phê cũng có nhiều triển vọng 

Một cây trồng khác có triển vọng để bán tín chỉ carbon trong thời gian tới. Đó là nông dân trồng cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên.

Ông Lý Thông Hạ, một nông dân ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng cho biết, trước đây, việc bón phân cho cây cà phê thường dựa trên cảm tính, nông dân hay nói vui là “bón phân theo túi tiền”. Điều này có nghĩa là lượng phân bón sử dụng sẽ thay đổi tùy thuộc vào giá cả thị trường. Khi giá cà phê thấp, nông dân sẽ tiết kiệm phân bón, còn khi giá cao, họ lại bón nhiều hơn.

Tuy nhiên, từ khi áp dụng phương pháp canh tác bền vững, mọi việc đã thay đổi. Mỗi công đoạn, từ tưới nước đến bón phân, nông dân đều có sự tính toán kỹ lưỡng. Việc tưới nước, bón phân cho cây cà phê được những nông dân trồng cà phê như ông Hạ thực hiện một cách khoa học, dựa trên nhu cầu cụ thể của cây cà phê ở từng giai đoạn sinh trưởng.

Cây cà phê có triển vọng để bán tín chỉ carbon trong thời gian tới. Ảnh minh họa: DNCC

Những kiến thức trồng cà phê này mà ông Hạ có được là nhờ tham gia vào Chương trình NESCAFÉ Plan của Nestlé. Chương trình này được khởi động ở Việt Nam từ năm 2011 khi Nestlé Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cùng các Trung tâm Khuyến nông địa phương. Với mục tiêu thúc đẩy nông nghiệp tái sinh, nông nghiệp bền vững trong sản xuất cà phê mà ông Hạ là một trong nhiều nông dân học được cách trồng cà phê theo hướng giảm phát thải.

Trao đổi với KTSG Online trong lần tham quan nhà máy Nestlé Trị An, Đồng Nai vào trung tuần tháng 9, nhiều nông dân trồng cà phê trong biết, họ rất mong có thể kết hợp với bên thứ 3 để bán tín chỉ carbon trong thời gian tới. Theo những nông dân này, hiện tại, họ đã có thể trồng cà phê theo hướng bền vững, tức là sử dụng phân bón, nước vừa đủ nên đạt tiêu chí để giảm phát thải khí nhà kính.

Mong muốn của những nông dân trồng cà phê là hoàn toàn phù hợp và có thể triển khai trong thực tế. Vì trước đó, vào tháng 5-2024, Nestlé cũng đã công bố Báo cáo tiến độ Chương trình NESCAFÉ Plan năm 2030 lần thứ hai. Báo cáo cho thấy, việc tăng cường áp dụng các phương pháp canh tác nông nghiệp tái sinh giúp cải thiện năng suất và giảm phát thải khí nhà kính. Qua đó, góp phần đưa ngành sản xuất cà phê sự phát triển bền vững, phát thải thấp.

Bên bán tín chỉ carbon – nông dân trồng cà phê đã có và sẵn sàng về mặt kỹ thuật canh tác. Tuy nhiên “một mình người nông dân” đứng trong câu chuyện mua bán tín chỉ carbon này – họ không thể làm được. Vấn đề còn lại là cần có một đơn vị có pháp danh là những công ty để có thể thương thảo với bên mua, làm việc với tư vấn nhằm “hiện thực hoá” vấn đề như câu chuyện của Lasuco ở trên.

Ngọc Hùng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối