Thứ Sáu, Tháng Năm 3, 2024

Đường dài cho công nghiệp phần mềm Việt Nam

Vân Ly

Một trong những thông tin đáng chú ý tại sự kiện Ngày IPv6 Việt Nam 2017 hồi tháng 5 vừa qua ở Hà Nội là ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT- gồm công nghiệp phần cứng, phần mềm và nội dung số) đã đạt doanh thu 58 tỉ đô la Mỹ trong năm 2016, tăng trưởng hơn 14% so với năm 2015. Tuy công nghiệp phần cứng chiếm tỷ trọng doanh thu lớn nhất (trên 53 tỉ đô la Mỹ), nhưng phát triển công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung số lại là con đường tương lai của ngành CNTT Việt Nam.

Tại cuộc hội thảo Ngày IPv6 Việt Nam(*), ông Bùi Bài Cường, chuyên viên Vụ CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết từ năm 2010 cho đến hết năm 2016, ngành công nghiệp CNTT được ghi nhận là ngành có sự phát triển nhanh và ổn định, với doanh thu tăng lên từng năm. Từ mức doanh thu 7,6 tỉ đô la của năm 2010, sau sáu năm con số này đã là 58 tỉ đô la, tăng 7,6 lần. Cũng trong khoảng thời gian này, công nghiệp phần cứng vẫn luôn khẳng định vai trò chủ đạo của mình, công nghiệp phần mềm và nội dung số có tốc độ tăng trưởng chậm hơn. Các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ CNTT đang nỗ lực để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và nước ngoài, góp phần tạo nền tảng để phát triển nền kinh tế tri thức và hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

game

Tiềm năng phát triển

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến hết năm 2016, ngành công nghiệp CNTT có tổng số nhân lực hơn 600.000 người. Trong đó, số người lao động đang làm việc trong mảng công nghiệp phần cứng là hơn 300.000 người, còn lại thuộc về lĩnh vực công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung số.

Giới chuyên gia trong ngành cho rằng, mặc dù mảng công nghiệp phần cứng đang chiếm đến 91% số doanh thu của toàn ngành công nghiệp CNTT, song phần lớn đến từ các nhà máy sản xuất của các tập đoàn nước ngoài như Samsung, LG, Microsoft… Các nhà máy này sử dụng một khối lượng lớn nhân công người Việt nhưng công việc chủ yếu là nghiệp vụ gia công sản xuất, hàm lượng giá trị tri thức còn rất thấp. Bên cạnh đó, lĩnh vực sản xuất thiết bị phần cứng vẫn là lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường, nên mục tiêu dài hạn của Việt Nam vẫn là phát triển công nghiệp phần mềm và nội dung số.

Để ngành công nghiệp CNTT thực sự mang lại hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế, các chính sách cần tập trung vào việc phát triển lĩnh vực phần mềm và nội dung số. Việt Nam với lợi thế về nguồn nhân lực trẻ và có kỹ năng cùng sự yêu thích về CNTT hoàn toàn có thể đẩy mạnh hai lĩnh vực này.

Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software), nhận định rằng trong các ngành xuất khẩu của Việt Nam thì ngành phần mềm có giá trị xuất khẩu tính trên đầu người cao chỉ sau hai ngành dầu khí và than đá. Dẫn chứng từ câu chuyện của chính FPT Software, sau 17 năm phát triển, doanh nghiệp này có 10.000 nhân sự, trung bình mỗi người tạo ra doanh thu 550 triệu đồng mỗi năm.

Ở góc nhìn của một chuyên gia công nghệ, ông Tiến cho biết trong lĩnh vực công nghiệp phần cứng, khi Việt Nam xuất khẩu hơn 30 tỉ đô la thiết bị điện thoại, điện tử thì đã phải nhập khẩu 25 tỉ đô la nguyên phụ liệu và linh kiện cho việc sản xuất. Trong 100 đô la Mỹ giá trị xuất khẩu các sản phẩm này thì chỉ có 20-30 đô la giá trị do người Việt tạo ra, phần giá trị gia tăng theo đó cũng rất thấp. Trong khi đó, với lĩnh vực phần mềm, cứ 100 đô la giá trị xuất khẩu thì 84-86 đô la giá trị do người Việt tạo ra.

 

Hướng tới mục tiêu dài hạn

Ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam trong nhiều năm liên tục luôn thiếu hụt nhân sự và trong thời gian sắp tới càng cần thêm người tài. Điều này mở ra cơ hội nghề nghiệp cho giới trẻ yêu thích công nghệ, nhưng đồng thời cũng đặt ra thách thức trong việc đào tạo và nâng cao năng lực nhân sự.

Theo Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), doanh thu của mảng phần mềm và dịch vụ CNTT của Việt Nam đã tăng gấp rưỡi trong năm năm, từ 2 tỉ đô la vào năm 2010 lên hơn 3 tỉ đô la vào năm 2015. Tại buổi lễ trao giải thưởng thường niên của ngành là Sao Khuê 2017 vào tháng 4 vừa qua, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA, cho biết năm nay, hội đồng giám khảo ghi nhận xu hướng các doanh nghiệp chuyển dịch dần từ việc cung cấp sản phẩm, giải pháp sang việc cung cấp và cho thuê các dịch vụ CNTT. Đây là xu hướng phù hợp với thực tế, giúp tối ưu hóa được nguồn lực của cả doanh nghiệp phát triển giải pháp và doanh nghiệp ứng dụng giải pháp.

Không chỉ lĩnh vực phần mềm, nội dung số cũng được xem là lĩnh vực mà Việt Nam chưa khai thác hết cơ hội tiềm năng. Chia sẻ tại sự kiện Vietnam Game Summit 2017 được tổ chức vào đầu tháng 5 vừa qua, ông Lê Hồng Minh, Giám đốc điều hành của Tập đoàn VNG, một trong những công ty lớn về trò chơi trực tuyến và nội dung giải trí, nói rằng doanh thu dự kiến của các nhà phát triển trò chơi Việt trong năm 2017 khoảng 40 triệu đô la theo thông tin từ Google. Nếu tính thêm nguồn thu từ các kho ứng dụng như App Store và Google Play thì con số này sẽ vào khoảng 80 triệu đô la. Như vậy, doanh thu của các nhà phát triển trò chơi Việt mới chiếm 0,1% trong tổng doanh thu của thị trường này trên thế giới, vào khoảng 80 tỉ đô la.

Ông Minh tin rằng các doanh nghiệp trò chơi Việt sẽ đạt doanh thu 1 tỉ đô la trước năm 2027 (gấp 12,5 lần năm 2017). Niềm tin này dựa trên cơ sở Việt Nam có nhiều nhà phát triển phần mềm trò chơi trẻ tuổi và tài năng như Nguyễn Hà Đông – tác giả của trò chơi Flappy Bird đã trở thành hiện tượng của ngành công nghiệp trò chơi toàn cầu trong năm 2015. “VNG cũng đang nỗ lực góp sức vào mục tiêu 1 tỉ đô la doanh thu nói trên. Các trung tâm sản xuất trò chơi của VNG được đặt mục tiêu đạt đến đẳng cấp toàn cầu trong năm năm tới”.

Tương tự công nghiệp phần cứng, sự thiếu hụt nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng vẫn là một hạn chế lớn để công nghiệp phần mềm và nội dung số phát triển. Dự tính, nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp trong giai đoạn 2016-2020 là khoảng 400.000 người trong khi toàn bộ hệ thống 290 trường đại học, cao đẳng và hơn 150 cơ sở đào tạo về CNTT trên cả nước hiện chỉ có khả năng cung ứng khoảng 250.000 người. Ngoài ra, kiến thức, kỹ năng chuyên môn và trình độ ngoại ngữ của sinh viên mới ra trường cũng còn nhiều hạn chế.

Cách đây hơn hai năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 392 vào ngày 27-3-2015 nhằm phê duyệt “Chương trình mục tiêu phát triển ngành công nghiệp CNTT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 15%/năm đối với lĩnh vực phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT.

Bên cạnh đó là việc thu hút nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các lĩnh vực trọng điểm, trong đó lĩnh vực công nghiệp phần cứng (bao gồm cả điện tử) thu hút 5 tỉ đô la vốn đầu tư FDI trong giai đoạn 2015-2020. Duy trì vị trí là một trong 10 nước đứng đầu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số. TPHCM và Hà Nội duy trì vị trí thuộc nhóm 10 thành phố hấp dẫn về gia công phần mềm toàn cầu ở Việt Nam. Chương trình cũng đưa ra những giải pháp để phát triển nhân lực CNTT. Đồng thời, phát triển nhiều sản phẩm thương hiệu Việt Nam trong lĩnh vực phần cứng-điện tử, phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT…

Là một cơ quan quản lý chuyên ngành, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhận thức rõ những khó khăn của ngành, cơ quan này cho biết trong giai đoạn sắp tới sẽ đẩy mạnh nhiều giải pháp để hỗ trợ phát triển ngành như xây dựng các sản phẩm CNTT trọng điểm nhằm tập trung phát triển và thúc đẩy cạnh tranh; xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp CNTT khởi nghiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp CNTT nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua xây dựng, chuẩn hóa các quy trình sản xuất, quản lý chất lượng.

——————————-

(*) Ngày IPv6 Việt Nam đánh dấu cột mốc thử nghiệm IPv6 ở Việt Nam và bắt đầu quá trình chuyển đổi sang địa chỉ IPv6 khi địa chỉ IPv4 đã sử dụng hết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bộ GTVT đề nghị kiểm tra giá vé máy bay tăng...

0
(SGTT) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản yêu cầu Cục hàng không Việt Nam, vụ Vận tải rà soát,...

Đề nghị mở rộng cao tốc TPHCM – Long Thành lên...

0
(SGTT) - Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND TPHCM và UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất cần tính đến phương án đầu tư...

Ngắm Bãi Cạn ở đảo Phú Quý từ trên cao

0
(SGTT) – Bên cạnh những điểm đến quen thuộc như đỉnh Cao Cát, vịnh Triều Dương, gành Hang… thì Bãi Cạn là điểm đến...

Mua bán 5 trứng rùa biển, phạt 24 tháng tù và...

0
(SGTT) - Tòa án Nhân dân huyện Côn Đảo vừa xét xử 2 đối tượng mua trứng rùa biển, một đối tượng cung cấp...

Sáng kiến Điểm đến An toàn cùng doanh nghiệp phát triển...

0
(SGTT) - Sáng kiến Điểm đến An toàn do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức và vận hành, chương trình đang cùng...

Các xu hướng thời trang lấy cảm hứng từ thể thao

0
(SGTT) - Trong những năm gần đây, các xu hướng thời trang lấy cảm hứng từ các môn thể thao đang ngày càng thịnh...

Kết nối