Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Dùng vị thuốc để tăng cường hệ miễn dịch phòng, chống Covid-19

(SGTTO) - Có nhiều cách để tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Ngoài bổ sung Vitamin và khoáng chất, việc dùng các vị thuốc, bài thuốc có tác dụng trong điều trị cảm cúm cũng có hiệu nghiệm để tăng cường hệ miễn dịch.

Theo TS.DS. Nguyễn Thành Triết (cơ sở 3, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM), trong dân gian có nhiều vị thuốc, bài thuốc đã được sử dụng trong điều trị cảm cúm từ lâu và ngày nay các vị thuốc này bắt đầu được chứng minh có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch. Đây là những vị thuốc tương đối dễ tìm. Một số vị thuốc được sử dụng hàng ngày như gia vị trong các bữa ăn.

Một số dược liệu và bài thuốc có thể dễ dàng tìm được:

Tiêu lốt (Piper longum Linn)

 

Quả khô của tiêu lốt có thành phần chính là tinh dầu, được sử dụng làm gia vị, đồng thời cũng là một loại dược liệu phổ biến ở Ấn Độ và một số nước châu Á khác. Đặc biệt, dược liệu này được ứng dụng trong điều trị một số bệnh thông thường như ho, long đờm, dị ứng, kháng viêm, kích thích ăn ngon và được sử dụng cho một số trường hợp suy giảm miễn dịch.

Liều dùng ở người lớn là 1-3g và ở trẻ em là 125–250mg bột quả khô, sử dụng 2-3 lần/ngày, trộn chung với mật ong hoặc nước ấm.

Cũng có thể sử dụng phối hợp tiêu lốt với tiêu đen (hồ tiêu) và gừng khô, mỗi thứ 50g, làm khô, xay thành bột, mỗi lần uống 2g bột đối với người lớn hoặc 125 – 500 mg bột đối với trẻ em cùng với nước ấm hoặc mật ong, ngày ba lần.

Gừng (Zingiber officinale Rosc)

Gừng được sử dụng từ cổ xưa như là một gia vị phổ biến nhưng đồng thời cũng là một vị thuốc vô cùng quý. Ngoài tác dụng chữa cảm sốt, kích thích tiêu hóa, chống nôn và kháng dị ứng, gừng còn góp phần vào việc điều hòa hệ miễn dịch. Có thể sử dụng thân rễ gừng khô với liều lượng 1-3g/ngày, chia làm hai lần uống hoặc cho khoảng 4-6 lát gừng tươi trong nước sôi khoảng 30 phút để uống như trà.

Tỏi (Allium sativum L)

Tỏi được sử dụng làm gia vị và làm thuốc ở nhiều quốc gia khác nhau với lịch sử nhiều nghìn năm. Tỏi được sử dụng nhiều trong y học cổ truyền để làm ấm, điều trị cảm lạnh, chữa đau dạ dày và hạ mỡ máu.

Allicin (chất chuyển hóa từ alliin) là hoạt chất được cho là có tác dụng kháng khuẩn chính của tỏi. Một nghiên cứu chỉ ra rằng tác dụng kháng khuẩn của tỏi liên quan đến việc làm tăng cường chức năng của đại thực bào và lympho bào T của hệ miễn dịch. Tỏi có thể sử dụng ở nhiều dạng khác nhau: Tỏi tươi 2-5 g/ngày, bột tỏi khô 0.4-1.2g/ngày, dầu tỏi 2-5 mg/ngày.

Hoàng kỳ - Astragalus membranaceus (Fisch) Bge

Hoàng kỳ đã được sử dụng trên 2.000 năm trong nền y học cổ truyền Trung Quốc, được xem là một dược liệu có tác dụng bổ dưỡng và tăng cường hệ miễn dịch. Các polysaccharid chiết xuất từ rễ hoàng kỳ có tác dụng tăng cường hoạt động của đại thực bào và các tế bào bạch cầu lympho B, từ đó góp phần tăng cường đáp ứng miễn dịch thể dịch và tế bào.

Do tác dụng điều hòa hệ miễn dịch, hoàng kỳ được ứng dụng trong điều trị cảm lạnh, cúm, làm giảm tỷ lệ mắc cũng như rút ngắn thời gian điều trị. Có thể sử dụng hoàng kỳ dưới dạng thuốc sắc với liều 8-12 g, chia làm hai lần uống trong ngày.

Lưu ý: Sử dụng Hoàng kỳ như một biện pháp dự phòng nhằm nâng đỡ sức đề kháng của cơ thể, không nên sử dụng trong trường hợp đang mắc phải bệnh nhiễm trùng cấp tính.

Bên cạnh các biện pháp phòng tránh, sử dụng một số dược liệu có khả năng tăng cường sức đề kháng, cần phải kết hợp với lối sống lành mạnh, tập luyện thể dục, uống nhiều nước và Vitamin C để làm cơ thể khỏe mạnh, góp phần dự phòng và chống chịu với bệnh tật trong mùa cúm.

Hoàng Nhung ghi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối