Thứ Hai, Tháng Tư 29, 2024

Đua lãi suất đầu năm

T.THU –

Tiếp sau đợt tăng lãi suất ở hai tháng đầu năm nay, trong hai tuần đầu tháng 3, một số ngân hàng lại điều chỉnh tăng lãi suất. Việc chạy đua lãi suất này có thể là ngắn hạn nhưng mặt bằng lãi suất huy động nhìn chung tăng so với năm ngoái.

Kích thích gửi kỳ hạn dài

IMG_7888Mặt bằng lãi suất bình quân kỳ hạn dưới 6 tháng 4,5-5,4%/năm, còn kỳ hạn 6 tháng trở lên 5,5-7,2%/năm. Ảnh: Thành Hoa

Ngân hàng BIDV mới đây đã tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng từ mức 6,5%/năm lên 6,8%/năm. Trong khi trước đó, hồi tháng 2, ngân hàng này cũng tăng lãi suất tiết kiệm thêm 0,2-0,4 điểm phần trăm, lên 6,5%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 13, 18, 24 và 36 tháng.

Từ ngày 8-3, mặc dù không tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm thông thường, nhưng Sacombank tăng lãi suất thêm 0,1 điểm phần trăm cho sản phẩm tiết kiệm “Trung niên phúc lộc”. Trước đó, vào cuối năm ngoái và tháng đầu năm 2016, Sacombank cũng liên tục tăng lãi suất huy động.

Tuy nhiên, cũng có ngân hàng giảm lãi suất sau khi liên tiếp tăng lãi suất từ cuối năm ngoái đến nay. Chẳng hạn, từ ngày 11-3, Techcombank giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 15 tháng từ 6,45%/năm xuống còn 6,27%/năm, và kỳ hạn 18 tháng từ 6,4%/năm xuống còn 6,22%/năm.

Trước đó, trong hai tháng đầu năm, khá nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất như Vietcombank, Eximbank, OCB, Viet Capital Bank… Nhìn chung, ở một số ngân hàng nhỏ, lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng phổ biến ở mức 7,2%/năm, đặc biệt có ngân hàng áp dụng đến 7,2%/năm cho kỳ hạn 6 tháng.

Một số ngân hàng cũng nâng lãi suất lên đến 8%/năm, nhưng chỉ áp dụng cho mức tiền gửi lớn, kỳ hạn dài. Chẳng hạn, Eximbank áp dụng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng 6,2%/năm, nhưng 13 tháng đến 7,5%/năm (áp dụng cho tiền gửi từ 500 tỉ đồng trở lên), và 8%/năm cho kỳ hạn 36 tháng (cho tiền gửi 10 tỉ đồng trở lên). Ngân hàng SeABank áp dụng lãi suất 8%/năm cho tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng, nhưng khách hàng phải đáp ứng một số điều kiện.

Theo một vị phó tổng giám đốc của Eximbank, ngân hàng có tăng lãi suất huy động trung hạn và dài hạn nhằm khuyến khích người dân gửi tiền cho các kỳ hạn dài hơn nhằm đảm bảo nguồn vốn cho việc cho vay trung-dài hạn của ngân hàng. Trên thực tế, có nhiều người dân bắt đầu gửi kỳ hạn 15 tháng, tuy nhiên phần đông vẫn gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn như lâu nay.

Vị này cho biết, mặc dù có tăng nhẹ lãi suất tiết kiệm nhưng hiện ngân hàng chưa có chủ trương tăng lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp cũng như cá nhân, vì lo ngại có thể gây phản ứng tiêu cực là tín dụng bị sụt giảm, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng lâu nay phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng.

[box] Tính đến cuối năm 2015, trên địa bàn TPHCM, vốn huy động kỳ hạn 1-2 tháng chiếm đến 70% trong tổng huy động, trong khi dư nợ cho vay trung và dài hạn chiếm đến 57,6% trong tổng dư nợ tín dụng tại TPHCM.

Đối với toàn ngành, theo thông tin từ NHNN, những rủi ro mới có chiều hướng gia tăng trong hoạt động tín dụng ngân hàng trong năm 2015. Đó là, tín dụng trung, dài hạn tăng rất nhanh (29%) và chiếm tỷ trọng gần 50% tổng dư nợ tín dụng (theo chiều hướng tăng liên tục, tăng 43,1% vào năm 2013, và tăng 45,4% vào năm 2014) làm gia tăng rủi ro mất cân đối kỳ hạn nguồn vốn và sử dụng vốn. Việc gia tăng đầu tư tín dụng trung, dài hạn có thể tạo áp lực lên huy động vốn trung, dài hạn cũng như mặt bằng lãi suất trên thị trường.[/box]

Do cầu vốn tăng

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, hai tháng đầu năm 2016 có đến 15 ngân hàng tăng lãi suất với mức tăng bình quân 0,1-0,2 điểm phần trăm/năm, trong khi có 6 ngân hàng lại giảm, bình quân 0,1-0,3 điểm phần trăm/năm. Tính chung, mặt bằng lãi suất bình quân kỳ hạn dưới 6 tháng 4,5-5,4%/năm, còn kỳ hạn 6 tháng trở lên 5,5-7,2%/năm.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, một số ngân hàng gần đây có điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất (tiền gửi kỳ hạn trung-dài hạn – PV), một phần nhằm giải quyết tình trạng mất cân đối kỳ hạn giữa huy động và cho vay.

Ngoài ra, theo dự thảo sửa đổi Thông tư 36 đang được NHNN lấy ý kiến, ngân hàng thương mại được phép sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn với tỷ lệ tối đa là 40% thay vì 60% như hiện nay. Do đó, có thể việc này cũng khiến các ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn trung dài hạn để đáp ứng tỷ lệ 40%, và vẫn có thể tiếp tục cho vay trung và dài hạn.

Thêm vào đó, theo ông Minh, mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay được đặt ra là 18-20%/năm (để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế – PV), trong khi mức tăng trưởng tín dụng trung bình trong những năm qua khoảng 10-15%/năm, theo đó đòi hỏi các ngân hàng phải có nguồn vốn huy động dồi dào để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng.

Được trích ý kiến trên trang web của NHNN, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN, ông Bùi Quốc Dũng cho rằng việc tăng lãi suất huy động hiện nay chủ yếu mang tính chất tạm thời để dự trù nguồn vốn cho vay ở một số đơn vị, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh những tháng sau Tết Âm lịch.

Ông Dũng cho biết thêm, lạm phát năm nay dự kiến 3-4%, trong khi năm 2015 là 0,6%, như vậy kỳ vọng lạm phát cao hơn năm trước. Dự kiến tăng trưởng kinh tế năm 2016 là 6,7%, cao hơn mức tăng trưởng thực 6,68% của năm 2015. Trong 5 năm gần đây, GDP năm sau luôn cao hơn năm trước, điều này sẽ dồn tích thêm nhu cầu vốn.

Trong khi cầu vốn tăng nhưng tiền gửi tiết kiệm giảm. Năm 2015, số tuyệt đối giữa huy động và cho vay để cân bằng nhưng tốc độ tăng trưởng của tín dụng lớn hơn tốc độ tăng trưởng huy động (trên 17% so với trên 14%).

Ngoài ra, yếu tố lợi suất trái phiếu Chính phủ cũng tác động khá mạnh lên mặt bằng lãi suất. Ngân sách năm 2016 tiếp tục khó khăn do giá dầu thô giảm (khoảng 50% so với dự toán) nên nhu cầu huy động trái phiếu để bù cho bội chi tiếp tục lớn ở mức 220.000 tỉ đồng, cao hơn năm ngoái. Theo đó, yếu tố này sẽ tác động lên lợi suất trái phiếu Chính phủ và tác động dây chuyền tới lãi suất trung dài hạn.

Theo ông Dũng, ba yếu tố nói trên tác động yếu tố tâm lý, khiến các ngân hàng tăng dự trữ nguồn. Mặc dù hiện tại chưa có căng thẳng (về thanh khoản – PV) nhưng những yếu tố này lại nuôi dưỡng kỳ vọng của các ngân hàng, tạo nên phản ứng của thị trường như hiện nay.
Tuy nhiên, vị này khẳng định NHNN sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, linh hoạt bơm tiền ra/hút tiền về, thông qua nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ khác để đảm bảo thanh khoản cho toàn hệ thống, qua đó tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của ngân hàng, phấn đấu giảm nhẹ mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn trong năm 2016.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bữa ăn chất lượng từ thịt gà nếu biết cách chọn...

0
Thịt gà là thực phẩm phổ biến trong mọi bữa cơm gia đình hay trên mâm tiệc hop mặt. Tuy nhiên, những món ăn...

Sôi nổi các hoạt động du lịch bên bờ biển Đà...

0
(SGTT) – Thả diều nghệ thuật, sáng tác tượng cát bên biển, làm gốm, vẽ tranh, thi cứu hộ biển… cùng hàng chục hoạt...

Ăn gì khi đến Tây Ninh dịp lễ 30-4?

0
(SGTT) - Không chỉ nổi tiếng bởi các điểm tham quan, du lịch, Tây Ninh còn hấp dẫn khách phương xa bởi những món...

TPHCM: Lịch giải trí điện ảnh, âm nhạc, kịch nói cho...

0
Trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay, người dân tại TPHCM có thể dành thời gian đi xem phim, biểu diễn âm...

Những mặt hàng thực phẩm ngoại nhập giảm giá dịp nghỉ...

0
Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, một số thương hiệu chuyên thực phẩm ngoại nhập mang đến nhiều chương trình ưu đãi dành cho...

Nghỉ lễ, người dân đổ xô đến trung tâm thương mại...

0
(SGTT) - Các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn TPHCM là những điểm vui chơi, mua sắm và tránh nóng được...

Kết nối