Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Du lịch xanh không nên chỉ là màu xanh

Năm Du lịch Quốc gia 2022 do tỉnh Quảng Nam chủ trì lấy chủ đề là “Điểm đến du lịch xanh”. Đây cũng là từ khóa của ngành du lịch Việt Nam nói chung trong thời gian tới. Theo người trong cuộc, để từ khóa này phát triển đúng cần sự kiên nhẫn trong một thời gian dài.
Một buổi chia sẻ về kinh tế tuần hoàn với khách tại nhà hàng Chùm Ngây, thành phố Hội An. Ảnh: Hoàng Tuyên

Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đã hợp tác với Tổ chức Du lịch bền vững Thụy Sỹ (SSTP) hỗ trợ xây dựng Bộ tiêu chí du lịch xanh của Quảng Nam, tạo lối mở và gợi mở sự sáng tạo trong việc thiết kế, xây dựng những tour xanh, hành trình xanh nhằm mang lại những giá trị song hành văn hóa và kinh tế trong hoạt động du lịch.

Định hướng du lịch xanh đã tạo nền tảng thiết kế một Famtrip(1) dành cho 40 người gồm các nhà quản lý du lịch, các tổ chức phát triển du lịch, các công ty lữ hành và các đối tác, như một sự tri ân và tạo điểm khởi đầu cho hoạt động du lịch trong năm du lịch quốc gia 2022 của Quảng Nam – Điểm đến du lịch xanh.

Tour xanh: Gợi mở cho nền du lịch bền vững

Gặp nhau tại không gian làm việc chung Phynig House cạnh Cây Đa kèn Hội An, khách sẽ ngồi xe điện đến nhà vườn Chùm Ngây, khởi đầu cho chuyến trải nghiệm mô hình tái chế rác hữu cơ đô thị và vườn ươm cây dược liệu. Nơi đây, khách có thể tự tay chế tác, đóng khuôn những bánh xà phòng được sản xuất từ nguyên liệu dầu ăn đã qua sử dụng. Những giải pháp thuận tự nhiên được khai thác cho quá trình xử lý rác hữu cơ, ươm tạo những chồi non xanh: vi sinh tự nhiên trong xử lý rác hữu cơ, nước tẩy rửa sinh học từ vỏ rau củ quả, phân trùn quế và dịch ruồi lính đen…

Khi di chuyển đến Làng Thanh Đông – Cẩm Thanh – Hội An, du khách sẽ ghé cửa hàng Đong Đầy (Refillables Hoi An) để nghe câu chuyện của cô chủ Alison về hành trình thiết lập mô hình tái sử dụng và mua sắm không bao bì nhựa. Refillables Hoi An sẽ gợi lên hình ảnh của bản thân mỗi khách ghé thăm, từ việc chia sẻ trách nhiệm đến cùng hành động bảo vệ môi trường.

Khu vực cánh đồng lúa hữu cơ tại Hội An là kết quả của sự hợp tác bốn bên: chính quyền – doanh nghiệp – chuyên gia – nông dân. Ảnh: Nhân Tâm

Du khách được khơi nguồn cảm hứng về nông nghiệp hữu cơ, những giá trị văn minh nông nghiệp truyền thống khi rảo bước qua vườn rau cộng đồng Thanh Đông hay bơi thúng ngang sông Đò, bách bộ qua cánh đồng lúa hữu cơ dẫn lối vào thảm cỏ xanh của The Field Restaurant, để trải nghiệm bữa trưa “không rác thải”. The Field là nơi tham gia mô hình kinh tế chia sẻ, mô hình tuần hoàn theo cách riêng của mình: thiết kế bữa ăn với nguyên vật liệu hữu cơ và khống chế lượng rác thải sau bếp núc dù loại rác này được tái chế.

Đó là một trong những kịch bản tour du lịch xanh mà những người làm du lịch ở đất Quảng Nam đang lắp ghép và dần hoàn thiện.

Xanh là nương tựa vào thiên nhiên

Trao đổi với người tổ chức tour, ông Lê Hoàng Hà, Giám đốc Công ty Emic Travel, cho biết: “Từ những ngày đầu năm 2012, Emic Hospitality & Emic Travel đã có những định hướng phát triển các sản phẩm du lịch dựa trên nền tảng thân thiện môi trường và trải nghiệm văn hóa. Bắt nhịp với xu hướng này, chúng tôi đã được nhiều hãng lữ hành quốc tế tin cậy, hợp tác”.

“Cuộc khủng hoảng Covid-19 khiến chúng ta nghĩ nhiều hơn về lối sống xanh, thuận nhiên. Ngay từ đầu năm 2020 công ty đã tổ chức chương trình du lịch bền vững hướng đến các yếu tố môi trường, văn hóa, cộng đồng và kinh tế chia sẻ. Cách nghĩ và hành động này đã làm lay động đến UNESCO, SSTP và nhiều tổ chức khác, chúng tôi đã được đón nhận và ủng hộ”, ông Hà cho hay.

Với góc nhìn từ người đã thực hành lối sống thuận nhiên, đang khởi nghiệp nông nghiệp nương tựa vào thiên nhiên, anh Nguyễn Văn Nhân, chủ trang trại Rơm Vàng, chia sẻ sự thay đổi nhận thức, câu chuyện bền vững qua việc khởi tạo tài nguyên bằng các hoạt động tái chế rác thải, bảo tồn cây quý, biết trân trọng thiên nhiên, làm cho sản phẩm hàm chứa giá trị nhân văn từ việc hạn chế can thiệp và cưỡng bức tài nguyên thiên nhiên.

Một vườn rau hữu cơ nhỏ với hơn 10 thùng gỗ trồng các loại rau khác nhau ngay trong khu resort Sea’lavie Boutique Resort & Spa tại Hội An cũng là mong muốn xanh, sạch ngay trong từng bữa ăn của thực khách của người điều hành resort này. Bà chủ Nguyễn Thị Hải Nguyên cho hay, một nhóm chuyên gia về tuần hoàn hữu cơ và Sea’lavie đã hợp tác làm vườn rau này được hai năm qua. Lượng rau thu hoạch được dùng cho các bữa ăn tại resort, còn rác thải sau chế biến sẽ được ủ hoai rồi dùng cho vườn rau này.

Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, cho biết từ khu vườn nói trên, hiệp hội đang cố gắng nhân rộng mô hình cơ sở lưu trú kết hợp vườn xanh hữu cơ tại Quảng Nam. Nhưng ông Thanh cũng e ngại kịch bản du lịch xanh có thể bị chệch hướng một khi làn sóng du lịch hậu Covid-19 trỗi dậy. Khi đó, nhiều doanh nghiệp làm du lịch xanh địa phương sẽ không còn duy trì được các tiêu chí xanh đã đặt ra do áp lực khách ngày càng đông hơn trong khi nguồn lực tại chỗ có hạn.

Chặng đường dài cho người kiên định

Ông Phan Xuân Thanh cho rằng xây dựng du lịch xanh là một chặng đường dài dành cho những người đam mê làm du lịch bền vững, có nguồn lực sẵn sàng và kiên định. Một khi đã nhận thức và sẵn sàng thay đổi cho du lịch xanh, thì việc thay đổi hệ thống quản trị doanh nghiệp là điều bắt buộc đồng thời là sự khó khăn nên đòi hỏi sự kiên định của nhà quản lý. Việc này bao gồm thay đổi phương pháp quản trị – vận hành doanh nghiệp, thay đổi về nhân sự và văn hóa công ty, thay đổi quy trình tạo sản phẩm – dịch vụ, thay đổi cả “phần cứng” của doanh nghiệp.

Ông Thanh cho hay nếu các doanh nghiệp đều đồng lòng cam kết làm du lịch xanh thì sẽ hợp tác theo mô hình kinh tế chia sẻ để có thể tận dụng nguồn lực du lịch chung trong khi giảm được các khoản chi phí đầu tư. Theo đó, các doanh nghiệp thành viên được chia sẻ nhóm nhân sự – các vị trí công việc dùng chung, tài nguyên – dữ liệu du lịch dùng chung, hợp tác xúc tiến thị trường, tham gia chuỗi cung ứng bền vững và truyền thông chung, học hỏi các mô hình xanh tiến bộ của nước ngoài… Và Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cũng như Câu lạc bộ Du lịch xanh Quảng Nam sẽ đồng hành với doanh nghiệp làm du lịch để vượt qua trở ngại, thách thức đó.

Ở buổi họp báo Năm Du lịch quốc gia – Quảng Nam 2022 mới đây, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, cho biết du lịch xanh và tăng trưởng xanh là chủ đạo của du lịch Việt Nam đến năm 2030. Và du lịch xanh Quảng Nam sẽ là những kinh nghiệm thực tế, góp phần xây dựng các mô hình du lịch xanh phù hợp cho ngành du lịch Việt Nam sau dịch.

Nhằm hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2022 – Quảng Nam – Điểm đến du lịch xanh và vinh danh những điểm đến đặc sắc trên dọc miền đất nước Việt Nam, Sài Gòn Tiếp Thị sẽ phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch Quảng Nam và nhà hàng The Field tổ chức buổi triển lãm trưng bày hình ảnh những điểm đến dẫn đầu trong cuộc bình chọn “Top 7 Ấn tượng Việt Nam 2020-2021” thông qua chương trình “Ấn tượng Việt Nam trên ruộng đồng miền di sản” tại nhà hàng The Filed (Thành phố Hội An) trong ba ngày 20-21-22 tháng 4-2022 với sự đồng hành của Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO).

Hoàng Tuyên - Nhân Tâm

Theo KTSG Online

_______

(1) Famtrip là chữ viết tắt của cụm từ Familiarization trip, là một thuật ngữ du lịch nói về một hình thức du lịch tìm hiểu, làm quen, tiếp thị. Đây là một chương trình du lịch miễn phí hoặc được giảm giá do một quốc gia, một địa phương hoặc một tổ chức du lịch đứng ra tổ chức dành cho các hãng lữ hành, các cơ quan quản lý và các phóng viên đến trải nghiệm, làm quen, tìm hiểu, khảo sát tiến tới những thỏa thuận quan hệ hợp tác phát triển, nhằm thu hút khách du lịch biết đến sản phẩm du lịch đó.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối