Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Du lịch xanh là “nghĩ xanh, làm xanh”

Một số doanh nghiệp Quảng Nam đang hướng đến việc đầu tư cho du lịch xanh, bền vững và xem đây là giải pháp để phục hồi thời kỳ hậu Covid-19.
Du khách trải nghiệm trồng rau tại làng rau Trà Quế, thành phố Hội An. Ảnh: Nhân Tâm

Chuyện của The Field

Công ty Emic Hospitality, doanh nghiệp quản lý nhà hàng The Field tại Hội An, nhiều năm qua đã nỗ lực áp dụng, vận hành hoạt động theo mô hình kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững.

Ông Phan Xuân Thanh, Giám đốc Công ty Emic Hospitality, cho biết để đạt được mục tiêu trên đòi hỏi sự kiên quyết học tập, sáng tạo và đồng hành của mỗi thành viên trong nhà hàng. Và đây cũng là những thách thức lớn nhất. Với sự tham gia của kỹ sư môi trường, những buổi hướng dẫn đào tạo về những kiến thức cơ bản liên quan tới môi trường, nhận dạng và phân loại rác được thực hành theo định kỳ.

Cụ thể, những quy trình phân loại rác, đo lường khối lượng chất thải hàng ngày, sử dụng rác phát sinh từ bếp như rau củ được ủ tại chỗ thành phân hữu cơ để bón vườn rau và hệ thống cây xanh trong nhà hàng. Nhà hàng dùng vỏ trái cây làm chất tẩy sinh học trong việc làm sạch khu vực vệ sinh, bếp. Trong khi đó, dầu ăn đã qua sử dụng được thu gom để tái chế thành xà phòng sử dụng lại trong nhà vệ sinh, bếp và quầy nước (bar).

“Nguồn nước là một trong những thành phần quan trọng nhất trong thiên nhiên nên cần phải tiết kiệm và tái sử dụng tối đa”, ông Thanh nói và cho biết nhà hàng The Field đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải với những thiết bị tách mỡ tại chỗ trong bếp. Nước thải sẽ tiếp tục được làm sạch qua hệ thống với 10 bể lọc trước khi được tái sử dụng vào việc chăm sóc cây cỏ của nhà hàng.

Bên cạnh đó, theo ông chủ nhà hàng người Hội An này, để giảm thiểu phát sinh rác thải nhựa ra môi trường, việc chia sẻ triết lý kinh doanh với cộng đồng nhà cung ứng là việc cần phải làm, bởi ông luôn mong muốn nhận được sự thấu hiểu, đồng cảm và đồng hành của họ trong quá trình hợp tác.

“Với sự đồng hành của ban quản lý, tập thể nhân viên và cộng đồng cung ứng, nhà hàng The Field đã từ chối được 100% rác thải nhựa dùng một lần, giảm thiểu được 90% bao bì dùng một lần từ các nhà cung ứng và 50% từ bếp phát sinh ra môi trường”, ông Thanh nói.

Những hạt giống đầu tiên

Với những tiêu chí trên, nhà hàng The Field đã thu hút rất nhiều khách hàng, chủ yếu là du khách phương Tây. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 xảy ra, The Field phải tạm đóng cửa và chưa biết bao giờ mới hoạt động trở lại.

Không chịu ngồi yên, ông Thanh, cũng là Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, rủ một số người bạn lập ra Heal Organic Farm, trồng và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. “Covid-19 là cơ hội tốt để du lịch Quảng Nam tái cơ cấu, đẩy mạnh sản phẩm du lịch xanh đã manh nha trong thời gian qua”, ông Thanh nói và cho biết thêm việc xây dựng thương hiệu du lịch xanh, bền vững cho Quảng Nam là hết sức cấp thiết.

Qua gần ba tháng hoạt động, Heal Organic Farm vẫn chọn hướng đi là trồng nhiều loại rau, củ, quả và hoa theo phương pháp hữu cơ với sự chung tay giúp sức của những người có kinh nghiệm về nông nghiệp lẫn sinh học và kinh doanh.

Ông Thanh chia sẻ cách làm này được ông học hỏi sau chuyến đi Nhật “tu nghiệp” cùng vài doanh nghiệp ở Quảng Nam. Và ông cũng đã ứng dụng thành công với tình hình thực tế tại phố Hội.

Cùng đi Nhật học hỏi, khảo sát du lịch xanh như ông Thanh, ông Phạm Vũ Dũng, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, cũng có cách “kinh doanh xanh” cho riêng mình. Hơn ba tháng nay, ông đã làm “bạn” với trùn quế khi công việc kinh doanh chính bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hàng ngày, ông cùng nhân viên đi ra chợ, thu gom rác hữu cơ từ các sạp tại chợ Cẩm Châu (Hội An) về nuôi trùn quế để làm phân compost (hữu cơ). Bước đầu cho kết quả khá tốt tại Kybimơ Garden.

Cách “nghĩ xanh, làm xanh” của ông Thanh và ông Dũng đã truyền cảm hứng cho một số doanh nghiệp. Trong đó, có An Farm Hội An.

Ra đời cách đây ba năm, An Farm Hội An là một trong những trang trại có tiếng hiện nay tại phố cổ này về trồng và kinh doanh rau hữu cơ. Trang trại phát triển mọi thứ bằng phương pháp hữu cơ và tập trung vào cải thiện “sức khỏe” của đất, ổn định hệ sinh thái. Việc làm khô bằng máy sấy sử dụng năng lượng mặt trời trong khi việc đóng gói và bảo quản không sử dụng bất kỳ một loại hóa chất nào. Hiện nay, trong thời điểm khó khăn, An Farm Hội An càng đẩy mạnh hoạt động trang trại và hiện đang trồng, thu hoạch hơn 20 loại sản phẩm.

Khác một chút so với Heal, thế mạnh của An Farm Hội An là các loại thảo mộc. Hiện nay, trang trại này đang giới thiệu bảy loại trà thảo mộc và ba loại nước trái cây mùa hè để người tiêu dùng sử dụng, tăng cường sức đề kháng.

Lan tỏa nhận thức xanh

“Chúng ta xây dựng sản phẩm xanh đặc thù cho du lịch Quảng Nam. Chúng ta có những hành động cụ thể trong đầu tư và kinh doanh như bảo vệ môi trường, thực hành nhân văn trong du lịch, sử dụng hiệu quả và tái tạo tài nguyên, năng lượng tái tạo, tuần hoàn chất thải, xu hướng hữu cơ, thân thiện tự nhiên, giảm áp lực đến di sản và tuân thủ quy luật tự nhiên. Những điều trên giúp du lịch Quảng Nam hướng đến mục tiêu kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững”, ông Phan Xuân Thanh chia sẻ tại hội thảo “Tái cơ cấu thị trường du lịch Quảng Nam 2020” diễn ra vào giữa tháng 6 vừa qua tại Hội An.

Để làm được điều này, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đưa ra một số giải pháp. Đầu tiên là xây dựng dữ liệu thông tin, phân tích thị trường dựa vào dữ liệu lớn. Thứ hai là xây dựng bộ nhận diện thương hiệu theo một vòng tròn khép kín, mà khởi đầu từ thông điệp Quảng Nam – điểm đến xanh, hình ảnh thương hiệu, thiết kế ứng dụng, tặng phẩm, quà tặng khuyến mãi và kết thúc với thương hiệu nhánh.

Giải pháp thứ ba là xây dựng dòng sản phẩm xanh, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, Nhà nước và doanh nghiệp cùng đồng hành để xây dựng cơ chế quản lý điểm đến xanh và thay đổi nhận thức, tạo đồng thuận cộng đồng trong hành động là những giải pháp khác.

Chia sẻ với TBKTSG về chuyện thay đổi nhận thức, ông Thanh cho biết du lịch xanh là phải thực sự xanh trong nhận thức, xanh trong suy nghĩ. Cụ thể, việc đầu tư các dự án du lịch và các hoạt động liên quan đến du lịch không ảnh hưởng đến môi trường và góp phần kéo dài tuổi thọ của môi trường xung quanh.

Ông Thanh giải thích thêm, khi đầu tư, hầu hết các doanh nghiệp đều muốn thu hồi vốn nhanh, những yếu tố về bảo vệ môi trường thường bị xem nhẹ. Đây là một thách thức. Một thách thức khác là cơ chế tại các địa phương. Việc tăng trưởng hiện nay của các địa phương vẫn còn chủ yếu dựa vào GRDP (tổng sản phẩm quốc nội theo vùng). “Bên cạnh việc thực hiện các rổ giá trị để đảm bảo tăng trưởng GRDP, cũng cần suy nghĩ lại một chút về phát triển bền vững, chạm đến sự tử tế trong phát triển kinh tế”, ông Thanh nói. “Ở khía cạnh doanh nghiệp, có thể xây ít phòng hơn nhưng tạo những giá trị về dịch vụ cao hơn, gần gũi với thiên nhiên hơn. Lúc đó, du khách sẽ chấp nhận chi trả với giá cao hơn”.

Ông Thanh cũng thừa nhận còn nhiều doanh nghiệp chưa đồng tình với cách làm này do đặt lợi ích lên cao nhất. “Vì vậy, nếu không tạo nhóm tiên phong sẽ khó lòng thay đổi. Việc thực hiện du lịch xanh, điểm đến xanh không thể ép buộc mà phải trên tinh thần tự nguyện”, ông nói. “Hãy ít nói đi, làm thực sự, tử tế nhiều hơn, tạo được giá trị bền vững với thế kiềng ba chân: môi trường – kinh tế – xã hội”.

Nhằm hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2022 – Quảng Nam – Điểm đến du lịch xanh và vinh danh những điểm đến đặc sắc trên dọc miền đất nước Việt Nam, Sài Gòn Tiếp Thị sẽ phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch Quảng Nam và nhà hàng The Field tổ chức buổi triển lãm trưng bày hình ảnh những điểm đến dẫn đầu trong cuộc bình chọn “Top 7 Ấn tượng Việt Nam 2020-2021” thông qua chương trình “Ấn tượng Việt Nam trên ruộng đồng miền di sản” tại nhà hàng The Filed (Thành phố Hội An) trong ba ngày 20-21-22 tháng 4-2022 với sự đồng hành của Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO).

Nhân Tâm

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối