Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Quay về quá khứ với hơn 2.500 kỷ vật người Hoa Sài Gòn – Chợ Lớn

(SGTT) – Bằng niềm say mê bảo tồn giá trị văn hóa xưa, anh Dương Rạch Sanh đã dành nhiều tâm huyết để sưu tầm hàng nghìn hiện vật của người Hoa Sài Gòn – Chợ Lớn trước năm 1975. Mỗi kỷ vật đều gắn liền với câu chuyện mà anh Sanh khao khát được lưu truyền mãi cho thế hệ mai sau.
Nên duyên cùng kỷ vật

Là người Việt gốc Hoa đã sinh sống và làm việc lâu năm ở Sài Gòn – Chợ Lớn, anh Dương Rạch Sanh, 44 tuổi từng có thời gian công tác tại báo Sài Gòn Giải Phóng Hoa Văn hơn 20 năm. Qua nhiều lần chắp bút cho những đề tài văn hóa, đặc biệt về Chợ Lớn và người Hoa tại Sài Gòn, anh đã có cơ hội nên duyên với công việc sưu tầm và thêm yêu những giá trị từ những món đồ nhuốm màu thời gian.

Anh cho biết khoảng 10 năm trước vì tính chất công việc là một phóng viên, anh may mắn có nhiều cơ duyên gặp rất nhiều bà con người Hoa, lắng nghe những câu chuyện cuộc sống, sự nghiệp và nhận được nhiều kỷ vật có ý nghĩa gắn liền với nhiều nhân vật quan trọng, những sự kiện đặc biệt của cộng đồng người Hoa nơi đây.

Khu vực trưng bày ở vị trí trung tâm. Ảnh: An Phú

“Sau khi hình thành phòng trưng bày, những kỷ vật được trân quý, bảo quản và tập trung lại theo từng chủ đề, bà con thấy được sự tâm huyết và ý nghĩa trong việc sưu tầm của tôi nên ngày càng nhiều cô chú, anh chị người Hoa đã đóng góp thêm những kỷ vật ý nghĩa để phòng trưng bày trở thành điểm “tập kết” những kỷ vật, kể lên câu chuyện của cộng đồng người Hoa nơi đây”, anh nói thêm.

Tủ kính trưng bày đủ loại giấy tờ của người Hoa trước năm 1975. Ảnh: An Phú

Hiện phòng trưng bày ở trong con hẻm nhỏ trên đường An Dương Vương, phường 9, quận 5 và chưa nhận mở cửa đón khách vãng lai. Phòng được phát triển từ đầu năm 2021, đây là thành quả sau một thời gian dài anh sưu tầm và được đồng bào người Hoa tin tưởng gửi tặng.

“Tôi rất vui vì giờ đây mình có một nơi nho nhỏ có thể trưng bày, bảo quản kỷ vật được tốt hơn cũng như là nơi để tôi giới thiệu những kỷ vật đầy ý nghĩa này đến các cô chú, anh chị và các bạn có cùng đam mê khám phá và nghiên cứu văn hóa người Hoa tại Sài Gòn – Chợ Lớn”, anh tâm sự.

Một góc không gian khác của phòng trưng bày khoảng 2.500 kỷ vật. Ảnh: An Phú

Được biết, những hiện vật anh sở hữu liên quan đến văn hóa người Hoa tại Sài Gòn – Chợ Lớn với đa dạng các chủ đề từ giấy tờ, chứng từ, hộ tịch người Hoa xưa, chủ đề giáo dục, cưới hỏi, cuộc sống, ẩm thực, văn hóa giải trí, mỹ thuật, những vị có uy tín trong cộng đồng người Hoa… Đặc biệt là khu trưng bày Cách mạng người Hoa trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc.

Nhiều bức tranh cổ có giá trị được người dân tặng. Anh Sanh trưng bày cẩn thận trong phòng. Ảnh: An Phú

Trải qua một thời gian dài gắn bó với công việc sưu tầm, anh Sanh cho rằng sưu tầm kỷ vật luôn cần một cái duyên, đặc biệt là kỷ vật về văn hóa, đời sống của một dân tộc thiểu số tại Việt Nam.

Anh may mắn được “se duyên” để vượt qua những khó khăn trong hành trình tìm lại thời gian của mình. Anh bộc bạch: “Khó khăn ban đầu với tôi chính là phân loại, bảo quản, lưu giữ và phân tích kỷ vật để không phụ lòng những người đã quyên tặng. Nhưng khó khăn nhất phải kể đến là bà con hoài nghi vì không biết tôi đem những kỷ vật, cổ vật của gia đình họ đi đâu”.

Nhiều món hiện vật do anh sưu tập hoặc được đồng bào người Hoa tặng. Ảnh: An Phú

Anh phải giải thích để mọi người hiểu, sưu tầm và trưng bày từng kỷ vật một cách trang trọng, cẩn thận, dần dần mọi người ủng hộ và gửi tặng rất nhiều, trong đó có cả cố nghệ nhân nhân dân Trương Hán Minh, nghệ nhân nhân dân Lưu Kiếm Xương, Lương Tấn Hằng, Trương Lộ hay họa sĩ Lý Tùng Niên, Lý Khắc Nhu…

Người lưu giữ thời gian

Xã hội ngày càng phát triển, kéo theo đó những dấu vết thời gian cũ cũng dần dà bị mai một, là một người lớn lên trong cái nôi thời gian từ xưa đến nay, anh Sanh luôn ý thức rõ vai trò và nhiệm vụ của một người yêu văn hóa dân tộc mình.

Nơi trưng bày trang phục trong ngày cưới của cô dâu. Ảnh: An Phú

Anh khiêm tốn nói về công việc mình đang làm: “Tôi chỉ nghĩ mình là người lưu giữ, vai trò của người lưu giữ là tìm hiểu và kể lại câu chuyện của những kỷ vật. Những tờ giấy tưởng chừng không có nội dung, những tấm hình hoen màu, đều có ý nghĩa của riêng nó”.

Anh phân tích kỷ vật để đưa ra bức tranh toàn cảnh của đời sống và văn hóa người Hoa cho bậc lão thành hoài niệm, cho giới trẻ thêm đam mê tìm hiểu về văn hóa người Hoa, từ đó giữ gìn và tô thêm màu sắc cho bức tranh 54 dân tộc anh em đoàn kết của Việt Nam.

Những món nhạc cụ có giá trị thời gian được anh trưng bày, tập hợp lại thành chủ đề. Ảnh: An Phú

Với anh Sanh, mỗi kỷ vật đều như có một cuộc đời ẩn đằng sau vì chúng bước ra từ cuộc sống của cha mẹ ông bà ta từ những ngày xưa cũ. Anh cho biết hiện phòng trưng bày có thể là nơi lưu giữ nhiều giấy tờ của người Hoa trước năm 1975 nhất.

Những giấy tờ làm minh chứng cho cả một chặng đường từ khi họ là người nhập cư Hoa kiều lựa chọn vùng đất này là nơi tị nạn, hay làm ăn buôn bán, cho đến khi họ dần thương yêu, kết hôn, định cư và xem đây chính là quê hương của mình.

Trang phục của người Hoa mặc trong đời sống hằng ngày. Ảnh: An Phú

Chia sẻ về dự định trong tương lai, anh Sanh bày tỏ mong muốn phát triển phòng trưng bày trở thành điểm đến văn hóa của khu vực Chợ Lớn, để khách du lịch trong và ngoài nước có cái nhìn toàn diện về nét văn hóa đặc sắc nơi đây.

Anh Sanh tập trung lại nhiều hiện vật để trưng bày theo chủ đề tiệm tạp hóa của người Hoa. Ảnh: An Phú

“Tôi hy vọng trên con đường mình đi sẽ được sự ủng hộ nhiều hơn nữa từ các cấp chính quyền, cũng như của bà con người Hoa để tôi có thể phát triển và mở rộng không gian trưng bày và mang những kỷ vật này đến gần hơn cho cộng đồng và xã hội. Qua đó khích lệ việc tìm hiểu văn hóa qua đó lớp trẻ sẽ yêu hơn và góp phần giữ gìn văn hóa dân tộc”, anh nhấn mạnh.

Những hiện vật xưa gắn liền với văn hóa người Hoa một thời. Ảnh: An Phú

Anh Dương Rạch Sanh từng được trao bằng xác lập kỷ lục “Người sở hữu bộ sưu tập kỷ vật của người Hoa ở Việt Nam trước năm 1975 có số lượng nhiều nhất”. Đây là dấu mốc lớn chứng minh được tình cảm của đồng bào người Hoa đã tin tưởng và đóng góp cho phòng trưng bày cũng như nhắc nhở anh thêm về trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ và nghiên cứu văn hóa về sau.

An Phú

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Giúp chợ truyền thống giữ vững vị thế

0
(SGTT) - Bối cảnh kinh doanh thật khốc liệt khi các siêu thị và chuỗi cửa hàng dần lấy đi thị phần của chợ...

Đã là phong tục mới?

0
(SGTT) - Cuối năm vừa qua, lúc kinh tế khó khăn, nhiều chủ doanh nghiệp đã chật vật xoay xở tiền thưởng Tết tượng...

Ngày tết nhớ món lá mì xào cà đắng, đặc sản...

0
(SGTT) – Lá mì (sắn) xào cà đắng là món ăn đặc sản của bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây...

Nội lực đến từ nỗ lực cá nhân

0
(SGTT) - Nội lực tinh thần của một người trẻ vững vàng giúp họ đối diện với một đời sống hiện đại nhiều áp...

Đừng gán ghép mê tín dị đoan cho Phật giáo!

0
(SGTT) -  Cách đây 2613 năm, Ngài Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddhārtha Gautama), khi đó 35 tuổi, đã giác ngộ dưới gốc Bồ...

Giám tuyển nghệ thuật: Hấp dẫn, mới mẻ và đầy thách...

0
(SGTT) - Việc nhà đấu giá nổi tiếng Sotheby’s tổ chức 2 cuộc triển lãm trong 2 năm liên tiếp tại TPHCM, với sự...

Kết nối