Thứ Năm, Tháng Năm 2, 2024

Du lịch trực tuyến thiếu người thạo việc

Minh Duy

Ngày càng nhiều doanh nghiệp muốn kinh doanh du lịch trực tuyến (online), một xu hướng được xem là không thể đảo ngược trong kỷ nguyên số. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp cho biết họ không thể tìm đủ nhân viên thạo việc cho mảng kinh doanh này.

Kỳ vọng đạt 9 tỉ đô la Mỹ

Tuy mới phát triển nhưng thị trường du lịch trực tuyến ở Việt Nam được đánh giá là một điểm sáng trong các nước trong khu vực và có thể đạt gần 9 tỉ đô la Mỹ trong vòng ba năm tới. Thị trường tiềm năng bởi số lượng người dùng tăng cao, tỷ lệ người dùng thiết bị di động để tìm kiếm thông tin và mua sắm tăng cao. Trong đó, có đến 90% người dùng điện thoại thông minh ở Việt Nam có độ tuổi dưới 30, là những khách hàng tiềm năng của du lịch. Đây là độ tuổi có nhu cầu trải nghiệm, khám phá rất lớn.

Bà Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, cho biết có đến 45% người dùng Internet đặt dịch vụ khách sạn, vé máy bay… tăng 11%/năm. Dự kiến, trong vòng ba năm tới, thị trường du lịch trực tuyến của Đông Nam Á sẽ đạt gần 90 tỉ đô la Mỹ và Việt Nam sẽ chiếm 10% doanh số của thị trường.

Kết quả nghiên cứu thị trường của Công ty Nielsen Việt Nam cũng cho thấy tiềm năng rất lớn của du lịch trưc tuyến. Theo đó, dịch vụ du lịch là sản phẩm đứng hàng thứ tư trong các nhóm sản phẩm được người Việt Nam chi tiêu nhiều nhất trên thương mại điện tử, sau thời trang, giải trí và mỹ phẩm. Chi tiêu cho du lịch đang tăng trưởng mạnh. Chỉ riêng du lịch trong nước, từ đầu năm đến nay đã tăng đến 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Phạm Thành Công, quản lý cao cấp, phụ trách tư vấn khối các doanh nghiệp bán lẻ của Công ty Nielsen Việt Nam, cho biết hiện tại, không phải tầng lớp trung lưu mà người tiêu dùng kết nối mới chính là động lực tăng trưởng. Tại thị trường Việt Nam, tầng lớp người tiêu dùng kết nối còn hấp dẫn hơn nữa bởi không những nhiều về số lượng và còn rất tự tin.

“Những người này tiếp cận nhiều thông tin, biết chọn lọc dịch vụ, giá cả nên doanh nghiệp sẽ bán được hàng nếu đưa ra những gói sản phẩm hợp lý”, ông nói tại sự kiện Ngày hội du lịch trực tuyến 2017 do Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) phối hợp với Tổng cục Du lịch và Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin tổ chức vào tuần trước tại TPHCM.

Trên thực tế, nhiều công ty du lịch đang dần đầu tư mạnh mẽ hơn cho mảng kinh doanh trực tuyến. Thậm chí, có nơi đã có được 100% khách hàng đến từ kênh online và đang bắt đầu đưa việc thanh toán trực tuyến vào thực hiện để hoàn thiện mảng kinh doanh này.

Bên cạnh đó, số lượng các đại lý du lịch trực tuyến (OTA) trong nước cũng tăng cao. Có những OTA mới tham gia thị trường như tripi.vn, cho biết dù mới tham gia thị trường được hơn hai năm nhưng hiện đã có hơn 700.000 khách hàng và tỷ lệ truy cập, mua bán trên trang web tăng trưởng đều đặn, tháng sau cao hơn tháng trước.

dulichHiện nay, nhiều công ty du lịch tại TPHCM rao tuyển nhân viên mảng du lịch trực tuyến nhưng tìm không ra người thạo việc. Ảnh: Minh Duy

Khan hiếm nhân lực

Thị trường có tiềm năng lớn, trong vòng ba năm nữa có thể đạt 9 tỉ đô la như đã dự báo ở trên,  nhưng làm thế nào để hiện thực hóa tiềm năng này nhằm đem về “tiền tươi thóc thật” cho doanh nghiệp lại là một bài toán khó. Có rất nhiều việc mà doanh nghiệp cần phải làm để thâm nhập thị trường, từ đầu tư công nghệ, thay đổi cách thức tiếp thị, định giá sản phẩm… Trong đó, nguồn nhân lực là một trong những cái khó của doanh nghiệp hiện nay. Ngành du lịch vốn đã thiếu nhân lực, nay mảng kinh doanh trực tuyến còn thiếu trầm trọng hơn.

Thống kê gần nhất vào vào năm 2015 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho thấy, có 750.000 người làm việc trực tiếp và 2,2 triệu lao động gián tiếp liên quan đến du lịch. Số lượng này được cho là không đủ phục vụ nhu cầu tăng trưởng của ngành. Tại các địa phương, nguồn nhân lực đang thiếu hụt rất lớn, không đáp ứng được cả yêu cầu về số lượng lẫn chất lượng. Đặc biệt, doanh nghiệp gần như không thể tìm được nhân viên vừa am hiểu du lịch vừa có khả năng trong lĩnh vực kinh doanh trực tuyến.

Mới đây, một công ty tại TPHCM rao tuyển 40-50 nhân viên du lịch trực tuyến nhưng tìm không ra người. Nhiều công ty khác cũng cho biết rất khó tuyển nhân viên, đa số phải áp dụng cách tự đào tạo những nhân viên trẻ hiểu về sản phẩm-dịch vụ du lịch.

Bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc tiếp thị và truyền thông của Công ty Du lịch Vietravel, cho biết công ty vẫn thường xuyên đăng tuyển nhân viên kinh doanh du lịch trực tuyến nhưng không tuyển được nhân sự. Vì thế, gần như 30 nhân viên của bộ phận du lịch trực tuyến đều được đào tạo theo cách vừa kể trên.

“Thường thì mất khoảng 1-2 năm vừa học vừa làm thì những nhân viên này mới thông thạo các kỹ năng làm việc mới. Như thế vẫn còn nhanh hơn so với việc hợp tác với nhà trường nhằm đào tạo nhân viên hoặc là chờ nhiều năm nữa để nhà trường thấy xã hội có nhu cầu để đi mở lớp”, bà Hương nói.

Theo bà Hương, công ty còn có một cách khác là tuyển người tốt nghiệp ngành tiếp thị trực tuyến, người học công nghệ thông tin rồi cho làm việc cùng với những nhân viên rành về sản phẩm du lịch nhằm san sẻ kiến thức, kinh nghiệm với nhau. “Đây cũng là cách khá hiệu quả. Một nhóm khoảng 3-4 người, gồm người chắc về sản phẩm, biết viết nội dung cho online và biết dùng kỹ thuật để đẩy mạnh việc bán tour trực tuyến cùng làm với nhau sẽ gia tăng kết quả”, bà Hương nói.

Thông tin từ một số trường dạy du lịch cũng cho biết, hiện nay trường chưa đào tạo chuyên sâu cho mảng du lịch trực tuyến nên nguồn nhân lực cho thương mại điện tử trong ngành này chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Có trường đã bắt đầu đào tạo một số mảng liên quan như về đại lý du lịch trực tuyến hay tiếp thị online nhưng chưa chuyên sâu. Cấp độ tiếp cận kiến thức của sinh viên trong lĩnh vực mới mẻ này hiện chỉ đang ở mức trung bình nên chưa thể tốt nghiệp ra là có thể làm việc ngay.

“Ba năm gần đây, nhiều công ty du lịch bắt đầu yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực thương mại điện tử chuyên sâu nhưng chúng tôi chưa đáp ứng được. Nguồn nhân lực cho du lịch trực tuyến mới dừng ở mức đáp ứng được, chứ chưa thể tạo được nguồn lực mạnh cho phát triển”, ông Nguyễn Bình Minh, Trưởng khoa Thương mại điện tử thuộc Đại học Thương mại Hà Nội nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Người dân trở lại TPHCM sau dịp lễ: cửa ngõ đông...

0
(SGTT) – Chiều 1-5, người dân ở các địa phương bắt đầu trở lại TPHCM sau kỳ nghỉ lễ. Theo ghi nhận của Sài...

Startup Việt ‘không thể khởi nghiệp trên ti vi’

0
(SGTT) - Dòng vốn dành cho startup Việt Nam cạn dần trong năm ngoái với chỉ 541 triệu đô la, giảm mạnh so với...

Xe điện hết nóng

0
(SGTT) - Tesla được xem là "hàn thử biểu" đo lường độ nóng của thị trường xe điện; và khác với những năm trước,...

Gói tín dụng nhà ở xã hội 125.000 tỉ đồng mới...

0
(SGTT) - Sau đúng một năm triển khai, gói tín dụng 125.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội,...

Váy búp bê – xu hướng hot trong thời trang hè...

0
(SGTT) - Váy búp bê hay babydoll là một trong những xu hướng thời trang được ưa chuộng trong mùa hè năm 2024. Kiểu...

Du lịch lễ 30-4: Lượng khách tăng cao tại nhiều địa...

0
(SGTT) - Trong 5 ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay, mặc dù thời tiết nóng bức, nhưng một số địa phương như...

Kết nối