Chủ Nhật, Tháng Năm 5, 2024

Du lịch lo mất cân đối nguồn khách

Minh Duy – 

Lượng khách quốc tế đến trong cả nước đang tăng trưởng cao, nhưng kèm theo đó là sự mất cân đối giữa các thị trường. Những người trong ngành cho rằng, nếu không có biện pháp khắc phục thì rủi ro sẽ rất nhiều khi những thị trường lớn có biến động.

Bài học chưa cũ

dukhachKhách du lịch Nga tại một khu nghỉ dưỡng tại Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.  Ảnh: Minh Duy

Khoảng ba năm trước, Nga và Trung Quốc là hai thị trường du lịch lớn của tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa và Đà Nẵng. Trong đó, khách Nga nhiều đến nỗi đã làm thay đổi bộ mặt của những thành phố du lịch như Nha Trang, Phan Thiết… Các cửa hàng, quán ăn, điểm bán đồ lưu niệm, thậm chí đến cả những gánh hàng rong cũng thay thế bảng hiệu, thực đơn, tờ hướng dẫn sang tiếng Nga thay vì dùng tiếng Anh. Nhiều khu nghỉ dưỡng (resort), khách sạn ký hợp đồng dài hạn, thậm chí cho thuê trọn gói cả cơ sở lưu trú để phục vụ lượng khách này.

Đến cuối năm 2014, thị trường này giảm sút, các chuyến bay thuê bao, phương tiện chính để đưa khách Nga đến nghỉ dưỡng dài ngày bị cắt giảm khiến ngành du lịch tại đây bị ảnh hưởng trầm trọng. Có những thời điểm, công suất phòng bình quân cho nhiều resort chỉ từ 30-40%, có thời điểm chỉ 20% dù đang trong mùa đông khách du lịch quốc tế.

Với Nha Trang, tình hình có vẻ còn trầm trọng hơn khi khách Nga sụt giảm, cộng với sự ảnh hưởng của thị trường lớn là Trung Quốc do căng thẳng trên biển Đông. Sự căng thẳng này cũng làm khó ngành du lịch Đà Nẵng bởi nước láng giềng này cũng là bạn hàng du lịch lớn.

Đến nay, khó khăn đã qua, lượng khách quốc tế đến những địa phương kể trên hiện đang có mức tăng trưởng rất cao so với trước. Tuy nhiên, câu chuyện về mất cân đối nguồn khách vẫn còn đó, thậm chí còn trầm trọng hơn trước.

Theo số liệu từ Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, Trung Quốc và Nga hiện đang chiếm lĩnh thị trường du lịch quốc tế. Trong sáu tháng đầu năm 2017, trong số hơn 945.000 lượt khách quốc tế đến tỉnh có đến 779.000 lượt khách Trung Quốc và Nga. Hai thị trường này cũng dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng, lần lượt là 154% và gần 133% so với cùng kỳ. Ở Bình Thuận, tỷ lệ khách Trung Quốc cũng chiếm khá cao trong tổng cơ cấu khách và lượng khách này còn dồn sang các điểm đến lân cận như Đà Lạt. Ở Đà Nẵng, thị  trường Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm phần lớn trong tổng lượng khách.

“Vấn đề mất cân đối thị trường có thể thấy ngay trước mắt. Không chỉ ở quy mô địa phương, tình hình này cũng diễn ra trên cả nước. Phải tháo gỡ vấn đề này thì du lịch mới phát triển bền vững được”, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó tổng giám đốc Furama Resort Đà Nẵng nói.

Doanh nhân này dẫn số liệu từ Tổng cục Du lịch cho thấy, vào năm ngoái, Việt Nam đón 10 triệu khách quốc tế thì hai thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Hàn Quốc đã chiếm hơn 4,2 triệu lượt. Trong tốp 10 thị trường nguồn thì chênh lệch giữa thị trường đầu tiên và cuối bảng lên đến 10 lần.

“Chỉ cần một hoặc hai thị trường lớn biến động thì du lịch sẽ suy giảm mạnh. Mấy năm trước, các địa phương như Đà Nẵng, Nha Trang đã gặp phải tình trạng này”, ông Quỳnh nói.

Hồi đầu năm nay, Hàn Quốc bắt đầu gặp khó khăn khi Trung Quốc cấm công dân đi du lịch nước này. Năm ngoái, xứ sở kim chi đón hơn 16 triệu lượt khách quốc tế, trong đó có khoảng một nửa là du khách Trung Quốc. Lượng khách đột ngột giảm làm ngành du lịch phải vội vã xoay qua các thị trường Đông Nam Á. Tuy đưa ra hàng loạt chương trình thu hút khách, nhưng đến nay lượng khách quốc tế đến Hàn Quốc vẫn giảm đến 24%, theo thông tin từ Tổng cục Du lịch Hàn Quốc.

Khó nhưng phải làm

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, một số doanh nghiệp cho biết, thực tế có tình trạng lượng khách từ những thị trường truyền thống như châu Âu, Nhật Bản giảm sút tại một số địa phương đón nhiều khách Nga, Trung Quốc và Hàn Quốc. Nguyên nhân xuất phát từ sự khác biệt về sở thích và thị hiếu du lịch.

Chẳng hạn, người Trung Quốc hay đi du lịch cùng đoàn lớn, thích nói chuyện lớn cùng nhau trong khi khách phương Tây thích sự yên tĩnh, thích có nhiều không gian để khám phá văn hóa bản địa và thưởng thức ẩm thực địa phương. Vì thế, khi lượng khách từ thị trường kia đến nhiều thì thị trường còn lại giãn đến nơi khác.

“Trước đây, Phan Thiết đón rất nhiều khách châu Âu nhưng sau đó các đại lý điều tiết, đưa khách ra các điểm đến khác vì không gian du lịch thay đổi. Ở Nha Trang cũng vậy, hiện du khách Trung Quốc và châu Âu có những vùng du lịch khá khác biệt”, bà Bùi Viết Thủy Tiên, Giám đốc điều hành của Công ty du lịch Asian Trails cho biết.

Chủ một resort ở Phan Thiết (không muốn nêu tên) từng gặp khó khăn trong thời điểm khách Nga giảm sút, cho rằng cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý đều có trách nhiệm trong việc đa dạng thị trường để bảo đảm kinh doanh bền vững.

Resort này từng gặp khủng hoảng bởi chọn việc dễ làm. Lúc đó, dù giá phòng thấp hơn nhưng vẫn dành hết ưu tiên cho thị trường lớn vì dễ lấp đầy phòng và khách lại ở lâu. Resort cũng không kết nối chặt chẽ với các đối tác khác nên không nhận được sự hỗ trợ ngược lại khi gặp khó khăn.

“Chúng tôi đã thay đổi, chăm chút kỹ bạn hàng từ những thị trường ngách. Với khách hàng cũng vậy, các món ăn, thực đơn và dịch vụ trong resort cũng đa dạng hơn để khách không có cảm giác là đang đi vào một nơi dành cho một thị trường nào đó”, ông nói.

Doanh nhân này và nhiều người khác cũng đề cập đến vai trò của cơ quan quản lý trong việc đa dạng nguồn khách. Ở vài địa phương, do lượng khách đột ngột đổ đến quá đông, lấp đầy hệ thống khách sạn, các điểm du lịch đầy ắp khách nên cơ quan xúc tiến du lịch lơ là việc quảng bá, tiếp thị hình ảnh tại những thị trường lớn trước đây.

Việc phát triển sản phẩm cũng không đi đôi với sự gia tăng lượng khách nên sản phẩm du lịch không thay đổi trong nhiều năm qua. Du khách đến chủ yếu là vẫn nghỉ dưỡng ở biển và tham quan một vài điểm đến tại địa phương. Điều này không đủ để phục vụ nhu cầu của những người muốn trải nghiệm sâu về văn hóa, du lịch Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Nha Trang – Khánh Hòa, cho rằng cơ quan quản lý du lịch và hiệp hội đã thấy được vấn đề về mất cân đối nguồn khách và đang tìm cách tháo gỡ. Cơ quan quản lý không chỉ cần đưa ra những chính sách để hỗ trợ phát triển sản phẩm mà cần hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường kết nối, quảng bá thị trường. Doanh nghiệp cũng phải có những chính sách mới cho khách hàng và tiếp cận sâu hơn vào thị trường quốc tế để lấy khách, trách lệ thuộc quá nhiều vào đối tác.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Hợp nhất hai công ty vận tải đường sắt cuối năm...

0
(SGTT) - Hai công ty cổ phần vận tải đường sắt khi được sáp nhập sẽ giúp triệt tiêu cạnh tranh nội bộ, giảm...

Thủ tướng yêu cầu truy xuất nguồn gốc thực phẩm

0
(SGTT) - Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tuyên truyền việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, khắc phục sự cố về...

Dấu xưa – Hồn phố: Thăm ngôi đình cổ hơn 170...

0
(SGTT) - Được xây dựng trên cù lao Bà Tàng, phường 7, quận 8, nằm ngay nhánh rẽ của dòng kênh Đôi, đình Bình...

Ghé quán ốc được Michelin gợi ý ở TPHCM

0
(SGTT) - Dù nằm khuất trong con hẻm đường Nguyễn Trãi, quận 1, nhưng tiệm ốc Đào lại là điểm đến quen thuộc của...

Triển khai hệ thống giao thông thông minh để quản lý...

0
(SGTT) – Do chưa có quy hoạch hệ thống giao thông thông minh (ITS) quốc gia nên việc đầu tư các hệ thống ITS không...

Mâm tiệc cuối tuần với mẹt dê 5 món

0
(SGTT) – Khác những mâm tiệc với các món ăn đựng riêng biệt, mẹt là vật dụng giúp mâm tiệc thêm bắt mắt khi...

Kết nối