Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Du lịch hậu Covid-19: tìm cách kích cầu nội địa

Diễn đàn Du lịch Huế năm 2020 là cơ hội cho các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh, các chuyên gia du lịch cùng các cơ quan quản lý nhà nước gặp gỡ, trao đổi, hiến kế cho chương trình phục hồi, phát triển du lịch của Thừa Thiên Huế nói riêng và các địa phương miền Trung nói chung trong bối cảnh vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch hiệu quả.

Các cửa hàng bán đồ lưu niệm trên một con phố dọc sông Hương vẫn còn đóng cửa vì không có khách. Ảnh: Thủy Triều

Du lịch Huế từng bước vượt khủng hoảng

Cách đây hai năm, chị Nguyễn Thị Quỳnh Anh bắt đầu hành trình thực hiện hóa ước nguyện của mình: lan tỏa phong trào xanh, sạch, sáng thông qua sử dụng lại rác thải nếu có thể để tạo thành những vật dụng hữu ích.

Những chai nước uống bằng nhựa trở thành những chậu hoa kết thành giàn hoa. Những chiếc thùng phi bỏ đi thành tủ đựng ly, chén. Những viên gạch lỗi bỏ đi từ nhà máy thành những bậc thang đầy màu sắc. Tất cả được đặt trong Hue Eco Homestay của chị tại huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, khai trương cuối năm 2019. Trong từng căn phòng, chị khuyến khích khách bỏ rác cho đầy một chai nhựa để biến chúng thành những “con số” trên đồng hồ treo tường.

Khi mọi việc đang ở giai đoạn khởi đầu, Covid-19 đến và khiến hành trình lan tỏa của chị phải tạm ngưng một nhịp, do phải đóng cửa vì không có khách và theo lệnh giãn cách xã hội của Chính Phủ.

Homestay của chị Quỳnh Anh cũng như hàng ngàn cơ sở lưu trú khác bên cạnh các công ty lữ hành và điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế chịu thiệt hại nặng nề do Covid-19 gây ra.

Trong thời gian gần đây, khi lệnh giãn cách được gỡ bỏ và Chính phủ khuyến khích phát triển kinh tế trong an toàn, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành đề án phục hồi du lịch sau dịch Covid. Đây cũng là động thái nhằm hưởng ứng phong trào kích cầu du lịch nội địa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động.

Đề án khuyến khích khách nội tỉnh sử dụng các dịch vụ và các điểm đến trong tỉnh và chú trọng nguồn khách ngoại tỉnh ở các địa phương gần, tập trung xúc tiến, quảng bá nguồn khách từ hai đầu Bắc, Nam, khách lẻ, gia đình.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng kiến nghị với Trung ương miễn hoặc giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, giảm 50% tiền thuê đất năm 2020 cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và giảm hoặc gia hạn tiền thuê mặt nước của Quý I, II năm 2020 (theo thời hạn được quy định tại Nghị định số 41/2020/NĐ-CP, ngày 08/4/2020 của Chính phủ) bên cạnh nhiều đề nghị khác.

Diễn đàn du lịch: Phát pháo kích cầu

Trong tháng 5-2020, số lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế tăng lên nhiều so với tháng 4 (65.000 so với 6.700), đã cho thấy những tín hiệu khởi sắc đầu tiên. Đây cũng là cơ sở để ngành du lịch Thừa Thiên Huế hy vọng một khởi đầu mới tươi sáng hơn.

Du khách trải nghiệm văn hóa bản địa tại một khu du lịch cộng đồng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Thủy Triều

Và Diễn đàn du lịch Huế 2020 ngày 31-5 tại thành phố Huế là một cú huých để ngành du lịch Cố đô thực hiện điều đó. Tại sự kiện, các gói kích cầu được giới thiệu bên cạnh sản phẩm, dịch vụ mới của địa phương.

Giảm 50% phí tham quan các điểm di tích đến hết ngày 31-7-2020 đã được thực hiện; tùy thuộc vào tình hình khôi phục của thị trường khách du lịch, các tháng còn lại năm 2020 để tiếp tục thực hiện kích cầu bằng việc giảm phí tham quan các điểm di tích.

Các chương trình biểu diễn miễn phí ở Đại Nội được thực hiện, ít nhất là một chương trình biểu diễn nghệ thuật 1 ngày tại một khung giờ cố định trong thời gian từ ngày 15-7-2020 đến hết năm 2020.

Ngành du lịch tỉnh cũng nghiên cứu thực hiện chính sách giảm trừ phí tham quan tại các điểm di tích lịch sử văn hóa Huế nhằm kích cầu, khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến Thừa Thiên Huế.

Tại sự kiện, ngành du lịch vận động các đơn vị vận chuyển hàng không, đường sắt giảm giá vé đến Huế trong năm 2020, các cơ sở lưu trú thực hiện chương trình “Nghỉ 3 đêm trả tiền 2 đêm”,  các đơn vị kinh doanh lữ hành, dịch vụ du lịch, dịch vụ vận chuyển, các khu/ điểm đến du lịch (trừ các điểm di tích đã giảm 50% giá vé) cam kết giảm giá tối thiểu 20% trên giá công bố hoặc khuyến mãi các sản phẩm, dịch vụ khác có giá trị tương đương.

Các doanh nghiệp đăng ký gói kích cầu trên website visithue.vn được công bố rộng rãi cho du khách và các đơn vị lữ hành, vận chuyển.

Việc thành lập những liên minh kích cầu những sản phẩm thu hút 2 chiều: cả khách đến Huế và khách từ Huế đi (có những chính sách hỗ trợ, ủng hộ các liên minh này) cũng được tính tới.

 Truyền thông điểm đến an toàn

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng và làm mới các sản phẩm, dịch vụ đang có, ngành du lịch tỉnh tập trung xây dựng và đưa vào phục vụ các sản phẩm, dịch vụ mới trong giai đoạn này như ưu tiên phát triển loại hình du lịch MICE, các loại hình du lịch đảm bảo an toàn sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…

Biển Thuận An, tình Thừa Thiên Huế đã bắt đầu thu hút khách trở lại. Ảnh: Nhân Tâm

“Ưu tiên và quan trọng hàng đầu là tập trung nguồn lực quảng bá du lịch Thừa Thiên Huế - điểm đến an toàn và thân thiện”, ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, nói và cho biết thêm đẩy mạnh chiến dịch truyền thông về điểm đến Thừa Thiên Huế được thông qua truyền thông, báo chí, qua các ứng dựng du lịch thông minh.

Qua đó, Bộ tiêu chí an toàn đối với dịch bệnh Covid-19 trong lĩnh vực du lịch được công bố để các cơ sở lưu trú; các khu/ điểm du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển, nhà hàng, biểu diễn nghệ thuật, giải trí trên địa bàn tỉnh để sớm triển khai, công bố đến các công ty du lịch, du khách và các cơ quan truyền thông.

Việc áp dụng đăng ký và khai báo y tế cho du khách đến Thừa Thiên Huế qua mạng theo phần mềm đã được xây dựng, bảo đảm an toàn cho khách du lịch và cộng đồng dân cư và ngăn ngừa sự tái phát của dịch bệnh.

Huế cũng đẩy mạnh triển khai Chương trình Ngày Chủ nhật xanh, huy động sự tham gia tích cực của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, các điểm đến trên địa bàn tỉnh từ thành thị đến nông thôn gắn với chỉnh trang vỉa hè, các tuyến đường chính trên địa bàn thành phố. Đảm bảo thông thoáng, an toàn, hấp dẫn và tiện nghi, phục vụ tốt cho người dân và khách du lịch.

Để làm được điều này, ngành du lịch Huế sẽ huy động nguồn lực tổ chức đón các đoàn famtrip, presstrip, blogger, người nổi tiếng đến Huế du lịch, quay clip quảng bá, khẳng định thông điệp Huế thực sự đã trở lại là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn hàng đầu trong khu vực với nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch phong phú, đa dạng.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Oanh quan niệm, dịch bệnh cũng là cơ hội để mọi người và doanh nghiệp nhìn lại, phát triển du lịch bền vững hơn, hướn đến cái xanh, sạch. Và hiện nay, khi dịch bệnh một phần qua đi, Hue Eco Homestay của chị đón vài khách trở lại. Và chị tiếp tục truyền cảm hứng về du lịch xanh cho mọi người.

Huế hướng đến mỗi mùa một lễ hội

Tại diễn đàn, ngành du lịch Huế cũng công bố Đề án Tổ chức festival (lễ hội) bốn mùa, dựa trên các sinh hoạt văn hóa, các lễ hội dân gian, các lễ hội mới du nhập có ý nghĩa cộng đồng trong một khung thời gian hợp lý để xâu chuỗi thành những hoạt động cộng đồng hưởng ứng làm vệ tinh, từ đó phát triển hoặc xây dựng mới một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật chính, làm “xương sống” cho lễ hội của mỗi mùa.Theo đó, mùa xuân sẽ có Festival Dân gian Huế. Đây là giai đoạn có sẵn nhiều sinh hoạt lễ hội truyền thống nhất trong năm, một trong những điểm mạnh cần khai thác để phục vụ du khách tìm hiểu về nét văn hóa truyền thống dân tộc của địa phương. Cao điểm của chuỗi hoạt động từ lễ hội đền Huyền Trân Công chúa ngày 9 tháng Giêng đến Tết Nguyên tiêu nhằm ngưỡng vọng tiền nhân. Các hoạt động trước festival sẽ diễn ra từ lúc khai hội hoa xuân: hội vật, hội đu tiên, hội đua thuyền… cùng với đó là chuỗi hoạt động ở trung tâm TP. Huế các sân khấu dành cho nghệ thuật dân gian truyền thống; không gian ẩm thực, trưng bày, triển lãm, không gian văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.Mùa hạ sẽ có Festival Huế (năm chẵn) và Festival Nghề truyền thống Huế (năm lẻ). Nội dung chính vẫn lấy Festival Huế (năm chẵn) và Festival Nghề truyền thống Huế (năm lẻ) làm trục chủ đạo. Du khách mùa này chủ yếu là khách nội địa, do đó việc giới thiệu các loại hình nghệ thuật tổng hợp trong nước và thế giới (đối với festival năm chẵn) và tôn vinh các làng nghề truyền thống (festival năm lẻ) vẫn là yếu tố tạo nên sự khác biệt của điểm đến để thu hút du khách. Tức là vẫn duy trì tính chất của một festival nghệ thuật quốc tế như lâu nay với các loại hình nghệ thuật kết hợp với các lễ hội đường phố, lễ hội áo dài, lễ hội cung đình và dạ tiệc Hoàng cung…Mùa thu sẽ có festival Ẩm thực quốc tế Huế. Lễ hội ẩm thực sẽ lấy lễ Quốc Khánh làm thời điểm tổ chức với chủ trương đẩy mạnh quảng bá Huế- Kinh đô ẩm thực. Không gian tổ chức sẽ được chia thành các loại hình và đối tượng khác nhau. Xen kẽ với đó là các hội thi về ẩm thực, chế biến món ăn và chương trình liên hoan các nhóm dân vũ, hip- hop…Mùa đông sẽ có Festival Âm nhạc Huế, được tổ chức từ giữa tháng 12 đến tết Dương lịch với cao điểm từ lễ Giáng sinh đến lễ chào đón năm mới nhằm tạo điểm nhấn. Festival Âm nhạc mùa đông hướng đến xây dựng một lễ hội âm nhạc mang tính quốc tế định kỳ. Tùy vào điều kiện thực tế, tỉnh có thể tổ chức các cuộc thi về âm nhạc mang tính quốc tế tại Huế.Tùy vào từng mùa để Ban tổ chức có thể điều phối và sắp xếp thời gian, không gian, địa điểm, chương trình, nội dung phù hợp nhất nhằm thu hút du khách, kích cầu du lịch.

Nhân Tâm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối