Thứ Sáu, Tháng Năm 3, 2024

Để học thêm dạy thêm nhẹ nhàng

LÊ TRIẾT –

Những ngày qua, ở TPHCM, từ phụ huynh học sinh đến giáo viên, nhà quản lý giáo dục đã có nhiều trao đổi xung quanh chuyện dạy thêm, học thêm. Một vấn đề không mới, đã là như vậy từ rất lâu, bỗng trở nên nóng lên bởi từ năm học này thành phố quyết tâm chấm dứt dạy thêm, học thêm trong một số trường hợp.

Về phía giáo viên – đối tượng trực tiếp của quy định – có cảm giác bị tổn thương. Ai cũng nói nghề giáo cao quý, và giáo viên hạnh phúc khi được sống bằng chính nghề nghiệp của mình, chứ không phải vất vả mưu sinh thêm bằng nghề khác. Nhưng giờ đây chuyện dạy học đang được đưa ra phân tích, trong đó lệnh cấm khiến giáo viên chạnh lòng vì giống như mình làm việc gì đó không chính đáng.

Về phía cơ quan quản lý giáo dục, nói rằng chỉ chấm dứt việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong trường học. Điều này không đồng nghĩa với việc cấm giáo viên dạy thêm; giáo viên vẫn có thể dạy thêm tại các trung tâm, cơ sở dạy thêm được cấp phép bên ngoài nhà trường. Có điều, không cho phép giáo viên dạy thêm học sinh mà mình đang dạy chính khóa trong bất cứ trường hợp nào.

Học thêm, một nhu cầu có lâu đến mức không biết là từ khi nào. Con học yếu, cha mẹ lo lắng, cho đi học thêm để theo kịp bạn bè. Con học giỏi, vẫn cần học thêm để cạnh tranh tiến thân. Còn giáo viên, được đông đảo học trò theo mình là một vinh dự, là tên tuổi, là sự ngưỡng mộ của học trò đối với mình. Nhưng nay, vấn đề bỗng phức tạp ra, dường như không được nhìn nhận nhu cầu ấy vốn là đơn giản như vậy.

Bởi vì, nhà quản lý lo ngại khía cạnh khác, khi mà xã hội có lúc nhìn thấy dạy thêm, học thêm như một vấn nạn. Học sinh học bù đầu bù cổ, học ngày học đêm. Trong đó, có một phần mà nhà quản lý cho rằng hình thức dạy thêm bị biến tướng, không truyền đạt kiến thức đầy đủ trong giờ chính khóa nhằm hướng học sinh đi học thêm do mình dạy.

Có lẽ phải nhìn lại vấn đề từ căn cơ của nó. Không ít lần, các nhà giáo dục đã lý giải vì sao học thêm, dạy thêm trở thành một áp lực rất lớn đối với cả thầy lẫn trò thay vì một nhu cầu bình thường, đơn giản. Theo đó, cách tổ chức học hành và thi cử nặng nề như hiện nay có phần là nguyên nhân. Thực tế cho thấy, không học ngày học đêm khó lòng theo kịp chương trình, chưa nói đến đủ sức cạnh tranh trong thi cử. Đối với giáo viên, nếu loại bỏ những yếu tố biến tướng ra thì dạy thêm có phần do nóng lòng với sức học của học trò mình, và còn vì uy tín dạy học của mình.

Điều còn lại là thu nhập cần đảm bảo được cuộc sống của giáo viên. Khi ấy, học thêm là một nhu cầu tự thân của học sinh. Còn giáo viên, dạy thêm không phải là do một nhu cầu bức bách của cơm áo gạo tiền, mà nó xuất phát từ tình yêu học trò, muốn học trò giỏi giang.

Xem ra, cái khó là sự hài hòa giữa một bên là biện pháp quản lý và một bên là hoạt động vốn dĩ bình thường trong giáo dục; làm sao để ngăn ngừa được tình trạng học thêm kiểu bị ép buộc, đồng thời vẫn không làm hạn chế quyền học và dạy thêm chính đáng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Ngày 3-5, đã có 450 người nhập viện do nghi ngộ...

0
Sáng 3-5, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai thông tin mới nhất về vụ việc ngộ độc tập thể sau khi ăn bánh mì...

Trekking khám phá hang động núi lửa Chư B’luk

0
(SGTT) - Ẩn mình trong núi rừng Tây Nguyên, hang động núi lửa Chư Bluk là một trong những địa điểm trekking yêu thích...

Booking.com: Khách Việt ngày càng ưu tiên lựa chọn du lịch...

0
Có đến 96% du khách Việt Nam khẳng định du lịch bền vững đóng vai trò quan trọng trong lựa chọn của họ. Đồng...

Trưa nay ăn gì: Bánh củ cải chiên cho bữa trưa...

0
(SGTT) – Là món ăn bắt nguồn từ văn hóa ẩm thực Trung Hoa, bánh củ cải ở TPHCM được bày bán từ xe...

Thử món hủ tiếu Nam Vang chú Bạch ở chợ Phan...

0
(SGTT) - Khi mua sắm tại chợ Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh, mọi người có thể dừng chân tại khu vực ăn uống...

TPHCM: chuyển dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng từ...

0
(SGTT) - Sau nhiều năm đình trệ, UBND TPHCM quyết định chuyển dự án xây dựng Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình...

Kết nối