Thứ Hai, Tháng Năm 6, 2024

ĐBSCL khó hút vốn vào ngành thực phẩm

Trung Chánh –

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được những người trong cuộc đánh giá là khu vực hội tụ khá nhiều điều kiện thuận lợi trong việc phát triển lĩnh vực chế biến thực phẩm. Thế nhưng trên thực tế, việc thu hút vốn vào lĩnh vực này chưa như mong đợi.

Có tiềm năng

Tại hội nghị “Xúc tiến đầu tư nâng cao chuỗi giá trị thực phẩm vùng ĐBSCL” được tổ chức tại thành phố Cần Thơ hồi tuần rồi, ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, đánh giá ĐBSCL là khu vực có nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm.

Chiếm 20% dân số cả nước, ĐBSCL có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, với GDP bình quân đầu người đang được cải thiện, từ 2.000 đô la Mỹ năm 2014 lên khoảng 2.700 đô la năm 2017. “Riêng thành phố Cần Thơ, GDP bình quân đầu người đã trên 3.500 đô la. Điều này cho thấy, đây là thị trường tiếp tục có sức mua lớn trong tương lai”, ông Lam nhận định.

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, cho biết năm 2016 tổng mức bán lẻ hàng hóa của địa phương đã đạt gần 100.000 tỉ đồng. Cần Thơ cũng là một trong ba địa phương có tổng mức bán lẻ hàng hóa lớn nhất nước, sau TPHCM và Hà Nội.

Công nhân chế biến dừa xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Bến Tre. Ảnh: Trung Chánh

Hàng năm, khu vực ĐBSCL xuất khẩu khoảng 13-15 tỉ đô la, trong đó ba ngành hàng chủ lực là lúa gạo, thủy sản và cây ăn trái. Ông Lam cho biết, hiện nay khoảng 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam là từ ĐBSCL. Thủy sản khu vực này đạt 3,5-4 triệu tấn/năm, trong đó tôm và cá tra là hai ngành chủ lực trong nhiều năm qua. “Rau quả cũng đã đóng góp rất lớn cho xuất khẩu với kim ngạch đạt 2,45 tỉ đô la năm 2016”, ông Lam cho biết.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương, cho biết thời gian qua, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng có sự tăng trưởng đều đặn với mức tăng trung bình từ năm 2012 đến 2016 đạt 6,54%/năm đối với thực phẩm chế biến và 9,48%/năm đối với đồ uống.

Theo ông Phú, thị trường thực phẩm của Việt Nam và ĐBSCL vẫn còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp tận dụng phát triển. “Chẳng hạn, các mặt hàng  nông sản Việt Nam đã xuất sang hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với chất lượng sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường”, ông Phú dẫn chứng.

Một nguyên nhân khác cũng có tác động tích cực, theo ông Phú, là Việt Nam đã và đang hội nhập quốc tế sâu rộng thông qua ký kết các hiệp định đối tác kinh tế với các nước. “Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ năm 2007 và tính đến nay Việt Nam đã tham gia ký kết 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA), kết thúc đàm phán hai FTA và tiếp tục đàm phán bốn FTA khác”, ông Phú nói. Theo ông, đây là tiền đề mở rộng thị trường tiêu thụ cho các nhà đầu tư muốn vào Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp chế biến thực phẩm ở ĐBSCL nói riêng.

…nhưng khó thu hút vốn

Tuy nhiên trên thực tế, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực này không dễ dàng khi các nhà đầu tư chỉ quan tâm đến những doanh nghiệp có mô hình kinh doanh tốt và chỉ chú ý vào những khâu có giá trị cao nhất.

Ông Võ Sáng Xuân Vinh, Phó giám đốc Bluewave Finance, cho biết “khẩu vị” của nhà đầu tư khi đầu tư vào chuỗi thực phẩm là tìm tới các doanh nghiệp có mô hình tài chính, mô hình hoạt động kinh doanh tốt và đặc biệt phải nằm trong những khâu có giá trị gia tăng cao. “Trong một chuỗi giá trị, các nhà đầu tư nhắm đến khâu chế biến, sản xuất ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có thương hiệu và đôi khi còn có cả một thị trường có nhiều tiềm năng phát triển”, ông cho biết.

Bà Tina Phan, Giám đốc khu vực Đông Dương của Cục xúc tiến khu vực mậu dịch Hồng Kông, cho biết các nhà đầu tư Hồng Kông quan tâm đến Việt Nam, nhất là sau khi FTA giữa ASEAN và Hồng Kông được ký kết hồi tháng 11-2017. “Bây giờ là lúc chúng tôi chuẩn bị cho những công ty đó vào Việt Nam để đầu tư, vì đây là nơi có nhân công rẻ, giá đất rất tốt”, bà Tina Phan cho biết.

Ông Lam của VCCI chi nhánh Cần Thơ đưa ra số liệu dẫn chứng khá bi quan. Năm 2016, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cả nước thu hút được khoảng 1.000 dự án đầu tư, nhưng có đến 80% trong số này thuộc lĩnh vực gia công các loại may mặc và chế tạo khác, còn ngành chế biến thực phẩm chỉ chiếm được một tỷ trọng rất nhỏ.

“Riêng ĐBSCL, tính đến hết 2016, cả vùng chỉ có 35 dự án đầu tư vào ngành chế biến lương thực thực phẩm (chế biến ở đây là tinh chế, có thể xuất khẩu dưới dạng sử dụng sau cùng, chứ không phải chế biến xuất khẩu thô) với tổng vốn đầu tư khoảng 550 triệu đô la Mỹ”, ông Lam cho biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Hai cây cầu được người dân Nhà Bè mong ngóng sẽ...

0
(SGTT) - Cầu Phước Long và Rạch Đỉa đang triển khai thi công theo đúng tiến độ đề ra và dự kiến hoàn thành...

Khám phá nghề làm Hẩu của người Hoa ở Bình Dương

0
(SGTT) - Hẩu được xem là linh vật của người Hoa Phước Kiến ở Bình Dương. Theo dòng chảy thời gian, người Hoa Phước...

Giá vé máy bay tăng cao do phải chịu hơn 20...

0
(SGTT) - Theo Bộ Tài chính, một trong những nguyên nhân đẩy giá vé máy bay tăng cao quá mức là do mức thu...

Trưa nay ăn gì: Đổi vị cùng bánh canh cua ăn...

0
(SGTT) – Ngoài bánh canh cua truyền thống, nhiều quán bánh canh đã có thêm sự biến tấu khi thêm bào ngư. Qua đó,...

Người trẻ ‘biến hình’ cho những dòng kênh đen

5
(SGTT) - Đắm mình vào những dòng nước đen kịt, đầy rác rưởi hôi thối ở TPHCM, những bạn trẻ trong nhóm Sài Gòn...

Ngắm nhà thờ tốn hơn 500 năm xây dựng ở Milan,...

0
(SGTT) – Nằm ở trung tâm thành phố Milan của Ý, nhà thờ chính toà Milano (Duomo di Milano) là điểm đến hấp dẫn...

Kết nối