Từ khi được nhận tiền lương qua máy ATM thì người đi làm như tôi rất yên tâm vì thấy tiền của mình được an toàn nhưng cảm giác đó cũng trôi qua, giờ đây tôi thấy rất bất tiện, nhất là khi không rút được tiền.
Có không ít lần tôi phải chạy xe qua nhiều địa điểm đặt máy ATM, thậm chí là tìm tới những máy ATM của các ngân hàng khác với ngân hàng mình đang dùng. Nguyên do là máy hư, báo lỗi hoặc không thực hiện được một số mục trong máy (như không cho in hóa đơn). Cũng có ngân hàng, dù buồng máy ATM đó có tiền sử hư hỏng nhiều năm nhưng không thay máy mới mà vẫn để mặc máy cứ “đến hẹn lại hư”.
Như vào sáng thứ Bảy vừa rồi, tôi có ghé buồng ATM của ngân hàng Đông Á trên đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân, TPHCM để rút tiền nhưng được thông báo là máy hư. Chạy ra tận đường An Dương Vương (quận 5), buồng ATM của ngân hàng Đông Á cũng bị tương tự. Vẫn còn kiên trì, tôi chạy tiếp qua đường Trần Phú (quận 5), nơi có tòa nhà Đông Á và một dãy máy ATM hiện đại. Tuy nhiên, cũng như hai địa điểm kia, trong buồng có đến bốn máy nhưng hai máy bị dán thông báo là máy đang bảo trì, máy thứ ba thì không nạp tiền được dù có chức năng nạp tiền trực tiếp. Chỉ có máy thứ tư là hoạt động bình thường, nhưng lúc đó đang có cả chục người xếp hàng đợi.
Không thể chờ lâu được vì cần chuyển tiền gấp, tôi buộc phải vào ngân hàng để giao dịch trực tiếp và tốn phí (trong khi chuyển tiền qua máy không mất phí). Cũng cần nói thêm, địa điểm ATM của Đông Á ở đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) hầu như ở tình trạng “bảo trì” quanh năm suốt tháng. Bởi tôi là người thường xuyên rút tiền tại đây nên biết rất rõ. Máy có vấn đề như thế mà không hiểu sao ngân hàng lại chẳng chịu thay máy mới để khách hàng khỏi phải khó nhọc khi đi rút tiền.
Theo Nghị định 96/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định, từ ngày 12-12-2014, ngân hàng nào để máy ATM hết tiền và không đáp ứng được nhu cầu rút tiền của khách hàng sẽ bị phạt 10-15 triệu đồng. Ngoài ra, mức tiền phạt này cũng được áp dụng đối với các hành vi, như để máy ATM ngừng hoạt động 24 giờ không thông báo; lắp đặt, thay đổi địa điểm, chấm dứt hoạt động của máy giao dịch tự động không đúng quy định; đặt máy tại nơi có hệ thống điện không đáp ứng quy định để máy giao dịch tự động nuốt thẻ của khách hàng khi mất điện đột ngột; không đảm bảo thời gian phục vụ khách hàng của hệ thống máy giao dịch tự động; không duy trì hoạt động bộ phận hỗ trợ khách hàng để khách hàng liên hệ bất cứ lúc nào… Vậy mà cho đến nay, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán sắp đến, tình trạng máy ATM của các ngân hàng vẫn liên tục báo hỏng và không có ngân hàng nào bị xử phạt.
Đặng Trung Thành (TPHCM)