Chủ Nhật, Tháng Năm 5, 2024

Coi nhẹ “cửa sổ tâm hồn”

BÌNH AN –

Gần 40% học sinh trung học cơ sở (THCS) sống ở các thành phố bị cận thị. Con số này được Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường thuộc Bộ Y tế đưa ra vào cuối tháng 8 vừa qua một lần nữa làm giật mình đối với các phụ huynh ở khu vực thành thị trong việc quan tâm đến sức khỏe đôi mắt của con em mình.

Cận thị ngày càng tăng

Theo Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, tỷ lệ cận thị ở học sinh đã tăng mạnh trong những năm qua. Đặc biệt, nhóm học sinh THCS có mức tăng gấp 10 lần so với tỷ lệ học sinh cận thị những năm 1960; số học sinh nội thành có nguy cơ cận thị cao hơn gấp 3,11 lần so với học sinh vùng ngoại thành.

Mắt trẻ em nếu tiếp xúc quá nhiều với màn hình máy tính, thiết bị điện tử sẽ dễ dẫn đến cận thị sớm.  Ảnh mang tính minh họa: Thành Hoa
Mắt trẻ em nếu tiếp xúc quá nhiều với màn hình máy tính, thiết bị điện tử sẽ dễ dẫn đến cận thị sớm. Ảnh mang tính minh họa: Thành Hoa

Tại TPHCM, một khảo sát của khoa Khúc xạ thuộc Bệnh viện Mắt thành phố với 5.200 học sinh từ lớp 1, lớp 6 đến lớp 10 cho thấy số học sinh mắc bệnh tăng theo cấp học, học càng lên cao thì số học sinh cận thị càng tăng. Cụ thể, học sinh trung học phổ thông (THPT) bị cận thị cao gấp 1,3 lần học sinh cấp THCS, và tỷ lệ học sinh cấp THCS bị cận thị cao gấp 2 lần học sinh tiểu học.

PGS.TS.BS. Trần Anh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM, cho biết một kết quả khảo sát khác của bệnh viện cũng cho thấy tỷ lệ học sinh bị cận thị ở các trường chuyên là rất cao, chiếm 80%.

Theo BS. Tuấn, có hai yếu tố ảnh hưởng đến sự xuất hiện và gia tăng của cận thị, đó là yếu tố di truyền và yếu tố môi trường.

Về yếu tố môi trường, với trẻ em nông thôn thì hoạt động ngoài trời trong sinh hoạt giải trí chiếm nhiều hơn, như đá bóng, nhảy dây, kéo co, thời gian xem ti vi ít…, do đó trẻ thường nhìn tầm xa, mắt được điều tiết tốt. Ngược lại, với trẻ thành thị thì ít có môi trường sống rộng thoáng, nhà cửa thường chật hẹp, đường phố đông đúc, mật độ xe cộ lưu thông dày đặc… Nhiều trẻ học từ sáng đến tối, trong khi hoạt động giải trí thường là xem ti vi, sử dụng thiết bị máy tính, điện thoại để chơi game, lướt web. Do vậy, mắt quen điều tiết với cự ly gần và trở nên cận thị sớm.

Điểm mặt “kẻ” gây cận thị

BS. Nguyễn Thị Bạch Tuyết ở khoa Mắt, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho rằng hiện nay trẻ học quá nhiều, môi trường vui chơi, giải trí ngoài trời ít. Hơn nữa, trẻ em lại được cho tiếp xúc quá nhiều với thiết bị điện tử, ánh sáng màn hình thường xuyên tác động đến thị giác của trẻ, dẫn đến loạn thị, cận thị. Trong số các bệnh nhân đến điều trị mắt tại Bệnh viện Nhi đồng 2 có rất nhiều trẻ, dù mới 3-4 tuổi nhưng mắt đã bị các tật khúc xạ chỉ vì lý do xem ti vi, sử dụng thiết bị điện tử, máy tính quá nhiều.

Theo BS. Tuyết, cận thị được chia thành hai loại: cận thị khúc xạ và cận thị trục. Cận thị khúc xạ là do lực khúc xạ của mắt quá lớn trong khi chiều dài trục nhãn cầu bình thường. Khi ấy phải nhìn gần với cường độ lớn và trong một thời gian dài, thủy tinh thể bị phồng lên làm tăng độ hội tụ của mắt. Học sinh đa số bị cận thị loại này. Còn cận thị trục thường do di truyền, bị rất sớm, từ lúc chưa đi học.

Để phòng tránh cận thị, các bác sĩ chuyên khoa mắt khuyên rằng trẻ em cần có thời gian vui chơi giải trí ngoài trời chứ không chỉ tập trung toàn bộ vào việc học; đặc biệt nên hạn chế thời gian xem ti vi, sử dụng máy tính, thiết bị điện tử.

Bên cạnh đó, trẻ cần giữ đúng tư thế ngồi học. Ngồi thẳng lưng, đầu cúi 10-15 độ. Khoảng cách mắt đến bàn học 25 cm với học sinh tiểu học, 30 cm với học sinh trung học cơ sở, 35 cm cho học sinh trung học phổ thông; nên cho mắt nghỉ giải lao sau 45 phút học bài; không nên đọc sách báo khi đi tàu, xe, máy bay…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Gợi ý 4 kiểu trang điểm nhẹ nhàng đi chơi cuối...

0
(SGTT) - Cuối tuần là dịp mà nhiều cô nàng dành thời gian cho những cuộc hẹn hay xuống phố dạo chơi. Một chút...

Nhiều người ngại sinh con: ‘báo động đỏ’ cho nguồn cung...

0
(SGTT) - Tỷ lệ sinh bắt đầu giảm trong bối cảnh dân số ngày một già đi khiến các nhà lãnh đạo lo ngại...

Ghé ‘xứ Tiên’ thăm làng cổ Lộc Yên

0
(SGTT) - Làng cổ Lộc Yên thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, gây ấn tượng với du khách bởi những...

Trưa cuối tuần thử lẩu vịt om măng

0
(SGTT) – Với vị chua thanh đặc trưng từ măng, hòa quyện cùng vị ngọt thịt vịt, lẩu vịt om măng hứa hẹn mang...

Đến Gia Lai ngắm những ‘ô màu’ vàng xanh trên ruộng...

0
(SGTT) – Ngoài miền Bắc, thì ít ai nghĩ rằng đại ngàn Tây Nguyên cũng được “điểm xuyết” bởi những thửa ruộng bậc thang...

Bữa sáng Sài Gòn: Quán bún riêu 50 năm giữ vị...

0
(SGTT) - Từ gánh bún bán dạo ở khu vực chợ Bến Thành hơn 50 năm trước, bà Mai Thị Liên duy trì hương...

Kết nối