Việc chuyển đổi sang sử dụng xe điện đang là một xu hướng phổ biến trên thế giới. Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng cũng không nằm ngoài xu hướng này, theo ý kiến các chuyên gia tại hội thảo tham vấn “Kế hoạch phát triển giao thông vận tải bằng phương tiện giao thông điện tại TPHCM”.
- Phát triển giao thông công cộng gắn với quy hoạch đô thị và phương tiện xanh
- Tuyến xe buýt điện đầu tiên ở TPHCM đi vào hoạt động
Xe điện tại TPHCM là xu thế tất yếu
Mở đầu buổi hội thảo nói trên do Sở Giao thông Vận tải TPHCM (GTVT) phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức vào chiều 12-5, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho rằng việc phát triển giao thông vận tải bằng xe điện là bước khởi đầu quan trọng cho sự chuyển đổi về phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch, góp phần giảm phát thải khí nhà kính để môi trường ngày càng sạch hơn.
Theo ông An, tốc độ tăng trường kinh tế, đô thị hóa và cơ giới hóa nhanh, lưu lượng giao thông tại TPHCM ngày càng gia tăng. Lượng phát thải khí nhà kính không ngừng tăng qua các năm và hiện đang ở ngưỡng 18%.
Bà Urda Eichhorst, Giám đốc dự án NDC-TIA, GIZ, cho biết việc chuyển từ phương tiện động cơ đốt trong sang phương tiện giao thông điện diễn ra trên quy mô toàn cầu.
“Chúng ta có thể thúc đẩy việc triển khai xe điện bằng cách đưa ra chính sách thuận lợi và cơ sở hạ tầng trạm sạc. Kế hoạch hành động cho phương tiện giao thông điện của TPHCM sẽ là điểm then chốt để áp dụng trên thành phố nhanh chóng và mang lại kinh nghiệm để triển khai tại các thành phố khác trong tương lai”, bà Urda Eichhorst nói thêm.
GS-TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trưởng nhóm tư vấn dự án, cho biết xe điện đang là xu hướng tất yếu trên thế giới và Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc, điều cần làm là định hình rõ hướng đi sao cho để loại xe này trở thành phổ biến.
“Khảo sát của chúng tôi cho thấy có đến 44% doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng có nhu cầu, kế hoạch chuyển đổi sang xe điện và 13,2% người dân có nhu cầu mua xe điện, tập trung chủ yếu vào xe máy điện”, ông Tuấn cho biết.
Lộ trình phát triển xe điện cho TPHCM
Ông Edmund A. Araga, Chủ tịch Hiệp hội Phương tiện giao thông điện Philippines, cho biết các nước trong khu vực ASEAN đang tập trung vào ưu đãi sản xuất, đồng thời ưu đãi cho người tiêu dùng như miễn hoặc giảm thuế mua xe điện.
Đưa ra dẫn chứng, ông Edmund A. Araga cho biết việc tăng tỷ lệ xe điện gồm xe con, xe thương mại và xe buýt là điều mà Singapore đang hướng đến. Đồng thời, nước này đặt mục tiêu đến năm 2031 sẽ đạt 100% xe bán ra là xe điện và đến năm 2040 sẽ hoàn toàn loại bỏ xe động cơ đốt trong.
“Singapore hiện có 4.900 điểm sạc điện vào năm 2021 và phấn đấu tăng 60.000 điểm sạc điện vào năm 2030. Không chỉ riêng Singapore mà Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines đều đang đặt mục tiêu phát triển về cơ sở hạ tầng trạm sạc điện”, ông Edmund A. Araga nêu.
Theo GS-TS Lê Anh Tuấn, lộ trình phát triển xe điện cho TPHCM được nhóm tư vấn đề xuất gồm 3 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn khởi động, từ 2022-2030 với mục tiêu đưa tỷ lệ xe bán ra là xe điện vào năm 2030 đạt 20% với mô tô/xe máy/xe ô tô con, 10% với taxi và 50% với xe buýt.
Đồng thời, trong giai đoạn này cần đẩy mạnh hỗ trợ mặt tài chính cho nhà sản xuất, kinh doanh và người sử dụng. Áp dụng thuế phí theo mức phát thải CO2, bên cạnh đó, tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng và hoạt động tái chế pin.
Giai đoạn tăng trưởng nhanh, từ 2030-2040, tỷ lệ xe bán ra là xe điện năm 2040 đạt 50% với mô tô/xe máy, 60% với xe ô tô con, 20% với taxi và 100% với xe buýt.
Giai đoạn tăng trưởng ổn định, từ 2040-2050, khi đó tỷ lệ xe bán ra là xe điện năm 2050 đạt 90% với mô tô/xe máy/xe ô tô con; 60% với taxi; và 100% với xe buýt.
Ở giai đoạn này, đẩy mạnh hỗ trợ tài chính cho người sử dụng xe điện hoặc xe sử dụng pin nhiên liệu. Tăng cường hỗ trợ tài chính cho sản xuất và hoạt động của trạm cấp hydro, tập trung vào sự phát triển bền vững.
Về mốc thời gian thực hiện, ông Tuấn cho rằng đến năm 2025 cần xây dựng và ban hành định mức kỹ thuật liên quan đến phương tiện giao thông điện. Đến năm 2030, xây dựng và hoàn thiện cơ chế/chính sách; thống nhất tiêu chí trạm sạc.
Ở năm 2035, dừng cấp đăng ký mới với xe buýt sử dụng động cơ đốt trong. Đến năm 2040, dừng cấp đăng ký mới với xe dùng động cơ diesel và xe mô tô/xe máy dùng động cơ đốt trong. Cuối cùng đến 2050 sẽ dừng cấp đăng ký mới với tất cả xe sử dụng động cơ đốt trong.
Minh Hoàng
Theo Kinh tế Sài Gòn Online