Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Phát triển giao thông công cộng gắn với quy hoạch đô thị và phương tiện xanh

Việc kết hợp giữa quy hoạch đô thị và xây dựng hệ sinh thái giao thông xanh sẽ là giải pháp giúp mạng lưới giao thông công cộng tại Việt Nam phát triển một cách bền vững và hiệu quả trong tương lai.

Đó là những nhận định của ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông Vận tải – Đại học Việt Đức, và ông François Carcel, Chuyên gia đô thị thuộc Cơ quan Phát triển Pháp trong buổi tọa đàm “Xe máy – metro: Những thách thức trong giao thông đô thị” chiều 27-4. Đây là chương trình nằm trong chuỗi hoạt động với chủ đề “Những ngày phát triển bền vững năm 2022” của Viện Pháp tại Việt Nam.

Xe máy vẫn là lựa chọn chính của người dân dù hạ tầng giao thông công cộng phát triển

Theo ông Vũ Anh Tuấn, từ năm 1995-2016, số lượng xe máy tại Việt Nam tăng đến 13 lần và lượng xe ô tô tăng khoảng 7 lần. Đồng thời, việc sở hữu đồng thời nhiều phương tiện gồm cả xe máy và ô tô đều tăng cũng chính là thách thức lớn với việc phát triển giao thông công cộng tại Việt Nam.

Ông Tuấn cho biết thêm, trung bình một người Việt có khoảng 4,3 chuyến đi trên một ngày với cự ly di chuyển khoảng 21km. Trong đó, lượng xe máy chiếm 74%, xe ô tô 11%, xe buýt khoảng 8% và 7% sử dụng phương thức di chuyển khác.

Lý giải về việc xe máy được ưa chuộng hơn các phương tiện khác, ông Tuấn cho rằng các yếu tố tiết kiệm tiền, nhanh chóng, đặc biệt là linh động khiến xe máy trở thành phương tiện di chuyển chính của nhiều người.

Ông Tuấn cho biết thêm nói về một khảo sát Trung tâm nghiên cứu và phát triển Giao thông Vận tải Việt Đức vào năm 2018 tại 6 đô thị lớn tại Việt Nam cho 2.000 người tham gia. Khảo sát giả định đến năm 2030 TPHCM có mật độ các tuyến buýt tăng gấp 2-3 lần, 6-7 tuyến tàu điện được đưa vào hoạt động và chi phí vận hành xe máy tăng lên từ 2-3 lần. Kết quả cho thấy có đến trên 70% người dân vẫn chọn xe máy thay vì sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

“Điều đó cho thấy xe máy vẫn là hình thức di chuyển chủ đạo trong tương lai dù hệ thống giao thông công cộng phát triển đúng theo quy hoạch đề ra”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Chiến lược phát triển dài hạn và giá trị bền vững cho giao thông công cộng

Ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông Vận tải – Đại học Việt Đức, chia sẻ về những vấn đề căn cơ của giao thông công cộng.

Ông Tuấn cho biết thêm, hiện nay, các nước trên thế giới cũng đã thay đổi tư duy trong việc ưu tiên phát triển các loại hình vận tải công cộng.

“Chúng ta giải quyết việc di chuyển của ô tô và xe máy bằng cách mở rộng đường, tuy nhiên, trong những thập niên vừa qua dựa trên các yếu tố như tiêu hao nhiên liệu, gây ô nhiễm môi trường, hiệu quả sử dụng không gian đô thị cho thấy vấn đề cốt lõi của giao thông đô thị không phải là đáp ứng được nhiều xe mà là vận chuyển được nhiều người hơn”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn nhấn mạnh rằng trong tương lai gần TPHCM cần rà soát quy hoạch về xây dựng để hình thành những đô thị xung quanh tuyến metro, đồng thời, nhanh chóng xây dựng hệ sinh thái giao thông xanh như xe đạp điện, xe máy điện, xe buýt để tăng khả năng tiếp cận cho người dân với hệ thống metro khi tuyến này đi vào hoạt động.

Đồng quan điểm, ông François Carcel, Chuyên gia đô thị thuộc Cơ quan Phát triển Pháp, cho biết tại Pháp mỗi năm chính phủ tốn khoảng 1,2 tỉ euro để phát triển giao thông đô thị nhằm giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Theo ông François Carcel, chính sách phát triển giao thông đô thị kết hợp với quy hoạch đô thị là 2 yếu tố có sự liên hệ mật thiết với nhau. “Hà Nội hay TPHCM cần tạo ra nhiều phương thức di chuyển công cộng hơn để người dân có thể dễ dàng di chuyển linh hoạt giữa các phương thức, đồng thời dựa vào quy hoạch đô thị để tối ưu hóa quá trình đi lại của người dân”, ông François Carcel nói thêm.

Về tầm nhìn dài hạn trong 15 tới, ông Tuấn cho rằng, các đô thị cần phát triển mạng lưới phương tiện giao thông công cộng như metro để hình thành khung đô thị, đồng thời thay đổi hình thức đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng cho các đối tượng có lịch trình cố định như đi học, đi làm và cuối cùng là “triệt tiêu” lợi thế của xe máy như như tăng phí đăng ký, tăng phí bãi đậu xe, thu phí ùn tắc khi vào nội đô với xe máy.

Minh Hoàng

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối