Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024

Chuyển đổi xanh bắt đầu khiến giá vé máy bay đắt đỏ hơn

(SGTT) – Chi phí giảm khí thải nhà kính trong ngành vận tải hàng không đang được tính vào giá vé máy bay ở châu Âu và sắp tới là Singapore và Malaysia.
Các máy bay tiếp nhiên liệu tại các sân bay của EU bắt buộc phải sử dụng nhiên liệu kerosene pha trộn với nhiên liệu hàng không bền vững kể từ năm 2025. Ảnh: europa.eu

Từ lâu, ngành hàng không toàn cầu đã cảnh báo hành khách về việc sẽ phải trả một phần trong chi phí khổng lồ 5.000 tỉ đô la Mỹ để giúp loại bỏ bớt khí thải carbon trong ngành.

Thời điểm đó đang đến. Gần đây, Chính phủ Singapore đã thông báo là sẽ tính thêm phí vào giá vé máy bay để tài trợ các hãng bay mua nhiên liệu bền vững, đắt tiền hơn so với nhiên liệu truyền thống hiện nay. Trong khi đó, nước láng giềng Malaysia cũng sẽ cho phép cho các hãng bay tính thuế carbon đối với hành khách vào tháng tới.

Trong năm nay, Ủy ban châu Âu (EC) cắt giảm 25% hạn ngạch tín chỉ phát thải miễn phí ( 1 tín chỉ tương đương 1 tấn CO2) cho các hãng hàng không trong khu vực. Đến năm 2025, hạn ngạch này cắt giảm tiếp 50%, trước khi ngừng cấp hoàn toàn vào năm 2026. Có nghĩa là bắt đầu từ năm 2026, các hãng bay của châu Âu phải mua tín chỉ phát thải để bù đắp cho bất kỳ tấn carbon nào thải vào khí quyển.

Điều này sẽ khuyến khích doanh nghiệp tăng cường sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) để đóng góp vào nỗ lực của EU hướng tới mục tiêu đưa lượng phát thải carbon ròng về mức zero (Net-Zero) vào năm 2050. Tuy nhiên, các hãng hàng không có thể sẽ tính thêm chi phí khí thải vào giá vé ngay từ năm nay để giám bớt gánh nặng tài chính.

Kỷ nguyên giá vé máy bay đắt đỏ

“Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới. Vé máy bay sẽ trở nên đắt đỏ hơn”, Rico Luman, nhà kinh tế vận tải, hậu cần và ô tô của ngân hàng ING nói về tác động của thuế carbon đối với ngành hàng không

Các hãng bay đang lo lắng, nếu không quyết liệt cắt giảm khí thải ngay từ bây giờ thì sẽ phải đối mặt với các khoản tiền phạt, giới hạn bay hoặc xấu nhất là bị cấm bay hoàn toàn. Ngành hàng không cần dựa vào nhiên liệu SAF, làm từ dầu ăn thải hoặc nguyên liệu nông nghiệp, để đạt được mục tiêu Net-Zero vào năm 2050. Tuy nhiên, loại nhiên liệu mới này đang thiếu hụt nguồn cung và giá có thể cao gấp nhiều lần nhiên liệu kerosene thông thường. Điều đó khiến các hãng bay không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển chi phí sang hành khách.

Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) ước tính, quá trình chuyển đổi để đạt mục tiêu Net-Zero của ngành hàng không sẽ cần khoản đầu tư lên tới 5.000 tỉ đô la cho đến năm 2050. Vì vậy, hành khách chắc chắn sẽ chứng kiến giá vé máy bay ngày càng tăng.

“Du khách sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho chi phí đi lại hàng không”, Margy Osmond, CEO của Diễn đàn Du lịch và giao thông Úc, cho biết tại hội nghị về nhiên liệu hàng không tái tạo ở Canberra trong tuần này.

“Sự chuyển đổi sang nhiên liệu sạch rất tốn kém”, Kiri Hannifin, giám đốc phát triển bền vững của Air New Zealand, hãng hàng không quốc gia của New Zealand nói.

Air New Zealand đặt mục tiêu nhiên liệu bền vững chiếm khoảng 20% tổng lượng tiêu thụ nhiên liệu của hãng vào năm 2030. Đó là mục tiêu tham vọng so với các hãng bay lớn khác trên thế giới. Delta Air Lines (Mỹ), Cathay Pacific Airways (Hồng Kông) và Qantas Airways (Úc) trong số những hãng đặt mục tiêu sử dụng nhiên liệu bền vững ở mức 10% lượng tiêu thụ nhiên liệu của họ vào cuối thập niên này.

Nhiên liệu xanh hơn là điều cần thiết để giảm khí thải từ các chuyến bay đường dài, nguồn chịu trách nhiệm cho hầu hết khí thải trong ngành hàng không. Nếu sử dụng rộng rãi, nhiên liệu SAF có thể giúp cắt giảm tới 80% lượng khí thải của ngành hàng không.

Singapore kế hoạch áp dụng tính phí SAF vào giá vé máy bay đối với chuyến bay khởi hành từ đảo quốc này kể từ năm 2026. Mức phí ước tính sơ bộ đối với vé hạng phổ thông là 3 đô la Singapore cho chuyến bay chặng ngắn, 6 đô la Singapore cho chuyến chặng trung bình và 16 đô la Singapore cho chuyến bay chặng dài. Ảnh: Straits Times

Khách đi máy bay đối mặt phí nhiên liệu bền vững, phí carbon

Khi các thời hạn đáp ứng mục tiêu giảm khí thải nhà kính không còn nhiều, các khoản phí nhiên liệu SAF không hoặc quy định yêu cầu mua hoặc cung cấp SAF đang chuẩn bị được áp dụng trên toàn cầu từ Nhật Bản và Singapore đến EU và Anh. Các biện pháp này được thiết kế để tăng tốc giảm phát thải trong ngành hàng không và đảm bảo với các nhà cung cấp nhiên liệu xanh rằng sản phẩm mới, đắt tiền của họ sẽ có khách hàng.

“Các biện pháp tự nguyện phần lớn đã thất bại. Cách hiệu quả nhất là áp dụng chính sách bình đẳng cho tất cả các hãng bay thay vì nhằm vào các hãng từ một quốc gia nhất định”, Dan Rutherford, giám đốc nghiên cứu của Hội đồng Quốc tế về giao thông sạch (Mỹ) nói.

Ví dụ, hồi cuối tháng 2, Singapore yêu cầu tất cả máy bay khởi hành từ thành phố này phải có 1% nhiên liệu SAF trong thùng nhiên liệu kể năm 2026. Tỷ lệ này sẽ tăng lên mức 3- 5% vào năm 2030 tùy theo tính sẵn có của nguồn cung SAF trên toàn cầu.

Cục Hàng không dân dụng Singapore (CAAS) lên kế hoạch tính phí SAF vào giá vé máy bay đối với chuyến bay khởi hành từ đảo quốc này kể từ năm 2026. Mức phí theo ước tính sơ bộ của CAAS đối với vé hạng phổ thông trong là 3 đô la Singapore cho chuyến bay chặng ngắn, 6 đô la Singapore cho chuyến chặng trung bình và 16 đô la Singapore cho chuyến bay chặng dài. Số phí thu được sẽ được dùng để mua số lượng lớn nhiên liệu SAF mà các hãng hàng không cần sử dụng.

Trong khi đó, vào tháng 4 tới, Malaysia cho phép các hãng bay có chuyến bay đi đến hoặc khởi hành từ Kuala Lumpur tính phí carbon vào giá vé để trang trải chi phí mua nhiên liệu SAF hoặc để mua chứng chỉ phát thải carbon.

Năm ngoái, Nhật Bản yêu cầu các chuyến bay quốc tế khởi hành từ các sân bay Nhật Bản phải sử dụng ít nhất 10% nhiên SAF vào năm 2030. Đây là một phần trong nỗ lực để Nhật Bản đạt mục tiêu Net-Zero vào năm 2050.

Ấn Độ bắt buộc các chuyến bay quốc tế khởi hành từ nước này sử dụng tỷ lệ SAF với tỷ lệ 1% năm 2027 và sẽ tăng gấp đôi lên 2% vào năm 2028.

Theo sáng kiến ReFuelEU của EU, nhiên liệu máy bay thông thường phải được pha trộn với 2% nhiên liệu SAF vào năm 2025. Tỷ lệ này tăng dần lên 70% vào năm 2050. Các máy bay tiếp nhiên liệu tại các sân bay của EU bắt buộc phải sử dụng nhiên liệu kerosene pha trộn với nhiên liệu hàng không bền vững kể từ năm 2025. Anh cũng có kế hoạch bắt buộc các hãng bay sử dụng SAF vào năm tới.

Chi phí tăng thêm đối với hành khách không chỉ đến từ nhiên liệu SAF. Chi phí mua máy bay mới, tiết kiệm nhiên liệu hơn nhưng tốn kém hơn, dự kiến cũng được các hãng bay chuyển dần vào giá vé.

Qantas Airways bắt đầu nhận chiếc đầu tiên trong đơn hàng đặt mua hàng chục máy bay thế hệ tiếp theo. Tuần trước, hãng cho biết sẽ tăng giá vé thêm bình 2-3% trên hầu hết các đường bay nội địa.

Theo Rico Luman của ING, việc giảm trợ cấp phát thải miễn phí dành cho ngành hàng không ở EU trong năm nay có thể khiến giá vé của chuyến bay khứ hồi giữa London và Rome tăng thêm 8 euro. Giá vé cho chặng bay này có thể tăng thêm 30 euro vào năm 2026 nếu tính theo giá carbon hiện tại.

Chánh Tài

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Các hãng hàng không tăng tải, ngành đường sắt ‘cháy’ vé...

0
(SGTT) - Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tới đây, các hãng hàng không sẽ tăng hơn 100 chuyến bay/ngày để đáp ứng nhu...

Cần có cơ chế, chính sách mua bán điện mặt trời...

0
(SGTT) - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trước 30-4, Bộ Công Thương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế,...

Startup Úc thu giữ khí thải carbon làm vật liệu sản...

0
(SGTT) - Khí thải carbon được thu giữ và sử dụng trong sản xuất xi măng, gạch và bê tông… Giải pháp công nghệ...

Betrimex nhận được khoản tín dụng xanh từ ngân hàng UOB

0
(SGTT) – Sáng 12-4, tại TPHCM, ngân hàng UOB Việt Nam đã ký kết thỏa thuận tiện ích tài trợ thương mại xanh với...

Dự kiến tăng hơn 100 chuyến bay/ngày dịp lễ 30-4 và...

0
(SGTT) -  Các hãng hàng không đã báo cáo về việc đang xây dựng kế hoạch bổ sung chuyến bay trên các đường bay...

Hàng không toàn cầu chật vật vì thiếu máy bay trong...

0
(SGTT) - Các hãng hàng không toàn cầu đang đối phó với tình trạng thiếu hụt máy bay trầm trọng, đặc biệt là mùa...

Kết nối