Thứ Năm, Tháng Năm 2, 2024

Chất lượng quyết định thương hiệu quốc gia

Thuỳ Dung thực hiện

Một số chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thương hiệu thực phẩm quốc gia sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu không xây dựng được hệ thống giám sát an toàn thực phẩm. Sài Gòn Tiếp Thị đã phỏng vấn ông Claudio Dordi, Trưởng nhóm tư vấn kỹ thuật của Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-Mutrap) xung quanh câu chuyện xây dựng thương hiệu thực phẩm quốc gia bên lề một hội thảo về đề tài này diễn ra tuần trước tại Hà Nội.

ClaudioDordiÔng Claudio Dordi, Trưởng nhóm tư vấn kỹ thuật của Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu.

Sài Gòn Tiếp Thị: Là người có hơn 10 năm gắn bó với ngành nông sản của Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về tiềm năng xuất khẩu nông sản của Việt Nam nói chung và sang EU nói riêng?

Ông Claudio Dordi: EU là nền kinh tế lớn bậc nhất thế giới với nhu cầu tiêu thụ lương thực thực phẩm cao. Trong khi đó, sản phẩm nông sản của Việt Nam như trái cây, thủy sản, cà phê… đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng châu Âu, nên tiềm năng xuất khẩu mặt hàng này sang EU là rất lớn. Đặc biệt, với việc Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa EU và Việt Nam sớm có hiệu lực sẽ mang lại cho nông sản Việt Nam lợi thế hơn so với các nước khác như việc xóa bỏ thuế quan, thuận lợi hóa quy trình kỹ thuật khi xuất khẩu sang EU.

Tuy nhiên, cần phải thừa nhận rằng, xuất khẩu nông sản của Việt Nam chủ yếu dưới dạng thô, chưa qua chế biến, giá trị gia tăng thấp. Do đó, thách thức lớn đối mới nông sản Việt Nam là mở rộng chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng thông qua chế biến sâu. Nhưng để để làm được điều này cần đầu tư rất lớn vào kỹ thuật, vốn, nguồn nhân lực.

Đạt được trình độ chế biến sâu vẫn chưa đủ. Điều quan trọng là Việt Nam phải có chiến lược quảng bá hiệu quả để người tiêu dùng EU cũng như nhiều nước khác trên thế giới có thể nhận biết được sản phẩm đó được sản xuất tại Việt Nam. Nếu làm được việc đó, sản phẩm nông sản của Việt Nam sẽ có giá trị gia tăng đáng kể.

EU-Mutrap đã kết hợp với Bộ Công Thương xây dựng thương hiệu ngành thực phẩm của Việt Nam từ năm 2014. Đến nay, chương trình đã cơ bản hoàn thiện quá trình nghiên cứu và đề xuất phương án định vị thương hiệu, cấu trúc thương hiệu và thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu.

Qua khảo sát các bên liên quan, chương trình đề xuất phương án định vị thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam là “Vietnam – the food basket of the world”, tạm dịch là “Việt Nam – Giỏ thực phẩm của thế giới”.

Dự kiến chương trình sẽ công bố báo cáo Chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam vào quí 3-2017. Giai đoạn tiếp theo 2018-2020, chương trình sẽ thực hiện các chiến dịch truyền thông, quảng bá hình ảnh ngành hàng thực phẩm thông qua các kênh truyền thống và các sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.

 

Vậy khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu thực phẩm quốc gia là gì, thưa ông?

– Đó là làm thế nào để nâng cao nhận thức của người sản xuất trong chuỗi giá trị của tất cả các ngành hàng như thủy sản, trái cây, tiêu, cà phê, chè…Hiện nay, người sản xuất nằm rải rác ở nhiều khu vực trên cả nước, hoặc vùng sâu vùng xa, những khu vực này rất khó để tiếp nhận và tuân thủ theo quy định của thương hiệu thực phẩm quốc gia.

Ngoài ra, Việt Nam có thể có được logo bắt mắt, chiến lược truyền thông tốt như những gì mà chương trình xây dựng, nhưng nếu sản phẩm mang nhãn hiệu này không đảm bảo chất lượng thì Việt Nam sẽ bị mất thị trường và sẽ khó có thể khôi phục lại được thương hiệu thực phẩm quốc gia.

Do đó, khi đã có thương hiệu thực phẩm quốc gia rồi, điều quan trọng là phải đảm bảo sản phẩm có chất lượng cao. Ngoài ra, sản phẩm này phải thỏa mãn được thị hiếu tiêu dùng của người châu Âu nói riêng và nhiều thị trường khác nói chung.

Bên cạnh đó, phải có chiến lược truyền thông và cách tiếp cận tốt như tiếp cận được cửa hàng bán lẻ, siêu thị, chuỗi bán buôn… Đây là những thách thức không nhỏ đối với các nhà sản xuất thực phẩm của Việt Nam trong một vài năm tới.

 

Theo chương trình thì các hiệp hội sẽ là nơi quản lý việc sử dụng thương hiệu thực phẩm quốc gia. Tuy nhiên, những nơi này lại cho rằng họ không có khả năng và chức năng làm nhiệm vụ quản lý chất lượng sản phẩm. Ý kiến của ông về vấn đề này?

– Chính xác, đây là một thách thức không nhỏ đối với các hiệp hội. Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng vẫn phải được thực hiện.

Tôi lấy ví dụ, EU-Mutrap đã hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho năm sản phẩm của Việt Nam như cà phê Buôn Ma Thuột, thanh long Bình Thuận, nước mắm Phú Quốc… Một trong những vấn đề quan trọng nhất và tốn nhiều thời gian nhất mà chúng tôi đã hỗ trợ Việt Nam chính là việc xây dựng hệ thống quản lý chất lượng.

Do đó, xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng là việc cần phải làm vì nếu không xây dựng được hệ thống kiểm soát chất lượng thì chỉ cần một trong số 100 doanh nghiệp sản xuất không tuân thủ tiêu chuẩn tối thiểu đối với một thị trường xuất khẩu thì Việt Nam sẽ bị mất thị trường đó và khó có thể lấy lại được.

Do đó, trước khi xuất khẩu với thương hiệu mới, phải làm sao đảm bảo được việc kiểm soát chất lượng sản phẩm. Nếu chưa thực hiện được việc kiểm soát chất lượng sản phẩm thì tốt nhất là không nên xuất khẩu và chờ thêm một thời gian nữa.

 

Theo ông, Chính phủ nên có những chiến lược hành động như thế nào để xây dựng thương hiệu thực phẩm quốc gia?

– Chính phủ cần phải có chiến lược nhằm tăng cường nhận thức của những người tham gia trong chuỗi giá trị sản xuất. Việc này không chỉ của riêng Vietrade (Trung tâm xúc tiến thương mại) mà của cả cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền tại những nơi có vùng trồng nông sản chính như cà phê, tiêu, chè, trái cây…

Ngoài ra, còn phải có các hoạt động ngoại giao, xúc tiến thương mại của Vietrade và thông qua các đại sứ quán của Việt Nam ở các nước để quảng bá thương hiệu.

Điều đặc biệt quan trọng là phải xây dựng được hệ thống giám sát chất lượng thực phẩm cả tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và nông sản nhập khẩu. Có như vậy mới đảm bảo việc xây dựng thành công thương hiệu thực phẩm quốc gia.

 

Xin cảm ơn ông!

[box] Ông Leon Trujilo, chuyên gia xây dựng thương hiệu thuộc Trung tâm xúc tiến nhập khẩu từ các quốc gia đang phát triển (CBI), chuyên gia tư vấn chính trong việc xây dựng thương hiệu thực phẩm Việt Nam, cho biết thương hiệu thực phẩm quốc gia sẽ thuộc sở hữu của Vietrade, sau đó Vietrade sẽ đăng ký sở hữu tại thị trường trong nước và quốc tế.

Các doanh nghiệp muốn sử dụng thương hiệu này sẽ phải thông qua các hiệp hội ngành hàng. Đồng thời, doanh nghiệp phải đảm bảo có chiến dịch truyền thông thương hiệu thực phẩm quốc gia hiệu quả và sản phẩm sử dụng thương hiệu phải đảm bảo chất lượng.

Việc sử dụng thương hiệu sẽ tăng nhận biết của khách hàng về thực phẩm Việt Nam, kích thích nhu cầu, nhà nhập khẩu sẽ tìm tới Việt Nam nhiều hơn, tạo ra sự khác biệt giữa nông sản Việt Nam và các nước khác trên thế giới. Theo thời gian, giá trị tăng thêm sẽ được chuyển tới người sản xuất. [/box]

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Vượt 600 bậc thang chiêm bái tượng Phật khổng lồ ở...

0
(SGTT) - Chùa Ông Núi hay Linh Phong Sơn tự là địa điểm văn hóa, tâm linh ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định,...

Về Phú Yên, thăm làng nghề đan thúng chai ở Tuy...

0
(SGTT) - Làng Phú Mỹ, xã An Dân, huyện Tuy An là một trong những nơi còn giữ nghề đan thúng chai truyền thống...

Buýt vi vu: Ghé thăm những nhà thờ cùng tuyến buýt...

0
(SGTT) - Trên tuyến xe buýt 30, du khách sẽ có dịp tìm về những công trình tôn giáo như nhà thờ Martino, nhà...

Giải nhiệt ngày hè với 5 thức uống mát lạnh, mới...

0
(SGTT) - Xoài hồng dừa non, trà quýt bạc hà hay nước dừa matcha... là những loại thức uống mới lạ, giúp bạn giải...

Dapen. – Không gian cà phê cá tính tại Đà Nẵng

0
(SGTT) – Dapen. - Quán cà phê “núp hẻm” với lối thiết kế đầy cá tính là địa điểm được nhiều bạn trẻ tại...

Hoa giáng hương ‘tô vàng’ đường phố Hà Nội

0
(SGTT) - Những ngày mùa Hạ, nhiều tuyến đường ở Hà Nội được “tô vàng” bởi sắc hoa giáng hương. Đầm hoa lục bình...

Kết nối