Thứ Hai, Tháng Tư 29, 2024

Căng thẳng, đau tim, loét dạ dày vì tiếng ồn

Theo các chuyên gia về môi trường, sức khỏe và tâm lý, các thành phố lớn là nơi tập trung mọi loại ô nhiễm tiếng ồn, từ tiếng còi xe inh ỏi trong giao thông, nhạc cường độ lớn ở quán cà phê, cho đến loa phát ầm ĩ chương trình khuyến mãi tại các trung tâm điện máy… Tất cả những loại tiếng ồn đó đều có ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Bị “tra tấn” với tiếng ồn, người ta dễ rơi vào trạng thái căng thẳng thần kinh, gây ra các bệnh tim mạch, huyết áp.

>> Ô nhiễm tiếng ồn: Nhức óc, đinh tai và… chịu đựng!

Chạy trốn tiếng ồn

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Trung tâm tư vấn và ứng dụng tâm lý Hồn Việt, cho rằng tiếng ồn đô thị ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý, tâm thần và sức khỏe của người dân. “Nhiều người nước ngoài đến sống ở thành phố, họ than phiền là không ngủ được, họ bị hãm hại lỗ tai”, bà Tâm nói. Có câu chuyện, một nữ tiến sĩ tâm lý từ Pháp đến TPHCM làm việc nhưng rồi cuối cùng không trụ lại được thành phố mà phải về Đà Lạt để tiếp tục công việc. Lý do bà này di chuyển, đơn giản chỉ là không chịu được tiếng ồn tại một đô thị như TPHCM. Theo bà này, thành phố quá ồn ào và bà “không thể tưởng tượng được người Việt Nam có thể sống với cường độ tiếng ồn kinh khủng như vậy, từ việc bấm còi xe một cách thiếu ý thức, loa phát hết công suất ở các cửa hàng điện máy hay quán cà phê, đến âm thanh từ máy móc của các cơ sở sản xuất chen lẫn trong khu dân cư…”.

Khi tiếng ồn đã trở thành “điều quen thuộc” ở đô thị, người ta dường như không còn nghe nữa, nhưng có thể cảm thấy tiếng ồn ngay cả bằng... mắt. Ảnh: Trần Việt Đức
Khi tiếng ồn đã trở thành “điều quen thuộc” ở đô thị, người ta dường như không còn nghe nữa, nhưng có thể cảm thấy tiếng ồn ngay cả bằng… mắt. Ảnh: Trần Việt Đức

Bà Tâm nói rằng, tiếng ồn đã xâm phạm đến sự bình yên và cuộc sống của người dân, ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý, thị giác, xúc giác và cả thính giác, gây tác động trực tiếp đến trạng thái cảm xúc của con người. Tiếng ồn đô thị cũng làm cho mọi người nhức đầu, ù tai, mệt mỏi, căng thẳng thần kinh, dẫn đến cáu gắt, nóng nảy và bực bội. Tiếng ồn có thể gây lo lắng và hoảng loạn nặng. Có thể có các biểu hiện cảm giác mệt mỏi và giảm hiệu quả công việc. “Ở nước ngoài, các công trình nhà ở thường được xây dựng hai lớp gạch, loại gạch dài 20 cm nhằm cản âm, các loại xe cộ hay thiết bị gia dụng như máy lạnh, máy giặt… đều được chế tạo sao cho hạn chế phát ra tiếng ồn”, bà Tâm nhận định.

Ở góc độ y tế, PGS.BS. Phạm Thọ Tuấn Anh, Chủ tịch Hội Phẫu thuật tim mạch-Lồng ngực TPHCM, nói rằng đã có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy tiếng ồn không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới tai (thính giác), tới giấc ngủ, hành vi con người trong cộng đồng mà còn ảnh hưởng đến tim mạch, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch…

Bệnh tật, giảm tuổi thọ

Theo PGS.BS. Phạm Thọ Tuấn Anh, người dân sống ở đô thị, đặc biệt sống gần đường cao tốc, đường sắt, hay các khu phố có nhiều xe cộ qua lại, gần nhà máy công xưởng… thì tỷ lệ mắc bệnh cao huyết áp tăng 15-20 lần so với vùng nông thôn. Ngoài ra, nếu nghe liên tục tiếng ồn ở mức lớn hơn 70 dB (đề xi ben – đơn vị đo cường độ âm thanh) có thể tăng nguy cơ bệnh nhồi máu cơ tim, một nguyên nhân dẫn đến đột tử. Tại các đô thị ở Việt Nam hiện nay, ô nhiễm tiếng ồn đang là vấn đề đáng lo ngại. Ví dụ, tiếng ồn từ giao thông vận tải (tiếng động cơ, còi xe, tiếng xe lửa chạy, tiếng máy bay…) được tạo ra với cường độ cao, lặp lại thường xuyên sẽ gây giảm hoặc mất thính lực đối với những ai phải nghe thường xuyên.

Ngoài ra, ông cho rằng tiếng ồn là thủ phạm kích thích cơ thể tăng tiết ra các chất như cathecholamin, cortison, serotonin. Các chất này bình thường tham gia vào điều phối các hoạt động của cơ thể ở trạng thái ổn định, trong đó có hoạt động của hệ tim mạch. Việc thay đổi nồng độ các chất này khiến cho nhịp tim nhanh, tăng huyết áp. Bên cạnh đó, còn ảnh hưởng đến giấc ngủ, lâu dài sẽ dẫn đến thiếu ngủ hoặc mất ngủ. “Đây cũng là nguyên nhân làm tăng khả năng bị tăng huyết áp, rối loạn hoạt động của tim”, BS. Tuấn Anh nói.

Mặt khác, tiếng ồn quá mức và thường xuyên còn có nguy cơ làm cho người ta mắc phải những căn bệnh liên quan đến hành vi, thần kinh, thậm chí là… loét dạ dày. Theo các bác sĩ, khi tiếng ồn đạt tới 50 dB về ban đêm thì giấc ngủ bị đứt quãng, giấc ngủ sâu bị tổn thất 60%. Vào ban ngày, khi tiếng ồn 70-80 dB sẽ gây mệt mỏi, 90-110 dB bắt đầu gây nguy hiểm và 120-140 dB có khả năng gây chấn thương đến thính giác. Ngoài ra, nếu phải sống chung với tiếng ồn, người ta dễ bị các tác động như tăng hút thuốc, uống rượu…

Là người đã thực hiện nhiều nghiên cứu về tiếng ồn, PGS.TS. Nguyễn Đinh Tuấn (nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Tài nguyên-Môi trường TPHCM) cho biết, tiếng ồn tác động đến tai, sau đó tác động đến hệ thần kinh trung ương, rồi đến hệ tim mạch, dạ dày và các cơ quan khác. Ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng tới sức khỏe và hành vi của con người theo nhiều cách khác nhau, như mất ngủ, khó chịu, khó tiêu, ợ nóng, huyết áp cao, bệnh tim và bệnh điếc. Ông nêu ví dụ, chỉ cần tiếng ồn mạnh phát ra từ một chiếc xe tải chạy trên đường đã có thể tác động xấu tới tuyến nội tiết, hệ thần kinh và tim mạch của nhiều người. Nếu tình trạng đó kéo dài hoặc thường xuyên, sự rối loạn sinh lý sẽ trở thành mãn tính và là nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần.

Theo ông Tuấn, nhằm giảm tác hại lâu dài này, ngành môi trường cần có những giải pháp để đối phó với vấn đề trên bằng cách thiết lập hệ thống đo tiếng ồn tại các nút giao thông đông đúc, tuyên truyền tác hại của tiếng ồn cho người dân. “Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần có đường dây nóng và tích cực giải quyết các khiếu nại của người dân khi bị tác động của ô nhiễm tiếng ồn”, ông nói.

Hoàng Nhung

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Mệt với tiếng ồn

0
Mới đây, tôi ngồi uống cà phê tại một quán cóc trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TPHCM để thư giãn với bạn...

Người phải “hót” với nhau bằng nốt cao

0
“Tiếng ồn con người gây ra trong thế giới ngày nay làm cho bọn chim phải thức đêm hót để gọi bạn tình, bọn...

Nhức óc, đinh tai và… chịu đựng!

0
Ô nhiễm tiếng ồn - LTS: Sự hối hả, tất bật lo toan nhiều mặt trong cuộc sống đô thị dường như khiến cư...

Kết nối