Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Người phải “hót” với nhau bằng nốt cao

“Tiếng ồn con người gây ra trong thế giới ngày nay làm cho bọn chim phải thức đêm hót để gọi bạn tình, bọn châu chấu đực phải thay đổi “tình khúc” tìm bạn gái và cả đến đám cá voi đầu bò dưới nước cũng căng thẳng, sinh sản chậm lại”, theo một vài nghiên cứu về động vật trong đời sống đô thị vừa công bố thời gian qua tại Mỹ.

Nhưng ở một nơi con người… giàu có tiếng ồn và năng lực làm ồn như các đô thị lớn tại Việt Nam, thì chưa có nghiên cứu cụ thể nào chỉ ra cụ thể về tác động của cái gọi là ô nhiễm âm thanh lên tâm lý thị dân.

>> Căng thẳng, đau tim, loét dạ dày vì tiếng ồn

>> Nhức óc, đinh tai và… chịu đựng!

Ồn vô tư, ồn… hồn nhiên

Hàng ngày, người dân các thành phố lớn tại Việt Nam bước ra đường là gặp ô nhiễm tiếng ồn. Bằng phương tiện giao thông cơ giới của mình, mỗi người góp một chút vào dòng sóng thanh âm cuồn cuộn của thành phố. Đường phố một ngày không ngớt tiếng động cơ xe máy, xe hơi rầm rì, tiếng bóp còi inh ỏi… Những phương tiện giao thông cơ giới chen chúc vận hành cùng lúc và tạo ra sóng âm cực đại tác động vào màng nhĩ của con người. Nhưng ai cũng hiểu rằng, khó có thể lên án, bởi đơn giản, trong cái hỗn độn thanh âm đó, có sự góp phần của chính mình.

Hàng ngày, trong những khu mua sắm, siêu thị, đặc biệt là ở các hội chợ… người ta thích “tra tấn” màng nhĩ của nhau bằng cách để những bộ loa thùng, loa kỹ thuật số luôn ở mức hoạt động hết công suất. Có lẽ trong thâm tâm, nhiều chủ cửa hàng nghĩ rằng, cứ mở càng to thì sẽ càng được chú ý. Chẳng ai biết từ bao giờ xuất hiện lối nghĩ hài hước cho rằng âm thanh càng ồn, càng huyên náo thì càng thu hút đông khách hàng đến với mình. Hiệu quả đến đâu chưa biết, nhưng một điều mà ai cũng có thể cảm nhận được (và là người văn minh sẽ cảm giác vô cùng khó chịu) khi mà ai cũng ra sức kéo những bộ loa để “đua tiếng” thì không gian chung trở thành một cuộc “ẩu đả”, đinh tai nhức óc, đầy kinh khủng.

Ở các cơ sở sản xuất, người lao động bị căng thẳng vì áp lực công việc cộng với tác động của âm thanh do máy móc thiết bị phát ra. Ảnh: Thành Hoa
Ở các cơ sở sản xuất, người lao động bị căng thẳng vì áp lực công việc cộng với tác động của âm thanh do máy móc thiết bị phát ra. Ảnh: Thành Hoa

Hàng ngày, trong các công xưởng, cơ sở sản xuất, nơi công trường, nhiều người phải lao động trong tình trạng căng thẳng vì áp lực công việc cộng với tác động của âm thanh do máy móc thiết bị phát ra. Họ không cách gì khác, công việc mưu sinh khiến phải chấp nhận.

Hàng ngày, nằm khuất trong những con hẻm, khu xóm lao động, không xe cộ, đời sống tưởng tĩnh lặng hơn, nhưng rồi ô nhiễm tiếng ồn vẫn xuất hiện. Phổ biến là thanh âm của máy karaoke, máy hát đĩa được mở ở chế độ cực đại. Sự “tra tấn” này xảy ra nhiều nơi, có khi nhẹ thì dẫn đến xóm giềng cãi vã, nặng thì xảy ra án mạng và nặng hơn nữa, là “nhà nó hát to nhà mình còn hát to hơn”.

Hàng ngày, trong đời sống đô thị chúng ta, ô nhiễm tiếng ồn tồn tại dưới nhiều dạng thức. Có những dạng thức quen thuộc tới mức mà ta quên rằng đó là một dạng ô nhiễm, tác động tiêu cực đến sức khỏe để mà tránh.

Khi người cũng… hót ở nốt cao như chim!

Các nhà khoa học ở Viện Max Planck ở Đức đưa ra kết quả nghiên cứu khẳng định rằng, những chú chim két sống ở thành phố có xu hướng hót ở những nốt cao hơn “đồng bọn” chúng ở thôn quê và giải thích rằng đó là một cách đối phó với ô nhiễm tiếng ồn đô thị. Hóa ra câu chuyện loài chim két cũng tương tự câu chuyện con người. Phải nói là việc giao tiếp trực tiếp giữa con người với nhau trong đời sống đô thị đang ngày càng khó khăn, bởi nó diễn ra trên một cái nền thanh âm hỗn độn, huyên náo. Con người có thể nghe được tiếng nói của nhau, nhưng khó “lọt lỗ tai” bởi trạng thái căng thẳng là thường trực.

Tiếng ồn tác động đến tâm lý, khiến cho người nói “phát thanh” ở những “nốt” cao hơn, dễ gay gắt hơn. Tiếng ồn cũng tác động tới tâm lý, khiến người nghe căng thẳng, “khó nghe” những thanh âm chói tai từ người đối diện, đặc biệt đang khi xảy ra các vụ xung đột hay va chạm. Vì cơ bản, ai cũng đang “hót ở những nốt cao” đầy bất thường. Những vụ sửng cồ, to tiếng, ẩu đả dễ xảy ra trên đường một phần có thủ phạm là ô nhiễm tiếng ồn.

Ô nhiễm tiếng ồn cũng đang ảnh hưởng âm thầm đến năng suất công việc của mỗi người, nó lấy đi sự tập trung và một tinh thần sáng suốt để có thể xử lý mọi công việc một cách hiệu quả. Nhưng có một điều quan trọng hơn, nếu mất kiểm soát hoàn toàn với tiếng ồn, thì con người đô thị đi đến một thứ nguy cơ khác: nghiện tiếng ồn. Triệu chứng là người ta thấy mình thừa thải vô nghĩa nếu không phải nghe bên tai một thanh âm nào đó, cho dù đó là những thứ thanh âm không cần thiết, nhảm nhí và vô ích cho quá trình tri nhận đời sống. Triệu chứng nghiện tiếng ồn biểu hiện qua việc người ta về nhà là cầm ngay remote bật ti vi, bật nhạc lên mà không cần biết đó là loại nhạc gì, ti vi đang chiếu chương trình gì… Những nạn nhân này chỉ cần có âm thanh bên tai theo thói quen, để truất hữu trọn vẹn sự im lặng ở chính cái không gian sống của mình. Họ sợ thinh lặng, sợ đối diện với bản thân.

Tất cả những điều trên biểu hiện của một đời sống đầy áp lực cộng thêm sự mất kiểm soát do tiếng ồn thường xuyên tác động tâm lý con người.

Nhưng vấn đề đặt ra là tại sao khó xử lý loại ô nhiễm này?

Trước hết, âm thanh là thứ chỉ nghe, không nhìn thấy được. Việc đo lường tiếng ồn phát ra với tần số bao nhiêu hertz (Hz), với deciben (dB) cần thiết để có thể định lượng rõ ràng trong xử lý. Những giải pháp kiến trúc giải quyết cách âm không gian sống, công xưởng sản xuất đã được ứng dụng nhưng mang tính cục bộ, nó không giải quyết được tiếng ồn trong đời sống công cộng. Tiếp đến, người dân biết tiếng ồn làm mình khó chịu, nhưng không nhiều người biết những tác hại sâu xa đến sức khỏe (thính giác, nội tiết…), tâm thần hay hiệu quả công việc để khắc phục.

Nhưng điều quan trọng nhất chính là cái tâm lý “trăm nhà đua tiếng”, coi thường những nguyên tắc văn minh trong ứng xử công cộng đã khiến cho nhiều người góp sức tạo ra tiếng ồn và đồng thời trở thành nạn nhân của loại ô nhiễm này.

Nguyễn Vinh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Mệt với tiếng ồn

0
Mới đây, tôi ngồi uống cà phê tại một quán cóc trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TPHCM để thư giãn với bạn...

Căng thẳng, đau tim, loét dạ dày vì tiếng ồn

0
Theo các chuyên gia về môi trường, sức khỏe và tâm lý, các thành phố lớn là nơi tập trung mọi loại ô nhiễm...

Nhức óc, đinh tai và… chịu đựng!

0
Ô nhiễm tiếng ồn - LTS: Sự hối hả, tất bật lo toan nhiều mặt trong cuộc sống đô thị dường như khiến cư...

Kết nối