Thứ Năm, Tháng Năm 2, 2024

Bán hàng đa kênh dần trở thành xu hướng

Chí Thịnh –

Việc hình thành nhóm người tiêu dùng thường xuyên mua sắm khiến cho mạng lưới bán hàng đa kênh (Omni-channel) có điều kiện phát huy hiệu quả tối đa. Đồng thời, các nhà bán lẻ quy mô lớn cũng bắt đầu tham gia vào xu hướng kinh doanh đa kênh.

Đa kênh giúp tăng nhanh doanh thu

9

Các nhà bán lẻ đang hướng tới việc phát triển mạng lưới bán hàng đa kênh (Omni-channel) nhằm thu hút nhóm khách hàng thường xuyên mua hàng ở nhiều kênh bán hàng khác nhau. Omni-channel bao gồm nhiều kênh bán hàng khác nhau, từ các cửa hàng bán lẻ truyền thống (offline) tới kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng qua ứng dụng di động (app)…

Một số doanh nghiệp trong nước đã đón đầu xu hướng bán lẻ này và gặt hái được thành quả từ mô hình kinh doanh Omni-channel. Hiện tại, không chỉ có các công ty nhỏ vốn có thế mạnh về bán hàng trực tuyến mà một số doanh nghiệp đang sở hữu mạng lưới cửa hàng bán lẻ truyền thống lớn cũng chuyển qua đầu tư Omni-channel.

Có thể kế đến một số doanh nghiệp như Thế giới Di động, Nguyễn Kim, Juno (chuỗi cửa hàng bán giày nữ)… đang đầu tư mạnh vào mô hình Omni-channel. Kể cả các nhà bán lẻ có hệ thống phân phối trên quy mô lớn như Vinamilk hoặc Aeon Mall cũng tham gia vào mô hình đa kênh.

Bà Võ Thị Hoàng Quân, Giám đốc chuỗi cửa hàng và thương mại điện tử công ty Vinamilk (quản lý trang web giacmosuaviet.com.vn) cho biết Vinamilk cảm thấy cần phát triển kênh bán hàng trực tuyến để hỗ trợ mạng lưới cửa hàng truyền thống vì vậy công ty áp dụng mô hình bán hàng đa kênh. Thông qua mạng lưới cửa hàng bán lẻ trên phạm vi toàn quốc, khách hàng đặt mua sữa trên Vinamilk eShop sẽ được giao hàng tận nơi rất nhanh.

Bà Quân cũng cho biết thêm doanh thu bán hàng trực tuyến các loại sữa trên trang web giacmosuaviet.com.vn hiện tại đang chiếm khoảng 9% tổng doanh thu đến từ các cửa hàng, đối tác bán lẻ của Vinamilk.

Ông Huỳnh Lâm Hồ, Giám đốc điều hành công ty Haravan (đơn vị cung cấp nền tảng bán hàng đa kênh) cũng cho rằng mặc dù Vinamilk chỉ mới phát triển kênh bán hàng trên mạng nhưng đã có nhiều khách hàng chọn mua qua kênh này vì tốc độ giao hàng nhanh, khả năng nhận diện khách hàng từ nhiều kênh (trang web, Facebook…) giúp công ty phục vụ khách hàng được tốt hơn.

Ví dụ như khi khách hàng ở khu vực quận 4, TPHCM đặt hàng thông qua trang web hoặc yêu cầu mua hàng trên trang Facebook của Vinamilk, đội ngũ bán hàng sẽ tạo đơn hàng, nhóm quản lý thị trường trực tuyến sẽ chuyển đơn hàng xuống kênh phân phối. Sau khi xác nhận đơn hàng, một trong các cửa hàng bán lẻ ở quận 4 (vị trí gần nhất) sẽ nhận nhiệm vụ giao sữa đến khách hàng.

Bà Trịnh Vân Hoa, Giám đốc cấp cao khối thương mại điện tử của siêu thị điện máy Nguyễn Kim cho biết các doanh nghiệp không cần phải đi từng bước từ bán hàng đơn kênh đến bán hàng đa kênh (Multi-channel, Cross-channel) rồi mới phát triển mô hình Omni-channel mà họ có thể đi tắt đón đầu từ đơn kênh đến đa kênh Omni-channel.

[box] Bán lẻ đa kênh là gì?

Omni-channel là mô hình bán hàng đa kênh của ngành bán lẻ, tích hợp các kênh bán hàng truyền thống và trực tuyến, người mua hàng đến từ nhiều nguồn và sử dụng các thiết bị khác nhau (điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop…) để tìm kiếm thông tin sản phẩm, đặt hàng… Doanh nghiệp thông qua đa kênh sẽ nhanh chóng mở rộng sự hiện diện của mình ở nhiều thị trường, đa dạng hóa mặt hàng. Mô hình này phát triển từ Multi-Channel, nhưng điểm khác biệt là nếu Multi-Channel phục vụ riêng lẻ khách hàng của từng kênh thì Omni-Channel tập trung cung cấp trải nghiệm mua sắm liền mạch, thống nhất cho khách hàng.[/box]

Người mua hàng cũng… đa kênh

Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam vừa đưa ra khái niệm người mua hàng đa kênh (Omni-channel Shopper) trong bản báo cáo xu hướng người mua hàng 2017 (Shopper Trend), đây là nhóm người tiêu dùng thường xuyên mua hàng từ nhiều kênh bán hàng khác nhau. Báo cáo cho thấy có nhiều sự khác biệt giữa người mua hàng truyền thống và người mua hàng đa kênh và điều này mở ra nhiều cơ hội cho cả nhà sản xuất lẫn nhà bán lẻ.

Theo báo cáo này, 82% người mua hàng truyền thống thường xuyên mua hàng theo kế hoạch, điều này sẽ khiến cho các nhãn hàng khó lòng lôi kéo được khách hàng mới. Trong khi đó, chỉ có 48% người mua hàng đa kênh mua hàng theo kế hoạch. Đồng thời, chỉ có 6% người tiêu dùng đi mua hàng do muốn tận dụng các chương trình khuyến mãi. Ngược lại, có đến 57% người tiêu dùng đa kênh quyết định mua sắm do các chương trình khuyến mãi.

Ngoài ra, người mua hàng đa kênh (Omni shopper) cũng có khuynh hướng mua sắm dự trữ với số lượng lớn nhiều hơn với tỷ lệ 44% so với người mua hàng truyền thống (Traditional shopper) chỉ có 19%.

Hiện tại, các nhà bán lẻ lớn như Aeon Mall, Thế giới Di động, Central Group (sở hữu chuỗi bán lẻ BigC và Nguyễn Kim) đều hướng tới phát triển mạng lưới bán hàng đa kênh. Doanh thu bán hàng online của các đơn vị đang tăng trưởng mạnh, góp phần hỗ trợ về truyền thông, thu hút khách hàng tới chuỗi cửa hàng bán lẻ offline…

Như mục tiêu của công ty cổ phần đầu tư Thế giới Di động (MWG) là kinh doanh online sẽ trở thành một mũi nhọn của MWG trong năm 2017. Hiện tại, với các trang web được đầu tư bài bản, MWG xây dựng và vận hành mô hình đa kênh dành cho nhà bán lẻ có chuỗi offline phủ rộng như thegioididong.com và dienmayxanh.com.

Theo định hướng phát triển kinh doanh của MWG trong năm 2017, doanh thu bán hàng online sẽ tiếp tục tăng trưởng 100%, đạt 6.650 tỉ đồng. Trước đó, trong năm 2016 doanh thu bán hàng trực tuyến của MWG là 3.372 tỉ đồng (tăng 104% so với năm 2015).

Tuy nhiên, trên thực tế các nhà bán lẻ cũng chưa thực sự đầu tư mạnh cho mảng trực tuyến, họ cũng triển khai thử nghiệm ở một vài khu vực. Như MWG mở kênh bán hàng bách hóa trực tuyến vuivui.com nhưng thời gian đầu chỉ giao hàng cho khách hàng đặt mua ở TPHCM. Hoặc Aeon Mall khi mở trang thương mại điện tử Aeon eShop vào đầu năm 2017 cũng giới hạn khu vực giao hàng ở TPHCM.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, đại diện chuỗi bán lẻ giày nữ Juno.vn cho biết  Juno đã hình thành mô hình bán lẻ Omni-channel ngay từ khi chuỗi bán lẻ này mới chỉ có ba cửa hàng. Mục tiêu xây dựng mô hình này là hướng vào việc làm hài lòng trải nghiệm của khách hàng, vì làm cho khách hàng hài lòng chính là điểm cốt lõi của bán lẻ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Hoa giáng hương ‘tô vàng’ đường phố Hà Nội

0
(SGTT) - Những ngày mùa Hạ, nhiều tuyến đường ở Hà Nội được “tô vàng” bởi sắc hoa giáng hương. Đầm hoa lục bình...

Trưa nay ăn gì: Thử salad gà sốt chanh dây lành...

0
(SGTT) – Sau những ngày tiệc tùng của kỳ nghỉ lễ 30-4, buổi trưa đi làm lại của mọi người nên chọn món ăn...

Khám phá rặng núi Dolomites hùng vĩ ở miền Bắc nước...

0
(SGTT) - Rặng núi Dolomites thuộc miền Bắc nước Ý được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Cảnh quan hùng vĩ của...

Người dân trở lại TPHCM sau dịp lễ: cửa ngõ đông...

0
(SGTT) – Chiều 1-5, người dân ở các địa phương bắt đầu trở lại TPHCM sau kỳ nghỉ lễ. Theo ghi nhận của Sài...

Startup Việt ‘không thể khởi nghiệp trên ti vi’

0
(SGTT) - Dòng vốn dành cho startup Việt Nam cạn dần trong năm ngoái với chỉ 541 triệu đô la, giảm mạnh so với...

Xe điện hết nóng

0
(SGTT) - Tesla được xem là "hàn thử biểu" đo lường độ nóng của thị trường xe điện; và khác với những năm trước,...

Kết nối