Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Bài kiểm tra chất lượng ngành sau dịch

Có thể nói hai đợt nghỉ lễ vừa qua (Giỗ tổ Hùng Vương và 30-4, 1-5) là bài kiểm tra chất lượng cho ngành du lịch, đặc biệt là du lịch nội địa sau thời gian dài tê liệt vì dịch giã. Đã thấy tín hiệu lạc quan trong việc khôi phục ngành công nghiệp không khói này.
Khách đến Thừa Thiên Huế dịp 30-4 và 1-5. Ảnh: Đức Quang

Ngành du lịch nội địa đã trỗi dậy mạnh mẽ bất chấp những tàn phá của dịch Covid-19 hai năm qua. Theo báo cáo từ Sở Du lịch Đà Nẵng, tổng lượng khách tham quan, du lịch thành phố Đà Nẵng trong bốn ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5 ước đạt hơn 254.000 lượt, tăng hơn 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2021 với đa phần là khách nội địa. Công suất phòng ở khối khách sạn 4-5 sao ước đạt trên 70%, trong đó khách sạn ven biển đạt trên 90%. Hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế cũng ghi nhận số lượng du khách vượt trội với các con số tương ứng là 200.000 và khoảng 55.000 lượt khách.

Dịp này, Quảng Ninh đón 340.000 lượt khách. Theo Sở Du lịch tỉnh này, tỷ lệ lấp đầy tại các khu nghỉ dưỡng, khách sạn hạng sang đạt 90-100%. Các tàu đưa khách tham quan và lưu trú trên vịnh Hạ Long luôn trong tình trạng kín khách. Còn Kiên Giang đã đón hơn 290.000 lượt khách, trong đó hơn 127.000 khách đến Phú Quốc, tăng 65,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, những địa phương nêu trên chưa phải là điểm đến thu hút đông khách nhất trong dịp lễ, theo thống kê mới đây từ trang web của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Đứng đầu trong danh sách là Thanh Hóa với tổng cộng 898.000 lượt du khách, trong đó khách lưu trú là 577.400 lượt, tăng 85,6% so với năm 2021. Vị trí thứ hai và ba thuộc về Nghệ An và Hà Nội với số lượt khách tương ứng là 712.000 và 550.000.

Theo những người trong cuộc, có được những con số tích cực ở trên là nhờ các địa phương, doanh nghiệp đã chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để phục vụ du khách. Nhiều nơi đã bổ sung thêm các sản phẩm, dịch vụ mới, thông tin, quảng bá để thu hút khách, do đó khách du lịch có nhiều lựa chọn phù hợp với thời gian nghỉ lễ và khả năng tài chính của mình.

Tuy nhiên, cùng với sự hiện diện đông đúc như trẩy hội mùa xuân của du khách sau hai năm vắng bóng ở các điểm đến là những vấn đề mới phát sinh và những vấn đề còn tồn đọng của hoạt động du lịch, như nạn chèo kéo khách, tăng giá bán so với mức niêm yết… bất chấp nỗ lực ngăn cản của chính quyền địa phương.

Ông Nguyễn Hà Hải, Giám đốc Công ty cổ phần du lịch và dịch vụ Hòn Gai (chi nhánh Quảng Ninh), cho rằng du khách đến đông trong dịp lễ vừa rồi là một tín hiệu vui của ngành nhưng cũng bộc lộ điểm yếu của ngành sau hai năm dịch giã: thiếu nhân sự giỏi nghề – những người đã phải rời ngành khi ngành du lịch chết cứng do dịch hai năm qua đã không quay trở lại.

Chia sẻ thêm về những vấn đề phát sinh khi du lịch mở cửa trở lại, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Khu Du lịch Bắc Mỹ An – đơn vị vận hành quần thể Furama Resort, Furama Villas và Cung Hội nghị Quốc tế Ariyana, cho hay có nhiều bài học cần rút ra từ hai đợt lễ vừa qua. Đó là huấn luyện nghiệp vụ cho nhân viên, bảo dưỡng cơ sở vật chất thật tốt sau thời gian dài ngưng hoạt động.

Tiến đến du lịch bền vững

Ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn và quản lý điểm đến Outbox, nói: “Bài học mà du lịch Việt Nam cần rút ra là phải nhìn rộng ra cho cả giai đoạn hai năm vừa qua chứ không chỉ dừng lại ở một số cột mốc như đợt lễ 30-4 vừa rồi”.

Theo ông Phước, hai năm khó khăn vừa rồi cho thấy thị trường du lịch không phải lúc nào cũng diễn tiến thuận lợi, tăng trưởng mà luôn tồn tại những rủi ro và nguy cơ.

Thực tế thời gian qua ngành du lịch Việt Nam nói chung và bản thân các cơ quan quản lý hay doanh nghiệp du lịch đã không có được sự chuẩn bị cho những tình huống xấu. Đến nay, khi ngành du lịch thế giới từng bước phục hồi thì ngành du lịch Việt Nam còn đang lúng túng do thiếu tầm nhìn chiến lược, thiếu sự đầu tư dài hạn theo hướng bền vững.

Nhân Tâm
Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối